April 26, 2024, 3:47 pm

Một gương mặt khác của nhà phê bình văn học

Tôi từng biết đến một Đào Tuấn Ảnh người từng du học ở Nga rồi về nước làm việc tại Ban Văn học nước ngoài của Viện Văn học Việt Nam, có học vị Phó Giáo sư, Tiến sỹ, tốt nghiệp Viện Phương Đông thuộc Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomnosov.

Biết bà qua những bài nghiên cứu, phê bình văn học hay thảo luận trong các hội thảo khoa học về văn hóa nghệ thuật. Một trong những nhà phê bình văn học Nga, người am hiểu sâu sắc văn học Nga hiếm hoi tại Việt Nam. Bà cũng là một dịch giả với những cuốn Lí luận văn học (của V. Khalizev), Cuộc đấu súng (tuyển sáng tác của A, Chekhov) và tiểu thuyết không tưởng của nhà văn Nga nổi tiếng đầu thế kỉ XX Zamiatin Chúng tôi… Nhưng giờ đây đọc xong cuốn Bà Đỡ (Nxb Trẻ, 2022) tôi lại thấy một gương mặt khác của nhà phê bình văn học họ Đào.

Gương mặt của người sáng tác. Như tên gọi của sách Bà Đỡ là câu chuyện kể lại cuộc đời của cô Tí (tác giả) từ lúc nhỏ đến khi về già bằng một giọng hóm hỉnh, có lúc bông đùa có lúc cay chua. Cô Tí có đầu óc quan sát ngay từ khi mới lên 5. Nhờ sự quan sát ấy mà cô biết nhiều chuyện xảy ra trong gia đình của mình bắt đầu từ bà ngoại, chính là Bà Đỡ, đến bố mẹ, các bác và các anh chị em họ. Câu chuyện đó lại phản ánh cuộc sống con người trong một giai đoạn lịch sử trên 70 năm, từ trước 1950-2022. Bà Đỡ là câu chuyện của ký ức và cũng là tự truyện của tác giả. Câu chuyện bắt đầu từ Bà Đỡ, bà ngoại của tác giả, nhân vật chính của chuyện, người phụ nữ có sức hút bí ẩn đối với tác giả. Nơi Bà Đỡ cùng với đàn cháu mà bà nuôi dưỡng chăm sóc sinh sống là ở một tỉnh nhỏ, bây giờ nhiều phương tiện giao thông tiên tiến người ta thấy không xa mấy với Hà Nội, nơi mà tác giả sống sau này, nhưng trước kia thì khác, phải đi cả ngày mới tới: “… Làng tôi ngày ấy có một cái gò lớn trồng toàn lộc vừng. Gò lộc nằm cạnh chùa làng, ba bề còn lại là cánh đồng lúa mênh mông. Khi tôi bốn, năm tuổi, những cây lộc vừng đã lên chức cụ với thân gốc xù xì phải ba bốn đứa trẻ ôm mới xuể. Đó là nơi nghỉ ngơi, ăn trưa tránh nắng của những người trong thôn đi làm ruộng sớm. Vào vụ, lộc vừng nở hoa đỏ ối một vùng. Sáng sớm, bắt gặp những tia nắng rực rỡ tinh khôi của mặt trời vừa thức, gò lộc chẳng khác nào một bó đuốc khổng lồ. Lộc vừng nở hoa suốt đêm, tới lúc trời hửng là tàn. Đời hoa ngắn ngủi vô cùng. Có lẽ vì thế mà nó háo hức trổ bông cho dẫu ban đêm không ai nhìn thấy. Để ban ngày trưng ra một tấm thảm đỏ khổng lồ rực rỡ dưới chân…” . Bà Đỡ với việc đỡ đẻ cho các sản phụ trong vùng để có tiền nuôi một đàn cháu vì bố mẹ của chúng người thì tất bật mưu sinh, người thì chiến trường… ở xa. Cuộc sống của Bà Đỡ với đàn cháu trong giai đoạn khó khăn nhất được miêu tả rất sống động, đọc mà cười ra nước mắt. Sau Bà Đỡ, nhân vật thứ 2 của chuyện là người mẹ, tác giả viết: “Không đa đoan như chị mình, nhưng mẹ tôi cũng có tới hai đời chồng. Không biết có phải vì mẹ tuổi Ngọ không. Mẹ là người đầu tiên trong dòng họ lấy chồng vì yêu. Và lấy lúc mới mười bẩy, mười tám. Thuở ấy, tuổi ấy, lấy chồng thế là muộn… Mẹ tôi kể đã đồng ý ngay khi bố tôi ngỏ lời, mặc dù ông lớn hơn mẹ gần gấp đôi tuổi, lại góa vợ và có một con gái riêng, lại không mấy đẹp trai và mặc cho bà ngoại nhất quyết không đồng ý, linh cảm điều gì đó chẳng lành…”. Cứ thế, chân dung các nhân vật xoay quanh cuộc đời của Tí lần lượt được phác họa. Những nhân vật ấy, mỗi người mỗi vẻ làm nên bức tranh toàn cảnh của đại gia đình Tí. Và ở đó, lòng tốt, đức nhân ái khiến người đọc cảm động. Bà ngoại (đời 1- Bà Đỡ) nuôi một đàn cháu. Bà ngoại (đời 2, là con gái Bà Đỡ) sau này cũng lại nuôi cháu. Bà ngoại đời 2 còn nuôi cả đứa bé không phải con của mình, một đứa bé người ta nhặt được ở ngoài ruộng đưa về bệnh viện, mới 1 ngày tuổi… Và cuối cùng, nhân vật cái Tí, đứa bé đen đủi xấu xí, được chiều chuộng, hay làm nũng các anh chị họ, sống nhiều thời gian với bà Ngoại ở tỉnh nhỏ, xa vòng tay thương yêu chăm bẵm của bố mẹ đẻ đã lớn lên, đi du học rồi trở về. Cái Tí đó chính là tác giả cuốn sách - Đào Tuấn Ảnh, một người đàn bà rất đẹp, có danh vị trong đời, có tri thức và nhận thức được giá trị của đạo đức. Vì thế, Bà Đỡ là một cuốn sách thú vị cho cả thanh thiếu niên và cho cả những người ở tuổi làm ông bà.

Nguồn Văn nghệ số 44/2022


Có thể bạn quan tâm