April 26, 2024, 7:33 am

Nghệ thuật truyền thống - Tre già, măng chưa mọc

 

Một cuộc Hội thảo mang tên “Phát huy tài năng nghệ sĩ trẻ, nghiên cứu trẻ trong sự nghiệp kế thừa và phát triển văn nghệ dân tộc hôm nay” đã được Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức vào những ngày cuối cùng của năm 2018 với sự tham gia của rất đông văn nghệ sĩ và các nhà quản lý. Tại hội thảo, một lần nữa câu chuyện thiếu tác giả, kịch bản sân khấu hay, và thiếu một đội ngũ người trẻ làm công tác nghiên cứu đang ngày càng trở nên trầm trọng đối với lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật truyền thống.

 

Giữ lửa nghề truyền thống. Ảnh internet

Trước Hội thảo chưa lâu, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã tiến hành tổng kết và trao giải thưởng năm 2018 cho các cá nhân và tập thể có công trình nghiên cứu đoạt giải trong năm. Trong bài phát biểu mang tính chất tâm sự của mình, Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã thừa nhận, công tác sưu tầm, nghiên cứu hiện nay chủ yếu do những người làm khoa học, lực lượng vũ trang… đã nghỉ hưu tham gia. Và ông lý giải, do họ có lợi thế về thời gian, kinh nghiệm sống và điều kiện kinh tế…, vốn là những thứ mà những người trẻ không thể có được, dù rằng họ đam mê với lĩnh vực này.

Không chỉ có Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đang phải đối mặt với sự “già hóa” trong đội ngũ sưu tầm, nghiên cứu các giá trị văn hóa cổ, mà lĩnh vực sân khấu cũng có chung cảnh ngộ. Trong năm 2018, Hội Nghệ sĩ Sân khấu đã tổ chức 3 trại sáng tác nhằm tìm kiếm kịch bản hay, đồng thời phát hiện và đào tạo đội ngũ biên kịch kế cận. Nhưng nhìn đi nhìn lại, thì những người đến với trại sáng tác đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, trẻ nhất thì cũng đã… 50 tuổi.

Nói về sự “già hóa” sân khấu, nhà biên kịch, đạo diễn Hoàng Thanh Du cho biết: lực lượng tác giả và đạo diễn trong lĩnh vực sân khấu đang rất thiếu và yếu trầm trọng. Hầu như rất ít tác giả biên kịch dưới 60 tuổi. Ở lĩnh vực đạo diễn tình hình khả quan hơn là mức tuổi trên dưới 50. Trong khi đó các bộ môn nghệ thuật khác đã có sự trẻ hóa. Đặc biệt là lĩnh vực điện ảnh đã có những biên kịch, đạo diễn dưới 40 tuổi, thậm chí còn dưới 30 tuổi.

Sự chênh lệch về độ tuổi của nguồn nhân lực giữa các loại hình nghệ thuật là một thực tế không khó nhận ra, và cũng không khó để tìm câu trả lời. Nhưng có thực là lớp trẻ thờ ơ, thậm chí quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống? Hay do những cơ chế chính sách, và sự truyền lửa của các bậc tiền bối chưa đủ để đánh thức niềm đam mê nghệ thuật truyền thống trong giới trẻ?

GS.TS Lê Hồng Lý, người có gần 40 năm làm nghiên cứu về lễ hội, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng: “Có một thực tế với lực lượng người nghiên cứu, biểu diễn các giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian là người già dần dần ra đi, lớp trẻ thờ ơ với truyền thống”. Tuy nhiên, theo ông cũng không thể bắt buộc, áp đặt những người trẻ phải yêu mến và trọng những giá trị Văn hóa nghệ thuật truyền thống. Trong thời buổi kinh tế thị trường, vì cuộc sống mưu sinh nên người trẻ chưa/ không thể mặn mà với các ngành khoa học và nghệ thuật. Thực tế là, để thành tài hay vững vàng trong nghề này đòi hỏi phải có thời gian, công sức học tập và rèn luyện; cần sự kiên trì và đặc biệt là niềm say nghề. Có được tất cả những điều trên, thì cũng phải mất hàng chục năm mới có thể tạm ổn và sống được bằng nghề. Trong khi đó, các lĩnh vực khác có thể nhanh chóng kiếm được việc làm và thu nhập ổn định.

Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật biểu diễn truyền thống, dần khắc phục tình trạng “tre già nhưng măng chưa mọc”, Chính phủ đã chính thức phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn năm 2020, định hướng 2030 và quy hoạch Đào tạo bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030… Đây đều là những căn cứ pháp lý được coi là điều kiện cần và đủ để Văn hóa nghệ thuật truyền thống có thể tạo nên một diện mạo mới. Cũng đã có những thay đổi nhất định được ghi nhận, đó là sự ra đời của Nhóm S Rivero, nhóm Tôi Xê Dịch, hay ba “gã khùng” Tam Dân Xã, nhóm Đình làng Việt, Đại Việt Cổ Phong…, họ là những người trẻ đang miệt mài trên hành trình lội ngược dòng trở về với những giá trị truyền thống, làm sống dậy hồn dân tộc trong lĩnh vực văn hóa, giải trí và cả kinh doanh đương đại qua những dự án như: “Hoa văn Đại Việt”, “Họa sắc Việt” hay “Dệt nên triều đại”; đã đặt mục tiêu cung cấp chất liệu cho phim ảnh Việt, giúp trang phục trong phim bám sát lịch sử mà vẫn đạt tính thẩm mỹ, hiện đại.

Song song với những dự án của lớp trẻ, nghệ thuật truyền thống cũng tự đổi mới để đi tìm khán giả. Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp Tuồng, Bài chòi và Dân ca kịch toàn quốc 2018 vừa diễn ra tại tỉnh Quảng Ngãi là một ví dụ, cho thấy Văn hóa nghệ thuật truyền thống vẫn có một chỗ đứng rất riêng trong lòng công chúng yêu nghệ thuật. 15 vở diễn với các loại hình nghệ thuật truyền thống: Tuồng, dân ca Bài chòi, Dân ca kịch đã được làm mới một phần hoặc hoàn toàn mới, tạo nên một sân khấu đa sắc màu, đậm dấu ấn nghệ thuật văn hóa dân gian. Những tiết mục đã tạo ra nụ cười, lấy đi những giọt nước mắt, những tràng pháo tay tán thưởng của hàng trăm lượt khán giả đến xem mỗi buổi diễn. Đó là nguồn cổ vũ, động viên cho các nghệ sĩ, diễn viên, là minh chứng cho thấy khán giả không quay lưng với nghệ thuật truyền thống.

Với biểu diễn nghệ thuật truyền thống thì quy luật “thầy già con hát trẻ” chính là thể hiện sự tiếp nối giữa các thế hệ biểu diễn. Nhưng với những người làm công tác nghiên cứu văn hóa dân gian, hay biên kịch thì đó lại là một khoảng trống, cho dù đã có những chính sách cụ thể để chuẩn bị nguồn nhân lực kế cận. Thạc sĩ Nguyễn Thị Tô Hoài – Viện Nghiên cứu văn hóa – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, khó khăn đầu tiên chính là quá trình điều tra thực địa. Trước hết là thách thức khi gặp gỡ và tìm kiếm sự chia sẻ thông tin của chính những người thực hành văn hóa. Đối với họ, hoặc sẽ cho rằng chúng tôi là những người trẻ chẳng hiểu gì về văn hóa truyền thống, hay “lạt non mà đòi buộc tre già”… Chính vì vậy khi đi phỏng vấn tại địa phương, nhiều người né tránh không chia sẻ, hay nói chính xác là ngại cung cấp thông tin. Lại có trường hợp từ chối tiếp cận với lý do mất lòng tin. Nguyên nhân của sự mất lòng tin đó là do đã có rất nhiều trường hợp những người trẻ tuổi tìm đến gặp gỡ, lợi dụng họ, giả mạo cơ quan văn hóa để điều tra, sưu tầm rồi biến các di sản truyền thống trở thành món hàng đem ra thị trường kinh doanh dưới nhiều hình thức. Có lẽ, trong bối cảnh của sự phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin và mạng xã hội như hiện nay, thì sự thận trọng của những người thực hành, bảo lưu văn hóa truyền thống của người trẻ có sơ suất, “con sâu làm rầu nồi canh” là không tránh khỏi. Bên cạnh đó, những người trẻ làm công tác nghiên cứu cũng mất niềm tin khi bị chính người thực hành văn hóa truyền thống đem thị trường hóa các giá trị văn hóa. Họ đòi hỏi những chia sẻ phải được định giá một cách rõ ràng. Vì vậy mà khi đồng tiền bỏ ra không tương xứng thì việc chia sẻ thông tin đối với họ cũng sẽ không có, thậm chí còn có những chia sẻ hoàn toàn sai lệch. Ngoài ra, cũng có rất nhiều người lại ngộ nhận về giá trị di sản của mình nên đã thổi phồng hoặc đòi các danh hiệu quá mức mà Viện Nghiên cứu văn hóa không thể đáp ứng hoặc trả lời được một cách khách quan nhất.

Để cho ra đời được một sản phẩm văn hóa – nhất là sản phẩm văn hóa có yếu tố truyền thống, đòi hỏi những người làm nghệ thuật phải đam mê, kiên định với sự lựa chọn của mình. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ tích cực của các nhà quản lý thông qua những chính sách đãi ngộ cụ thể, để người làm công tác nghiên cứu có thể yên tâm sống với nghề; từ đó mới mong có được những công trình nghiên cứu khoa học, những vở diễn vừa mang yếu tố hiện đại lại vừa mang đậm dấu ấn truyền thống.

Nguồn Văn nghệ số 9/2019


Có thể bạn quan tâm