April 26, 2024, 9:55 pm

Một trí thức Nga mang trái tim Việt Nam

Chuyên gia bậc nhất về lịch sử quan hệ Việt – Nga

Hầu như những người nghiên cứu văn học nghệ thuật hay chuyên sâu vào khoa học xã hội Nga của Việt Nam từ khoảng thập kỷ 70 của thế kỷ trước đến nay, đều biết đến tên tuổi của Phó Giáo sư Tiến sĩ Anatoly Socolov.

Ngược lại, ông A. Socolov cũng quen biết hầu hết những nhà Nga học của Việt Nam. Dịch giả Thúy Toàn, nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân, Đào Tuấn Ảnh, Vương Trí Nhàn; Giáo sư Đỗ Quang Hưng, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Xuân Hòa…đối với ông A. Socolov đều là chỗ tâm giao.

Năm 1973, sau khi tốt nghiệp tốt ngành Việt Nam học của Viện các nước châu Á và châu Phi, (IXXA), ông theo học  khóa phiên dịch tại Đại học Tổng hợp Moscow  năm 1975; năm 1981, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.

Ông tham gia phiên dịch và làm việc với rất nhiều đoàn cán bộ khoa học, nghệ sĩ Việt Nam sang công tác tại Liên Xô trong suốt những năm cuối thế kỷ XX. Bất cứ ai từng tiếp xúc với ông đều có ấn tượng sâu sắc với một dịch giả, một trí thức Nga sử dụng thành thạo tiếng Việt, có một kiến thức bách khoa về đất nước Việt Nam.

Nhờ nắm vững tường tận ngôn ngữ, phong tục tập quán Việt Nam, ông đọc rất nhiều và có kiến thức phong phú, rộng lớn về nhiều phương diện, nhất là việc hiểu biết lịch sử như là một giáo viên thực thụ giảng dạy môn lịch sử Việt Nam.

Ông là chuyên gia bậc nhất hiện nay về lịch sử quan hệ hai nước Việt – Nga cũng như các vấn đề về Quốc tế cộng sản và Việt Nam. Hàng chục bài viết của ông về mảng này đã được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín của Viện nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, trong số đó, nhiều bài đã được dịch và công bố ở Việt Nam.

Có ai từ Hà Nội sang Moscow, ông đều nhờ mua các ấn phẩm mới nhất sang Nga, nhờ vậy, tủ sách tiếng Việt của ông là một thư viện sách Việt Nam đầy đủ, bao gồm những bộ sách quý, khó tìm thấy ở nước ngoài.

Trong hơn 100 bài viết và công trình khoa học của ông viết về Việt Nam, trước hết phải kể đến bộ “Từ điển Việt Nga” hơn 60 ngàn từ vựng, ông cùng viết với I. Glebova, xuất bản năm 1992, cho đến nay đã tái bản ba lần.

Không chỉ vào những năm cuối thế kỷ, mà ngay đến tận bây giờ, khi internet phát triển, việc tra cứu, dịch thuật qua google rất dễ dàng, thì cùng với cuốn “Từ diển Nga Việt” hai tập của Alikanov và Malkhanova, cuốn “Từ điển Nga Việt” của A. Socolov, I. Glebova vẫn là cuốn sách gối đầu giường, là vật bất ly thân đối với sinh viên Việt Nam và những người sử dụng tiếng Nga.

Một tình cảm nồng nhiệt với di sản lịch sử của Việt Nam

Là người chuyên nghiên cứu về lịch sử đương đại và các vấn đề văn hóa xã hội của Việt Nam hiện đại, suốt gần 50 năm qua, ông đã tập trung nghiên cứu, khai thác những tư liệu quý hiếm qua các trung tâm lưu trữ nhà nước Nga, hoàn thành nhiều công trình khoa học rất công phu. Ông khảo cứu, tìm hiểu trên một phạm vi rộng trong quá khứ, những gì Việt Nam liên quan tới nước Nga. Những bài viết như: “Những người Nga đầu tiên đến Việt Nam”, Hoàng tử K.A. Vyazemsky- Đi vòng quanh châu Á- Nhật ký người Việt. năm 1892”, “Hồ Chí Minh: các chuyến đi đến Liên Xô vào năm 1950 và 1952”… đã nói lên sức làm việc phi thường và bền bỉ của ông.

Hiện tại, A. Socolov chuẩn bị cho ra đời một tác phẩm quan trọng: “Những bí danh và bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Để hoàn thành công trình này, ông đã dành ra hơn mười năm tìm tòi, thu thập tư liệu không chỉ ở Nga, ở Việt Nam và nước ngoài. Đằng sau những bài báo và công trình khoa học của ông là một sức lao động phi thường, một tình cảm nồng nhiệt và một thái độ trân trọng với di sản lịch sử của Việt Nam.

Với vốn kiến thức lý luận và thực tiễn phong phú, sự am hiểu về lịch sử và xã hội Việt Nam rất sâu sắc, ba chục năm qua, ông đi sâu và mảng đề tài cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga và các nước khác

 Ông quan tâm tới quá trình hình thành cộng đồng, nêu lên những đặc điểm tích cực, những đóng góp của người Việt Nam tại Liên bang Nga, nhấn mạnh tới tình cảm hữu nghị hai nước trong suốt chặng đường bảy mươi năm đặt quan hệ ngoại giao.

Ông thấu hiểu những khó khăn của người Việt Nam về phương thức làm ăn, tư cách pháp lý, về cuộc sống thiếu ổn định của họ, những đóng góp của họ cho nhân dân Nga. Những bài viết của ông có tác dụng giúp những nhà hoạch định về chính sách có lợi đối với người nhập cư nói chung, đặc biệt là người Việt Nam. Đó là các tác phẩm “Cộng đồng người Việt trên thế giới: véctơ lịch sử xã hội phát triển”, “Việt Nam ở nước ngoài như một hiện tượng văn hóa xã hội”, “Tiếng Việt ở Nga: lịch sử, văn hóa, hội nhập”; “Về những gia đình có con lai Việt Nam tại Nga”… Ông bày tỏ sự mong muốn và sẵn sàng tham gia cùng nhóm các nhà nghiên cứu viết bộ sách Lịch sử Cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga.

Như một nhà phê bình văn học chuyên nghiệp, ông đầu tư vào việc nghiên cứu văn học Việt Nam tại Nga và ngược lại, văn học Nga tại Việt Nam; tiếng Việt và kịch nói Việt Nam.  Ông tìm hiểu một cách hệ thống nền văn học Việt Nam từ văn học cổ điển đến đương đại, vừa viết những bài lý luận có tính khái quát, đến tác phẩm cụ thể của các tác giả đỉnh cao. Không những thế, ông còn quan tâm tới các biến động ngôn ngữ Việt Nam qua các thời kỳ, đặt nó trong quá trình biến động lịch sử và giao thoa quốc tế.

 Hiếm có một người nước ngoài nào mà có hàng loạt bài viết phân tích mang dấu ấn cá nhân sâu sắc như A. Socolov. Có thể điểm qua một số công trình: “Những bài thơ đầu tiên của các nhà thơ Nga về Việt Nam”, “Hiện đại hóa xã hội Việt Nam và sự ra đời của kịch hiện đại nửa đầu thế kỷ XX”,“Hiện đại hóa văn học Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX-XX”, “Các tác phẩm của Lev Tolstoy ở Việt Nam, “Văn học di cư Việt Nam”, “Các vấn đề về văn học vùng Viễn Đông”; “Từ điển đồng nghĩa”, “Tác phẩm Truyện Kiều ở Việt Nam”…

Hàng chục bài viết của ông khảo cứu về văn học được coi là những công trình có một không hai của ngành Việt Nam học tại Nga, tiếp nối một cách liên tục công việc của các học giả lớn thời Xô Viết.

Dù bận bịu với công việc tại Viện Phương Đông nhưng ông luôn dành nhiều thời gian đọc các tiểu thuyết, truyện ngắn và các thông tin về văn học Việt Nam hàng ngày qua báo chí bằng tiếng Việt, nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động văn học, nghệ thuật không khác gì một nhà phê bình văn học ở trong nước.

Việc cộng tác thường xuyên của A. Socolov đối với các dịch giả, nhà văn, nhà phê bình văn học Việt Nam, xuất phát từ một điều giản dị, là ông yêu mến con người và văn hóa Việt Nam. Ông mong muốn có những bản dịch văn học Việt Nam mới, hấp dẫn để được công chúng độc giả Nga hiện nay yêu mến, giống như trong thời Xô Viết trước đây.

A. Socolov trong nhiều năm đã phối hợp làm việc một cách hiệu quả với các dịch giả Việt Nam. Cùng với nhóm ông Đoàn Tử Huyến, Nguyễn Huy Hoàng, Lê Văn Nhân, A. Socolov đã tham gia dịch ra tiếng Nga cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, (mang tên “Nhật ký của một bác sĩ trong chiến tranh”). Cuốn sách đặc biệt này đã ra mắt ở Thủ đô Moscow và được độc giả Nga, nhất là những cựu chiến binh Xô Viết và những chuyên gia Nga từng công tác tại Việt Nam nồng nhiệt đón nhận.

Vào năm 2015, nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du, với sự chủ biên của ông Nguyễn Huy Hoàng, A. Socolov đã cùng dịch giả Vũ Thế Khôi, Đoàn Tử Huyến, Vaxili Popov hoàn thành việc dịch sang tiếng Nga lần đầu tiên kiệt tác “Truyện Kiều”, được coi là một sự kiện văn học lớn.

Niềm say mê điện ảnh Việt Nam

Nhưng niềm say mê lớn nhất đối với A. Socolov là điện ảnh Việt Nam. Ông cho biết, ngay từ thời sinh viên, ông đã không bỏ sót một cuốn phim Việt Nam nào được công chiếu trên màn ảnh Liên Xô. Cho đến tận bây giờ, mặc dù tuổi đã cao, ông cũng không bỏ sót một cuốn phim truyện nổi tiếng nào của Việt Nam, khi nó được trình chiếu ở rạp hoặc trên kênh youtube.

Mối lương duyên của ông đối với điện ảnh Việt Nam bắt đầu từ khi rời ghế nhà trường, ông được phân công làm cán bộ phiên dịch cho hầu hết các đoàn làm phim từ Hà Nội sang Liên Xô. Ông bắt tay biên dịch cho hầu hết các cuốn phim Việt Nam mang sang dự Liên hoan điện ảnh Moscow. Ông thường xuyên cùng với các nhà làm phim Nga và Việt Nam từ xưởng Mosphim đến nhiều vùng miền của nước Nga; ông kết thân với nhiều diễn viên và đạo diễn Việt Nam như Vương Đức, Đặng Nhật Minh, Đoàn Tuấn, diễn viên nổi tiếng Trà Giang…Diễn viên Trà Giang, theo ông, là một mẫu diễn viên thành công nhất trong nền điện ảnh Việt Nam.

Mỗi khi có một bộ phim nào của Việt Nam tham dự Liên hoan Quốc tế, ông đều háo hức chờ đợi và phấn khởi trước mọi thành quả mà điện ảnh Việt Nam đạt được. Nhưng ngược lại, khi có những scandan dù nhỏ, xẩy ra trong phim trường Việt Nam, ông rất đỗi buồn phiền.

Có thể kể ra một số bài viết của ông viết về nền điện ảnh Việt Nam và chân dung các diễn viên điện ảnh, mà bài viết nào cũng thể hiện một sự sắc sảo của một nhà chuyên môn, sự khám phá và phát hiện nhạy bén của một nhà phê bình điện ảnh: “Sự ra đời của điện ảnh Việt Nam: từ trò giải trí đến nghệ thuật đại chúng”, “Điện ảnh Việt Nam hiện đại: sự kiện và xu hướng, “Nghệ thuật Việt Nam: triển lãm, trường học, nghệ sĩ” “Các quốc gia Đông Nam Á và phương Tây: một loạt các hình thức tương tác. Lịch sử và hiện đại”; “Sự ra đời của nhà hát kịch ở Việt Nam, những năm 1920”, “Điện ảnh Việt Nam hiện đại: sự kiện và xu hướng”, “Charlie Chaplin ở Việt Nam” …

 Suốt năm chục năm qua, A. Socolov làm việc không mệt mỏi, bất chấp mọi khó khăn của thời hậu Xô viết trong những năm tháng đầy biến động của nước Nga. Khi mà những nhà Việt Nam học ở Nga đã bắt đầu thưa vắng, những cây đại thụ như Giáo sư Nhiculin, Tkachov…lần lượt ra đi, những mảng trống trong ngành nghiên cứu Việt Nam về khoa học xã hội càng trở nên rõ nét. A.Socolov hiện là một trong những nhà Việt Nam học hiếm hoi còn lại ở nước Nga hiện nay. Ông cho rằng, nếu ngành Việt Nam học muốn tồn tại, muốn củng cố và phát triển, cần có một tầm nhìn xa hơn nữa, cần đào tạo thế hệ kế cận; quan trọng hơn là có một nhận thức mới về vai trò của nó trong mối quan hệ hai dân tộc và có một sự quan tâm thiết thực.

Mặc dù điều kiện làm việc rất chật vật, những gánh nặng của tuổi tác hiện hữu đối với ông, nhưng không vì thế mà A. Socolov để tiến trình làm việc của mình đứt đoạn. Các bài nghiên cứu của ông vẫn được viết với một sự cẩn trọng cao độ, vẫn ra đời đều đặn. Ông coi văn hóa, xã hội Việt Nam như là một mỏ vàng, còn ông là người thợ mỏ làm việc âm thầm, cần mẫn, với một sự trân trọng và yêu mến bằng cả trái tim mình.

Nguồn Văn nghệ số 47/2021


Có thể bạn quan tâm