April 26, 2024, 11:13 pm

Ngày xửa ngày xưa

Người phỏng vấn tôi lần thứ ba tự giới thiệu: - Chào bạn! Tôi là Nhã Thanh, giám đốc phụ trách nhân sự của hệ thống. Hôm nay tôi là người trực tiếp phỏng vấn bạn! Mời bạn ngồi!

Minh họa của NGUYỄN ĐĂNG PHÚ

Tôi ngồi xuống ghế, đầu ngẩng cao một cách tự tin. Tất nhiên tôi đã hoàn thành buổi phỏng vấn với kết quả mỹ mãn. Tôi được đánh giá cao về kết quả sau những năm miệt mài tu nghiệp ở nước ngoài. Giám đốc nhân sự trực tiếp đặt ra những câu hỏi, những tình huống về chuyên môn, về cách ứng xử trong khi làm việc cũng rất thông minh, sắc sảo nhưng vẫn không giấu được vẻ dịu dàng nhân hậu. Người ấy là một phụ nữ và gần như ngay lập tức, tôi bị một tia sét cực mạnh bắn trúng tim. Buổi phỏng vấn không kéo dài nhưng tôi lại không nhớ là mình vừa trả lời ra sao. Chỉ đến khi người phụ tá ngồi cạnh giám đốc đứng lên bắt tay tôi:

- Bạn đã hoàn thành xuất sắc buổi phỏng vấn của chúng tôi! Chúng tôi rất vui khi được đón nhận những bác sĩ như bạn về làm việc trong hệ thống bệnh viện của tập đoàn! Bạn sẽ nhận được quyết định đi làm sau 48 giờ qua email! Chúc mừng bạn!

Giám đốc nhân sự cũng đứng lên bắt tay tôi thật chặt. Bàn tay chị nóng ấm, mềm mại. Chị nhìn tôi với nụ cười thân thiện nở trên môi và khẽ nói:

- Chào mừng bạn đã đến với chúng tôi!

Tất cả chỉ có vậy, nhưng có lẽ trái tim tôi bị trúng thương nặng quá nên suốt hai năm làm việc tôi cứ bị ám ảnh bởi người phụ nữ đã phỏng vấn tôi. Trong giấc ngủ tôi thường mơ nắm tay người phụ nữ ấy đi dạo trên những con đường rực rỡ hoa hồng hay trên bãi biển mịn màng cát ướt ngắm đàn hải âu đùa giỡn trên sóng tung bọt trắng xóa. Tôi tự cười sự huyễn hoặc của mình. Tôi tận tình, miệt mài với công việc của một bác sĩ. Bệnh viện nơi tôi làm không chấp nhận một bác sĩ chỉ dậm chân ở hạng thường, thậm chí là hạng khá mà phải giỏi cả về chuyên môn và tậm tâm về y đức. Vì vậy, tôi dành nhiều thời gian, trí lực và sức lực cho công việc của mình. Tôi thực hiện nhiệm vụ một cách tự nhiên và tự nguyện. Chưa khi nào vắng mặt tôi trong những ca mổ khó.

Thế rồi như một sự sắp đặt trước của mối “nhân duyên trời định”, tôi đã gặp lại người phụ nữ ấy trong một tình huống khá bất ngờ. Hôm ấy, tôi là bác sĩ chính trong một ca mổ cấp cứu cho một bệnh nhân là một phụ nữ cao tuổi người nước ngoài mắc căn bệnh hiếm gặp. Chúng tôi phải chạy đua với thần chết để cứu bệnh nhân thoát khỏi cửa tử. Sau hơn gần bốn tiếng, ca mổ đã thành công ngoài sự mong đợi của cả kíp mổ chúng tôi. Tôi vừa bước ra ngoài cửa phòng mổ, một người phụ nữ ôm chầm lấy tôi, gục đầu vào ngực tôi và tôi nghe giọng nói quen thuộc, thầm thì: “Cảm ơn! Cảm ơn rất nhiều!”. Tôi cảm nhận được những giọt nước mắt ấm nóng qua lần áo blu thấm vào ngực tôi. Tôi chắc chị là người thân của bệnh nhân nên vỗ nhẹ lên vai người phụ nữ để an ủi, động viên. Khi người phụ nữ buông tôi ra, ánh mắt chúng tôi chạm vào nhau thì cả hai chúng tôi như bị điện giật. Người phụ nữ bật lùi lại và kêu khẽ:

- Gia Thịnh!

Tôi cũng sững sờ:

- Nhã Thanh!

Liền đó cả hai chúng tôi cùng lúng túng trước sự ngạc nhiên của đồng nghiệp. Rồi Nhã Thanh cho tôi biết, bệnh nhân chúng tôi vừa cứu sống chính là mẹ đẻ người chồng quá cố của chị, người đã nâng bước chị trên chặng đường gian nan vất vả để có được sự thành đạt của chị hôm nay. Tôi nghe mà không hiểu hết những điều Nhã Thanh vừa nói. Nhưng có một điều tôi nhận thấy rất rõ là hai trái tim của chúng tôi đang đập cùng một nhịp. Sau lần ấy, chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn. Trải lòng với nhau nhiều hơn nhưng Nhã Thanh vẫn giữ một khoảng cách nhất định với tôi với lý do đã có chồng và có một con gái năm tuổi, mặc dù chồng Nhã Thanh đã mất gần năm năm rồi. Còn tôi vụng về về điều ăn tiếng nói nên cứ loay hoay mãi vẫn chưa biết làm sao cho khoảng cách giữa chúng tôi biến mất. Thực ra, để có một giờ ngồi với nhau đối với tôi cũng chẳng dễ gì. Có nhiều khi vừa tới nơi hẹn, chưa ngồi nóng chỗ đã có điện thoại gọi về để chuẩn bị cho một ca mổ cấp cứu. Vậy mà có nhiều khi cả hai ngồi im lặng hàng giờ đếm giọt cà phê tí tách rơi hoặc đếm bước chân khách bộ hành trên hè phố.

Rồi một hôm, Nhã Thanh nhắn tin cho tôi hai giờ chiều sẽ đưa con gái bay về Bắc dự mừng thượng thọ bà nội tròn chín lăm tuổi. Tôi cuống lên nhưng không thể ra sân bay đưa tiễn vì đang chuẩn bị vào một ca mổ cho bệnh nhân. Biết Nhã Thanh thông cảm nhưng tôi cứ ân hận thế nào ấy.

Vài hôm sau, tôi vừa về đến nhà đã thấy bà nội tôi ngồi chờ ở ghế đá trước cổng. Nhìn thấy tôi dừng xe, bà thở phào vẻ mừng rỡ:

- Vậy là con đã về rồi! Cả nhà đang chờ con!

Tôi vội hỏi:

- Có việc gì quan trọng vậy ạ?

Bà tôi đứng dậy, xua xua tay:

- Con vào nhà đi! Vào đi!

Tôi vào nhà thấy ông nội, và ba mẹ đang ngồi cả ở phòng khách như đang bàn bạc một việc gì quan trọng lắm. Ông nội chỉ cho tôi ngồi cạnh ông. Ba tôi nói:

- Ông nội muốn về thăm quê đợt này nhưng ba đang mắc công chuyện chuẩn bị Đại hội của Hội Cựu chiến binh quận nên chưa biết thu xếp sao. Lùi lại sợ ngoài đó chuyển sang mùa lạnh sức khỏe của ông sẽ không chịu nổi nên cả nhà tính nhờ con về cùng ông. Con xem có thể thu xếp được không?

Tôi ngạc nhiên:

- Về Bắc? Con chưa thấy ông nhắc đến chuyện về quê khi nào!

Ông nội không nhìn ai, chỉ gật gật đầu:

- Thì giờ về! Mà thực ra ông chưa về chứ không phải không về!

Ông nói rồi đứng lên đi về phòng riêng.

Bà nội nhìn theo ông, cố giấu tiếng thở dài. Ba tôi nói:

- Ông cũng có cái khó của ông con ạ! Ông xa quê từ hồi còn trai trẻ, chinh chiến khắp nơi. Giờ muốn về nhìn lại quê hương đất tổ. May mà ông còn khỏe. Con xem có thể thu xếp được không?

Tôi nghĩ nhanh. Nếu về Bắc, tôi sẽ tranh thủ tìm về quê Nhã Thanh luôn thể. Và tôi nhận lời:

- Để con thu xếp. Chắc cũng được!

Cứ như là ông nội nghe thấy câu tôi vừa nói. Ông đi ra, nét mặt thoáng vẻ hoan hỉ. Ông vẫy tôi vào phòng với ông. Và hai ông cháu tôi xài… trắng một đêm cho câu chuyện “ngày xửa ngày xưa” của ông.

Ông nội tôi khi ấy là con của một gia đình nông dân nhưng cụ thân sinh ra ông nội tôi lại là một ông đồ nho dạy Tam tự kinh cho trẻ trong làng. Cụ chỉ sinh được mỗi ông tôi đặt tên là Vũ Thiện Phong. Gia đình cũng có chút của ăn của để hơn các nhà trong vùng vì có ruộng đất cấy lúa, trồng rau trong khi nhiều nhà trong xã phải sống cuộc sống lênh đênh sông nước ở ngã ba sông Kênh Gà. Khi anh cu Thiện Phong tám tuổi đã học hết vốn chữ Nho của cha, có người khuyên ông cụ cho con đi theo học chữ quốc ngữ để theo kịp thời cuộc. Ông cụ gật gù thấy phải nhưng nếu muốn học chữ quốc ngữ thì phải cho con trai sang mãi Thành Nam mới bõ. Cảnh nhà neo người, bà cụ tỏ ý không bằng lòng. Có bà cô lấy chồng làng bên thấy vậy liền bàn với anh chị cưới vợ cho cậu ấm Võ Thiện Phong để nhà có người đỡ đần sớm tối. Cụ bà thở dài:

- Nhưng tìm đâu ra người hợp với cảnh nhà mình? 

Bà cô hồ hởi:

- Nếu anh chị bằng lòng, em sẽ lo mai mối. Bên cạnh nhà em có con bé năm nay vừa tròn hai mươi, mỏng mày hay hạt, phải cái gia đình nó nghèo, không có ruộng, cả nhà sống trên một chiếc thuyền chài. Em nói chắc bố mẹ con bé cũng ưng ý.

Ngày ấy chuyện dựng vợ gả chồng chênh lệch nhiều về tuổi tác là điều bình thường và hoàn toàn do việc định đoạt của các bậc cha mẹ, nhất là ở một vùng còn khá lạc hậu, nghèo nàn hoang vu như ở vùng ngã ba sông núi Kênh Gà. Thế là đám cưới được tiến hành với sính lễ cho nhà gái là ba sào ruộng trũng chỉ cấy được một vụ lúa trong năm. Chú rể Thiện Phong nhảy choi choi tranh giành pháo xịt với bọn trẻ trong làng, ăn trộm tiền mừng cưới đi đánh đáo và gọi cô dâu là chị. Chiều tối, khách khứa đã về hết, nhà cửa đã dọn gọn gàng, chú rể bị mẹ lôi về từ đám trẻ chơi đánh đáo. Bộ quần áo mới lấm bê bết. Cô dâu phải dỗ ngon dỗ ngọt mãi chú rể mới đồng ý để cô dâu dẫn ra giếng tắm. Cô dâu ngượng chín mặt khi thấy chú rể tồng ngồng nên vội lấy gáo múc nước dội lên người chú rể làm nước bắn cả vào mắt mũi cay xè. Chú rể cáu bẳn, giật lấy chiếc gáo:

- Chị chả biết gì cả! Mọi khi bu tôi tắm cho tôi đều cho tôi nằm ngửa trên đùi mới gội đầu cho tôi thì nước mới không chảy vào mắt!

Cô dâu đành phải làm theo. Tắm xong, chú rể lại nhõng nhẽo bắt cô dâu cõng vào nhà cho khỏi bẩn chân. Cô dâu xấu hổ lắm nhưng vẫn phải làm theo trong khi người lớn chẳng ai thèm để ý. Đêm tân hôn, chú rể không chịu ngủ ngay mà bắt cô dâu cùng chơi tam cúc. Đến khi buồn ngủ, chú rể giục:

- Thôi không chơi nữa. Chị về nhà chị đi để tôi gọi bu tôi vào ngủ với tôi!

Cô dâu chẳng biết nói sao, đành mở cửa đi ra. Sáng sớm hôm sau bà mẹ thấy con dâu đi ra từ nhà bếp, trên đầu còn vương sợi rơm. Những đêm sau, trước khi đi ngủ chú rể đều bị cha mẹ mắng, thậm chí còn bị cha đe, nếu còn đuổi vợ về sẽ bị ăn đòn. Vậy là đêm nào chú rể Thiện Phong cũng khóc nhè. Sau khi chia gường ra làm hai phần, phần mình bao giờ cũng rộng gấp đôi phần còn lại anh cu còn thút thít khóc, cô vợ phãi vỗ vỗ vào lưng mãi mới chịu ngủ. Lũ trẻ trong làng biết chuyện Thiện Phong khóc nhè và bắt vợ cõng đi ngủ nên gặp cu cậu đâu là lêu lêu đấy nên cu cậu càng ghét vợ mà không làm sao được. Hơn mười tuổi, một lần Thiện Phong theo vợ đi thả trâu trên đồi. Chạy nhảy chán, cậu đến ngồi cạnh một lùm cây lá xanh mướt thân đầy gai bò lan trên mặt đất. Cậu vô tình chạm vào cành lá và vô cùng ngạc nhiên khi thấy các nhành lá từ từ khép lại như biết nhắm mắt ngủ, liền gọi:

- Chị xem này! Cái cây này lạ quá! Nó biết nhắm mắt lại khi tôi chạm vào đấy!

Vợ cậu vẫn ngồi yên chỗ cũ, trả lời bằng giọng buồn buồn:

- Cây trinh nữ đấy mà!

Thiện Phong càng ngạc nhiên:

- Sao lại gọi là cây trinh nữ? Người ta chỉ gọi các cô gái là trinh nữ thôi.

- Vì trước đây loài cây ấy vốn là một cô gái. Cô ấy yêu một chàng trai nhưng hai người không lấy được nhau mà bị ép lấy một lão già giàu có. Chàng trai đau buồn mà chết. Đêm trước hôm cưới, cô gái bỏ trốn ra mộ chàng trai và chết ở đó. Sau xác cô hóa thành một cái cây bò kín mộ, mỗi khi bị chạm vào là các nhành lá tự khép lại. Vì vậy nên người ta gọi cây ấy là cây trinh nữ.

- Sao chị biết chuyện này?

- Có một người tôi gặp trong dịp lễ Phục sinh trước đây kể cho nghe…

Im lặng một lúc, Thiện Phong hỏi:

- Sao chị không bỏ nhà tôi về để lấy chồng? Ở nhà tôi chị cũng khổ vì phải làm hết mọi việc…

- Tôi không thể bỏ về được! Nhà tôi nghèo lắm. Tôi về thì bố mẹ tôi phải trả lại ba sào ruộng cho nhà mình. Không có ruộng cấy các em tôi sẽ chết đói mất…

Từ hôm ấy, Thiện Phong đỡ bắt bẻ, hành hạ vợ mình nhưng vẫn chia giường làm hai nửa. Năm Thiện Phong mười lăm tuổi, cậu trốn nhà lên huyện theo một đơn vị bộ đội, cùng đơn vị Nam tiến rồi lấy vợ, sinh được một bé trai. Mãi đến khi hiệp nghị Giơ ne vơ được ký kết, cả gia đình Thiện Phong được đi tập kết ra Bắc. Vừa ra tới nơi còn đang ở Thanh Hóa, vợ cũ củaThiện Phong biết tin chồng mình đã lấy vợ, có con, chị rất mừng. Lúc đó chị mới ngoài bốn mươi tuổi nhưng trông như một bà già. Chẳng quản đường xá xa xôi chị vội sắm sửa quà cáp lặn lội đến thăm. Vợ sau này của Thiện Phong thấy một bà già nhận là vợ của chồng mình thì lăn đùng ra ngất xỉu. Bà già ấy sợ quá vội để lại bao gạo nếp, đậu xanh, đỗ lạc rồi bỏ đi như chạy trốn. Thiện Phong biết chuyện cũng tìm mọi cách đưa vợ con trốn chạy và biệt tích từ đó không dám về quê cho đến khi đã trở thành ông già ngoài tám mươi mắt mờ, chân chậm.

Nghe đến đấy, tôi cười khùng khục trong cổ, nắm mắm bàn tay ông nội:

- Không đâu. Ông còn vững chãi lắm!

Ông cũng cười:

- Ơn giời đấy! Dạo tết vừa rồi, đi họp Hội Đồng hương Ninh Bình tình cờ ông gặp một người cùng quê mới nhập hội. Người ấy cho ông biết vài chuyện ở ngoài quê nên ông nung nấu ý muốn về quê một lần để tạ tội với gốc gác của mình mà ba mẹ cháu không cho ông về một mình. À mà ông quên chưa nói. Tên bà ấy là Cần. Ông cũng chả biết họ của bà ấy với bố mẹ, anh em của bà ấy thế nào.

Nghe ông kể, tôi thấy tội nghiệp ông nội, tội nghiệp cả người đàn bà là vợ của ông ngoài quê. Tôi bỗng thấy việc chủ ý về Bắc để tìm gặp mẹ con Nhã Thanh cũng không mấy quan trọng. Tôi còn nhiều thời gian cho chuyện của mình.

Ông cháu tôi xuống sân bay ở Thanh Hóa rồi thuê taxi về Gia Thịnh. Giờ tôi mới biết tại sao ông lại đặt tên cho tôi là Gia Thịnh. Theo lời chỉ dẫn của người bạn trong Hội Đồng hương của ông, Vì ông xa quê đã quá lâu giờ tìm hỏi về theo địa chỉ cũ chắc khó. Gần làng ông khi xưa, giờ có khu du lịch nghỉ dưỡng tắm suối nước khoáng Kênh Gà, sầm uất lắm. Hai ông cháu tôi về đấy thuê một phòng. Ông bảo:

- Ông cháu mình nghỉ ngơi cái đã rồi thư thả tìm dần về gốc gác. Ông sợ đã xưa quá rồi chắc chả còn ai nhớ.

Tôi rụt rè hỏi:

- Liệu bà Cần có còn không ông nhỉ? Giờ gặp liệu ông có nhận ra bà không?

Im lặng một lúc lâu, ông mới chậm rãi:

- Ông cũng không biết nữa. Nếu còn giờ bà ấy cũng đã ngót trăm tuổi rồi…

Ông không nói gì nữa. Tôi cũng không dám hỏi thêm sợ ông buồn. Ông ngồi tựa cửa sổ phòng nghỉ, ánh mắt nhìn vô định ra khung trời mây nước ngoài ngã ba sông nhuốm vàng trong ráng chiều chạng vạng. Không biết có phải ông đang chìm đắm trong ký ức của thời “ngày xửa ngày xưa”.

Buổi tối, hai ông cháu dùng bữa xong, thấy ông có vẻ mệt, tôi ép ông đi nghỉ sớm còn tôi la cà ở quán cà phê trong khu nghỉ dưỡng. Tôi không mấy quan tâm đến ly cà phê nhạt nhẽo nhưng đậm đà hương vị mà tìm cách hỏi thăm vài người phục vụ ở đó về quê quán. Đúng là không ai biết tên thôn, tên người trong câu chuyện ông tôi kể vì họ đều là những người trẻ tuổi dù họ sinh ra ở nơi đây. Có một cậu trai chừng mười bẩy, mười tám tuổi cho tôi một lời khuyên bổ ích. Cậu ta bảo tôi ngày mai vào ngôi làng bên kia sông, gặp người già hỏi thăm may ra họ còn nhớ. Tôi cám ơn anh bạn và đợi đến ngày mai.

Sớm hôm sau, tôi nói với ông là đi vào làng để dò hỏi thông tin. Ông cũng muốn đi nhưng tôi không chịu. Tôi sợ ông mệt và hơn cả là sợ ông hụt hẫng vì những điều nghe được. Tôi nói mãi nên ông mới nghe. Tôi vào trong làng, thấy tôi hỏi thăm đến người già nhất trong làng ai cũng tưởng tôi là cán bộ Văn hóa đi tìm hiểu phong tục tập quán của các vùng. Cuối cùng người ta cũng chỉ cho tôi đến gặp một ông già tầm tuổi ông nội tôi. Ông cụ có tạng người ốm ốm nhưng dáng vẻ nhanh nhẹn. Trong câu chuyện nghe tôi nhắc đến tên Nguyễn Thiện Phong có thân sinh là cụ đồ Bảng, ông già lấy ngón tay trỏ gõ gõ lên trán, mắt lim dim một chốc rồi bật reo lên:

- Á à… Tôi nhớ ra rồi! Đấy là anh cu Phong xóm dưới cưới vợ từ năm tám tuổi, còn bà vợ chừng hai mươi nên chúng tôi vẫn hát trêu: “Bồng bồng cõng chồng đi chơi. Đi qua chỗ lội đánh rơi mất chồng” đây mà!

Tôi vừa mừng vừa hồi hộp:

- Dạ. Thưa ông, hiện giờ gia đình ông Phong ở quê còn ai không ạ?

Ông cụ nhướng cặp lông mày có nhiều sợi bạc lên nhìn tôi:

- Còn chứ! Nhưng… anh là gì với nhà ông Phong mà…?

- Dạ. Cháu là cháu nội ông Phong đó ạ!

Ông già kêu lên mừng rỡ:

- A à… Anh về thử hỏi ông ý xem có còn nhớ thằng Khiêm mụn không nhá!

- Dạ! thưa ông. Nhà ông nội con còn những ai? Vẫn còn ở chỗ cũ chứ ạ?

- Còn đấy! Còn đấy! Ông bà thân sinh của ông Phong đã mất lâu rồi! Nhà vẫn còn ở chỗ cũ. Căn nhà xưa hư hỏng đã được bà Cần vợ ông Phong xây dựng lại. Khang trang lắm! Bà Cần là một người đàn bà tội nghiệp nhưng rất đáng kính. Lấy ông Phong mà chả được một ngày chồng vợ cho đúng nghĩa nhưng bà ý là người chung tình. Từ dạo ông Phong bỏ đi theo bộ đội Nam tiến, bà Cần vẫn một lòng phụng dưỡng cha mẹ chồng chẳng một lời phàn nàn. Rồi khi nghe tin ông Phong đưa vợ con ra tập kết ở tỉnh Thanh, bà ý mừng lắm nói với cha mẹ chồng xin sắm sửa quà cáp đi thăm. Sau vài hôm thấy bà quay về, cũng không ai biết có tìm gặp được hay không nhưng cha mẹ chồng bà vui lắm. Cha mẹ chồng già yếu rồi khi hai cụ mất chỉ một tay bà ý lo toan. Khi bà Cần vào Thanh về, có ai đó bỏ rơi một đứa bé trai mới sinh ngay cổng nhà, bà ý xin với cha mẹ chồng được nuôi đứa bé cho vui cửa vui nhà. Bi giờ bà Cần sống với vợ chồng người con nuôi. Bà cụ năm nay chắc cũng chín lăm chín sáu gì đó. Bà cũng yếu nhiều rồi nhưng được cái còn minh mẫn lắm. Chả lẫn tí nào! Bi giờ ông Phong về gặp lại bà ý là phải đạo lắm! Mà anh cho tôi gửi nhời hỏi thăm ông ý với lại tôi rất muốn mời ông ý lại nhà tôi chơi! Anh nhá!

Tôi cầm mũ đứng lên:

- Dạ! Con cám ơn ông! Ông nội con sẽ rất mừng khi được gặp lại ông đó ạ!

Ông già hồ hởi tiễn tôi ra tận ngõ. Tôi cúi chào ông. Ông nội biết tin này chắc mừng lắm!

Người xe ôm định chở ông cháu tôi vào tận trong sân nhưng ông nội tôi cám ơn và xuống từ ngoài đường. Ông đứng lặng ngắm nhìn quang cảnh xung quanh rồi khẽ lắc đầu:

- Thay đổi nhiều quá, chỉ con ngõ là nguyên lối cũ. Ngôi nhà to nhưng vẫn giữ hướng ngày xưa.

Ông đi vào, thấy trong sân nhiều người. Ông cháu tôi vào đến nơi mà không ai để ý. Tôi hỏi khẽ một bà đứng ngoài cùng:

- Mong bà tha lỗi. Bà cho con hỏi nhà ta đang…

Bà già nhìn tôi có vẻ dò xét nhưng vẫn nói:

- À. Là bà cụ Cần mấy hôm nay mệt lắm! Có lẽ cụ sắp bỏ con cháu để về với tiên tổ…

Ông nội tôi mới nghe đến đó vội gạt mọi người lập cập chạy vào. Tôi cũng vào theo. Trong nhà, trên một chiếc giường đệm có những bông hoa màu vàng, một bà cụ người nhỏ thó nằm thiêm thiếp. Ông tôi không chào ai bước vội đến trước giường quỳ xuống lạy sống bà ba lạy rồi ông nhẹ nhàng nâng tay bà cụ áp vào má mình khẽ gọi:

- Mình ơi! Tôi về lạy sống mình và tạ lỗi với mình đây!

Mọi người xung quanh ngỡ ngàng chẳng hiểu gì cả. Bà cụ chợt thở dài, khẽ giơ tay ra hiệu muốn ngồi dậy. Ông nội tôi vội vàng đỡ bà và ngồi dậy. Bà đưa tay sờ khắp khuôn mặt ông và mỉm cười mãn nguyện:

- Tôi biết thế nào rồi mình cũng về mà! Mình không có lỗi gì cả!

Bà giơ tay bảo người đứng gần đấy lấy cho bà cái hộp đựng trầu bằng đồng bà để sau bàn thờ. Cái hộp được đưa lại. Bà nâng cái hộp trên tay kính cẩn trao cho ông:

- Tôi trao cho mình tất cả những gì cha mẹ để lại! Tất cả cơ ngơi này vẫn thuộc về mình! Mình nhận cho tôi vui!

Ông nội cứ nắm lấy tay bà khóc mãi mà chẳng nói nên lời. Bà vỗ nhẹ lên tay ông, thì thào:

- Mình không có lỗi gì cả! Chúng mình ngày xửa ngày xưa rồi mà!

Tôi cũng lặng người nhìn cảnh ông bà sau bao nhiêu năm gặp lại. Nước mắt tôi cứ lặng lẽ tuôn rơi. Tôi chưa khi nào khóc nhiều như thế, nhất là lại khóc trước mọi người. Có bàn tay ai mềm mại nắm lấy tay tôi, xiết chặt. Tôi giật mình quay lại và sững sờ khi thấy gương mặt Nhã Thanh ngay bên cạnh. Đôi mắt Nhã Thanh đẫm nước ngước nhìn tôi trìu mến. Em mỉm cười, thì thầm:

- Nhã Thanh cũng mới được nghe bà nội kể về  “Ngày xửa ngày xưa” anh ạ!

Tôi không thể nói gì được lúc này chỉ nghĩ, trong cuộc sống có những điều bất ngờ cứ như là đã được sắp đặt từ khi nảo khi nào vậy. Và tôi nắm chặt tay em.

Nguồn Văn nghệ số 32/2020


Có thể bạn quan tâm