May 20, 2024, 8:06 pm

Kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tôi dịch thơ Hồ Chí Minh sang tiếng Anh

 

Lời người dịch: Trong số khoảng 40 ngôn ngữ nước ngoài đã có bản dịch Nhật ký trong tù của chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếng Anh hiện là ngôn ngữ có nhiều bản dịch nhất với 6 bản dịch được biết đến, đã xuất bản ở Việt Nam, Mỹ, Canada và Anh. Mới đây, chúng tôi tình cờ phát hiện được một phiên bản khác với 18 bài của nhà thơ Anh John Birtwhistle được xuất bản ở Anh năm 1985, sau đó được dùng làm lời trong bản hợp xướng “Rings of Jade” của nhà soạn nhạc David Blake năm 2005, song chưa được biết đến và giới thiệu ở Việt Nam. Để tìm hiểu thêm về phiên bản này cũng như việc dịch của John Birtwhistle, chúng tôi đã liên lạc và trò chuyện với ông qua email. Được sự đồng ý của John Birtwhistle, chúng tôi xin chia sẻ với bạn đọc bài viết dưới đây của ông. Tiêu đề là của người dịch.

Tôi được biết Hồ Chí Minh thường viết thơ chúc Tết mỗi dịp xuân về và lần đầu tiên tôi làm quen với thơ ông là vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968. Cũng vào dịp Tết năm đó chúng tôi đã xuống đường biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ tại ‘Quảng trường Grosvenor’ ở London ngày 17 tháng 3 nhằm hưởng ứng một cuộc biểu tình toàn cầu đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh chống Việt Nam.

Vào thời gian đó tôi đang sáng tác thơ và tôi tình cờ đọc được những bài thơ sáng tác trong tù của Hồ Chí Minh trong một cuốn sách nhỏ bìa màu xám có tựa đề : Hồ Chí Minh: Prison Diary, do Nhà xuất bản Ngoại văn in ở Hà Nội năm 1962. Người dịch là nhà văn và nhà hoạt động người Australia gốc Anh chống phát xít, Aileen Palmer (1915-1988).

Mười bài trong bản dịch này đã được tờ tạp chí tiến bộ Mỹ The Nation in ngày 6 tháng 5 năm 1968 với tựa đề “Vị lãnh tụ Việt Nam cũng là một nhà thơ” và bài này nay vẫn có thể truy cập được trên mạng. Năm 1971 bản dịch của Palmer đã được Bantam Books xuất bản lần đầu tiên ở Mỹ với lời giới thiệu của nhà báo Mỹ từng đến Việt Nam là Harrison E. Salisbury. Trước đó Palmer đã dịch một số bài thơ của nhà thơ, chính trị gia Tố Hữu, cũng được Nhà xuất bản Ngoại văn xuất bản ở Hà Nội năm 1959.

Tôi còn nhớ Jane Fonda đã từng nói trong buổi phát thanh từ Hà Nội vào năm 1972 : sau bốn nghìn năm chống xâm lược, trong đó có 25 năm chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp gần đây, người Việt Nam không chịu khuất phục; và 'Tôi nghĩ Richard Nixon nên đọc lịch sử Việt Nam, nhất là thơ của họ, đặc biệt là thơ của Hồ Chí Minh.'

Nhà thơ, dịch giả John Birtwhistle (photo: Mireille Berthoud)

 

Năm 2016, UWA Publishing xuất bản cuốn tiểu sử về Palmer của Sylvia Martin: Ink in her Veins: The Troubled Life of Aileen Palmer. Trong cuốn sách này Martin tiết lộ: mặc dù là một nhà ngôn ngữ học tài danh, nhưng Palmer không dịch Prison Diary từ bản gốc tiếng Việt (chính xác hơn là chữ Hán – ND chú thích) mà từ một bản được dịch sang tiếng Anh từng từ theo nghĩa đen và bà tìm cách làm cho nó ‘thơ’ hơn.

Song, kết quả là bản dịch tiếng Anh của Palmer, theo tôi có phần cứng nhắc và không mang đậm chất thơ, mà là “thơ” theo nghĩa thông thường nhất, như thể dư âm vọng lại từ thế kỷ trước. Nó không có vần, nhưng cũng không phải là thơ tự do. Đúng hơn, nó phảng phất hình thức của thơ truyền thống nhưng ít vần điệu và phép luật.

Năm 1976, để hưởng ứng hoạt động quảng bá rộng rãi các bài viết về nhà tù của Tổ chức Ân xá Quốc tế, tôi dùng những bài thơ viết trong tù của Hồ Chí Minh để đọc trước công chúng. Vì mục đích này, tôi bắt đầu lược bỏ những từ mang tính tu từ trừu tượng dường như không thuyết phục mà tôi không biết cách sửa đổi nó như thế nào cho tốt hơn. Chúng khiến bài thơ bị chùng xuống bởi lối nói dài dòng không phù hợp với những gì tôi biết về thơ ca cổ điển Trung Quốc.

Không biết chữ Hán, tôi nghiên cứu lý thuyết “imagist” (hình tượng) về chữ tượng hình Trung Quốc được lấy từ tác phẩm Cathay của Ezra Pound[1]The Chinese Written Character as a Medium for Poetry (Chữ Hán như một phương tiện cho thơ) của Ernest Fenollosa. Đây là những tác phẩm khẳng định khó có thể tìm thấy mối quan hệ giữa văn học Trung Quốc cổ đại và chủ nghĩa hiện đại Anh-Mỹ.

Việc đọc thơ Trung Quốc theo cách của các nhà hình tượng, như bây giờ tôi nhận ra từ các chuyên gia như George Kennedy và A.C. Graham, là dựa trên một sự hiểu biết hạn chế và ở một khía cạnh nào đó là thiếu sót về tiếng Hán. Tuy nhiên, nó cung cấp một thi pháp thực tiễn để dịch lại các bản dịch chính thức của Hồ Chí Minh. Tôi nén hình thức các câu thơ lại và cố gắng tạo nhịp điệu và cách diễn đạt chính xác hơn những gì tôi đã tìm thấy trong tư liệu của mình (ở đây là bản dịch của Aileen Palmer – ND).

Tôi có thể sáng tác lại các bài thơ này, sau đó tôi sắp xếp lại thành một chuỗi nối tiếp như kiểu hình elip. Vẫn không hài lòng, trong nhiều năm tôi mày mò làm lại bất cứ khi nào tôi nghĩ về chúng. Tại một số thời điểm, tôi thực sự đã bỏ quên các bản dịch mà tôi đã bắt đầu. Từ đó trở đi, tôi tập trung làm cho những bài thơ trở nên hoàn chỉnh nhất có thể, như thể chúng là của chính tôi. Các phiên bản này đã được in trong tuyển tập của tôi với tựa đề Our Worst Suspicions (Những nghi ngờ tồi tệ nhất của chúng ta), do Anvil Press Poetry xuất bản ở London năm 1985.

Khi sáng tác lại phiên bản của mình từ phiên bản của Aileen Palmer, tôi tự nhủ rằng mình có thể khám phá ra điều gì đó về tính hình tượng rõ nét, sự súc tích, rút gọn dòng, cũng như sự hài hước và thâm thúy đã làm nên thơ Hồ Chí Minh.

Chẳng hạn, phiên bản của tôi gồm ít hơn một nửa số từ trong phiên bản của Palmer, đôi khi còn có những dòng để mở cho những hiệu ứng cụ thể như niềm khao khát mãnh liệt, hoặc sự thỏa mãn khi được ra tù, hoặc hành trình cô đơn của người sắp qua đời trên đường đến suối vàng (nguyên bản “the land of nine springs”).

Một cách có thể gây tranh cãi hơn, tôi bỏ hết tựa đề các bài thơ. Bởi tôi nghĩ chúng dường như không chỉ không cần thiết; như Palmer đã thể hiện, chúng là vật liệu không thể biến thành bất cứ thứ gì có hiệu quả. Ví dụ: tiêu đề “Hard Is the Road Of Life” (dịch từ 世路難 - Đường đời hiểm trở I, II, III trong nguyên bản Ngục trung nhật ký  – ND), với sự đảo ngược cổ xưa và phép ẩn dụ sáo rỗng, nghe giống như một khẩu hiệu của thời Victoria (nguyên văn: “Victorian motto”) (2) Những tựa đề khác, chẳng hạn như “After Prison a Walk in the Mountains” (dịch từ bài 新出獄學登山 - Ra tù tập leo núi - trong Ngục trung nhật ký  –  ND), chỉ lặp lại những gì được nói trong bài thơ. Việc loại bỏ các tiêu đề của các bài thơ chỉ là một ví dụ về việc tôi cố cô đúc và diễn giải ngữ liệu của Palmer thành một phiên bản có sức nặng hơn.

Một quyết định khác tương tự là tôi không gieo vần. Steve Bradbury đã tạo ra một phiên bản có vần điệu trong Poems from the prison diary of Ho Chi Minh (Những bài thơ từ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh) do Tinfish Press xuất bản năm 2004, nhưng nếu không biết về bản gốc (tác giả chỉ chữ Hán – ND) như ông ấy thì việc lựa chọn từ có vần điệu của tôi là tùy ý. Thay vào đó, cách tiếp cận ý nghĩa của tôi là tìm kiếm niêm luật và sức sống bằng cách tập trung vào các hình  tượng.

Bài thơ dưới đây là một trong những bài hùng hồn và hay nhất trong bản dịch của Aileen Palmer:

On the Way to Nanning

The supple rope has now been replaced with iron fetters.

At every step they jingle as though I wore jade rings.

In spite of being a prisoner, accused of being a spy,

I move with all the dignity of an ancient government official!

Bài này được dịch từ bài 往南寧 (Đến Nam Ninh) sau đây trong nguyên bản “獄中日記” của Hồ Chí Minh

銕繩硬替麻繩軟,

步步叮噹環珮聲。

雖是嫌疑間諜犯,

儀容卻像舊公卿。

Bài này được Nam Trân dịch ra chữ Quốc Ngữ là:

“Hôm nay xiềng xích thay dây trói

Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung

Tuy bị tình nghi là gián điệp

Mà như khanh tướng vẻ ung dung”

Dựa trên ngữ liệu của Palmer tôi dịch như sau:

Ropes give way

to ringing irons

as though I were decked

with showy rings of jade

 

The convict steps

with all the dignity

of an ancient court official

and all his restraint.

Phiên bản của Palmer chắc chắn truyền tải nhiều chi tiết ‘nhật ký’ thực hơn. Phiên bản của tôi mất đi một số chi tiết 'nhật ký' trên thực tế nhưng mang tính hình tượng và vần điệu chặt chẽ. Chẳng hạn, cụm danh ngữ “of an ancient court offical” mà tôi mượn từ Palmer, được rút lại bằng một dòng ngắn hơn tiếp theo. Và ở dòng cuối cùng đó, tôi thêm vào một câu mỉa mai có thể chỉ có tác dụng trong tiếng Anh. Từ “restraint” cô đúc hai nghĩa: sự giam cầm, nhưng “restraint” cũng là sự kiềm chế nhưng với thái độ tự tôn - điều mà người Anh thường gọi là “stiff upper lip” (kiềm chế cảm xúc).

Bìa sách “Our Worst Suspicions” (trái) & bản hợp xướng “Rings of Jade” (Photo: VXQ)

 

Như vậy, tôi đã gặp những bài thơ này vào những năm sáu mươi, rồi dịch chúng vào những năm bảy mươi, và vào những năm tám mươi đã in chúng trong tập thơ Our Worst Suspicions. Trong tập thơ này, ngoài 18 bài thơ của Hồ Chí Minh được dịch dựa trên phiên bản Prison Diary, còn có loạt bài thơ tôi sáng tác với tiêu đề “Shadow of the Advisors” (Bóng của các cố vấn), nói về cuộc chiến tranh Việt Nam và những phản ứng của phe cánh tả Anh của chúng tôi vào thời kỳ đó. Một trong số bài đó có nói đến vụ thảm sát Mỹ Lai, cuộc biểu tình ở Quảng trường Grosvenor và việc Sài Gòn được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi rất vui khi David Blake (nhà soạn nhạc người Anh - ND) muốn phổ nhạc hầu hết các bản dịch của tôi cho bản hợp xướng dành cho giọng nữ trung với dàn nhạc. Từ gợi ý của David tôi đã nhuận sắc lại một số bản dịch một lần nữa. Để tạo sự thống nhất về lời thơ trong bản nhạc, ông đã bỏ đi bốn bài thơ với hình ảnh, ẩn dụ về công việc của một phụ nữ và một nữ tù nhân. Tôi cũng rất vui khi David đề xuất đặt tên cho bản hợp xướng là Rings of Jade (Vòng Ngọc) xuất phát từ bài thơ trong đó người tù lấy lại phẩm giá bằng cách cố gắng mang chiếc xích trên mình như thể đó là chiếc nhẫn ngọc của quan lại ngày xưa.

Năm 2005 bản hợp xướng được hoàn thành và được dàn nhạc giao hưởng thành phố York (Anh) biểu diễn lần đầu tiên vào ngày 2.7.2005 tại Phòng hòa nhạc Jack Lyons, do David Blake chỉ huy với giọng ca của Sally Burgess, người đã đóng vai Sylvia trong vở opera The Plumber's Gift (1989) của chúng tôi. Cũng năm đó bản nhạc được Nhà xuất bản Âm nhạc Đại học York xuất bản. Tôi chỉ biết trước đây một bài thơ của Hồ Chí Minh đã được nhạc sĩ người Đức, Hans Werner Henze (1926-2012) phổ nhạc vào năm 1971. Bản nhạc dựa trên lời bài thơ “The leg-irons” (Dây trói) trong Ngục trung Nhật ký, được đặt tên là Prison Song (Bài ca trong tù).

Như vậy, bạn có thể thấy rằng Nhật ký trong tù, được viết bằng một ngôn ngữ và bởi một chính trị gia mà tôi khó có thể hiểu được, đã khiến tôi quan tâm trong nhiều thập kỷ với thơ của chính mình. Có thể nói việc tôi sáng tác lại phiên bản Prison Diary của Palmer đã góp phần hình thành sự phát triển thơ ca của chính tôi. Vào thời điểm đó, tôi chưa đưa ra đánh giá chính trị nào về “Bác Hồ” tinh tế hơn người Anh đánh giá về Churchill cho đến năm 1945. Điều cấp bách là phải phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Kể từ đó, ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đã nhận ra sai lầm  ̶  hoặc điều hiển nhiên khiến ông đau lòng hơn là vô ích (Robert S. McNamara, In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam (New York: Times Books, 1995)).

Liệu quan điểm chính trị “anti-war” - phản đối chiến tranh của chúng tôi thời đó có tỏ ra hiệu quả hơn về lâu dài hay không vẫn còn phải chờ xem. Với thơ ca của chúng ta, việc không biết chữ Hán đã được các nhà văn viết bằng tiếng Anh như Kit Fan (nhà thơ sinh 1979 ở Hồng Kong, hiện sống ở Anh – ND chú thích) và Ocean Vương, những người thông thạo cả hai nền văn hóa, vượt qua.

Về nhà thơ, dịch giả John Birtwhistle: sinh năm 1946 ở Scunthorpe (Anh), là giảng viên tiếng Anh và Văn học tại Đại học York (Anh). John Birtwhistle đã xuất bản 8 tập thơ và giành được một số Giải thưởng về Văn học và Nghệ thuật ở Anh. Thơ ông còn được đưa vào 3 vở hợp xướng và nhạc kịch. Ông từng làm phó tổng biên tập Tạp chí Y khoa Anh. Hiện ông đã nghỉ hưu và sống ở Sheffield (Anh).

John Birtwhistle

Võ Xuân Quế (lược dịch từ các trao đổi bằng tiếng Anh do tác giả gửi)

 


[1] Cathay (1915) là tuyển tập thơ cổ điển Trung Quốc do nhà thơ Ezra Pound (1885 – 1972) ) dịch sang tiếng Anh dựa trên những ghi chú của Ernest Fenollosa (1853 – 1908) sau đó được biết đến như của Pound năm 1913.   

[2] Thế kỉ thứ 19, trong thời kỳ Nữ hoàng Victoria trị vì nước Anh, từ năm 1837 cho đến khi bà qua đời vào năm 1901.


Có thể bạn quan tâm