April 26, 2024, 12:46 pm

Mùa thu Nam Hà Nội

Tôi về định cư ở ven hồ Linh Đàm đã hơn 20 năm mà cho đến bây giờ tôi mới biết Nam Hà Nội linh thiêng đến thế nào. Xưa nay nói về Hà Nội, người ta nói nhiều về Hồ Gươm, đất thiêng Ba Đình, Hoàng Thành Thăng Long, Tây Hồ... Mấy ai nói về Nam Hà Nội. Thảo nào, Du lịch nội đô Nam Hà Nội chưa được kích hoạt thỏa đáng.

 

Minh họa: Ngô Xuân Khôi 

 

Nam Hà Nội, nơi có Bến xe Giáp Bát, bến xe Nước Ngầm suốt ngày đêm ồn ào xe cộ. Phía Nam Hà Nội, nơi như chỉ lướt qua nhanh để rồi còn về quê cũ xa xa. Nơi ấy là điểm cuối cùng của chuyến đi xa trở về Hà Nội từ một tỉnh nào phương Nam. Ai ai cũng vội vội vàng vàng. Mau mau còn về nhà kẻo trời đã tối rồi.

Năm xưa, tôi về Hà Nội, khi tiếng còi tàu rít lên khản đặc, tiếng loa trên toa báo tàu về ga Thường Tín là tôi đã rối lên: Sắp xuống ga Hàng Cỏ, khi tiếng xình xịch con tàu chạy dọc đường Nam Bộ (Bây giờ là đường Lê Duẩn). Tôi chưa một lần nghĩ rằng cửa ngõ Nam Thủ đô Hà Nội linh thiêng, hoành tráng thế nào.

Năm xưa, khi Nguyễn Huệ cất quân ra Bắc đánh bại quân Thanh, khi tiếng vó ngựa hí vang đất Ngọc Hồi, Người biết rằng, sắp chạm đất thiêng Thăng Long.

Nam Hà Nội, nơi có dự án Đô thị Mới Linh Đàm, phôi thai từ 1995. Rồi thành Đô Thị kiểu mẫu nhất Hà Nội, tỷ lệ đất hồ, tỷ lệ cây xanh trên đầu người cao nhất Hà Nội. Linh Đàm chỉ sánh với Phú Mỹ Hưng (Thành phố Hồ Chí Minh). Thế mà bây giờ, Linh Đàm thành đô thị tỷ lệ dân đông nhất Hà Nội, tắc đường liên tục 24/24. Rất vui, gần đây có nút giao ngã 5 đèn xanh đỏ hiện đại nhất Hà Nội. Từ ngã 5 Linh Đàm, cao tốc vút lên cao như điểm nhấn sân bay. Hướng bay: Thành phố Hồ Chí Minh. Tắc đường ít dần đi.

Nam Hà Nội, chỉ tính bán kính 3 km, lấy hồ Linh Đàm làm trung tâm, Phía Nam, hướng Thường Tín: đất thiêng chùa Tứ Kỳ, chùa Linh Đường, Chùa Bằng, Tháp thiêng cao nhất Hà Nội... Phía Tây, dọc đường phố Kim Giang: Chùa Lủ, Chùa Kim Giang... Phía Đông, bên phải đường Giải Phóng: Chùa Pháp Vân cổ nhất Nam Hà Nội và hàng loạt chùa dọc đường Giải Phóng. Phía Bắc Linh Đàm: Chùa Đại Từ, tổ hợp các đình, chùa, đền thờ dọc theo sông Tô Lịch.

Tôi đọc riêng lịch sử chùa Bằng, phía Đông Nam hồ Linh Đàm mới thấy, thời gian đã ủng hộ tổ tiên thế nào. Trước thời Hậu Lê chùa đã trùng tu nhiều lần. Ấy thế mà sau 1954 đến 1996, hơn 40 năm, với quan điểm chống mê tín dị đoan đến cực tả, chùa bị tàn phá, không có sư trụ trì, không phật tử trông coi. Rồi lòng dân hướng thiện, nhà nước có chính sách tín ngưỡng rõ ràng....bây giờ chùa Bằng đẹp và linh thiêng như là xưa vẫn thế. Tôi gần chùa Bằng thế mà giờ mới biết, chùa có từ thế kỷ 17.

Tôi nhớ, năm 2021, Covid đang bao trùm đất nước, ngày giỗ Bác Hồ, tháng 9/2021, ca sĩ Lê Hương Huệ điện cho tôi: Em có album mới, những bài hát em hát về Bác Hồ. Anh đi với em về lăng Bác để dâng hương nhé. Đi thế nào được. Covid ra đường... bị bắt ngay. Trưởng di tích Bác Hồ tại Linh Đàm bảo tôi: Cần gì về lăng Bác. Ngay tại đền thờ Bác Hồ ở làng Đại Từ đây có nơi để dâng hương kính báo Người. Thế rồi, chủ tịch UBND phường, bí thư Đảng ủy phường Đại Kim cùng tôi và ca sĩ Hương Huệ đã đến đền thờ Bác Hồ dâng hương báo tin Người. Tôi lại biết tại sao năm 1958 Bác đã về thăm Linh Đàm, nơi điển hình khá của nông thôn Hà Nội sau giải phóng 1954 . Người đã biết Nam Hà Nội linh thiêng thế nào.

Mùa Thu Nam Hà Nội. Trời ạ! Ai có biết không ai? Thu, lá vẫn xanh rười rượi. Năm xưa Lưu Trọng Lư viết: Em không nghe rừng thu/ Lá thu rơi xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp lên lá vàng khô?... Hay thì hay thật. Hay đến thôi rồi! Nhưng mà... ai có biết không ai, bài thơ này đặc mùi Phương Bắc. Trung Hoa xưa, các đại thi hào làm thơ: Đỗ Phủ, Lý Bạch... bao giờ chả có mùa thu lá vàng rơi. Thì đúng mà. Mùa thu Phương Bắc, kể cả Mùa thu châu Âu... Tuyết rơi, lá nào bám được vào cành. Hôm qua lá còn xanh, sáng nay, rừng vàng ruộm một màu. Vàng rơi, đẹp như tự thiên thu. Hà Nội không phải thế. Tôi cam đoan, Thu Hà Nội không phải thế. Mùa thu vẫn rười rượi lá xanh. Mà bây giờ, để làm đẹp môi trường, người ta còn đưa về những loại cây lá xanh quanh năm và không hề rụng lá, để đỡ cho các chị môi trường đi gom lá mùa Thu. Đấy là tôi chưa nói bài thơ Mùa Thu của 30 - 40 năm đầu thế kỷ 20 mà danh từ đầy màu sắc của Chinh Phụ Ngâm thế kỷ 18: Em không nghe rạo rực/ Hình ảnh kẻ chinh phu/ Trong lòng người cô phụ...

Mùa Thu Nam Hà Nội, con đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, vạch một nét ngang trời thẳng tắp, xuyên đến tận thành phố Hồ Chí Minh, mà quanh năm, hai bên đường là hai thảm cây xanh như là ai quyét mực, không một lá vàng rơi mà vẫn có mùa Thu… Tôi nhớ, 12 năm trước, Hà Nội 1000 năm Thăng Long, năm 2010, một kiến trúc sư nào đó đã mơ ước xây một Khải Hoàn Môn thủ đô Việt Nam ở cửa phía Nam Hà Nội. Bây giờ ý tưởng ấy vẫn còn mơ mộng đấy. Ai đi xa Hà Nội, nay về lại Thăng Long, máy bay chưa hạ cánh ở Nội Bài, người ta đã hình dung trong đầu một cổng thành Nam Hà Nội lồng lộng trên trời cao, đón chào người cũ về lại cố hương. Cái cổng làng của Thăng Long tứ trấn đấy, nói sao không làm? Cho dù Nam Hà Nội rất nhiều cửa đi vào nội thành, nhưng có một cửa chính thì muôn đời vẫn linh thiêng hơn.

Bây giờ, đi đâu xa về, chưa đến Thường Tín, cách Hà Nội trung tâm 20 km, biển xanh chữ trắng đã đề: Địa giới Hà Nội. Có người đã thốt lên: Về nhà rồi! Ấy thế mà tắc đường Giải Phóng, tắc đường cao tốc trên cao... Hai tiếng sau mới về đến phố cổ Hồ Gươm. Cho dù đường cao tốc bây giờ, nếu bạn quê Thanh Hóa, Hà Nội Thanh Hóa chỉ 2 tiếng 30 phút là cùng.

Đi xa về Pháp Vân, chiều đã muộn rồi, mau mau mà về phố mình, phố cổ hãy còn xa. Không ai nghĩ, nép bên đường Nam Bộ xưa, bây giờ là đường Giải Phóng, chùa Pháp Vân đã hàng nghìn năm cổ kính, chỉ cách cửa kính xe con ta ngồi 10 m mà mấy ai đã bao giờ viếng thăm. Chùa Tứ Kỳ đẹp, cổ kính, linh thiêng nhất phía Nam, chỉ cách bến xe Nước Ngầm 200m mà người ta như quên, như không có bao giờ... nhanh nhanh mà lên xe, cẩn thận không thì mất túi. Trong khi trong chùa thanh tịnh, chiều chiều, sư vẫn tụng kinh, giờ thiêng, chuông chùa vẫn điểm. Chuông điểm cho trời nghe. Du khách còn đang vội.

Du lịch thủ đô Hà Nội, tôi đã đi những tour dọc sông Hồng, một ngày trời, Citytour,  xe 2 tầng vòng  quanh phố cổ, Citytour về tận Sơn Tây. Thế mà sao không có Tour xe 2 tầng đi Du Ký về Nam Hà Nội?

Mùa thu Nam Hà Nội, Tôi nhớ cụ Vũ Tuân Sán, người viết cuốn HÀ NỘI XƯA VÀ NAY. Tập sách dày đến nửa gang tay hay đến nỗi GS-TS Mai Quốc Liên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, từ năm 2007 đã phải thốt lên: Con người hiếm quí, một nhà văn hóa bậc thầy mới có được cuốn sách hay và quí về Hà Nội đến vậy. Cụ sống đến ngoài 90. Bây giờ cụ đã về trời nhưng tập sách dày cộp của cụ vẫn còn đây, trên giá sách của tôi, cho dù sách đã ố vàng. Rất may tôi được ông bạn quí tặng cho. Ông bảo cụ mất rồi thì ai đọc. Bây giờ tôi đọc mà. Trầm tích văn hóa Nam Hà Nội.  Nhà cụ ngay giữa Linh Đàm, cách nơi tôi ở 300 m. Làng Đại từ xưa trầm tích bao nhiêu văn hóa Thăng Long. Thế mà sau 20 năm tôi mới biết.

Hôm đại hội Liên hiệp Hội VHNT Hà Nội, 26/7/2022, tôi gặp PGS TS Nguyễn Hữu Sơn. Ông tặng tôi cuốn Tuyển tập Du ký của nhà văn hóa Đặng Xuân Viện (Thân sinh ra nguyên TBT Trường Chinh) do Nguyễn Hữu Sơn chủ biên. Tôi mới nhớ ra: Phố Đặng Xuân Bảng, gần hồ Linh Đàm là mang tên cụ thân sinh ra nhà văn hóa Đặng Xuân Viện (Ông nội của TBT Trường Chinh). Linh Đàm thiêng là phải. Xem xong tập du ký, tôi chợt lóe lên ý tưởng: Sao không viết Du ký Hồ Linh Đàm. Linh Đàm giờ đã là quê. Ngày nào tôi không du ký chùa Đại Từ, chiều nào không một lượt một vòng quanh hồ xanh, tối nào không đi bộ qua lăng mộ bà chính phi Trần Thị Tốt… Thế mà không nghĩ ra bài du ký đất thiêng này. Thì ra, Gần chùa gọi bụt bằng anh. Thế ư?

Nam Hà Nội, trong khuôn viên Đô thị mới Bắc Linh Đàm, có mộ bà Trần Thị Tốt, người khai phá Nam Hà Nội, Linh Đường, Linh Đàm, Đại Từ... Bà chính phi Nhà Trịnh có lòng tốt bao la, nuôi rất nhiều cháu vô gia cư, dành tiền cho người nghèo, chia ruộng cho dân cày. Đến nỗi, khi bà mất, dân làng Đại Từ (Linh Đàm bây giờ) đã viết trong hương ước: Phải tạc tượng bà, phải thờ như thần hoàng làng. Đến nỗi, khi có Đô thị mới Linh Đàm, tất cả dân đều di dời, riêng mộ bà không những không di dời mà mộ bà còn tôn tạo to hơn, dựng bia kể công bà cho đời sau. Tượng bà đã được tạc bằng đá xanh quí và thờ trong đền của làng Đại Từ bây giờ.

Nam Hà Nội, mùa Thu, tôi nghĩ đến những tòa nhà chọc trời ở Khu Đô thị mới Bắc Linh Đàm, Đô thị mới Tây Nam Linh Đàm, Đô thị mới Hồ Linh Đàm, Đô thị mới Đại Kim, Đô thị mới Công Viên Yên Sở... mà mỗi khi xe về chưa đến Pháp Vân đã thấy lô nhô lên trời cao, hình ảnh mà 20 năm trước đã làm gì mơ đến. Hà Nội đổi thay từng ngày, đẹp hơn lên, hiện đại, lộng lẫy.

Bây giờ về lại thủ đô, những dòng xe trên đường cao tốc vun vút lao nhanh đến hướng bến xe Nước Ngầm bỗng ùn lại hàng cây số. Trời Nam thủ đô kẹt xe, bao giờ thì hết? Tắc đường, không ai có thời gian mà nghĩ chùa Tứ Kỳ ờ đâu, Nam Hà Nội linh thiêng thế nào... Những dự án Tây Nam Linh Đàm, Hồ điều hòa Yên Sở... cứ nhiều lên nhưng mà những chùa chiền, những đền đài lăng tẩm vẫn còn nguyên. Nào ai giám di chuyển. Dân ta trọng những di sản xưa, quí những di tích tâm linh.

*

Hàng năm, mùa Xuân, mùa hoa đào, Nam Hà Nội, người ta vẫn lên chùa, vẫn cầu an lạc, vẫn lễ cầu may đông như trẩy hội. Mùa Hạ, các khóa tu vẫn đông nghịt các chùa. Tháng 7, Mùa Lễ Vu Lan Báo hiếu, phải đăng ký trước hàng tuần. Cuối tuần, Rằm Mồng một, phật tử vẫn nườm nượp dâng hương.

Thế kỷ XXI, thế kỷ của du lịch tâm linh. Người ta dự báo lâu rồi. Sao các tour du lịch không kết nối phía Nam Hà Nội. Phải làm thôi. Người hành hương về nguồn, du khách quốc tế cần đến, khách sạn Mường Thanh Hà Nội vẫn chờ. Điểm đến vẫn còn trống. Hỡi những người làm du lịch nội đô! Còn chờ gì nữa. Không chỉ mùa Thu. Du lịch Nam Hà Nội đón khách cả bốn mùa. Phải có tour, các chung cư Nam Hà Nội cuối tuần. Cần gì đi đâu xa. Nam Hà Nội gần lắm mà.

Nguồn Văn nghệ số 34/2022


Có thể bạn quan tâm