April 26, 2024, 10:49 am

Một không gian văn chương mở

Sự phát triển của đời sống văn học, là tất cả những gì người đọc, người viết, nhà nghiên cứu - phê bình mong đợi. Nếu có một không gian mà ở đó chúng ta được ngồi lại cùng nhau mổ xẻ, phân tích và trao đổi về những vấn đề liên quan đến sáng tác và phê bình, hẳn sẽ có nhiều gợi mở thú vị. Trong mọi cuộc giao lưu cần một người dẫn chuyện hiểu biết, khách quan và khéo léo, biết khơi ra những vấn đề cần khơi, biết phản biện lại những vấn đề cần làm sáng tỏ, biết kết nối người này với người kia trao đổi cùng nhau. Có thể nói, trong cuốn sách Song hành & đối thoại của mình, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa đã làm tốt cả vai trò tạo ra một không gian trò chuyện văn học lẫn vai trò người dẫn chuyện.

Cuốn sách là tập hợp những cuộc trò chuyện văn chương, của riêng tác giả với những nhà phê bình, nhà nghiên cứu, người viết, người dịch, ở nhiều lĩnh vực và nhiều độ tuổi khác nhau. Mỗi cuộc gặp gỡ thường bắt đầu từ một quyển sách mới xuất bản rồi tiến đến những đề tài như kinh nghiệm viết và những vấn đề chuyên sâu cần bàn luận trong nghề. Người đọc sách có thể nhặt từ trong mỗi cuộc trao đổi đó một vài ý tưởng, và khi xếp lại ta thấy được một bức tranh tổng thể về đời sống văn học Việt Nam đương đại.

Như trên đã nói, một cuộc đối thoại thành công có vai trò quan trọng của người gợi chuyện. Hoàng Đăng Khoa hẳn đã nghiên cứu kỹ nhân vật của mình cho từng buổi gặp, cùng với vốn đọc sách sâu rộng và những vấn đề đã trăn trở sẵn của một người chuyên làm nghiên cứu phê bình, anh đã đưa ra những câu hỏi đắt giá dẫn dắt người đối diện mở ra những khoảng trời kiến thức.

Đó là những câu hỏi xoay quanh các vấn đề như: Giá trị và tính nhân văn của văn học hậu hiện đại, nhận diện về phê bình văn học trẻ, văn chương hư cấu và văn chương tự ăn mình, văn chương có ích gì, văn chương cần cho ai, tư cách và tiếng nói trí thức của nhà văn cũng như tư cách và tiếng nói trí thức của nhà phê bình, khuynh hướng nữ quyền và định vị tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại, cái chết của dân tộc tính, "cái tôi cá thể" và "cái tôi bản thể" trong thơ, nội dung hay cách kể quan trọng trong một sáng tác, tiếng cười trong văn học, sự bùng nổ của cái "tôi" hay là "độ không của lối viết", xuất khẩu văn chương Việt ra thế giới, "chủ nghĩa luận đề" và "chủ nghĩa minh họa” trong văn chương, bàn về tiểu thuyết lịch sử, bàn về văn học thị trường, bàn về văn chương mạng, bàn về cái gọi là văn học đề tài, sự tiếp nhận của nhà văn trước sự khen chê của nhà phê bình, đâu là những biểu hiện cực đoan trong sáng tác và phê bình văn học hậu hiện đại, “quốc tịch” của nhà văn...

Người đặt ra câu hỏi trò chuyện đã hay, cùng lúc người trả lời đưa ra nhiều lập luận và quan điểm phong phú, khiến cho cuốn Song hành & đối thoại có sức nặng về hàm lượng kiến thức và sự gợi mở vấn đề. Người đọc sẽ thích và gạch chân ở những đoạn nhân vật trả lời hay, nhưng đồng thời người đọc - ở vị trí người đọc, người viết hay nhà phê bình - đều cùng tự can dự ngầm vào những cuộc trò chuyện, đều tự có những câu trả lời của mình cho những câu hỏi đó.  

Tiến sĩ Phan Tuấn Anh cho rằng: "Giá trị nhân văn của văn học hậu hiện đại nhìn từ trường hợp G.G.Marquez là đi tìm chỗ đứng định vị cho mỗi cá nhân trong dòng chảy của lịch sử và thời đại…”. Còn bàn về phê bình, tiến sĩ Đoàn Ánh Dương đưa ra quan điểm: "Cẩu thả trong văn chương cũng giống như độc quyền trong nghiên cứu, nếu cẩu thả nâng cấp sự bất lương lên mức đê tiện thì độc quyền cũng nâng cấp sự lố bịch lên mức đê tiện như thế…". Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Huyền Sâm lại đưa ra nhiều nhận định về tính nữ trong các tác phẩm, như "muốn sống tự do, viết tự do, trước hết người phụ nữ phải thoát ra khỏi những luân lý định sẵn" hoặc "kinh nghiệm y học và trải nghiệm giới tính nữ khiến cho lối viết của một số nhà văn nữ trở nên độc đáo, khác biệt so với nam giới". Nhà văn Đặng Thiều Quang có lối trò chuyện thoải mái, khoáng đạt, đưa ra nhiều triết lý chiêm nghiệm về "hành trình kiếm tìm bản ngã, dấn thân, đấu tranh và tự đấu tranh của các nhân vật", cũng như kinh nghiệm "kích hoạt, tiếp thêm cảm hứng sống cho người đọc" của nhà văn. Nhà thơ Nguyễn Thị Thùy Linh lại mang đến một bầu trời nội tâm đầy nữ tính, hé mở những điều sâu kín ẩn trong tâm hồn của một nhà thơ, được giãi bày lại bằng ngôn từ gợi mở, nhiều hình ảnh, một cách dịu dàng và đằm thắm… Trong cuộc trò chuyện cuối cùng của quyển sách, phó giáo sư, tiến sĩ Phùng Gia Thế để lại nhiều suy ngẫm cho người đọc bằng một nhận định làm nên cái kết rất duyên: "Việc coi nhẹ phê bình không chỉ là chuyện của một số người sáng tác mà còn xuất phát từ trình độ ý thức về văn học của những người cầm bút của cả thời đại nói chung. Phê bình hiển nhiên có nhiều thể loại, mỗi thể loại có những chức năng riêng. Cá nhân tôi luôn tâm niệm, phê bình phải là tiếng nói song hành và đối thoại với đời sống văn học".

Với tư cách là một nhà phê bình đã đào sâu những cuốn sách của đồng nghiệp mình, Hoàng Đăng Khoa không ngần ngại đưa ra những nhận định khách quan khi trò chuyện. Đồng thời, khi đặt ra câu hỏi, anh chủ động cài cắm vào rất nhiều kiến thức bổ ích mà anh đã tích lũy được. Nhà phê bình Đoàn Cầm Thi có nhận định về cuốn sách: "Trong những cuộc đối thoại, Hoàng Đăng Khoa thường mời thêm Bakhtine, Barthes, Foucaul, Beauvoir... không phải để các cụ ngồi chơi xơi nước mà cùng tham gia vào những hồi trận mới của văn chương Việt". Không chỉ trích dẫn lời các nhà văn nổi tiếng dùng để lập luận, anh cũng manh nha làm những cuộc giao lưu ngắn giữa những người trong nghề với nhau, bằng cách đưa ra nhận định của người này cho người khác và để chờ những quan điểm từ một góc nhìn khác hoặc những phản biện khi cần thiết. Cũng có khi cùng một câu hỏi, anh đưa cho nhiều người khác nhau để vấn đề được mở rộng hay đào sâu hơn.

Có thể nói, cuốn Song hành & đối thoại là một quyển sách đã khơi gợi nhiều vấn đề trong đời sống văn chương mà cả người viết lẫn người phê bình đều muốn tìm đọc. Trong tương lai, người dẫn chuyện Hoàng Đăng Khoa hoàn toàn có thể tạo ra những cuộc trao đổi chuyên sâu, không chỉ theo từng nhân vật được phỏng vấn mà theo từng luận điểm; không chỉ tay đôi mà tay ba hoặc một nhóm những nhà nghiên cứu, nhà phê bình, người viết và người đọc. Văn chương có nhiều con đường, và ở trong những không gian văn chương mở như Hoàng Đăng Khoa tạo ra, những người vốn chỉ quen một mình đối diện trước trang giấy trắng, sẽ có dịp va chạm và giao lưu, để có một cái nhìn tổng thể và sâu sắc hơn về đời sống văn học Việt Nam đương đại.

Nguồn Văn nghệ số 43/2018

 


Có thể bạn quan tâm