April 26, 2024, 9:36 pm

Nâng cao chất lượng dạy và học Văn Nội dung hay hình thức?

Lâu nay việc dạy và học văn nói chung trong nhà trường nói riêng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các thầy cô giáo – những người trực tiếp giảng dạy văn học, các nhà nghiên cứu lý luận phê bình và của chính những tác giả - nhà văn đã sinh ra tác phẩm văn học đó. Tuy nhiên, dù là vậy thì việc dạy và học môn văn vần tồn tại nhiều bất cập. Bằng chứng là có quá nhiều học sinh không hào hứng với môn văn, thậm chí điểm thi môn văn luôn ở mức thấp khiến cho dư luận xã hội nghi ngờ về chất lượng các giờ dạy văn và những tác phẩm được chọn trong chương trình giảng dạy hiện nay.

Học sinh thờ ơ với học văn?

Tiếp cận tác phẩm văn học trực tiếp hay gián tiếp (theo hướng dẫn của thầy cô hay tự thân các em học sinh) được xem là hai kênh tiếp cận tác phẩm vốn rất đỗi bình thường, nhưng lại có tính quyết định đến tâm thế (thái độ, tình cảm) của học sinh đối với môn văn học. Thông thường, đối với các văn bản đọc hiểu, giáo viên thường yêu cầu học sinh, đọc tác phẩm văn học và trả lời những câu hỏi do nhóm biên soạn sách giáo khoa soạn sẵn, được in phía cuối văn bản vào vở gọi chung là vở Soạn Văn. Để hoàn thành nhiệm vụ (theo đúng yêu cầu giáo viên) đòi hỏi học sinh phải đọc tác phẩm một cách nghiêm túc, nắm chắc nội dung tác phẩm văn học mới có thể trả lời những câu hỏi phía cuối bài. Đồng thời các em cũng phải đọc, nhớ phần chú giải những thuật ngữ khó, những thông tin cần thiết liên quan đến tác giả, tác phẩm - những yêu cầu này đôi khi khiến học sinh cảm thấy quá tải, nhưng lại là yêu cầu bắt buộc do nằm trong phần ra đề kiểm tra và thi theo kiểu: “Đoạn trích trên (hay sau) nằm trong tác phẩm nào, do ai sáng tác v.v…?”. Phần nhiều, cách ra đề kiểm tra nói trên nghiêng về học thuộc và mang tính tư tưởng (chính trị) dẫn đến tâm lý cho rằng văn học là môn khô khan thay vì giáo dục tính thẩm mỹ cho học sinh.

Chưa kể, trước cải cách, ngữ pháp được tách riêng thì nay được lồng ghép, trong mỗi phần đọc hiểu tác phẩm văn học, đề bài luôn yêu cầu các em viết đoạn văn trình bày cảm nghĩ về đoạn trích và có sử dụng những câu văn tương ứng với phần ngữ pháp đã học, đồng thời yêu cầu học sinh chỉ ra câu văn đó... Khi trình bày đầy đủ những yêu cầu trong một bài kiểm tra tương ứng với biểu điểm có sẵn thì điểm số được cộng dồn thành một kết quả nhất định. Chính điều này đã làm cho môn văn từ một môn học vốn được xem là mềm mại trở thành khô khan giống như các môn tự nhiên, chưa kể có những bài thi còn dùng phương pháp trắc nghiệm để ra đề. Vô hình chung, nhiều người đã cho rằng, với cách viết chương trình văn học như hiện nay, người ta đã quên mất rằng sức mạnh văn chương chính là ở những con chữ, ở trái tim cảm nhận tác phẩm văn học. Người dạy học văn chính là dạy cho học sinh biết rung động trước những áng văn chương chứ không phải dạy các em chẻ câu, chẻ chữ theo  các thao tác “tam đoạn luận”,“bắc cầu”… đã làm giảm sức hấp dẫn của môn văn, khiến học sinh thờ ơ với môn văn. Chưa kể nhiều thầy cô nhiều năm đứng lớp nhưng vẫn không thể thuộc hết những bài thơ được trích dẫn trong sách giáo khoa, dạy văn khô như dạy toán… khiến cho học sinh không còn mặn mà với môn văn.

 

Cảm thụ Văn học theo hướng “dây chuyền”

Trên thực tế, nhiều giáo viên vẫn cho rằng trong môn văn nội dung là cái quan trọng, hình thức chỉ là phụ, nên trong giờ dạy văn, thầy cô ra sức khai thác càng nhiều nội dung tư tưởng để giờ học thành công. Thực ra, quan điểm trên chưa thực sự chính xác nếu như không muốn nói là khiên cưỡng. Chúng ta đều biết, trong văn chương, nghệ thuật, nội dung và hình thức luôn là hai cặp phạm trù gắn bó mật thiết, thậm chí có quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Sinh thời, nhà văn Tô Hoài cho rằng: “Trong một sáng tác hình thức và nội dung, cũng ví như da thịt (hình thức) và máu xương (nội dung). Hình thức và nội dung không phải như cái áo cái mũ có thể cởi ra mặc vào thân thể lúc nào cũng được. Sự liên quan giữa nội dung và hình thức một bài văn là sự liên quan của máu thịt với thân thể con người. Không phân tích được như thế, riêng về giảng dạy, không gây được những hiểu biết vô cùng cần thiết về nội dung câu văn, lời văn. Thiếu sót đó cũng một phần nào làm cho đối tượng học sinh ta hiện nay có tình trạng kém hứng thú học văn” (Tô Hoài - Biết và hiểu trong phê bình và sáng tác - Văn nghệ 1/1/2011).

Xét về phương diện thực tiễn của công tác giảng dạy văn học, việc phân tích nội dung tác phẩm (văn bản), không chỉ  giúp học sinh nắm vững tư tưởng chủ đạo của tác giả qua tác phẩm, mà còn giúp các em hiểu hơn về thời điểm lịch sử của một quốc gia, dân tộc được tác giả đề cập trong tác phẩm, để từ đó có được cái nhìn chân thực hơn về những giá trị sống. Song song với việc phân tích nội dung thì hình thức cũng được xem là nhân tố quan trọng góp phần làm sáng tỏ văn bản. Hình thức biểu cảm trong văn bản (văn xuôi) và các thể thơ có những giá trị chuyển tải thông điệp khác nhau. Đơn cử trong thơ, thể thơ tự do, thơ lục bát… mỗi thể thơ sẽ đem đến những giá trị và sự cảm nhận nghệ thuật khác nhau ở người tiếp nhận. Người dạy văn phải nắm được cái hồn cốt của văn bản, khai thác tối đa nội dung và hình thức chuyển tải tác phẩm đến người học. Về lý thuyết là vậy, nhưng thực tế lại có những dung sai. Chúng ta đều biết, cái đích thực cần hướng tới của văn học nhà trường là tác phẩm, văn bản. Nếu hiểu theo quan điểm này thì văn học mới chỉ là văn học theo đúng nghĩa. Vậy thì, đối tượng giáo dục cần hướng tới là người học thì sẽ ra sao, họ sẽ được gì khi học một tác phẩm văn chương. Do vậy, hiện nay, trong nhà trường phổ thông, người ta luôn chú ý quan tâm đến những vấn đề như: Tính hành dụng của tác phẩm văn học, ý nghĩa xã hội văn học, bài học liên hệ từ văn học, kỹ năng xã hội từ văn học, tích hợp giáo dục... Điều đó, có nghĩa là học văn trong nhà trường phải được đưa vào “quỹ đạo” riêng so với cảm thụ văn học. 

Đây cũng là cái khó và bị cho là khô trong dạy và học ngữ văn hiện nay. Sau mỗi bài đọc hiểu, giáo viên thường yêu cầu học sinh trình bày cảm nhận của mình về tác phẩm hoặc đoạn trích từ đó phát biểu cảm nghĩ của mình về nhân vật trong tác phẩm, liên hệ với cuộc sống hiện tại. Đây là cách ra đề khá thống nhất và xuyên suốt bậc học phổ thông. Nhiều người cho rằng, với cách học và ra đề kiểm tra hiện nay, học sinh sẽ không bị rơi vào cái khuôn mẫu khô cứng “cảm thụ dây chuyền” mà ngược lại các em có thể được tạo điều kiện tốt nhất để tiếp nhận tác phẩm văn học theo cách sáng tạo của  mỗi học sinh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thầy cô đã và đang tạo cho giờ văn thực sự là một giờ văn đúng nghĩa của nó.

Tuy nhiên, cách dạy và ra đề nói trên không phải không có sạn. Còn nhớ, khoảng một, hai năm trở về trước, đời sống văn học trong nhà trường đã có không ít “sóng gió” khi thầy cô giáo “phá cách” đưa những bài hát mới của các ca sĩ trẻ vào đề thi văn học, như Lạc trôi của Sơn Tùng M-TP; Ông bà anh của Lê Thiện Hiếu; Năm 2017, nhiều người ngỡ ngàng khi đề thi nói về ca sĩ Chi Pu của một trường THPT tại Phú Thọ. Đề yêu cầu học sinh “hóa thân Chi Pu” viết một bài tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của mình sau khi ra mắt ca khúc bị “ném đá”...  Thường thì những đề thi văn nói trên sẽ nhận được nhiều ý kiến trái chiều, người ủng hộ cho rằng thầy cô đã bắt kịp xu hướng của giới trẻ (những cảm xúc thăng hoa và những cảm nhận về cuộc sống hiện tại), nhưng những ý kiến không ủng hộ lại cho rằng, cách ra đề cảm tính, thiếu quy chuẩn, dễ hình thành những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí lạm dụng “dân chủ hoá” để bài xích, cổ suý cho cái “Tôi” cực đoan… Chưa kể, không phải học sinh nào cũng thích cập nhật thông tin về đời sống showbiz, nên không biết đến ca khúc A, hay B muốn nói gì, bị “ném đá” ra sao… Và vì không quan tâm, thì sẽ không thể bày tỏ cảm xúc càng không thể nêu chính kiến của mình trước tác phẩm và xu hướng quay lưng hay cổ suý của cộng đồng. Cách ra đề này không giúp học trò tái hiện kiến thức, không định hướng được giá trị sống bởi showbiz không phải là tất cả. Song lại đang được nhiều người cho đó là một “thể nghiệm” mới.

Sẽ có nhiều đổi mới trong dạy và học văn, nhưng dù là “thể nghiệm” hay tiên phong cho cái mới thì thực chất việc dạy và học văn chính là phải nâng cao chất lượng dạy và học văn, định hướng và gieo vào tâm hồn các em bài học nhân ái từ môn văn để các em bước vào đời tự tin hơn, trải lòng mình với cuộc sống chứ không quay lưng với môn văn và  quẩn quanh với những tranh cãi về nội dung hay hình thức cái nào quan trọng hơn cái nào.

Nguồn Văn nghệ số 08/2020


Có thể bạn quan tâm