April 26, 2024, 8:46 pm

Mùi của người già

Hôm nay anh xuống phố để đón Tết âm lịch với những người bạn Việt Nam cũng sống ở Trier. Ngay khi vừa đẩy cửa bước xuống đường Behring, một cái lạnh kinh người đã ào tới làm anh phải co ro và xoa xoa bắp thịt để làm ấm cơ thể. Mùa Đông ở Đức dài quá. Nó không khắc nghiệt như mùa Đông của các nước Bắc Âu nhưng vẫn quá lạnh với một người sinh ra và lớn lên trong cái nắng Việt Nam như anh.

Vừa đi, anh vừa ngắm nhìn hừng đông trên đồi Petrisberg. Từ những cột ống khói sáng choang của khu biệt thự trắng, hơi nước bốc lên, quần thảo trên những mái ngói màu xanh đen rồi nhẹ nhàng tan biến như một đám mây mờ. Làn hơi mỏng manh ấy làm anh nhớ căn bếp nhỏ quê nhà trong những chiều cuối năm, nhớ bà và nhớ mẹ, những người phụ nữ nông thôn gắn mình với bếp lửa và thơm nồng mùi khói.

Những ngày Xuân thật cũ, người của bà cố anh thoang thoảng mùi khói bếp hoà chung với ngò rí, những cây rau đặc biệt già cỗi được bà trồng riêng ở một góc sân sau. Đám ngò ấy chỉ được thu hoạch khi đã cao quá đầu gối, lắm nhành, nhiều quả nhưng hầu như chẳng còn chiếc lá nào dính lại. Bà gọi chúng là “rau mùi già” theo kiểu của một người miền Bắc. Bà bảo Tết là phải có một nồi rau mùi già để tắm thì mới đúng hương và đủ vị. Một thằng nhỏ sinh ra và lớn lên trong miền Nam, hấp thụ văn hóa Nam bộ như anh thì hiểu gì chuyện ấy? Anh chỉ biết là trời chẳng lạnh một chút nào và việc dội lên người cái thứ nước hăng hăng ấm ấm ấy không sảng khoái bằng việc đứng dầm mình dưới vòi sen mát lạnh. Những thành viên khác trong gia đình, tuy không nói ra nhưng cũng thầm đồng ý với anh. Và vì thế mà Tết nào cũng chỉ có bà cố ngồi tắm nước mùi già. Bà xem nó như là một dấu chỉ của miền quê xa xôi, nơi bà đã từng sinh ra và gắn bó cho đến khi lên đường theo xóm đạo vào Nam. Sau này, khi bà cố đã mồ yên mả đẹp, nhà anh chẳng còn ai nấu nước mùi già để tắm nữa. Khoảng sân cũ chỉ còn những vạt rau mơn mởn màu xanh non. Đến cái tên “mùi già” cũng lùi xa vào dĩ vãng, trở thành một cụm từ vừa quen vừa lạ lẫm như người bạn cũ đã lâu ngày không gặp. Nó nhường chỗ cho “ngò rí”, một cái tên thông dụng hơn ở miền Nam và đôi khi chỉ còn một tiếng “ngò”. Thi thoảng, anh lại thấy nhớ mùi hương ấy, mùi hương đặc trưng của bà cố trong những chiều cuối năm, nhất là khi có ai đó nhắc anh về mùi của Tết hay mùi của người già...

Vẫn là mùi khói bếp, nhưng ở bà ngoại anh nó được hòa với mùi của những cái bánh chất đầy đôi quang gánh. Mùi hương ấy vương trên áo ngoại anh từ ngày này sang ngày khác, trở nên quen thuộc như mùi hương của chính cơ thể bà. Anh chưa bao giờ quên cảm giác được nằm gọn trong vòng tay của ngoại, hít hà mùi hương đặc biệt ấy và mơ tưởng về những chiếc bánh mà ngoại đã làm từ khi còn là một cô thiếu nữ. Rồi những năm gần đây, khi đôi quang gánh đã được cất vào một góc nhà kho, chiếc áo của ngoại anh lại thoang thoảng hương trầm. Anh đã ngửi hương trầm từ khi còn rất nhỏ, nhất là khi gia đình anh có giỗ, có tang hay chạp mả. Đối với anh, nó vốn là một mùi hương rất bình thường, chẳng gợi lên chút gì ngoài những làn khói trắng mong manh và một mâm cỗ đầy. Vậy mà khi nó tỏa ra từ chiếc áo từng thơm mùi bánh của ngoại anh thì lại làm anh day dứt quá. Vẫn là mùi của khói nhưng nó không gợi lên hình ảnh ấm êm nơi bếp lửa mà phảng phất những buổi chiều dần buông trong một căn nhà cũ, có cụ già lủi thủi đi ra đi vào như nhớ nhớ quên quên, như muốn gì chẳng rõ. Chốc chốc, cụ già ấy lại cắm một cây nhang vào chiếc lư đã chật kín từ lâu của người con vắn số...

Không ít lần anh đã chực òa khóc khi thấy ngoại lẩn thẩn tìm sang nhà mình với một chiếc áo thoang thoảng mùi hương trầm và câu hỏi lơ ngơ:

- Mẹ bay đi đâu rồi?

Câu hỏi ấy, tưởng chừng như đơn giản nhưng anh lại chẳng biết làm sao để trả lời. Anh không thể nói thật, như thế là tàn nhẫn với tâm hồn già cỗi đã không còn đủ sức chịu đựng. Nhưng anh cũng không thể lảng tránh những câu hỏi dồn của ngoại hết lần này đến lần khác. Chắc chắn, tấm di ảnh trên bàn thờ sẽ trả lời thay anh. Để rồi một lần nữa, hương trầm và tiếng khóc sẽ cùng nhau lấp đầy căn nhà nhỏ vốn đã quá ảm đạm. Anh chỉ có thể nói dối và bảo ngoại quay về, đừng vô thăm con cháu. Thật tệ, phải không em?

Mẹ anh chưa kịp già. Thật buồn là như thế. Nếu bà ấy có cơ hội để già thì anh tin là mùi khói bếp vẫn sẽ còn ám vào những cái ôm mà mẹ dành cho anh. Nhà anh đã có bếp gas từ rất lâu nhưng có những món mẹ anh nhất định phải nấu bằng bếp củi. Mẹ nói như vậy thì món ăn mới đậm đà hương quê, mới mang đến cảm giác tuyệt vời nhất cho người thưởng thức. Và anh tin là mẹ mình nói đúng. Anh đã từng ăn những nồi cá kho trên bếp điện, tuy rất to và béo nhưng chúng lại không thơm, không dậy mùi bằng những con cá rô đồng be bé được mẹ anh nướng sơ trên lửa than rồi đem kho với gừng trong một cái nồi đất. Mùi khói hòa quyện với đồ ăn quê nhà tạo thành một tổ hợp mà chỉ cần ngửi qua là những kí ức về mẹ sẽ hiện về theo cơn đói. Đói bụng và đói lòng, anh thèm được thấy mẹ loay hoay bên bếp lửa, nấu những bữa cơm giản dị nhưng chưa bao giờ dở...

Kể từ khi vắng mẹ, căn bếp nhỏ nhà anh thiếu hẳn những bữa cơm rộn rã. Mấy cha con anh chỉ có thể chấp nhận cái bếp gas, nấu những món ăn chẳng còn thơm mùi khói, thiếu tiếng cười và vắng bàn tay mẹ. Anh chạnh lòng vì chưa kịp học hết những món ngon mẹ nấu. Em gái anh thậm chí còn chưa kịp nhớ mùi vị của những món mà mẹ anh chỉ làm trong những ngày cuối năm, những món ăn gắn liền với mùa Tết. Còn ba anh, hình như ông đã thèm mùi khói dù trước đây cứ bảo mẹ nấu bếp gas cho tiện. Anh thấy ông nhìn thịt kho hột vịt, canh khổ qua rồi thịt ngâm nước mắm, bún xào lòng gà... mà mắt đỏ hoe như sống lại những tháng ngày xưa cũ, khi một cơn gió mạnh thổi khói bếp bay ngược vào nhà anh.

Nhanh chân chạy ào lên xe buýt, anh đưa mắt nhìn những hàng cây trơ trụi nơi đất khách quê người. Phía bên những cành nhánh khẳng khiu, dưới chân đồi Petrisberg, thành phố Trier nép mình bên dòng Mosel đang hiền hòa uốn lượn. Anh yêu thành phố này vì nó đã đãi anh bằng tất cả những gì mà anh muốn. Ở đây, anh được học, được trải nghiệm, được tham quan những công trình tráng lệ, được ngắm nhìn những cổ vật mang trong mình cả một câu chuyện lịch sử - văn hóa đầy thú vị. Nhưng tuyệt nhiên, nó không thể cho anh ngửi lại mùi khói bếp thân yêu. Anh nhớ quê, nhớ những ngày thật cũ, nhớ cảm giác rộn ràng đón Xuân trong xóm nhỏ, thèm được chúc ai đó một năm mới bình an khi mà cái Tết dương lịch đã qua từ rất lâu. Bất chợt, anh lẩm nhẩm hát lên:

- Về nghe mùi khói... bếp loay hoay, mắt cay cay.

Ừ, về chứ. Sao không được? Mùa hè năm nay, khi vừa thi xong môn cuối cùng, anh sẽ bắt máy bay về thắp nhang cho mẹ, về ngửi lại mùi khói bếp thân quen, mùi hương vẫn sẽ vương trên áo mẹ anh nếu bà ấy có cơ hội để già...

Nguồn Văn nghệ số 1/2023


Có thể bạn quan tâm