April 26, 2024, 1:10 pm

Một thi phẩm cảnh báo về sự suy thoái môi trường sinh thái và tha hóa của con người đô thị

Sao chẳng về đây

 

Lối đỏ như son tới xóm Dừa

Ngang cầu đã điểm hạt mưa thưa

(Xuân sang xao xuyến lòng tôi quá!)

Tôi đã xây tròn sự nghiệp chưa?

 

Ở mãi kinh kỳ với bút nghiên

Ðêm đêm quán trọ thức thi đèn

Xót xa một sớm soi gương cũ

Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền.

 

Chẳng đợi mà xuân vẫn cứ sang

Phồn hoa thôi hết mộng huy hoàng

Sớm nay sực tỉnh sầu đô thị

Tôi đã về đây rất vội vàng.

 

Ở đây vô số những trời xanh

Và một con sông chảy rất lành

Và những tâm hồn nghe rất đẹp

Ðã từng chung sống mái nhà tranh.

 

Sao chẳng về đây múc nước sông

Tưới cho những luống cỏ hoa trồng

Xuân sang hoa nụ rồi hoa nở

Phô nhụy vàng hây với cánh nhung?

 

Sao chẳng về đây bắt bướm vàng

Nhốt vào tay áo đợi xuân sang

Thả ra cho bướm xem hoa nở

Cánh bướm vườn hoa loạn phấn hương?

 

Sao chẳng về đây có bạn hiền

Có hương, có sắc, có thiên nhiên

Sống vào giản dị, ra tươi sáng

Tìm lấy cho lòng một cảnh tiên?

 

Sao chẳng về đây lựa tứ thơ

Hỡi ơi! Hồn biển rộng không bờ

Chùm hoa sự nghiệp thơm muôn thuở

Thiên hạ bao nhiêu kẻ đợi chờ!

 

Sao chẳng về đây nỡ lạc loài

Giữa nơi thành thị gió mưa phai

Chết dần từng nấc, rồi mai mốt

Chết cả mùa xuân, chết cả đời!

 

Xuân đã sang rồi em có hay?

Tình xuân chan chứa, ý xuân đầy

Kinh kỳ bụi quá xuân không đến

Sao chẳng về đây? Chẳng ở đây?

Xóm Dừa - Thanh Ða (1944)

Nguyễn Bính

 

Câu mở đầu “Lối đỏ như son tới xóm Dừa”, cũng như dòng chữ phía dưới bài thơ, cho biết Nguyễn Bính viết bài thơ này tại “xóm Dừa” (cái tên do tác giả đặt vì nơi đây có nhiều cây dừa, chứ tên thật là xóm Cầu Kinh), ở Thanh Đa, một khu ngoại ô nằm ven sông Sài Gòn. Xóm này, thuở ấy là nơi ngụ cư của những người nông dân nghèo, thiên nhiên còn hoang vắng và khá thơ mộng. Bài thơ ra mắt trên tờ Dân báo dịp Tết Giáp Thân (1944), ở vào thời điểm cuối của đời thơ lãng mạn Nguyễn Bính.

Sang khổ thứ hai, tác giả đã cho biết hoàn cảnh sống của mình cũng như lý do ông về xóm Dừa. Cứ diễn dịch theo ý thơ thì “tôi” đang “Ở mãi kinh kỳ với bút nghiên/ Ðêm đêm quán trọ thức thi đèn” cho đến một hôm “Xót xa một sớm soi gương cũ/ Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền”. Thế là “Sớm nay sực tỉnh sầu đô thị/ Tôi đã về đây rất vội vàng”. Những từ “sớm nay”, “sực tỉnh”, “rất vội vàng” cho thấy tính thời sự của câu chuyện đang kể, cũng như tâm thế rất quyết đoán của tác giả. Như vậy, “sao chẳng về đây” như tên bài thơ, là sự tự “ngộ” của tác giả (sực tỉnh sầu đô thị), đồng thời là lời thúc giục, kêu gọi người đang sống ở thành phố hãy “về đây”, như “tôi” đã về…

“Kinh thành”, “kinh kỳ”, gắn liền với “sầu đô thị” là những cụm từ thường xuất hiện trong thơ Nguyễn Bính, ngẫm ra nó mới oái oăm và có phần hài hước làm sao. Chính vì sức hút phồn hoa nơi kinh thành mà từ một thôn dân chính gốc, Nguyễn Bính đã đi dan díu với nó và thành một thị dân “gia công”. Nói thị dân gia công, vì hình như chưa bao giờ ông có “hộ khẩu” chính thức ở một thành phố nào. Dù ngược Bắc, xuôi Nam, hay rẽ ngang Trung, thì những nơi cho ra đời những “em” cùng “nàng” thơ mộng, hay “quan Trạng” lọng vàng, cũng chỉ là những gác trọ tồi tàn, xập xệ. Bị vòng xoáy đô thị hút vào, lại bị rung lắc liên hồi bởi “sòng đời” đen trắng, Nguyễn Bính đã chóng mặt, loạng choạng, rồi thất vọng, sầu hận. Đã sầu ở Hà thành đất Bắc, nhà thơ quyết chí hành phương Nam mong đổi đời, để rồi như một định mệnh, nay lại sầu với Sài thành.

Chân ướt chân ráo tới Sài Gòn, Nguyễn Bính còn như một con chim non “Bơ vơ trong xứ người xa lạ/ Rộn những phồn hoa, em chạnh buồn”. Vậy mà cũng trong Lá thư về bắc (viết khoảng trước năm 1940, gửi người anh họ Bùi Hạnh Cẩn), Nguyễn Bính không dấu được tâm trạng háo hức, phấn chấn “Rồi men tráng lệ kinh thành ấy/ Từ đấy in thêm bóng một người/ Bóng một nhà thơ đầy nguyện vọng/ Giầu lòng tin tưởng bước tương lai”. Rồi ông đoan quyết với người anh rằng “Nhà thơ còn trẻ lắm, anh ơi!/ Chưa xã giao quen, chưa trải đời/ Song le trường học thiên nhiên sẽ/ Đào luyện nhà thơ nên một người”. Ấy vậy mà sau khoảng dăm năm được “đào luyện” ở cái “kinh thành tráng lệ” ấy, hơi thơ bây giờ nghe đã rất oải “Chẳng đợi mà xuân vẫn cứ sang/ Phồn hoa thôi hết mộng huy hoàng”. Sầu đô thị mang theo từ đất Bắc đã chẳng vơi, chẳng vợi, mà cứ dầy thêm ra, nặng thêm nên. Không, mới oải thôi, chưa hết mộng đâu, “chùm hoa sự nghiệp thơm muôn thuở” vẫn còn treo lơ lửng đâu đó, mà tác giả nói ở bên dưới…

Với năm khổ thơ liên tiếp, khổ nào cũng bắt đầu bằng “sao chẳng về đây”, và chỉ bằng một lối kể, tả, không có dụng ý nghệ thuật cao siêu gì, song Nguyễn Bính bằng thuật lạ hóa, lãng mạn hóa, đã phù phép biến xóm Dừa, một nơi thôn dã hoang vắng, thành một chốn bồng lai tiên cảnh. Ở đó chẳng những có trời xanh, sông lành, hoa bướm, mà còn có bạn hiền “sống vào vui vẻ ra tươi sáng”. Ảo hóa, mĩ lệ hóa cảnh sắc thiên nhiên, gợi mở sự rung động, cảm thông của lòng người, là một biệt tài của thi sĩ “chân quê” mà cực lãng mạn này. Dựng lên một thiên đường nơi trần thế như vậy để thỏa mãn cái mĩ cảm của ông, song chủ ý là để đối lập với cái “kinh kỳ bụi quá xuân không đến”, mà ông tuyên án và quyết “đào mồ chôn” nó ở cuối bài… Sao chẳng về đây nỡ lạc loài/ Giữa nơi thành thị gió mưa phai/ Chết dần từng nấc, rồi mai mốt/ Chết cả mùa xuân, chết cả đời.

Nói chết cả mùa xuân là để cảnh báo thế thôi, chứ mùa xuân với đủ cả “tình xuân” và “ý xuân” đang hiện hữu, em có nhận thấy không? Nhân danh mùa xuân mới tươi đẹp, rút hết gan ruột, một lần nữa tác giả đưa ra những lời thống thiết: Xuân đã sang rồi em có hay?/ Tình xuân chan chứa, ý xuân đầy/ Kinh kỳ bụi quá xuân không đến/ Sao chẳng về đây? Chẳng ở đây?

Bài thơ khép lại với liên tiếp hai dấu hỏi (?) cùng một cụm từ láy “sao chẳng”… về đây, và… ở đây. “Về đây” là về với thiên nhiên chưa nhuốm bụi kinh kỳ, về với tình người còn trong sáng, chân thật, mà chỉ ở nơi thôn dã xa thành phố mới có. “Kinh kỳ bụi quá”, dù ai có trông đợi thì mùa xuân cũng đành phải vẫy chào từ xa. “Ở đây”, nghĩa là phải gắn bó lâu dài, sống chết với với nơi này, chứ không phải rẽ ngang qua quýt thì mới không bị tha hóa, và cái chùm hoa sự nghiệp thơm muôn thuở mới có cơ may hái được.

Sao chẳng về đây không phải là một bài thơ tình thuần túy, mà là một bài thơ trữ tình thế sự. Nên “em” ở đây không có nghĩa là những “cố nhân” trong gia tài thơ tình Nguyễn Bính, mà nên hiểu là “ai” (những ai) chưa “ngộ” ra được tình cảnh của mình vẫn đang sống trong “vô minh” (lạc loài giữa nơi thành thị gió mưa phai). “Bụi” ở đây là bụi thực, “bụi mịn”, song cũng là bụi phong trần, xô bồ ô hợp nơi đô thành, với những cao lâu, tửu quán của dân làng chơi. Bụi phồn hoa ấy chẳng những lọt vào mắt mà còn có nguy cơ chui vào hồn của thế nhân, nếu cứ mãi chung thân với nó. Chính cái “bụi trần”, cùng cái “biển tiền” (Tắm trong một cái biển tiền người ta) đã làm lệch bao nhiêu mặt chữ điền.

Bài thơ này ra đời trong bối cảnh thời thế đầy biến động, Thế chiến II đang vào hồi ác liệt, một mất một còn, và khói lửa chiến tranh có nguy cơ bao trùm lên mảnh đất hình chữ S. Thực tế, chỉ năm sau Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương, xảy ra nạn đói kinh hoàng Ất Dậu, rồi Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Nguyễn Bính, người viết bài thơ này, cũng đang trong tâm thế quyết đoạn tuyệt “nàng tiên nâu” nơi bàn đèn dọc tẩu vong khước hình hài mà ông đã nhiễm phải nơi kinh thành. Xóm Dừa, ngoại thành Sài Gòn, xóm Rẫy nơi Hà Tiên xa xôi… là những nơi ông tìm về để quyết giã từ quá khứ không mấy tốt đẹp của mình...

 Viết Sao chẳng về đây, bằng sự trải nghiệm, chiêm nghiệm đớn đau của bản thân mình, tác giả đánh động và kêu gọi nhân thế, trước hết là những người đang lầm vào hoàn cảnh như mình hãy sớm “ngộ” ra, từ bỏ những “lạc loài”, “gió mưa phai”, hướng đến cái trong sáng, tươi đẹp “có hương có sắc, có thiên nhiên”, cái rộng rãi, cao thượng “hồn biển rộng vô bờ”. Mà những cái ấy, ở thời ấy, chỉ tìm thấy ở đất ngoại ô, nơi mà mà con quái vật đô thị hóa, với những tham vọng không cùng, chưa kịp vươn tới, trùm lên. Đây là một ý tưởng tốt, đầy thiện chí, đậm chất nhân văn, nhưng không tránh khỏi ảo tưởng của một thi sĩ lãng mạn mà không… cách mạng. Thực ra, những thôn Vân, xóm Dừa, xóm Rẫy trong thơ Nguyễn Bính trước sau cũng theo nhau hóa phố nửa làng, lâu dần biến thành thuần phố, chân phố cả. Đường về “chân quê” xem như chẳng mấy chốc nữa sẽ đến hồi… tuyệt lộ!

*

Hoàn cảnh đất nước, tâm thế thời đại nay đã khác so với thời Nguyễn Bính cho ra đời bài thơ này. Trào lưu công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa lần hai này đã làm diện mạo đất nước đang thay đổi từng ngày, có mất có được, mà được là chủ yếu. Song, sự xuống cấp của đời sống đô thị, của môi trường sinh thái, và cùng với nó, là sự tha hóa của đạo đức con người thì vẫn không ngừng diễn ra song hành với bê-tông hóa, tiền tệ hóa, số hóa. Như vậy, vô tình hay hữu ý, “sao chẳng về đây” đã từ rất sớm đánh động, cảnh báo về sự cái sự xuống cấp, sự tha hóa có tình thời đại ấy. Suy thoái, tha hóa, như một căn bệnh kinh niên, dễ tái phát, diễn ra ở bất kỳ đâu, không từ một phương trời nào, một chế độ nào, một con người nào, nếu như vẫn còn có đất dung dưỡng. Lường được như thế, để chủ động đối mặt và tìm phương cách khắc chế những mặt trái của đô thị hóa, hiện đại hóa, ở bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng trong nền kinh tế thị trường có định hướng hôm nay.

Về đây, nhìn trong bối cảnh hôm nay, là về đâu? Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, bền vững hơn, giầu chất nhân văn hơn, đáng sống hơn, thiết nghĩ phải hướng tới một xứ sở như vậy, chứ đâu phải là quay về với xóm Dừa hoang vắng mà thơ mộng thuở nào. Nơi mà Nguyễn Bính gần tám mươi năm trước, trốn chạy kinh thành về đấy vào một ngày mấp mé tết, với khuôn mặt méo xệch, nhầu nhĩ đã ngồi viết những dòng thống thiết vừa như trách móc, vừa như van gọi nhân thế “vô minh” rằng “sao chẳng về đây?”.

Nguồn Văn nghệ số 35/2022


Có thể bạn quan tâm