April 26, 2024, 3:29 pm

Một vùng đất của Thơ và Họa

Nói đến Sơn Tây người ta nghĩ ngay đến Xứ Đoài – Một vùng đất phía tây thủ đô. Sự liên tưởng ấy cũng phù hợp với lô - gic của sự phát triển. Xứ Đoài là một vùng đất cổ đã được định danh từ rất lâu trong lịch sử, với vị trí là phên dậu của Kinh đôThăng Long xưa, còn Sơn Tây trở thành trung tâm Kinh tế, Chính trị, Văn hóa của vùng đất chỉ mới được định hình từ đầu thế kỷ XIX. Song, chúng ta không thể minh định được một cách rạch ròi đâu là Sơn Tây, đâu là Xứ Đoài…

Nhớ một chiều mưa của Lê Phi

Lịch sử đã lấy kinh thành Thăng Long làm trung tâm để phân chia ra “tứ xứ và tứ trấn”, sự phân chia ấy không phải là ngẫu nhiên. Trải dài trong diễn trình lịch sử mà thời gian được tính bằng nhiều thế kỷ, tổng hòa các yếu tố tự nhiên, xã hội đã làm nên tính địa khu vực riêng có, dưới tên gọi Xứ Đoài!

Hôm nay, trong không gian này, chúng tôi xin được nói tới một lát cắt của nghệ thuật dưới góc độ hội họa. Ta có thế khẳng định Xứ Đoài là vùng đất của hội họa bởi chúng ta đã có những họa sỹ nổi danh một thời như Nguyễn Đỗ Cung, Phan Kế An, Sỹ Tốt… và một đội ngũ các họa sỹ trẻ đang trên đường khẳng định mình trong lĩnh vực này!

Sau rất nhiều năm như thế, thì hôm nay đây, tại triển lãm có tựa đề “Mây Mưa”, Lê Phi, Nguyễn Tấn Phát, Hoàng Sơn Tú, Đinh Hồng Quân, Nguyễn Ngọc Tuân… nhóm họa sỹ trẻ của thị xã SơnT ây, thông qua các tác phẩm được trình bày trong khuôn khổ khiêm tốn này, cũng là sự mở đầu  cho một hành trình dài phía trước.

Ngày mưa của Nguyễn Ngọc Tuấn

“Mây – Mưa” là tựa đề của cuộc triển lảm, một cái tên gợi tính tò mò của công chúng yêu nghệ thuật. Đối với nhóm cũng là một sự tình cờ. Một ngày đầu thu gần đây, nắng rất thu và không gian yên bình của vùng đất cũng rất thu! Nhóm tụ hội để đi vẽ dã ngoại. Thế rồi mây bất ngờ kéo đến, họ vẫn tiếp tục vẽ dưới bầu trời với những sắc thái đầy biến động và mưa. Những hạt mưa hòa cùng với màu vẽ của các họa sỹ tạo nên một hiệu ứng bất ngờ đầy ngẫu hứng… Thế là cả nhóm đồng tình để có cuộc trưng bày tranh hôm nay!

Có thể khẳng định đây là một nhóm họa sỹ trẻ, tuổi đời chưa quá bốn mươi, tất cả đều được đào tạo rất cơ bản trong các trường nghệ thuật. Lòng say mê với nghề đã đưa họ đến với nhiều triển lãm từ trung ương, khu vực, rồi các triển lãm nhóm ở địa phương. Mặc dù tuổi đời, tuổi nghề chưa trải nhiều thử thách song, tác phẩm của họ đã để lại ấn tượng trong lòng công chúng yêu nghệ thuật.

Lê Phi với cách tạo hình cô đọng, tranh của anh kiệm lời nhưng sự lan tỏa mạnh mẽ bởi, xem tranh Lê Phi, người thưởng thức bắt gặp ký ức của mình. Những điều từ lâu tưởng đã chìm khuất trong bộn bề đời sống bỗng thức dậy, cảm xúc dẫn dắt ta đi với những dòng hoài niệm xốn xang…

Nguyễn Ngọc Tuấn dạt dào trong từng nhát cọ với những cảm xúc đầy tình tứ. Không giống như thế, Hoàng Tú Sơn mạnh mẽ, dứt khoát trong cách thể hiện…

Nguyễn Tấn Phát, người họa sỹ nặng lòng với những số phận đã đoan, chìm khuất trong cuộc đời. Song những va đập của sắc màu tương phản mang đến một hiệu ứng cảm thụ mạnh mẽ…

Đinh Hồng Quân bút pháp tung tẩy như đùa giỡn với nắng…

Không sao chép hiện thực thuần túy kỹ thuật, tranh của nhóm họa sỹ Sơn Tây đã mang đến cho người thưởng thức một không gian mới của đời sống dưới góc nhìn hội họa hoàn toàn cá nhân. Mỗi người một khám phá trong thế giới kỳ ảo của sắc màu. Không rập nguyên khuân mẫu đã có sẵn, không giống với bất kỳ một cây cọ tên tuổi nào đã được khẳng định… Phải chăng đó chính là một sự sáng tạo đích thực!

Ai đó nói: “Dấu giày không phải là giày”, mệnh đề này luôn luôn và bao giờ cũng là một thách thức đối với những người làm nghệ thuật. Tranh của 5 họa sỹ được trưng bày trong triển lãm là một cách tiếp cận những vấn đề của hội họa đương đại đầy táo bạo. Thành công bước đầu của việc trưng bày này chính là sự bứt phá trong cảm xúc thẩm mỹ…Chúc cho nhóm họa sỹ Sơn Tây thành công trên con đường chinh phục tình yêu của công chúng yêu nghệ thuật nói chung và nghệ thuật hội họa nói riêng!


Có thể bạn quan tâm