April 27, 2024, 12:30 am

Một giải huyền thoại phố phường

Hà Nội của Đông Di, trong tản văn Những đứa con của cây cầu Long Biên, không phải một quê hương thơm ngát như trong văn Thạch Lam; một quê hương chứa đựng trầm tích văn hóa như của Vũ Bằng, lặng sâu như Tô Hoài, thấm đẫm như Đỗ Phấn; không mang tính chất khảo cứu như Nguyễn Trương Quý… Đông Di đem đến một cái nhìn mang dấu ấn thế hệ rất rõ, có lẽ bắt gặp/ sẻ chia phần nào với sự giễu nhại nơi vỉa hè của Nguyễn Việt Hà trong cái nhìn về Hà Nội. Không mang cảm hứng chủ đạo là những vẻ đẹp sắp rời xa mà tập tản văn đặt điểm nhìn chính từ những gì đang từng ngày từng giờ vận động - những nét vẽ Hà Nội gần gụi, thiêng liêng. 

Cuộc đối thoại “Đông” - “Tây”

Ở mặt hình thức biểu đạt, có hai dấu hiệu thú vị. Thứ nhất, việc gọi tên nhân vật. Đông Di đơn thuần là một cái tên hay một ám chỉ sự dịch chuyển từ/sang phương Đông, trong tương quan với cách đặt biệt danh cho Pierre G - anh chàng người Pháp, là Tây Độc? Có lẽ ai từng lê la vỉa hè Hà Nội đọc Kim Dung những thập niên trước hẳn nhớ đến nhân vật này để thấy thấp thoáng nụ cười hài hước của người kể, khi đối thoại không chỉ với một tên “thực dân gian ác”. Thứ hai, nhân vật Tây Độc đi xuyên suốt cuốn sách với hai nhiệm vụ: trò chuyện và phản biện kiểu “hỏi xoáy đáp xoay” với những câu chuyện mà Đông Di kể. Ở mỗi tình tiết, mỗi sự việc, cách đối thoại của Tây Độc đóng vai trò tạo nên lối dẫn chuyện đặc biệt, như một mỏ neo bám vào, vì thế sự kết nối từng tản văn trở nên chặt hơn trong một tổng thể. Ở tầng sâu, 30 tản văn là một tản mạn đúng nghĩa về quê nhà trong kí ức, tản mạn đó nhưng vẫn bám chặt vào một cái lõi, đó là mối tình dành cho Kẻ Chợ và sự lựa chọn trở về. 

Lời đầu sách tác giả “xin gửi lời tri ân tới tất cả những người đã hiện diện trong cuốn sách này - Những con chim họa mi trong cuộc đời của tôi”, và ở những trang viết sau đó, sự suy tư, trăn trở ấy được phát biểu khi thì trực tiếp khi thì ngầm ẩn. Mang theo một tình yêu Hà Nội của một thời xưa cũ, tác giả trải nghiệm ở những khoảng thời gian, không gian rộng mở hơn, nhưng “khoảng không gian dưới chân cầu Long Biên là thiên đường của chúng tôi” thì không gì thay thế.

Cầu Long Biên là cây cầu nối hai bờ nam bắc sông Hồng, nội thành ngoại thành, và cũng đồng thời như một sự khơi dẫn cho những xúc cảm nối giữa quá khứ với hiện tại, Đông với Tây, cũng là điểm tựa để Đông Di đưa Tây Độc đến tìm về những mảnh vụn thị dân Hà Nội của những ngày sau Đổi mới. Những tản văn trong Những đứa con của cây cầu Long Biên cứ thế châu tuần, quấn quýt lấy cái trung tâm/điểm tựa kia, khi được kéo lùi về cả trăm năm, khi lại hiển hiện rõ ràng ngay trước mắt.

Tập tản văn này xây dựng hai thế giới, cũng giống như việc Tây Độc “đối thoại” với Đông Di, những không gian/ nền văn hóa khác thấp thoáng hiện lên như một sự “đối thoại” với Hà Nội. Ở những đối thoại đó cho thấy Đông Di yêu Hà Nội bằng cảm xúc của một người con lớn lên trên những vỉa hè đường Trần Nhật Duật, ồn ào náo nhiệt, đầy những quán nước mời chào dân tứ xứ. Cô gái ấy vì tình yêu với Hà Nội thời xa vắng mà miết mải đi học một thứ tiếng của vùng đất rất xa…

về một Hà Nội không lung linh

Từ những tản văn mang dáng dấp của các mẩu chuyện được viết trên blog, phù hợp với việc đăng tải trên mạng, cảm hứng chủ đạo ở tập tản văn này hướng đến giống như những mảnh ghép nhỏ tạo nên một hình dung chung nhất về một quê nhà không lung linh tuyệt đối. Điều này khác với phần nhiều những hình dung về quê nhà khi nhìn từ hồi ức. Những đứa con của cây cầu Long Biên mang dáng dấp của một tự thuật như được ghép từ biết bao mảnh vụn trong suốt hành trình sống, trải nghiệm ở nhiều vùng không gian, từ quê nhà thân thương đến những thành phố xa xôi.

Hà Nội trong ký ức của Đông Di là Bến Nứa đầy ma mị như trong truyền thuyết, là hình ảnh lung linh của những nữ sinh trường Trưng Vương thanh lịch. Nếu như Vũ Bằng, Băng Sơn thấm đẫm tinh thần lãng mạn, thì thế hệ như Đông Di lại mang đến một Hà Nội rất đời, có phần “thiết thực”: món bánh gối của ông già người Tàu, các món chè theo mùa, những ngày cuối tháng Chạp nhộn nhịp chờ đón Tết, quán Lâm bán café… Đông Di trong Những đứa con của cây cầu Long Biên không chỉ dí dỏm trong thể hiện những góc nhìn về phong tục, tập quán Hà Nội mà còn trực diện và thẳng thắn khi bộc lộ ý kiến về các vấn đề xã hội.

Những đứa con của cây cầu Long Biên không thuộc về kiểu tản văn triết luận, những mệnh đề giản dị về văn hóa Hà Nội và người Việt không đặt thành một chủ đề bàn luận kĩ lưỡng, mà chủ yếu hé mở trong những mẩu chuyện vụn vặt, thậm chí nhẩn nha, rời rạc: Mỹ Lai, Học thuyết về đẳng cấp, Giáo dục sao đây… Tác giả thể hiện tiếng nói cá nhân trước những vấn đề của đời sống xã hội, nhất là khi nhiều vấn đề của đời sống được luận bàn một cách không né tránh, thể hiện quan điểm cá nhân rất rõ. Việc trực diện, quyết liệt và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế theo quan sát khi đã va chạm với các nền văn hóa, Đông Di thể hiện góc nhìn hiện đại. Nếu như trong Du học, tác giả cho rằng các bậc cha mẹ hưng phấn với kế hoạch du học, tràn đầy niềm tin là con cái mình sẽ chỉ học được những điều tốt đẹp ở xã hội phương Tây, mà không nghĩ tới với việc con cái họ sẽ phải đối diện với những cái khác lạ, chúng sẽ học được cả những điều khó chấp nhận, mâu thuẫn với nền giáo dục và suy nghĩ truyền thống; thì Giáo dục sao đây như nhấn mạnh thêm những bất cập: “Gia đình, nhà trường và xã hội luôn vang khẩu hiệu kêu gọi con em của mình phát huy tinh thần tự giác, tự chủ trong học tập và lao động. Tuy nhiên, cá nhân không thể được coi là người độc lập tự chủ, khi thực chất không có quyền tự quyết”.

nơi vỉa hè…

Ngôn từ của đời sống hàng ngày, ngôn từ của vỉa hè Hà Nội, kết hợp với chất suồng sã của những đối thoại, tất cả tạo nên một âm hưởng gần gũi độc đáo cho Những đứa con của cây cầu Long Biên. Tác giả không chú trọng biện pháp tu từ, không trau chuốt văn phong, thậm chí có nhiều tản văn khá “loãng” trong cả việc cung cấp thông tin lẫn dụng công truyền tải thông điệp, nhưng tạo ấn tượng từ giọng văn dí dỏm, duyên dáng. Chính bằng lối kể chuyện và bình luận rất riêng đó, tác giả cho thấy khả năng hài hước những sự kiện, nhưng thực tế chẳng vui chút nào: “Mỗi khi gia tộc tổ chức gặp mặt nhân dịp lễ, Tết, thì toàn bộ phụ nữ trong gia đình, bất kể tuổi tác, địa vị trong xã hội, hay bằng cấp từ các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước, chúng tôi đều bị tổng động viên tham gia phục vụ tiếp sức cho những bữa nhậu từ buổi sáng có khi kéo dài tới đêm khuya của những nam tử Việt thuộc biên chế trong dòng họ, cùng với những nam nhân ưu tú của xã hội” (Trận chiến bình đẳng giới)... Lối kết thúc của nhiều tản văn thường là một sự bất đồng trong đối thoại, hoặc một xúc cảm được bộc lộ trực tiếp, hồn nhiên. Nhiều tản văn kể những câu chuyện chêm xen để tạo điểm nhấn, mang lại khi thì sự thú vị đến bật cười, khi lại lắng đọng bởi những “xung đột” mà không dễ gì hòa giải, bởi đó là xung đột của quan niệm văn hóa, của tập tục, thói quen. Tuy thế, cuốn sách không chỉ có một chất giọng dí dỏm, tinh nghịch và bộc trực, có những lúc, âm hưởng như lắng xuống: thái độ ngậm ngùi nghĩ về quê hương gợi cho độc giả những đồng cảm: “cha tôi thường dạy tôi “con không chê cha mẹ khó”. Tôi muốn quay về vì tôi có cảm giác là nơi chốn đó cần tôi. Tôi không biết tôi có thể làm được gì cho mảnh đất đó, cho những người thân trong gia đình, nhưng tôi rất muốn được ở gần bên họ và sống trên mảnh đất của tổ tiên” (Trong chăn có con gì). Trong mạch cảm xúc thuộc về “cung trầm”, Lựa chọn mang đến nhiều suy tư. Khi người viết trở lại Toronto sau nhiều năm, về ngồi lại trên chiếc ghế dài trong khu vực trước cửa tòa thị chính thành phố khi còn là du học sinh, lặng ngắm nhìn cảnh vật vẫn rất đỗi thân quen, dường như không mấy thay đổi, chỉ có bản thân hình như đã có nhiều đổi thay, cuộc trò chuyện với người bạn đồng hương Mỹ Kinh sau nhiều năm xa cách. Dường như thông điệp về sự lựa chọn cũng giống như một tuyên ngôn sống: “Cho tới lúc này em vẫn cảm thấy hài lòng với sự lựa chọn của mình. Không hối tiếc” - đó là lựa chọn trở về Hà Nội.

*

Mỗi tản văn trong Những đứa con của cây cầu Long Biên như những viên gạch lát vỉa hè Hà Nội. Nó rất đời, đôi khi không bằng phẳng, nhưng chiêm ngưỡng và quan sát sẽ thấy rất nhiều lí thú. Và những câu chuyện ấy có thể miên man được mãi, mở rộng không gian và sự liên tưởng vô tận như những bước đi trên vỉa hè Hà Nội để thành một hình dung vẹn tròn, đủ đầy, nhiều chiều kích về chốn kinh kỳ: “Tôi không muốn quay về thế kỷ trước, tôi muốn đi tới tương lai hoặc ít nhất là được suy nghĩ và tưởng tượng về tương lai của Hà Nội, của những người con Hà Nội, của người Việt nói chung. Một trăm năm nữa thì Hà Nội sẽ phát triển như thế nào? Một trăm năm nữa thì Việt Nam sẽ ra sao? Người Việt sẽ có vị trí ở đâu trong dòng chảy của nhân loại? (Thay lời kết). Âm hưởng chung của tập tản văn chính là sự đối thoại Đông - Tây về một Hà Nội không hẳn lung linh nhưng mang đến nhiều yêu thương hi vọng và cả những suy tư trong cái nhìn của đứa con bên cây cầu Long Biên thuộc thế hệ công nghệ 4.0.

Nguồn Văn nghệ số 15/2022


Có thể bạn quan tâm