April 26, 2024, 8:26 pm

Nét người hay nét lông mày?

Cho đến nay, cuộc tranh luận về nét ngài nở nang trong câu thơ trên đây của Nguyễn Du vẫn chưa có hồi kết. “Nét ngài” ở đây là nét người hay nét lông mày của Thúy Vân? Xin được góp đôi điều về vấn đề này ngõ hầu có thể làm sáng tỏ thêm một vài phương diện của thiên tài ngôn ngữ Nguyễn Du trong Truyện Kiều.

*

Những người cho rằng “nét ngài”nét người là căn cứ vào tiếng địa phương Nghệ Tĩnh gọi ngườingài, và Nguyễn Du đã dùng từ ngài đó để chỉ nét người của Thúy Vân trong câu thơ này: nét ngài nở nang = nét người nở nang. Hơn nữa, với tài năng ngôn ngữ bậc thầy, Nguyễn Du sẽ không bao giờ dùng tính từ “nở nang” để bổ nghĩa cho nét lông mày.

Có đúng như vậy không? Nếu Nguyễn Du đã định tả Thúy Vân có nét người nở nang thì sao trong câu thơ ông không viết luôn là “nét người nở nang” mà lại viết “nét ngài nở nang”? (Người ngài đều có thể hiệp vần với Vời ở câu lục). Có lẽ nào một thiên tài ngôn ngữ như Nguyễn Du lại có thể đưa vào câu thơ đẹp ấy một từ địa phương có phẩn xa lạ (ngài) trong khi đã có từ người là ngôn ngữ phổ thông của cả nước vừa quen thuộc hơn và cũng “đẹp” hơn ? Vậy nên từ ngài trong câu thơ của Nguyễn Du không thể là từ địa phương mang nghĩa người mà nó phải là một từ phổ thông của cả nước mang một nghĩa khác. Và nghĩa đó chỉ có thể là con ngài tằm để chỉ nét lông mày của Thúy Vân. Điều này sẽ được chứng minh qua việc khảo sát ngôn ngữ thi ca của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.

1. Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng ngôn ngữ thi ca như thế nào?

Trước khi khảo sát để xác định từ ngài trong câu thơ trên, cần chỉ ra đặc điểm ngôn ngữ thi ca của Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều, cụ thể là ông đã chịu ảnh hưởng sâu đậm nhất của vùng ngôn ngữ nào ở nước ta? Theo kết quả nghiên cứu của các học giả có uy tín, Nguyễn Du viết Truyện Kiều vào thời gian sống ở Tiên Điền từ năm 1796 đến năm 1802, và Truyện Kiều được ra đời vào năm 1801. Lúc đó ông 36 tuổi, và khi bắt đầu viết Truyện Kiều, ông mới 31 tuổi. Quãng thời gian đó, Nguyễn Du sống ở đâu? Trừ một vài lần về thăm quê ngắn ngủi, 21 năm đầu đời – có nghĩa là suốt cả thời trai trẻ, ông sinh ra và sống ở kinh đô Thăng Long đài các, hoa lệ cùng với cha là Nguyễn Nghiễm và anh là Nguyễn Khản đều làm quan to trong triều; và sau “gia biến” năm 1786 (hai người anh là Nguyễn Khản và Nguyễn Điều cùng mất), không còn chỗ dựa, ông phải về sống ở quê vợ Thái Bình trong “10 năm gió bụi” (1786-1796). Ta biết, thời trai trẻ là quãng thời gian tốt nhất để một con người tiếp thu ngôn ngữ, cho nên vùng ngôn ngữ kinh đô Thăng Long đã ảnh hưởng sâu đậm nhất đến nhà thơ là điều dễ hiểu. Có thể nói, vốn liếng ngôn ngữ của Nguyễn Du để viết Truyện Kiềungôn ngữ vùng đồng bằng Bắc Bộ mà nòng cốt là ngôn ngữ kinh đô Thăng Long – tiêu biếu cho ngôn ngữ phổ thông của cả nước. Với vốn ngôn ngữ đó, cùng với tài thiên bẩm của mình, Nguyễn Du đã đem đến cho Truyện Kiều một ngôn ngữ thi ca trong sáng, dễ hiểu, mượt mà nhưng lại sang trọng, trang nhã, mĩ lệ mà người đọc bao đời nay đều xem là “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”.

 

2. Dùng bút pháp tả người và ngôn ngữ thi ca của Nguyễn Du để xác định từ “ngài” trong câu thơ tả Thúy Vân.

Truyện Kiều có nhiều nhân vật và được Nguyễn Du tả bằng nhiều bút pháp. Khi tả Tú Bà: Thoắt trông nhờn nhợt màu da/ Ăn chi cao lớn đẫy đà làm sao, Nguyễn Du dùng bút pháp tả thực; nhưng khi tả Thúy Vân: Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang (và cả hai câu tiếp theo), ông lại dùng bút pháp ước lệ. Bút pháp tả thực là tả đúng như nhân vật ở ngoài đời, còn bút pháp ước lệ là tả theo những quy ước đã định sẵn để người đọc hiểu được nhân vật đó là người như thế nào? Giai nhân thì phải “một, hai nghiêng nước nghiêng thành”, “một cười này, hẳn nghìn vàng chẳng ngoa”. Anh hùng thì phải “râu hùm, hàm én, mày ngài/ vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”… Bút pháp ước lệ là đặc trưng của văn học cổ nước ta, được du nhập từ văn học cổ Trung Quốc, mang vẻ đẹp cổ điển trang nhã. Vì vậy khi đã dùng bút pháp ước lệ thì không thể chen vào bút pháp tả thực được. Nguyễn Du rất sành khi sử dụng bút pháp ước lệ để tả người mà tiêu biểu là đoạn thơ tả sắc đẹp của chị em Thúy Kiều, trong đó có 3 câu thơ tả Thúy Vân:

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười, ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da
.

Ta thấy hiện lên một Thúy Vân với vẻ đẹp đoan trang (chứ không phải vẻ đẹp khỏe mạnh như có người đã nói) nhưng không thể thấy được Thúy Vân đẹp cụ thể như thế nào? Bởi tất cả đều là ước lệ: khuôn mặt đẹp như trăng, miệng cười tươi như hoa, tiếng nói trong như ngọc, tóc đẹp hơn mây, da trắng hơn tuyết. Nếu trăng, hoa, ngọc, mây, tuyết đều tả theo bút pháp ước lệ, thì ngài cũng phải tả theo bút pháp ước lệ, không thể chen bút pháp tả thực vào đây được. Cho rằng nét ngàinét người thì đó là tả thực, và thiên tài Nguyễn Du sẽ không bao giờ chen bút pháp tả thực vào đoạn thơ tả giai nhân theo bút pháp ước lệ này. Vậy theo bút pháp ước lệ thì ngài chỉ có thể là con ngài tằm để tả vẻ đẹp của lông mày Thúy Vân.

Ta có thể dùng ngôn ngữ thi ca của Nguyễn Du để kiểm chứng lại điều này. Bút pháp ước lệ thường dùng ẩn dụ để tăng hiệu quả so sánh; còn câu thơ Nguyễn Du lại hay dùng tiểu đối để tạo nên vẻ đẹp cân xứng, hài hòa. Truyện Kiều có đến 647 tiểu đối, trung bình cứ đọc 5 câu Kiều thì gặp 1 tiểu đối (theo Vương Trọng, Truyện Kiều Nguyễn Du ở trong còn lắm điều hay, Nxb Hội nhà văn, 2017, tr.229). Câu thơ trên là tiểu đối 4/4:

Khuôn trăng đầy đặn / nét ngài nở nang

Tiểu đối của Nguyễn Du thường rất chỉnh, cả về ý, từ, thanh cho đến biện pháp tu từ. Trong hai vế đối này, mỗi vế đều có 4 tiếng nhưng chỉ có 3 từ đối nhau: khuôn đối với nét, trăng đối với ngài, đầy đặn đối với nở nang; trong đó từ trăng ở vế 1 được dùng như một ẩn dụ để tả mặt Thúy Vân. Vậy nếu trăng đã là ẩn dụ ở vế 1, thì theo luật đối, ngài nhất định phải là ẩn dụ ở vế 2, không thể nào khác được. Mà đã là ẩn dụ thì ngài phải là vật để so sánh nên không thể là tiếng địa phương Nghệ Tĩnh mang nghĩa “người”. Cho nên, ngài ở đây chỉ có thể mang nghĩa con ngài tằm như một ẩn dụ để so sánh với lông mày đẹp của Thúy Vân.

 

3. Kiểm chứng bằng tư duy ngôn ngữ của người Việt đối sánh với tư duy ngôn ngữ của Nguyễn Du

Người Việt thường gắn khuôn mặt với bộ phận nào trong cơ thể con người? Không phải là thân thể (nét người) mà là những bộ phận nằm trong khuôn mặt hoặc gần khuôn mặt. Dân gian thường nói: mặt ngang mũi dọc, mặt mũi sáng sủa, mặt to tai lớn, mặt xanh nanh vàngnhưng nhiều nhất là gắn liền mặt với mày: mặt mày hớn hở, mặt mày tươi tỉnh, mặt mày sáng sủa, mặt mày phấn khởi, mặt mày cau có, mặt mày giận dữ, mặt mày ủ dột, mặt sưng mày sỉa, mặt dạn mày dày Trong câu thơ tả Thúy Vân, Nguyễn Du gắn liền mặt với mày (khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang) là đúng với tư duy người Việt, và cũng đúng với quan niệm “công, dung, ngôn, hạnh” của phương Đông khi cho rằng nhan sắc người phụ nữ biểu thị ở khuôn mặt (dung), cho nên mặt phải gắn với mày chứ không thể gắn với nét người (tức thân thể) vì như vậy là không đúng với tư duy của người Việt. Hơn nữa, trong tư duy ngôn ngữ của người Việt, rất hiếm gặp cách nói nét người mà chỉ nói dáng người. Câu thơ của Quang Dũng trong bài Tây Tiến: “Có nhớ dáng người trên độc mộc” thì không thể viết “Có nhớ nét người trên độc mộc” được. Cũng vậy, rất hiểm gặp cách nói nét người nở nang, mà chỉ nói thân thể nở nang hoặc dáng người nở nang.

Kiểm chứng lại trong Truyện Kiều, ta thấy Nguyễn Du nhiều lần dùng cách nói mặt gắn liền với mày như cách nói của dân gian :

- Câu 1223: Khéo là mặt dạn mày dày

- Câu 2113: Nàng càng mặt ủ mày chau

- Câu 2482: Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha

- Câu 2993: Nghe tin, nở mặt nở mày

- Câu 3150: Cũng đà mặt dạn mày dày khó coi

Điều này càng khẳng định thêm ở câu thơ tả Thúy Vân, khuôn mặt Thúy Vân (khuôn trăng) gắn liền với lông mày Thúy Vân (nét ngài) là đúng.

 

4. Những trường hợp Nguyễn Du dùng từ “ngài” để chỉ lông mày trong Truyện Kiều.

Trong Truyện Kiều, ngoài câu thơ tả Thúy Vân, có 4 lần Nguyễn Du dùng từ ngài để tả lông mày con người: Hai lần tả lông mày Từ Hải ở câu 2167: Râu hùm, hàm én, mày ngài; và câu 2274: Hãy còn hàm én mày ngài như xưa; và hai lần để chỉ lông mày người phụ nữ trong các câu 927–928: Bên thì mấy ả mày ngài/ Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi. (trong Từ điển Truyện Kiều, Nxb KHXH, 1989, tr.283, cụ Đào Duy Anh lại cho rằng mày ngài là “lông mày của con ngài, chứ không phải là lông mày giống con ngài, tức là lông mày nhỏ và dài”. Nếu vậy thì có thể hiểu là: lông mày của các cô gái ở lầu xanh giống lông mày của con ngài. Và mày ngài là ẩn dụ để tả vẻ đẹp của lông mày các cô gái đó). Nhưng đặc biệt nhất là câu thơ 1213–1214: Khi khóe hạnh, khi nét ngài/ Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa… Đây là lời Tú Bà dạy Kiều tiếp khách ở lầu xanh: mặt mày phải tươi tỉnh, lả lơi để chiều ý khách, làm cho khách vui lòng. Ở câu lục, Nguyễn Du dùng tiểu đối 3/3, trong đó khóe đối với nét, hạnh đối với ngài. Hạnh là ẩn dụ để tả miệng người con gái (khóe miệng tươi như hoa hạnh) thì ngài, theo luật đối, cũng phải là ẩn dụ để tả lông mày người con gái (nét lông mày đẹp như con ngài tằm). Câu thơ tả sắc đẹp Thúy Vân và câu thơ này Nguyễn Du đều dùng 2 chữ “nét ngài” giống nhau

 

5. Vấn đề cần trao đổi thêm: tính từ “nở nang” bổ nghĩa cho “nét ngài”.

Đây là điều khó nhất để giải bài toán này một cách triệt để. Không tìm thấy ý kiến nào của các học giả lý giải trực tiếp tại sao Nguyễn Du lại dùng từ “nở nang” để bổ nghĩa cho “nét ngài”, mà chỉ có những ý kiến giảng về câu thơ và từ “nở nang” đó. Trong Từ điển Truyện Kiều, học giả Đào Duy Anh đã giảng câu thơ này như sau: “Vảnh mặt tròn và lông mày dài là tướng người đàn bà phúc hậu. Đây chỉ Thúy Vân”. (tr.249). Riêng từ “nở nang” được Cụ giảng là “đậm và rõ”, tức nét lông mày Thúy Vân đậm và rõ (tr.319). Trong Truyện Kiều, từ “nở nang” còn được Nguyễn Du dùng trong câu thơ gắn với “mặt mày”: Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha. (câu 2482). Từ “nở nang” này được Đào Duy Anh giảng là “có vẻ vui tươi, hớn hở” (tr.319). Câu thơ viết là Nở nang mày mặt” nhưng nếu đảo lại là mày mặt nở nang thì cũng không có gì khác lắm. Nếu vậy, có thể tổng hợp những ý kiến trên đây của Đào Duy Anh để có được một cách hiểu về “nét ngài nở nang” trong câu thơ này: đây là nét lông mày dài nhưng rõ và đậm, lại có vẻ vui tươi hớn hở của Thúy Vân. Từ “nở nang” mà Nguyễn Du dùng trong câu thơ tả Thúy Vân ở đây không chỉ nói về đường nét của lông mày mà còn hàm chứa cả ý nghĩa tinh thần trong đó, khiến cho lông mày Thúy Vân như có sức sống của tuổi thanh xuân. Có phải đây là một sáng tạo của Nguyễn Du khi đem đến cho từ “nở nang” một nét nghĩa mới trong câu thơ này? Còn về việc dùng từ và tiểu đối trong câu thơ thì Nguyễn Du đã dùng từ “nở nang” một cách rất chuẩn xác: trong tiểu đối 4/4, nở nang đối với đầy đặn (cả hai đều là tính từ, đều là từ láy thủy âm với hậu tố) vừa đối ý (nở nang với đầy đặn) vừa đối thanh (hỏi – không với huyền – nặng). Về hiệp vần với câu lục tiếp theo thì “nang” (nở nang) hiệp vần với “trang” (đoan trang) cũng rất chỉnh. Đó là những lý do mà Nguyễn Du đã dùng từ “nở nang” để bổ nghĩa cho từ “nét ngài” trong câu thơ đã gây tranh luận gần 200 năm, từ khi người qua đời đến nay.

 

Nguồn Văn nghệ số 39/2018

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm