April 27, 2024, 4:34 am

Na Uy - đất nước lý tưởng đối với nhà văn

Christian Kielstrup hiện là tổng biên tập tạp chí Samtiden và chủ xuất bản ở Na Uy, ông nổi tiếng với những dự án văn học khác thường. Ví dụ, ông đến gõ cửa từng ngôi nhà và đọc thơ của thi sĩ Bồ Đào Nha yêu thích của mình Fernando Pessoa (1888-1935). Còn sau đó ông mở “Cửa hàng một cuốn sách” tại thị xã Lillehammer trong một tuần, nơi chỉ bán 1 cuốn sách của Pessoa. Ngày đầu tiên bán được 50 cuốn, ngày thứ hai, nhờ công nương Na Uy Mette-Marit đến thăm, bán đươc 300 cuốn, còn cả tuần bán được 1600 cuốn. Hiện nay, nhờ dự án này mà Pessoa được biết đến rộng rãi ở Na Uy và có thể mua sách của ông ở bất kỳ hiệu sách nào.

Sau đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của Christian Kielstrup về đời sống văn học và hoạt động xuất bản ở Na Uy.

 

* Xin ông cho biết ở Na Uy, nhà nước ủng hộ các nhà xuất bản như thế nào?

- Mỗi cuốn sách được nhà nước mua 1000 bản và chuyển cho các thư viện của tất cả các thành phố. Hoặc 1550 bản nếu là sách văn học thiếu nhi. Vì vậy, sau khi ra sách, nhà văn có thể không nghĩ về việc kiếm sống và yên tâm tiếp tục viết tác phẩm mới. Đồng thời các nhà xuất bản văn học phi thương mại cũng được ủng hộ như vậy. Các nhà xuất bản không phải lo lắng về việc tiểu thuyết phi thương mại không hoàn vốn

              

                 * Na Uy có Hội nhà văn không?

                 - Có một hội. Để được kết nạp vào hội này cần có ít nhất hai cuốn sách và trở thành tác giả phi thương mại. Hội nhà văn và Hội các nhà xuất bản liên kết với nhau khi cần bàn về những vấn đề quan trọng nào đấy. Ví dụ, khi xuất hiện sách điện tử và nhà xuất bản quyết định trả nhuận bút cho nhà văn ít hơn, hai hội này đã tổ chức thảo luận. Kết quả là họ đã đưa ra quyết định trả nhuận bút sách điện tử cũng bằng sách giấy. Ở nước chúng tôi còn có các Nhà văn học. Tại đây người ta tiến hành các buổi báo cáo chuyên đề và các cuộc gặp gỡ dành cho trẻ em cũng như người lớn, có những phòng dành cho nhà văn để làm việc, sinh hoạt. Nhà văn học lớn nhất nằm ở Oslo. Lớn không chỉ về diện tích, mà về số lượng các hoạt động, gần 400 mỗi năm. Murakami, Pamuk và nhiều tác giả nổi tiếng đã diễn thuyết ở đây. Một số tác giả cho rằng văn học không nên biến thành tiết mục biểu diễn, họ muốn những hoạt động của mình thu hẹp hơn, nhưng dù sao khi được mời diễn thuyết ở Nhà văn học, thông thường, không ai từ chối.

 

* Xin ông cho biết về các nhà xuất bản chính ở Na Uy.

                 - Chúng tôi có ba nhà xuất bản lớn nhất: Gyldendal, Aschehoug, nơi tôi đang làm việc, và Cappelen Damm. Gyldendal và Aschehoug là hai đơn vị cạnh tranh, chúng nằm trên một đường phố, đối diện nhau. Aschehoug thành lập năm 1872, Gyldendal – năm 1925 và Cappelen – năm 1829. Các nhà xuất bản này xuất bản sách thương mại, phi thương mại, phi hư cấu và sách giáo khoa. Còn một nhà xuất bản thú vị nữa là Oktober. Nó được thành lập năm 1970 bởi đảng cộng sản. Nhiều nhà văn thời đó có tư tưởng tả khuynh và đây là nhà xuất bản dành cho họ, tên gọi của nó liên quan tới nước Nga, cuộc cách mạng tháng Mười. Nhưng hiện nay họ không có định hướng chính trị nữa và Oktober chủ yếu xuất bản sách văn học nghệ thuật. Điều thú vị là 91% cổ phần của Oktober hiện nay thuộc về Aschehoug. Nghĩa là hiện nay đó là nhà xuất bản của chúng tôi. Còn nhà xuất bản Tiden (Thời đại) hiện nay thuộc về Gyldendal. Nhưng đó không phải là những ấn hiệu, mà là những nhà xuất bản độc lập.

 

* Có phải việc các nhà xuất bản lớn mua các nhà xuất bản nhỏ là hiện tượng điển hình ở Na Uy?

- Ở Na Uy có khái niệm “liên kết dọc”, đó là khi các mạng lưới cửa hàng sách trực thuộc nhà xuất bản. Ví dụ, ở Na Uy có 100 cửa hàng sách khác nhau, nhưng chúng cùng một mạng lưới. Và các cửa hàng chính trong số đó trực thuộc Gyldendal, Aschehoug và Cappelen Damm. Điều này giống như chiến tranh lạnh, chạy đua vũ trang: khi một nhà xuất bản mua một mạng lưới sách, các nhà xuất bản khác cũng làm như vậy; khi một nhà xuất bản mua một nhà xuất bản nhỏ các nhà xuất bản khác cũng mua các nhà xuất bản. Hiện đang diễn ra các cuộc tranh luận về việc điều đó có lợi cho văn học không. Ví dụ, ở Na Uy có cái gọi là Hiệp hội cạnh tranh, một thiết chế nhà nước chuyên theo dõi để trong tất cả lĩnh vực của thị trường diễn ra sự cạnh tranh lành mạnh. Hiệp hội này cho rằng rằng ba nhà xuất bản chính thống trị trên thị trường sách là điều không công bằng. Vì vậy gần một năm trước, Gyldendal, Aschehoug и Cappelen Damm buộc phải trả một khoản tiền phạt tương đối lớn cho nhà nước. Chúng tôi đã nhờ tòa án can thiệp và cuối cùng đã bị phạt ít hơn. Luận chứng chính mà các nhà xuất bản đưa ra để bảo vệ mình, và nó hợp lý, là thiếu họ sẽ không có nền văn học nào hết. Dân số Na Uy ít, nhưng nền văn học Na Uy có những vị thế lớn ở nước ngoài. Phần lớn là nhờ chúng tôi.

 

* Na Uy chỉ có 5 triệu dân. Có lẽ, số lượng in của các ông không lớn lắm?

- Tương đối nhỏ. Nhưng ít nhất là 1000 bản, vì sách được nhà nươc mua cho các thư viện. Ví dụ, sách thơ ngoài 1000 bản này còn có 200-300 người mua. Na Uy có rất nhiều nhà văn. Mỗi nhà xuất bản tìm kiếm các tác giả đầu tay, và mỗi năm số lượng nhà văn tăng lên khoảng 50 người. Tất nhiên, nhà văn nhiều, và không thể viết về tất cả các cuốn sách trên các báo và mua tất cả các cuốn sách này. Số lượng in của Jo Nesbø [1]gần 100.000 bản, nhưng đó là trường hợp hy hữu. Có những cuốn bestseller bán được 5000- 50.000 bản, đó là thành công lớn và hiếm hoi. Còn số lượng in trung bình theo tôi  từ 1500-2000, kể cả số bản nhà nước mua hộ.

 

* Khắp nơi trên thế giới hiện nay người ta nói về khủng hoảng, thậm chí sự diệt vong của văn học.

- Vị thế của văn học, đặc biệt văn học nghệ thuật, ở Na Uy rất mạnh. Có thể không mạnh như trước đây, vì rằng mọi người bắt đầu xem phim truyền hình nhiều tập và đọc mạng xã hội thay sách. Mười năm gần đây, nhiều nhà báo viết về văn học đã mất việc làm. Các báo bắt đầu giảm thu nhập và buộc phải thích nghi với hiện thực mới. Và những bài trả lời phỏng vấn dài của nhà văn là cái đầu tiên bị loại ra khỏi các báo. Nhưng dù sao văn học vẫn có vai trò lớn. Tôi không muốn nói rằng ở nước chúng tôi, nhà văn là nhà tiên tri như có một thời ở nước Nga. Vai trò chính trị của nhà văn bị hạn chế. Nhưng vai trò của nhà văn như một nhân vật nổi tiếng, một chuyên gia, không nhỏ. Những người nói rằng văn học đã chết là không đúng, vì trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhà văn thậm chí sống rất mãnh liệt.

Ở đây không thể không nhắc tới nhà văn Karl Ove Knausgård. Ông nổi tiếng với cuốn tự truyện của mình Cuộc đấu tranh của tôi. Thật là dũng cảm khi đặt tên sách như vậy, giống như cuốn sách của Hitler. Tuy nhiên, hiện nay ở Na Uy, không ai liên tưởng Cuộc đấu tranh của tôi với Hitler nữa, mà chỉ với Knausgård. (Ở Na Uy, nó bán đươc nửa triệu bản, nghĩa là cứ 10 người Na Uy thì có 1 người mua cuốn sách này). Knausgård dường như mô tả một cách trung thực mối quan hệ của mình với vợ, bố đẻ và những người thân khác. Gia đình ông không thích điều đó lắm, thậm chí bác của ông định làm đơn kiện, nhưng vì cuốn sách được gọi là tiểu thuyết, nghĩa là tác phẩm văn học, nên tòa án bác bỏ đơn kiện. Tôi nhắc tới Knausgård vì ở Na Uy mối quan tâm tới nhà văn như một con người, một nhân cách, rất lớn. Khi The New York Time Magazine muốn làm tư liệu về nước Nga, họ mời ông ấy với tư cách là tác giả. Ông đi du lịch khắp nước Nga và viết một số bài báo về vấn đề này. Nhưng tôi cảm thấy ông không hiểu nước Nga. Ông không trò chuyện với mọi người, mà điều đó rất quan trọng khi viết về một đất nước.

 

* Xin ông kể về tạp chí Samtiden do ông làm tổng biên tập.

- Tạp chí được thành lập năm 1890, khi Knut Hamsun[2]viết Đói, một cuốn tiểu thuyết rất quan trọng đối với chủ nghĩa hiện đại châu Âu. Nhân tiện cũng xin nói, Hamsun đã viết bài cho Samtiden. Nhà xuất bản Gyldendal cũng có tạp chí riêng của mình Vinduet (Cửa sổ), nhưng đó là tạp chí văn học thuần túy. Còn Samtiden là tạp chí về văn học, văn hóa, chính trị, công nghệ. Mặc dù trực thuộc các nhà xuất bản, nhưng các tạp chí được tài trợ một khoản tiền không lớn lắm, vì vậy mối liên hệ giữa tạp chí và nhà xuất bản, có thể nói, là mong manh. Nhiều thập niên trước đây, Samtiden đóng vai trò nổi bật và quan trọng hơn. Khi tôi còn là sinh viên, Samtiden được đọc như là một thời ở Nga người ta đọc Thế giới mới hay Báo văn học. Hiện nay tình hình thay đổi, vì đã xuất hiện nhiều phương tiện truyền thông, mà trước hết là các mạng xã hội. Việc gì phải mua tạp chí khi có thể xem phim truyền hình nhiều tập? Và nói chung trong lĩnh vực truyền thông đang  diễn ra sự cạnh tranh gay gắt. Nhưng mặc dù vậy, tôi không phải là người bi quan. Tôi làm tổng biên tập tờ Samtiden mới nửa năm nay, trong thời gian đó, số lượng in đã tăng lên ba lần. Hiện nay, so với các báo, số lượng in của tạp chí chúng tôi vẫn nhỏ. Chúng tôi có 1000 người đặt mua và bán được 3000 bản.  Theo quan điểm của tôi, một tạp chí như vậy hiện nay có thể đóng vai trò quan trọng hơn trước đây, bởi vì việc nhận  thức thời đại chúng ta khá phức tạp. Đôi khi đi trên phố hay ngồi trong quán cà phê, tôi nhìn mọi người và nghĩ: tại sao họ không đọc Samtiden nhỉ?!

Nếu như đối với nhà văn Na Uy, Na Uy là một nước lý tưởng thì đối với các nhà văn nước ngoài nó hoàn toàn không phải là một nước may mắn nhất. Thị trường nhỏ và giá dịch thuật cao dẫn tới chỗ văn học nước ngoài ở đây được xuất bản không nhiều lắm. Chính Knausgård  phàn nàn rằng ông buộc phải đọc bằng tiếng Anh nhiều tác giả, kể cả những người được dịch ra tiếng Anh từ ngôn ngữ khác. Ví dụ, tiểu sử nhà thơ yêu thích của ông Arthur Rimbaud. Knausgård thậm chí đã thành lập một nhà xuất bản nhỏ chỉ dành riêng cho sách dịch

 

* Xin ông cho biêt, những nhà văn Nga nào được biết đến ở Na Uy?

- Hiện nay người Na Uy không quan tâm tới văn học Nga. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng người Nga cũng đáp lại như thế. Mặc dù tôi biết rằng một số nhà văn Na Uy rất nổi tiếng ở Nga. Tất nhiên, so sánh như vậy là khập khiễng, dù sao Nga là một nước lớn trên thế giới, và cần tìm hiểu nền văn hóa của các bạn một cách kỹ lưỡng hơn.

Ở Na Uy có một số người chuyên nghiên cứu văn học Nga. Chúng tôi từng có nhà xuất bản Cappelen Damm chỉ xuất bản sách Nga, nhưng nó không tồn tại nữa. Nếu như ta giữ lại một người trên đường phố và hỏi ai là nhà văn Nga đương đại lớn nhất thì không ai trả lời được. Nhưng, tất nhiên, ở nước chúng tôi, người ta biết các nhà văn cổ điển Nga, yêu mến Dostoyevsky, Tolstoy, Bulgakov. Khi  sống ở Nga, tôi để ý thấy rằng nhà văn được yêu thích của các bạn là Pushkin. Còn ở Na Uy nhà văn Nga được yêu thích nhất là Dostoyevsky.

 

Trần Hậu (Theo báo Nga)

 

 


[1] Jo Nesbø là nhà văn, nhạc sĩ người Na Uy, cựu nhà kinh tế và phóng viên. Tác phẩm của ông đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng, bán được 30 triệu bản trên toàn thế giới.

[2] Knut Hamsun  tên thật là Knud Pedersen, là nhà văn Na Uy đoạt giải Nobel Văn học năm 1920. 

Nguồn Văn nghệ số 43/2018


Có thể bạn quan tâm