April 27, 2024, 7:00 am

Một số tác giả văn xuôi Đồng bằng sông Cửu Long

           

Từ bấy đến nay, tính từ ngày dân tộc ta kết thúc cuộc chiến vệ quốc đến nay đã gần nửa thế kỷ, nửa thế kỷ so với một đời người khá dài, so với sự nghiệp văn chương của một đất nước qua bao thăng trầm của lịch sử là có biết bao sự kiện ngồn ngộn khiến người cầm viết phải luôn trăn trở, nghĩ suy…

 

Hội thảo “Thơ và văn xuôi ĐBSCL 45 năm” (1975 – 2020) vừa được tổ chức tại Bến Tre ngày 26-8.

Nói đến Văn chương miệt Đồng bằng Nam Bộ không thể không nhắc đến nhà văn Hồ Biểu Chánh, ông là tiểu thuyết gia đầu tiên với sự nghiệp đồ sộ, tất cả sự nghiệp của ông gồm 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn và truyện kể, 28 tập khảo cứu, 8 tập ký, ngoài ra còn có thơ và truyện thơ. Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh một thời gây sóng gió trên văn đàn miền Nam và cả nước. Tiểu thuyết của ông mang đầy kịch tính, chi tiết sinh động khiến cho câu chuyện thật hấp dẫn, vì vậy tác phẩm vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay qua phim ảnh, cải lương và được tái bản nhiều lần (có quyển tái bản tới lần thứ 10 như tác phẩm đầu tay Ai làm được. Giọng văn  thời xa xưa, chậm rãi, đậm đặc chất Nam bộ, rất thật, gần gũi với đời sống của người dân, ông đã vẻ nên những bức tranh bằng chữ viết, đặc tả thời kỳ nhân dân ta sống dưới thời Pháp thuộc. Ông đã truyền “lửa” cho các thế hệ người đọc hiểu được, cảm được cuộc sống gian nan cơ cực, bị những người giàu có, quyền lực ức hiếp, bốc lột đến tận cùng, những cuộc tình dỡ dang, đau khổ vì bị ép duyên… Nhắc tới Hồ Biểu Chánh, nhiều người vẫn nhớ tới Con nhà nghèo, Ngọn cỏ gió đùa, Khóc thầm… là những tập truyện được yêu thích nhất. Có thể nói, toàn bộ tác phẩm ông để lại là bộ Tự điển Bách khoa về cảnh trí, con người, về phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói của người Nam bộ vào đầu thế kỷ 20 (1885-1958), góp phần không nhỏ vào sự hình thành nền tiểu thuyết Nam bộ và cả nước, giữ gìn đạo lý gia phong và thuần phong mỹ tục của xóm làng bằng sự tài hoa của mình. 

Sau đại tác gia Hồ Biểu Chánh, đến thế hệ của các nhà văn như Đoàn Giỏi (1925) với tập tiểu thuyết viết cho thiếu nhi nổi tiếng Đất rừng phương Nam và nhiều tập truyện ngắn, truyện dài, bút ký, biên khảo, kịch thơ... viết về quê hương Châu Thành, đất Vĩnh Kim, quê hương của Vú sữa Lò Rèn, quê hương của gánh hát cải lương đầu tiên của cả nước có tên Đồng Nữ Ban. Rồi nhà văn Sơn Nam (1926-2006) được mệnh danh là “Nhà Nam bộ học” với hàng trăm tác phẩm gồm truyện ngắn, truyện dài, bút ký, biên khảo…, nổi tiếng với tiểu thuyết Hương rừng Cà Mau, nhà văn Trang Thế Hy với Nợ nước mắt, Vết thương thứ 13… một giọng văn độc đáo, chậm rãi, hóm hỉnh nhiều kịch tính với những đoạn kết bất ngờ đầy tính triết lý…

Nhiều bậc nhà văn đàn anh khác trong thời kỳ đánh Mỹ cũng đã để lại những dấu ấn không phai trên văn đàn trong nước và lan tỏa ra cả thế giới, như Anh Đức, Nguyễn Quang  Sáng, Lê văn Thảo, Lê Anh Xuân, Trần Kim Trắc…

            Lược kể như trên để thấy nhân tài về văn chương của đất Đồng bằng sông Cửu rất xứng đáng với quê hương của Thành đồng Nam bộ, của vùng đất địa linh nhân kiệt, với nhiều danh nhân lịch sử và danh nhân văn hóa, kiên cường bất khuất trên chiến trường chống ngoại xâm cũng vừa tài hoa, uyên bác trên cánh đồng chữ nghĩa.

*

            Từ sau năm 1975 đến nay đã 45 năm, một lực lượng hùng hậu đông vui khác lần lượt xuất hiện trên 13 tỉnh và thành phố, đã và đang âm thầm cày xới trên cánh đồng chữ nghĩa với nhiều diện mạo khác nhau, nhiều phong cách khác nhau nhưng tựu trung họ vẫn nối tiếp con đường văn chương của thời kỳ hậu chiến. Sự đau thương mất mát sau chiến tranh, gian nan đói nghèo trong thời kỳ bao cấp, sự khiếm khuyết bất công, ấu trĩ trong việc điều hành bộ máy hành chánh, tệ nạn uống rượu cờ bạc, nếp sống lạc hậu ở nông thôn, tâm tính của cán bộ và con người bị thoái hóa biến chất, nạn cường hào ác bá… đã được nhà văn phơi bày trên trang giấy với nhiều chiều kích khác nhau, với những màu sắc phong phú, tất cả đã vẽ nên bức tranh đa màu, minh họa cho cuộc sống đã qua và hôm nay.

            Văn chương đương đại miền Tây đã ghi lại thật nhiều dấu ấn. Sơ lược về tác giả và không đầy đủ về tác phẩm, cóa thể kể đến Bến Tre quê dừa, xứ sở của nhà văn Trang Thế Hy, có Vũ Hồng với Tiếng chuông trôi trên sông, truyện ngắn này đã được giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1996). Ngoài Vũ Hồng còn nhiều tác giả khác như Nguyên Tùng, Phạm Thị Ngọc Điệp, Trầm Hương… Đặc biệt, Trầm Hương là nhà văn chủ lực về mảng đề tài chiến tranh cách mạng. Tác phẩm của chị gồm nhiều thể loại: Bút ký, truyện ngắn, tản văn, thơ, kịch bản phim… nhưng tập trung chủ yếu vào mảng tiểu thuyết. Các tác phẩm Đêm trắng Đức Thánh Tông, Đêm Sài Gòn không ngủ, Trong cơn lốc xoáy…, tất cả trên 40 tác phẩm, từng đoạt nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Liên Hiệp VHNT Việt Nam và Hội Điện ảnh Việt Nam.

            Nhà văn Anh Động của Kiên Giang được nhiều người biết đến với Tiếng bước chân, câu chuyện kể về hai ông bạn già cùng chiến đấu ngày xưa bằng giọng văn hóm hỉnh, tưng tửng, và bằng những chi tiết độc đáo: nghe tiếng bước chân của ông già kéo lê dưới sàn nhà là đã đoán được chuyện gì... Câu chuyện buồn cười đến xót xa. Nhà văn Anh Động đã viết 6 tiểu thuyết, 3 tập truyện vừa, 6 tập truyện ngắn, 6 tập bút ký, 9 tập biên khảo, 3 kịch bản phim, 2 tập thơ, 2 kịch bản cải lương, 1 tập ca cổ.

            Cà Mau có nhiều nhà văn tài hoa như Nguyễn Thanh, Bích Ngân, Nguyễn Ngọc Tư, Lê Đình Trường, Nguyễn Thị Việt Hà, Lê Minh Nhựt… Đặc biệt, nhà văn Bích Ngân có một số kịch bản sân khấu được dàn dựng, nhiều tập truyện ngắn và truyện dài, có tiểu thuyết được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Tp Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Liên Hiệp VHNT Việt Nam, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.

 Nguyễn Trung Nguyên ở Cần Thơ, một cây viết sung sức và đa hệ với 9 giải thưởng Thơ, 9 giải văn xuôi, 5 giải ca khúc, 20 giải Vọng cổ, 2 giải chuyên ngành sân khấu, anh đã đóng góp cho Hội VHNT Cần Thơ nhiều tác phẩm giá trị. Tác phẩm mới in của anh, Cuộc hành trình kỳ lạ, có những truyện ngắn độc đáo, như Lớp học hai người, Một miếng cơm đời...

Nhà thơ Trúc Linh Lan vừa làm thơ vừa viết truyện. Truyện ngắn Biển đợi kể chuyện người phụ nữ sinh con bị dị tật vì chất độc da cam… Giọng văn thâm trầm, tâm trạng nhân vật đầy mâu thuẫn và rất đời, để lại bao nỗi ngậm ngùi thương cảm cho người đọc.      

               Cần Thơ ngoài những cây viết kỳ cựu như nhà văn Khai Phong, Nguyễn Thị Thanh Huệ, Trúc Linh Lan, Nguyễn Ngọc Tuyết, Lê Đình Bích, Lương Minh Hinh, Nguyễn Thị Ngọc Bích, Cao Thanh Mai… còn có nhiều cây bút trẻ đã và đang vươn lên như Hồ Kiên Giang, Hoàng Khánh Duy, Phát Dương… là những tác giả còn rất trẻ, đang tỏa sáng, tác phẩm được đăng đàn nhiều nơi và được các Nhà xuất bản săn đón.

              An Giang, mảnh đất có truyền thống về văn học, nên có nhiều nhà văn quy tụ ở đây: Nguyễn Lập Em, Trịnh Bữu Hoài, Ngô Khắc Tài, Mai Bửu Minh, Trương Thị Thanh Hiền, Lê Quang Trạng, Võ Diệu Thanh, Vĩnh Thông… Những tác giả trên đã có nhiều đầu sách và được đọc giả ngưỡng mộ.

            Tiền Giang có nhà văn Lương Hiệu Vui, chuyên viết về mảng tù chính trị, những câu chuyện đấu tranh gay go ác liệt trong tù và những bi hài kịch cười ra nước mắt khi ông vẽ lên nhiều hình ảnh mâu thuẩn đầy kịch tính của kẻ thù. Nhà văn Thu Trang chuyên về mảng truyện ngắn và dịch thuật từ Anh ngữ ra Việt ngữ nhiều truyện ngắn rất sắc sảo. Nhà văn Kim Quyên viết nhiều thể loại khác nhau, có giải thưởng bút ký của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng của các Bộ, Ngành và giải Mekong tiểu thuyết Tình không biên giới năm 2017.

            Một số tác giả từ các vùng miền khác tụ hội về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, góp phần không nhỏ vào vườn văn học miệt sông nước như, nhà thơ Võ Thị Kim Liên vừa làm thơ, vừa viết văn với những tiểu thuyết hấp dẫn, sau này chị chuyễn thể tiểu thuyết của mình thành kịch bản phim và đã phát sóng khá nhiều phim. Nhà văn Hồ Tĩnh Tâm đa tài với nhiều thể loại truyện ngắn, bút ký, thơ, nhạc... Nhà văn Phạm Thị Toán với nhiều bút ký sắc sảo về đề tài nông nghiệp, nông thôn…     

              Còn nhiều tác giả, tác phẩm không thể trích hết ra đây, nhưng nhìn chung, khắp 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hầu như tỉnh nào cũng có nhà văn tài năng đáng trân trọng. Nhiều nhà văn được giải thưởng của Hội địa phương, Hội Nhà văn Việt Nam, của Khu vực Đông Nam Á và Châu Á.

            Đặc biệt những nhà văn, nhà thơ gốc miền Tây đã lên Tp Hồ Chí Minh hoặc đi xứ khác rất nhiều, như nhà văn Trần Kim Trắc, nhà thơ Lê Giang, nhà văn Thanh Giang, nhà văn Nguyễn Thành Chơn, nhà thơ Hồng Cầu, nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, nhà thơ Thu Nguyệt, nhà văn Trầm Hương, nhà văn Bích Ngân, nhà văn Kim Quyên, nhà văn Mai Bữu Minh, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư... Dù mọi người đã xa quê, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống riêng tư nhưng vẫn vượt lên chính mình, bút lực dồi dào và chủ đề luôn đau đáu về quê nhà, có nhiều tác phẩm đã đoạt được nhiều giải thưởng trong nước và nước ngoài, gây ấn tượng tốt với bạn đọc.   

              Tiềm năng văn học vẫn còn nhiều, tuy nhiên người viết hiện nay ít nhiều đã bị ngả nghiêng trong cơn lốc xoáy của kinh tế thị trường thời kỳ hội hội nhập. Các phương tiện giải trí nghe nhìn của công nghệ cao đã ảnh hưởng nhiều đến văn học viết. Nhà văn không còn điềm tĩnh, dốc hết lòng hết sức với văn chương vì bao việc trước mắt, về cơm áo gạo tiền, về những công việc khác đan xen chồng chéo nhau khiến cho nhà văn đôi lúc xao lãng… Bên cạnh đó, việc ít có cơ hội xuất hiện, cong bố tác phẩm trên những ấn phẩm văn chương ở đại phương và trung ương, việc thiếu vắng các tác giả trong mảng lý luận phê bình; cả một vùng đất rộng lớn mênh mang như thế, một lực lượng đông đảo như vậy mà lèo tèo có một, hai người viết lý luận phê bình, mà lại không chuyên, nên văn chương viết ra rồi không được giới thiệu một cách chân xác, đầy đủ, vì vậy bức tranh toàn cảnh của văn học đồng bằng sông Cửu Long chỉ biết nổi trôi theo con nước lớn ròng. Song cũng rất mừng là nhiều người còn kiên trì bám nghiệp thì vẫn tiếp tục bước đi, dù những bước đi đầy đơn độc, chông chênh. Nhưng dẫu sao, dù ít hay nhiều sự đầu tư của các Hội, sự quan tâm khích lệ của bạn bè, của đọc giả, của Hội địa phương và Trung ương đã khiến cho các nhà văn thấy ấm áp, nghĩa tình, thấy trách nhiệm của mình đối với xã hội, với bạn văn và bạn đọc, không thể rời xa con đường văn chương…

     Nguồn Văn nghệ số 1+2/2020      


Có thể bạn quan tâm