May 2, 2024, 5:00 am

Một thời hoa lửa

 

Mới đây, trong chuyến về Bình Dương, có dịp dừng chân ở đất Thủ, tôi được gặp và trò chuyện với một số nhân chứng đi qua cuộc chiến, tuổi đà ngấp nghé bát thập, song trí nhớ hãy còn rất mẫn tiệp. Xin trở ngược dòng thời gian.

Ảnh TL

Đầu năm 1962, trên chiến trường B2, để mở rộng hành lang chiến lược quan trọng nối địa bàn nam Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, khai thông đường Hồ Chí Minh từ Tây Nguyên vào Khu 6 và Nam Bộ, Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền quyết định thành lập Quân khu 10. Bấy giờ, cùng với sự ra đời của Quân giải phóng miền Nam, cơ quan chỉ huy lực lượng vũ trang và hệ thống quân sự được thiết lập xuống tận cơ sở đều mang mật danh; trong đó Miền là R (lấy chữ đầu của Région, tiếng Pháp, nghĩa là vùng, xứ), quân khu là T, tỉnh đội U, huyện đội V, xã đội Y. Vì vậy, Quân khu 10 gọi tắt là T10. Đây là tổ chức quân sự theo lãnh thổ được hình thành trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, bao gồm các tỉnh Bình Long, Phước Long, Lâm Đồng và một phần tỉnh Quảng Đức. Trước đó, chính quyền Ngô Đình Diệm đánh hơi thấy các hoạt động chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam, chúng sớm ra tay bằng cách cho quân càn quét, sục sạo dò tìm phát hiện bằng được hành lang vận tải của lực lượng cách mạng. Địch phong tỏa và chặn đứng các nguồn cung cấp lương thực, nên việc tiếp tế hậu cần của ta cực kỳ bầm trầy, gian nan. Cả một vùng đất rộng lớn, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn, triền miên thiếu đói.

Tuy nhiên, có lẽ bởi phận “sinh sau, đẻ muộn” nên chi “vòng đời” của T10 cũng khá lận đận, long đong. Cuối năm 1963, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa III) chỉ rõ nhiệm vụ cấp bách của cách mạng miền Nam: “… Ra sức tăng cường lực lượng của ta về mọi mặt, đặc biệt là lực lượng quân sự, chuẩn bị nắm lấy thời cơ để giành thắng lợi cuối cùng[1]. Căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ mới, cấp trên quyết định điều chỉnh chiến trường; tháng 10/1963, Quân khu 10 giải thể lần thứ nhất. Và đúng 3 năm sau, T10 mới được tái lập, với 3 tỉnh Bình Long, Phước Long và Quảng Đức (nay là tỉnh Đăk Nông).

Từ sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng nề, quân số không kịp bổ sung; ta bị mất thế đứng chân trên nhiều địa bàn chiến lược. Nhằm tăng sức chiến đấu trên chiến trường, Bộ chỉ huy Miền chủ trương tổ chức lực lượng pháo binh nữ tại các quân khu. Tháng 10/1968, Bộ chỉ huy T10 họp bên suối Đăk Mai, Bù Gia Mập (nay thuộc Bình Phước) gấp rút bàn việc triển khai thực hiện. Và ngày 11/11/1968, Đội nữ pháo binh Quân khu 10 ra đời, mật danh B11. Với 34 chị em được chọn lựa từ nhiều cơ quan, đơn vị trong toàn quân khu về; họ còn rất trẻ, tuổi đời chỉ mới mười tám, đôi mươi. Các chị đến từ nhiều địa phương, như Bình Dương, Phước Long, Bình Thuận, Biên Hòa, Sài Gòn… Từ bệnh xá liên cơ quan tham mưu-chính trị-hậu cần, quân y sĩ Phạm Thanh Men (Bảy Men) quê ở xã Bình Hưng Hòa, quận Tân Bình (cũ) được cử làm Đội trưởng. Và chị Nguyễn Thị Tuyết, nhà ở mạn gần cầu Tham Lương (Tân Bình) là Chính trị viên. Điều đáng nói cả hai người con gái Sài Gòn xinh đẹp, giỏi giang đều là chỉ huy, lãnh đạo của B11. Khi về đội, hầu hết các nữ pháo thủ chưa hề quen biết nhau; có người vừa mới thoát ly gia đình hãy còn lạ nước lạ cái; đặc biệt nhiều chị em vẫn chưa nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, họ đã mau chóng hòa nhập và gắn bó với nhau như trong một gia đình lớn.

Ngay sau khi B11 được thành lập, Đảng ủy - Bộ chỉ huy T10, cùng các cơ quan Quân khu tạo mọi điều kiện giúp đơn vị mau chóng ổn định tổ chức và đi vào hoạt động. Bấy giờ, chị Bảy Men đã đem lòng thương yêu anh Võ Thành Trung (Mười Trung), người con của khu Lê Hồng Phong, Bình Thuận - người Đội trưởng Đội trinh sát kỳ tài của Tiểu đoàn 840 lừng danh. Ngặt nỗi, với tinh thần “tất cả cho chiến thắng”, về chuyện riêng tư, Quân khu ủy chỉ đạo thực hiện “3 khoan”[2] và nghiêm ngặt yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, nhất là phái đẹp, phải chấp hành vô điều kiện. Ai dám tùy tiện yêu đương “lãng mạn” làm xao nhãng mất sức chiến đấu và ảnh hưởng công tác, tất sẽ bị “cạo” đến trụi cả tóc; thành thử Bảy Men và Mười Trung phải “nghi binh”, dẫu trong tim ngọn lửa tình rần rật cháy, nhưng bề ngoài họ vẫn cứ giả đò lạnh tanh như không có gì. Nhưng ở đời, ngẫm ra nhiều thứ có thể che đậy được, riêng chuyện tình ái thì sớm muộn rồi cũng sẽ bộc lộ. Mà chừng như xưa nay nhân duyên thường có sự can dự của ông trời thì phải? Trong số các cán bộ tham mưu được Quân khu cử xuống có Mười Trung, người trực tiếp huấn luyện cho chị em cách đánh bộ binh và sử dụng cối 82 ly; đặc biệt là chiến thuật đánh tập trung, đánh phân tán; phương cách đào công sự và bắn máy bay. Đây là cơ hộ “trời cho” để cặp đôi này đến với nhau mà không một ai mảy may nghi ngờ. Bất chấp mật độ dày đặc của bom pháo địch, dẫu hằng ngày chủ yếu phải ăn rau rừng, củ nần, lá bép[3]… thay cơm, song các nữ pháo thủ vẫn không hề nao núng, lòng tràn đầy quyết tâm được đánh giặc, góp sức giải phóng quê hương.

Khắc phục khó khăn, toàn đội vừa tích cực học tập; vừa đi tải lương thực, vũ khí, đạn dược từ biên giới Campuchia về, để kịp tham gia chiến đấu. Trong đợt hoạt động xuân - hè 69, Quân khu 10 có kế hoạch bóc gỡ hệ thống đồn bót của địch; bao vây các Chi khu Bù Đăng, Bù Đốp và Yếu khu Bù Na; đồng thời uy hiếp Chi khu Phước Bình và Tiểu khu Phước Long.

Với khí thế ra quân trận đầu, ngày 16/2/1969, Đội nữ pháo binh hành quân đến vị trí tập kết. B11 yểm trợ cho đại đội đặc công và đại đội 54 bộ binh, phối hợp với các đơn vị bạn đánh vào chi khu và sân bay Phước Bình trong đêm 22/2. Suốt đêm ấy và sáng hôm sau, địch phản pháo ác liệt vào trận địa cối 82. Tuy vậy, các nữ pháo thủ vẫn ngoan cường, tiếp tục bám đánh quân cứu viện của tiểu khu. Cuối trận, mặc dù hoàn thành nhiệm vụ, song chị em vẫn kịp thời rút kinh nghiệm, chỉ rõ những chỗ khiếm khuyết.

Tiếp đó, Khu ủy và Bộ chỉ huy T10 chỉ đạo đánh thẳng vào hậu cứ của địch. Đêm 24/3/1969, các đơn vị đồng loạt nổ súng tấn công Tiểu khu Phước Long, nhiều mũi thọc sâu của ta nhắm vào các vị trí trọng yếu ở nội thị. B11 pháo kích vào Tòa hành chính Phước Long. Khẩu cối 82 bố trí trên ngọn đồi Đăk Son, cách mục tiêu chừng 700m về hướng đông nam thị xã. Nhờ ở vị trí cao, quan sát rõ, lại được chuẩn bị kỹ càng, nên ngay từ loạt đạn đầu, các nữ pháo thủ đã dội trúng mục tiêu, làm sập một góc tòa nhà; chi viện có hiệu quả cho các đơn vị bạn đánh chiếm mục tiêu bên trong thị xã.

Đến ngày thứ ba, thì địch phát hiện được trận địa cối 82 của ta. Chúng huy động nhiều máy bay cùng các pháo đội quanh vùng, dồn dập phản kích hòng nhổ phăng cái “gai nhọn”. Toàn đội B11 kiên cường trụ bám trận địa chiến đấu. Bấy giờ, xung quanh cây cối gãy đổ ngổn ngang, trơ trụi; hầm hào công sự bị bung nắp. Nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Dân và anh Quế (người của đội công tác, dẫn đường), hy sinh; các chị Trần Thị Hương, Cao Thị Lý bị thương. Trận đánh càng lúc càng gay go, ác liệt. Đội trưởng Phạm Thanh Men cho 2 tổ trinh sát dùng súng bộ binh bắn trả mãnh liệt máy bay địch. Ngay sau đó, chị Bảy Men và chị Trần Thị Đông bị thương. Trước hỏa lực dữ dội của phi pháo địch, toàn đội phải rút lui. Chính trị viên Nguyễn Thị Tuyết thay chị Trần Thanh Men, tiếp tục chỉ huy đơn vị, đưa đồng đội hy sinh và bị thương lui về hậu cứ an toàn. Qua hai trận chiến đấu, B11 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bộ chỉ huy Miền tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, được Quân khu 10 tặng bằng khen; nhiều chị em được tặng danh hiệu dũng sĩ và khen thưởng.

Ít lâu sau trận đánh, Mười Trung dẫn Bảy Men lên báo cáo và trình bày với lãnh đạo Quân khu, xin phép lập gia đình. Quá bất ngờ, song cấp trên thấu hiểu và chấp thuận để hai người thành đôi lứa. Cuộc chiến còn dài, biết thế nào mà nói trước! Câu chuyện “xé rào” nên duyên của cặp trai tài, gái sắc này nổi tiếng khắp T10. Trong vòng vây trùng điệp của kẻ thù, ngày vui của cặp đôi lính tráng diễn ra cực kỳ đơn sơ, mọi người lót lá ngồi bệt giữa rừng cao su, nhưng chủ hôn chưa kịp tuyên hôn thì địch càn vào. Và đám cưới “chạy giặc” phải tổ chức tới lần thứ 3… mới xong. Vâng, có lẽ đây là một câu chuyện tình độc nhất vô nhị trong cuộc chiến đã qua.

Quãng đầu năm 1970, chiến trường trọng điểm của T10 chuyển hướng từ Phước Long ra Quảng Đức. Lúc này, B11 do chị Nguyễn Thị Bưởi làm Đội trưởng, chị Nguyễn Thị Tuyết làm Chính trị viên; đơn vị đặt dưới sự chỉ huy của K50 (Tiền phương Quân khu 10). Từ sau trận phối thuộc chiến đấu với bộ binh ở mạn Bù Xo - Kiến Đức, toàn đội đi tải lương và vũ khí... Dẫu “chân yếu, tay mềm”, chị em vẫn không hề quản ngại gian nan, phấn đấu thực hiện đúng kế hoạch trên giao. Cá biệt, có chị gùi tới 50-60 kg hàng, thật đáng nể.

Trong một cuộc hành quân dài ngày, là đơn vị pháo cối, chị em mang vác súng đạn nặng nề rất cực, lại vượt nhiều đèo dốc, rồi xuyên qua bạt ngàn những vạt mây rậm giằng dịt, song họ vẫn nhắm hướng rồi bươn bả cắt rừng, dấn tới. Một số pháo thủ yếu sức, được đơn vị chia sớt vác giúp bòng, chị em dìu dắt nhau bảo đảm có đủ quân số đến nơi kịp chiến đấu. Quảng Đức là một chiến trường mới, địa phương này ngặt nghèo về bảo đảm hậu cần, nguồn lương thảo nuôi quân chủ yếu dựa vào củ mì (sắn) là chính. Bởi vậy, không có gì lạ khi lính tráng tếu táo gọi đùa Khu 10 là “Khu mì”. Tới nơi, không kịp nghỉ cho lại sức, toàn đội B11 bước vào chiến đấu ngay. Quân khu giao cho K50 phối hợp với lực lượng tại chỗ, tấn công Tiểu khu Gia Nghĩa, diệt một số mục tiêu và đánh phản kích, tiêu hao một bộ phận quan trọng sinh lực địch. Để tạo được thế trụ lại, đánh địch trong thị xã, ngoài súng đạn và lương thực, các nữ pháo thủ phải mang theo một số đà gỗ để cấu trúc công sự chiến đấu. Công việc quá sức đối với chị em, song ý chí quyết tiêu diệt địch, đã khiến mọi người quên hết cả mệt nhọc.

Là một trận đánh lớn, phối hợp với cao điểm toàn Miền; các đơn vị tham chiến gồm có tiểu đoàn 212 chủ lực Quân khu, đại đội 11 và đại đội 13 đặc công, cùng lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Đức. Nửa đêm 29, rạng ngày 30/3/1970, quân ta đồng loạt nổ súng đánh chiếm các mục tiêu đã định. B11 có nhiệm vụ phối thuộc với tiểu đoàn 212, cùng khẩu đội cối 82 của đại đội 14, bắn chế áp trận địa pháo tiểu khu. Tuy nhiên, do bị lạc đường, C14 không đến được vị trí chiến đấu, nên Đội nữ pháo binh phải độc lập tác chiến, chi viện đắc lực cho bộ binh và đặc công phát triển vào trung tâm.

Hôm sau, địch dùng phi pháo và bộ binh có xe thiết giáp yểm trợ, tổ chức nhiều đợt phản kích vào các vị trí quân ta chiếm giữ. B11 liền bắn chặn xe bọc thép ngay khi chúng vừa xuất phát. Đạn vơi dần, chị em phải bắn dè sẻn và căn thật chuẩn theo lệnh của Sở chỉ huy tiền phương, cũng như sự điều chỉnh của đài quan sát. Những quả đạn cối 82 rót chính xác, hiệp sức cùng tiểu đoàn 212 ngăn chặn và đẩy lùi các đợt phản kích điên cuồng của địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng một số đơn vị bảo an, dân vệ.

Khi đạn cối đã nhẵn, toàn đội tiếp tế đạn dược cho bộ binh và đưa người bị thương ra ngoài, chuyển về đội phẫu tiền phương. Qua ba ngày đêm liên tục chiến đấu, sức khỏe các nữ pháo thủ đều đã giảm sút, nhưng với tấm lòng thương yêu đồng đội, chị em vẫn tự nguyện đi tải thương. Trời đổ mưa, con đường đất đỏ trơn như xối mỡ, các chị thay nhau người mang vác pháo, người khiêng thương, bấm chân dò dẫm từng bước. Có tấm tăng nilon, dành che thương binh; còn thân gái dầm mưa chịu lạnh. Dọc đường, quần áo ướt dính bết vào cơ thể, rất khó chịu. Dưới chân loạn xạ những chiếc vòi hau háu của đàn vắt đất huơ lên; còn trên cây thì nhan nhản bầy vắt lá (loại vắt cắn không cầm được máu) thân có khoang màu lấp lánh như “kim cương” cứ bật nẩy tới tấp, nhao cả lên đầu lên cổ chị em mà cắn. Gặp địch, các chị không hề ngán mà chủ động nổ súng, bảo vệ thương binh an toàn. Đến chỗ tạm dừng chân, còn được ít gạo thì kê đá bắc soong nấu cháo cho đồng đội bị thương. Toàn đội thay nhau, người bón cháo, chăm sóc thương binh; người đi hái lá bép và đào củ măng rừng luộc ăn thay cơm; rồi đốt lửa hong khô quần áo. Bao cơ cực trần ai ngút ngàn vẫn không cản nổi bước chân các nữ pháo thủ B11.

Vào cuối năm 1970, do tình hình bảo đảm lương thực trên các chiến trường cực kỳ nan giải, Quân khu 10 chuyển về thượng nguồn sông Đồng Nai; lực lượng vũ trang hoạt động phân tán, nhỏ lẻ. B11 tạm thời “tan đàn xẻ nghé”, một số chị em về lại đơn vị cũ hoặc chuyển đến bệnh xá, hay đội phẫu tiền phương; số còn lại xuống địa bàn sát cánh cùng các mũi công tác củng cố phong trào, gầy dựng cơ sở.

Khi Bộ tư lệnh Miền chuẩn bị mở chiến dịch Nguyễn Huệ, ngày 8/3/1972, Đội nữ pháo binh được tái lập. Nhưng trước đó, T10 đã giải thể (5/1971). Tỉnh Quảng Đức chuyển thuộc Quân khu 6, còn hai tỉnh Bình Long và Phước Long hợp thành Phân khu Bình Phước. Hai năm xa đơn vị, chị em B11 ai cũng mong có ngày tái hợp để được tiếp tục tham gia chiến đấu. Vẫn hầu hết những con người của ngày cũ, vẫn chiến trường xưa, nhưng lúc này, đơn vị mang mật danh B83, lấy ý nghĩa ngày Quốc tế Phụ nữ. Ban chỉ huy B83 do chị Nguyễn Thị Tuyết làm Đội trưởng, chị Nguyễn Thị Huê là Đội phó. Ngoài cối 82, đơn vị còn được trang bị thêm cối 81 (thu được của địch), cùng với dàn H12 phóng rốc-két. Đội tham gia đánh nhiều trận, trong đó có trận Phước Bình, Chi khu Bù Đốp, chi khu Lộc Ninh… lập được nhiều chiến công và được khen thưởng.

Kết thúc chiến tranh, toàn đội có 5 chị ngã xuống. Đó là các liệt sĩ Võ Thị Tuyết, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Dân, Huỳnh Thị Vân, Võ Thị Lý. Sau ngày non sông liền một dải, nhiều cựu nữ pháo thủ vẫn tiếp tục cống hiến, công tác. Một số chị mang thương tật, trở về quê làm ăn, sinh sống. Hơn nửa thế kỷ đã lùi lại phía sau lưng. Giờ đây, tổ chức đơn vị hành chính cũ không còn, mọi hoạt động kỷ niệm của Đội nữ pháo binh B11 năm xưa, Ban liên lạc thường phải đi vận động xin tài trợ, chủ yếu nhận được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh Bình Phước cùng một số doanh nghiệp và nhà hảo tâm. 34 cán bộ, chiến sĩ của đội, nay chỉ còn lại hơn 20 chị, họ đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Mong ước giản đơn của các chị là hằng năm, được họp mặt một lần, để các cựu nữ pháo thủ hiện còn cư ngụ rải rác tại nhiều địa phương có dịp ôm nhau khóc cười trong nước mắt, nhớ về những ngày bom đạn gian nan, đặng giữ ngọn lửa ấm không chỉ cho hôm nay mà cho các thế hệ mai sau.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H.2002, tập 24, tr. 830.

[2]  “3 khoan”: chưa yêu, khoan yêu; chưa cưới, khoan cưới; (lỡ) cưới rồi, khoan có con.

[3] Cây nhỏ, thấp, mọc nhiều ở rừng nam Tây Nguyên; lá già nấu canh, lá non làm rau ăn sống được. Trái hình bầu dục, bóc lớp vỏ mỏng, ăn bùi như hột đậu phộng (lạc).

Nguồn Văn nghệ số 45/2019


Có thể bạn quan tâm