May 10, 2024, 10:26 pm

Một người thầy

Một chiều se lạnh của tháng cuối năm 2022, chúng tôi, những cựu sinh viên khoa Hoá ĐHSP Vinh, tới thăm Giáo sư Đặng Trần Phách, người thầy kính yêu của nhiều thế hệ sinh viên trường Vinh và Hà Nội. Thầy sống cùng vợ, cô Trần Thị Xuân Nghi, tại căn nhà trong một con ngõ chỉ cho đi vừa chiếc ô tô nhỏ trên Phố Bạch Đằng, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cô ra tận cổng ngõ đón chúng tôi, và phải chừng năm phút tựa vào xe đẩy Thầy mới có thể đến nắm tay từng học trò. Đã vào tuổi 87 Thầy đi lại khó khăn nhưng vẫn có thể nhận ra trò cũ thậm chí ngay cả tên và họ. Tôi là người may mắn nhất trong số bạn cùng đi do trực tiếp được Thầy dạy Hoá cơ sở năm nhất và Hoá nguyên tố năm hai. Nhưng may mắn hơn, tôi đã cùng trò Chuyên Lam Sơn, Thanh Hoá nhiều lần được dự giờ Thầy dạy Hóa cao cấp để sau đó các em thi học sinh giỏi Hóa quốc gia và Olympic quốc tế, nhờ vậy mà tôi có được vốn liếng dày dặn cho quá trình giảng dạy những năm sau này. Tôi chịu ơn Thầy, người truyền cảm hứng, truyền tri thức, là người có ảnh hưởng lớn lên đời giáo của tôi.

 

Giáo sư Đặng Trần Phách

 

Giáo sư Đặng Trần Phách quê làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội. Thân phụ Thầy, Cụ Đặng Trần Liên từng làm công cho người Pháp; sau Cách mạng Cụ ở Ban Thư kí thuộc Bắc Bộ Phủ. Cụ thuộc dòng dõi trạng nguyên Đặng Công Chất được ghi danh trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Cụ bà Nguyễn Thị Phương là thân mẫu của cậu bé Phách cũng người làng này. Cụ có năm người con, Phách là trai duy nhất, chồng mất sớm nên Cụ dành tình cảm hết cho con. Buổi đầu cậu bé Phách theo bậc tiểu học ở trường Pierre Pasquier phố Sinh Từ, Hà Nội; khu vực này sau bị máy bay của quân Đồng Minh bắn phá phải chuyển về học ở trường tiểu học Phù Đổng, học xong, cậu thi đậu trung học Chu Văn An, trước cách mạng thường được gọi là trường Bưởi, đây cũng là nơi thân phụ cậu đỗ Tú tài. Sau khi kết thúc bậc học phổ thông, năm 1955 chàng thanh niên quê hương Thánh Gióng thi đỗ ĐHSP Hà Nội, hai năm sau cùng với các bạn Nguyễn Tinh Dung, Trần Quốc Sơn, Đặng Như Tại (sau này đều là GS Hoá học hàng đầu của nước ta) được trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Năm 1980 Thầy Đặng Trần Phách được nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư, các nhà giáo phong đợt này nhiều người tu nghiêp ở nước ngoài riêng Thầy vừa học vừa làm ở trong nước.

Một ngày hè oi bức của hơn 60 năm trước, sau khi dạy xong giáo trình Hoá đại cương cho sinh viên năm nhất, có chàng trai dáng người nhỏ nhắn đã rời thủ đô bắt xe vào miền đất bỏng rát gió Lào. Trước đó không lâu nhiều bạn đồng môn được ở lại thủ đô giảng dạy các trường đại học hoặc ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh nhưng với chiếc ba lô nhỏ, người thanh niên ấy đã vào đây thực hiện một nhiệm vụ cấp bách. Phân hiệu ĐHSP Vinh lúc bấy giờ chỉ có hai khoa Văn và Toán, chàng trai chân ướt chân ráo mới từ xa đến vẫn được giao làm tổ trưởng tổ cán bộ lo việc thành lập khoa Hoá học. Chàng trai ấy chính là Giáo sư Đặng Trần Phách sau này. Cái mà người ta sắp gọi là khoa lúc bấy giờ chỉ có 3 không - không giảng viên, không giáo trình và không luôn cả thiết bị, hoá chất. Quá khó! Mà nhiệm vụ được giao lại là tạo dựng một khoa Hoá tầm mức tương xứng với vị thế nhà trường. Cùng với nhiệt tâm của cả tập thể, mọi trở ngại bị đẩy lại phía sau; năm 1962 Thầy trở thành Phó Trưởng khoa Lý - Hoá - Sinh, rồi Trưởng khoa Hoá - Sinh, và từ 1963 khi vào tuổi 24 Thầy là Trưởng khoa Hoá cho đến 1983 thì rời Vinh. 23 năm là quãng thời gian không ngắn của một đời người nhưng với Thầy là những tháng năm gian lao bậc nhất. Từ phân hiệu đại học trở thành Trường ĐHSP Vinh được ít năm thì Mỹ đánh phá miền Bắc, bom ném trúng nhiều khu vực trường Vinh trong đó có khoa Hoá, phòng thí nghiệm của khoa bị bom giặc cày xới. Để an toàn cho việc dạy học, năm 1965 khoa Hóa về tá túc tại nhiều nơi thuộc tỉnh Nghệ An như Nghi Lộc xã Nghi Long, Thanh Chương xã Thanh Tân và tỉnh Thanh Hoá như Hà Trung xã Hà Vân, Thạch Thành xã Thành Trực. Rồi theo lệnh trên năm 1969 khoa chuyển về Nghệ An, lúc đầu đóng đô ở Quỳnh Lưu sau lên Yên Thành, và hết thời đạn lửa lại trở về Vinh. Một vòng tròn đầy cam go với 8 lần dịch chuyển. Đây không phải cuộc di, biến động thông thường, mà là cuộc chuyển quân thời chiến, tính mạng con người cùng các vật tư thiết yếu như thư viện, phòng thí nghiệm, máy nổ máy chiếu phải được bảo trọng. Mỗi lần dịch chuyển là một lần trọng trách đè nặng lên vai người lãnh đạo, đặc biệt khi qua vùng trọng điểm địch đánh phá như Hàm Rồng, Phà Ghép, Hoàng Mai, Cầu Giát; và ngay cả trong lúc yên bình khi khoa chuyển từ Thạch Thành về Quỳnh Lưu công việc phải xử lý cũng hết sức cam go. Những thứ quí hiếm, dễ vỡ phải được bảo giữ trong các hòm gỗ và trước lúc di chuyển tất cả đã được đặt tạm ven bờ sông Bưởi. Khó khăn nhất, là làm sao có thể đem tất cả xuống thuyền nan, xuống sà lan, sau đó bốc dỡ lên bờ rồi cho vào kho, mà không xây xát không đổ vỡ. Theo áp tải chúng là các cán bộ cùng sinh viên quen cảnh sông nước, số còn lại tự tìm cách về nơi ở mới, đa số phải cuốc bộ, riêng Thầy và vài thầy khác đạp xe đạp vượt chừng 120 cây số. Lặng đi giây lát, Thầy xúc động, các cán bộ khoa với vai trò hướng dẫn còn hàng chục tấn vật tư thiết bị đã đè nặng trên hàng trăm cánh tay và bờ vai học trò, mà bữa trưa bữa sớm hôm đó các em còn phải gặm sắn gạc nai nhai mì mạch luộc chỉ dấu của bữa ăn khổ ải thời ấy. Kể đến đây giọng Thầy trầm xuống, không gian của căn phòng như ngưng đọng lại.

Tôi vào học khoa Hoá trường Vinh năm nhất trọ học ở một xóm biển nghèo xã Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu. Buổi đầu không thích môn học này, tôi định xin nghỉ sang năm thi trường khác. Rồi một buổi tối có thể xem là định mệnh là ngã rẽ cuộc đời khi GS Đặng Trần Phách tới dạy tiết đầu tiên cho lớp. Dưới ánh đèn dầu của lán học lợp mái kè, Thầy đã giảng cho chúng tôi thế nào là nguyên tử. Sách hoá học Cấp 3 thời ấy định nghĩa chỉ vài dòng nhưng Thầy đã hình thành khái niệm nguyên tử cho chúng tôi cả buổi hôm đó bao gồm tiến trình nhận thức, cái được và chưa được, của xưa và nay, và sắp tới. Tôi cứ mường tượng nguyên tử của Giáo sư họ Đặng không phải là vi hạt, là vô tri, mà nó có đời sống, linh hồn và một nội tâm vô cùng mãnh liệt. Từ buổi đó tâm trí tôi như bị níu chặt vào các giáo trình và thí nghiệm hoá học. Kỉ niệm mãi khắc ghi trong tâm khảm chúng tôi, là sau buổi dạy, Thầy thường dành ít phút đọc thơ cho cả lớp, đặc biệt trong số đó là bài thơ Tre Việt Nam của Nguyễn Duy:

… Tre xanh, xanh tự bao giờ

Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh

Thân gầy guộc lá mong manh

Mà sao nên lũy nên thành, tre ơi!

Ở đâu tre cũng xanh tươi

Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu…

Thầy yêu quý bài thơ này, bởi Cây Tre biểu thị cho sự chịu thương chịu khó, xanh tươi, cứng cáp và quật khởi của người dân Việt. Nhưng tôi lại nghĩ rằng, tứ thơ trên đã phản ánh cuộc đời, là cõi thâm sâu hết sức nồng ấm của tâm hồn Giáo sư họ Đặng.

Khoa Hoá chỉ tá túc ở Thạch Thành miền núi xứ Thanh ít năm còn chủ yếu trên đất Nghệ… Hồi ấy chúng tôi hay đến nghe Thầy giải đáp kiến thức, nhìn căn phòng không khó để nhận ra vẻ đơn sơ, đạm bạc trong sinh hoạt hàng ngày; cái giường đơn, chiếc bàn làm việc, giá sách và tủ đựng tài liệu bằng gỗ thường; bếp nấu là ống sành nhồi mùn cưa, chưa kể có giai đoạn Thầy cùng sinh viên dùng bữa tại chỗ bếp tập thể. Mãi về sau chúng tôi mới hiểu Thầy vô cùng trân quí thời gian. Thời gian dường như không đủ để Thầy đọc sách, nghiên cứu, đấy là chưa kể việc lên lớp cùng công việc hành chính luôn chực chờ bên cạnh. Sau lúc giải đáp kiến thức Thầy thường hỏi: - Các em cần gì ở tôi nữa không? Nếu không còn thì các em tranh thủ về đọc giáo trình và ôn bài nhé! Một lần sắp Tết chúng tôi đến chào Thầy để về quê, lúc ra về một đứa mạnh dạn: - Thưa thầy, bọn em nghe nói năm nào thầy cũng về Tết muộn, phải không ạ? Thầy khẽ gật đầu: - Tôi thường trực hè thay cho anh chị em trong khoa nên Tết nào tôi cũng về Hà Nội, nhiều bận mẹ chờ tôi về tới nơi thì giao thừa đã râm ran tiếng pháo…

Thầy kể: mẹ mất năm 1991, ở Vinh 23 năm tôi ít được gần mẹ. Thầy chỉ được gần mẹ ở chặng cuối đời, nhưng muộn còn hơn không, đận ấy mẹ thật hạnh phúc khi còn kịp thấy con trai tuổi gần năm mươi vẫn có được người vợ hiền. Trước khá đông học trò đến mừng thọ, Thầy bồi hồi tâm sự, nhà tôi phải rất thương mới về ở với tôi, giờ tôi còn được như này phần lớn là công của vợ tôi cùng tình cảm của các anh các chị. Nói rồi Thầy hướng ánh nhìn về phía gian trong căn nhà giọng như lắng lại: - Cách nay chừng 6 năm Tiến sỹ Trịnh Xuân Hải người Yên Định, Thanh Hoá, cựu sinh viên khoa Hoá, là doanh nhân thành đạt sống và làm việc ở Ba Lan đến thăm tôi, anh ấy nói chúng em giờ sống sung túc nên không thể yên tâm khi vợ chồng thầy khổ vậy được. Anh Hải giao lại cho chị Thu Hồng cũng là sinh viên khoa Hoá trường Vinh, lúc ấy là Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động Việt Nam một số tiền lớn để sửa sang phòng ở và thay mới các đồ đạc trong nhà cho vợ chồng tôi. Tôi nghĩ mình thật sự hạnh phúc và còn sống được đến hôm nay một phần là ở ân tình của bao thế hệ học trò.

Trong những nét khái quát thì Tiếng Cả Nhà Không được xem là đánh giá có phần sát đúng về GS họ Đặng. Khỏi phải bàn định về cái danh Tiếng Cả được bạn bầu dành tặng, bởi Thầy đã góp công đào tạo hàng vạn sinh viên, nhiều người trong số đó đã thành sĩ quan cao cấp trong các lực lượng vũ trang, thành các nhà khoa học, nhà giáo dục tầm cỡ, và thật sự trân quí khi Thầy còn để lại cho các thế hệ học trò những bộ sách đáng giá như Hoá cơ sở lí thuyết và bài tập (trọn bộ 3 tập), Cơ sở lý thuyết về các quá trình hoá học (đồng tác giả với PGS Trần Thị Đà) cho tới nay sách này được tái bản không dưới 10 lần. Cái gọi là Nhà Không là thứ thử thách không hiểu sao lại luôn đến với Thầy?! Thầy về Vinh năm 1962 xây khoa Hoá từ cái nền 3 không, lúc mọi thứ đã nên danh thì Thầy lại được Bộ Giáo dục cử về ĐHSP Hà Nội. Nhận nhiệm vụ chưa ấm chỗ, năm 1984 Thầy được Bộ cử sang Campuchia rồi sau hơn một năm lại tới Madagascar - sinh viên hai nước này tiếp thu kiến thức qua bài giảng của Thầy bằng tiếng Pháp. Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, về nước, Thầy được Bộ cử làm Phó Hiệu trưởng ĐHSP Hà Nội liên tiếp hai nhiệm kỳ; cảnh Nhà Không có vẻ như sắp hết thì giữa năm 1991 Đại học Quốc gia thành lập trường Đại học Đại cương, Bộ giao Thầy trọng trách Hiệu trưởng. Một lần nữa sự trùng lặp của 3 không lại đến như vòng xoay số phận của 30 năm trước. Trường Đại học Đại cương mới thành lập nên không có cơ sở vật chất, phải nhờ đất của ĐHSP để dựng nhà lợp mái tôn cho khu hiệu bộ; giảng viên, lớp học, thư viện, phòng thí nghiệm phải nhờ của các trường đại học thành viên; nhiệm vụ của Đại học Đại cương là chuẩn bị kiến thức cơ sở để sau khi tốt nghiệp sinh viên theo học các chuyên ngành khác như y dược, kinh tài, sư phạm… Do nỗ lực hết sức nên chỉ 6 tháng sau Trường đã có thể khai giảng khoá đầu tiên. Cảnh nhà không là khi nói về khoa, về trường nơi Giáo sư họ Đặng trên cương vị người đứng đầu, còn khi kể về tài sản riêng thì Thầy luôn trong cảnh không nhà. Gắn bó cả đời với nghề sư phạm, sống gần trọn cảnh tập thể nhưng cho đến khi Thầy về thủ đô sự này vẫn luôn kéo níu. Ngày cô Nghi thành vợ, trước khi Thầy sang Madagascar độ 3 tháng, lễ cưới được tổ chức trong căn phòng 15 mét vuông, tầng 4 nhà B8 khu tập thể Thanh Xuân... Chừng dăm năm sau đó, nhà nước có chủ trương giao đất khu tập thể cho cán bộ công nhân viên đang sống trên đó với giá vừa phải, cô Nghi làm việc ở Trạm Vật tư lâm sản thuộc diện được phân đất. Như vậy căn nhà hiện tại có nguồn gốc đất từ cơ quan vợ - Giáo sư họ Đặng thật đúng là con người của Tiếng Cả Nhà Không!

Trang vnu.edu.vn Đại Học Quốc Gia Hà Nội, số 296/2015, PGS.TS Trần Thị Kim Chi trong kí sự Âm Thầm Cống Hiến có đoạn viết “Một lần tôi mạnh dạn hỏi ông (Gs Đặng Trần Phách) về các chức danh, ông nói học hàm của ông chỉ là Phó Giáo sư, để xét phong Giáo sư thì phải có học vị Phó tiến sỹ, trước kia ông đã được công nhận tương đương học vị này bây giờ yêu cầu làm lại, ông thấy nó vô lý và mất thời gian nên thôi. Nhưng trong mắt đồng nghiệp và học trò, và cả những người biết về ông, ông thực sự là hình mẫu của một Giáo sư thực thụ cả về năng lực lẫn đức độ. Năm 1998 khi xét danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, bầu ở toàn trường ông được trăm phần trăm phiếu bầu, nhưng do tình hình cụ thể, và ông không muốn làm ảnh hưởng đến việc xét duyệt của các đồng nghiệp khác nên đã lặng lẽ không nộp hồ sơ. Mãi sau này nhắc lại chuyện này, chúng tôi mới được ông tâm sự: Tôi có những niềm vui âm thầm, và tôi luôn lấy những tấm gương của mọi người để phấn đấu, để cố gắng!”.

Mỗi khi nhớ về khoa Hoá trường Vinh là chúng tôi nghĩ tới Giáo sư Đặng Trần Phách, đức độ cùng tri thức của Thầy như cây đời tỏa bóng che chở và thôi thúc lớp lớp học trò. Là gương soi về sự an nhiên tự tại, không cầu danh lợi, chẳng lụy giàu sang, chăm lo gắng gỏi cho sự nghiệp chung và mong cầu ân phúc cho mọi sinh linh - Thầy là tất cả những gì chúng em hướng tới!

Lê Vạn Quỳnh

Nguồn Văn nghệ số 32/2023


Có thể bạn quan tâm