April 27, 2024, 10:26 am

Một đời đâu đủ sức/ Hiểu hết một bông hoa...

Nhà thơ Trần Trương tên thật là Trần Thọ Trương, sinh ngày 24/9/1941 tại Thanh Miện - Hải Dương. Trú quán: Số nhà 24 cụm 3 phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ông từng có nhiều năm làm phóng viến báo Lương Thực, trước khi chuyển sang làm Phó tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Toàn cảnh - Bộ VHTT-DL; nguyên Trưởng phòng Văn học và Đời sống, Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Trần Trương từng xuất bản nhiều tác phẩm, trong đó có tập thơ Nhặt lại tháng ngày rơi được trao giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Nhà thơ Trần Trương tự họa: “Bởi quá đam mê những điều phù phiếm/ Nên tôi thường pha loãng tôi ra/ Khi chợt tỉnh, quanh mình toàn bụi bám/ Trước gương soi, cái bóng cũng nhạt nhòa”. Thế nhưng, ông luôn thao thức với những lẽ đời “búa nghị án gõ lên bàn nghị án/ mà vẫn nguyên bóng tối dưới chân đèn” hoặc “cái nắng hôm qua không hong khô được cái áo hôm nay”.

Bước qua tuổi 70, Trần Trương vẫn rất năng nổ với các hoạt động văn chương… Vậy mà, căn bệnh hiểm nghèo lại ập đến với ông… Đến 13 giờ ngày 29-9-2021, sau mười chín tháng mắc bệnh hiểm nghèo, mặc dù đã được các bác sĩ và gia đình chăm sóc cứu chữa tận tinh, nhưng vì tuổi cao bệnh trọng ông đã giã biệt thế gian để không bao giờ còn cơ hội “nhặt lại tháng ngày rơi” nữa. Ông lặng lẽ ra đi, gửi lại tâm tư xa vắng: “Không là gì hết cả/ Đời là sự thoáng qua/ Một đời đâu đủ sức/ Hiểu hết một bông hoa”.

Lễ viếng nhà thơ Trần Trương từ 7 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút ngày 14 tháng 10 năm 2021 tức ngày 9 tháng 9 năm Tân Sửu tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu vào 8 giờ 45 phút cùng ngày. An táng tại Công viên nghĩa trang Thiên Đức, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

Hội Nhà văn Việt Nam, báo Văn nghệ xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia quyến, bạn bè cùng độc giả yêu mến nhà thơ Trần Trương và xin giới thiệu lại bài viết của nhà văn Văn Chinh vê tập thơ được giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam của ông. Xin cầu chúc ông thanh thản nơi cõi vĩnh hằng

Nhà thơ Trần Trương (1941-2021)

NỀN TẢNG THƠ TRẦN TRƯƠNG

Đọc Nhặt lại tháng ngày rơi, Nxb Hội Nhà văn, H.2018

Văn Chinh

Tập thơ Nhặt lại tháng ngày rơi của Trần Trương hình thành từ tối 14 tháng 6 mới đây. Tôi nhớ chính xác vì đó là ngày khai mạc World cup Russia 2018, ngày mà Tuyển Nga đè bẹp Saudi Arabia đến 5 – 0, chả biết thắng làm gì đến những 5 – 0 ngay ở trận đầu ra quân? Trần Trương bận bịu với nồi cháo gà, ông này tỉ mẩn, cháo gà là cứ phải hành khô ớt khô gà non ninh nhừ. Trong khi chờ nhừ, Đặng Huy Giang bâng quơ đọc:

Núi buồn từ thuở em đi…

Tôi chợt nghĩ: Cái ông Trần Trương này, xuất thân từ cán bộ văn hóa quần chúng, làm thơ phong trào, ca ngợi những tốt đẹp rồi ngâm vịnh nơi thăm thú, bỗng gần đây thơ hay lên, bắt đầu từ bài So sánh: Người nhạt rồi muối không chữa được đâu. Lại nhớ, mấy năm qua ông này không in gì, tôi nói: Năm nay Trần Trương phải in một tập. Mọi người sẽ gánh việc cho ông, ông thì ngồi nhà lục máy tính, sổ tay, làm mới… Làm sao đấy thì làm, 15 tháng 7 ông nộp bản thảo. Đặng Huy Giang biểu đồng tình, Trần Trương hào hứng nói có ngay có ngay, sẽ in, thừa in. Nói thế nhưng ông vẫn lẩn mẩn với bát cháo gà ngon đúng kiểu Hà Nội, khi mọi người ăn thì ông cưởi hể hả, ngon không, ngon không, cháo gà là phải thế này, mồm nói mắt nói sung sướng thấy rõ. Một Trần Trương chỉ thật Trần Trương khi ông sắm sửa (mua được) món ăn ngon cho mọi người rồi trong khi bạn bè khoái khẩu thì ông nở nụ cười hạnh phúc như trẻ thơ.

Nhưng cái tính nết thiếu căn cơ làm ông mệt mỏi. Thơ ông để ở máy nọ rồi máy kia, máy thì hỏng, máy không hỏng thì cái tên file của bài thơ không nhớ nó là thế nào, nghĩa là tản mác và nghĩa là chỉ có một nhúm bài mới viết gần đây. Để chữa cháy, ông làm mới. Không sáng nào không đọc một bài, loại ổi ương chuối rấm ép. Chúng tôi cứ dồn ông đến chân tường. Và rồi buộc ông phải lục lọi trí nhớ, phải tìm lại. Có lẽ hành trình ấy đã “đặt hộ” ông tên tập: Nhặt lại tháng ngày rơi, một tên tập hay không thể cứ định đặt mà được. Lại sinh hẳn một bài, Bài thơ thất lạc:

Bài thơ thất lạc của tôi

Người yêu tôi giữ mất rồi còn đâu

*

Nhưng cái dễ tính dễ nết làm khó ông, nó cũng giúp ông “sa thải” bớt những làng nhàng không đáng nhớ. Ông làm thơ, in thơ ở một tờ báo nào đó rồi quên đi, báo chí lâu ngày chất đống thì bán giấy vụn. Chính nó khiến cho không có thơ “héo” trong tập này, bài Bóng rừng hẳn đã làm từ mấy mươi năm trước, khi ông còn làm cán bộ lâm nghiệp, nay vẫn tươi; nó là ân tình giữa cây với người. Cây nuôi người, người nuôi cây, khăng khít như tình người:

Sông Mã lồng lên như ngựa

Vít sào đẩy núi lại sau lưng

Bè đi trĩu nặng tình sơn cước

Đã thấy mầm xanh ủ bóng rừng

Bài Lá nói lời cây lại còn ghi chính xác năm viết là 1969, có cái tứ về gốc rễ – cái bên dưới, cái phận người trồng cây thật không thể cũ hơn mà hôm nay đọc lại vẫn mới:

Rễ nuôi cây lớn thành rừng

Rừng xòe lá xếp xanh cùng tiếng chim

Suốt đời cây đứng lặng im

Mà nghe lá vẫy gió miền xa xôi

Bao nhiêu lá bấy nhiêu lời

Còn cây nín nhịn chịu đời bão giông

Thực ra, cái chất tài tử là nền tảng của tính nết hồn nhiên Trần Trương. Có lẽ chả mấy ai dám vứt đi cái gọi là đứa con tinh thần, dám ví thơ mình với đồng nát như ông:

Biết đâu rồi cũng có một ngày

Thơ anh chỉ còn là giấy vụn

Để mấy em đồng nát thu gom

Và hẳn Bóng rừng là bài tác giả nhớ được, nó ở lại chứ không bị cuộn theo gánh đồng nát là có cái lý của nó. Cái lý khiến 68 bài thơ trong tập, trừ vài mươi bài mới viết, còn ra đều là thơ đọc được. Xin cứ đọc hú họa bài Một mùa thu khác. Bài thơ viết về cảnh nhộn nhạo thị trường, nó “hô” biến mọi nếp xưa; nhưng với những ai có nền tảng văn hóa vững vàng, thì đó chỉ là thứ sênh phách phô và nhất thời:

Và tôi chìm vào

Một không gian lạ

Tiếng chim đâu đây hót

Nghe nhẹ lòng

Thì ra trong tôi vẫn còn

Một mùa thu khác

Thứ sênh phách phô và nhất thời không thể át nổi âm thanh trong ngần bé nhỏ, đó là tiếng chim hót chỉ thoảng như một làn gió. Nhưng là gió vỗ vào tâm cảm thi sĩ. Đó cũng là cái bất biến của Trần Trương, nó khiến ông cứ hồn nhiên suốt thời bao cấp khốn khó, hồn nhiên thời nhộn nhạo thị trường và hồn nhiên giữa thời suy thoái văn hóa đạo đức hôm nay.

Xin đọc bài nữa, chúng ta sẽ rõ hơn cái “tĩnh” – bất biến Trần Trương, bài Cà phê Sài Gòn:

Sài Gòn phố chạy không biết dừng

loãng

lách cách viên đá đang tan

nhạt

cái thìa ngoáy dọc ngang câu chuyện

Những bài Bản Mông, Cô giáo trường làng, Làng nổi Biển Hồ, Khúc nhạc Đồng quê, Bãi giữa sông Hồng, Chợ người, Xóm ven sông… là thuộc nhóm bài “nhớ lại – chép ra” khi làm tập này. Nó không có những câu thật hay để trích dẫn, nhưng xin cứ đọc, ta sẽ thấy một Trần Trương hồn hậu với những thân phận hoặc bọt bèo hoặc kiên trinh đẹp, kiên trinh tử tế giữa chao đảo bất yên. Tôi nhận ra: Sống cạnh Trần Trương, ta không thể buồn; đọc thơ Trần Trương lòng ta dịu lại như được vỗ về an ủi. Rồi nghĩ thêm: Chúng ta, làng văn của chúng ta mới biết đến Trần Trương nhiều hơn là biết thơ ông, chúng ta còn nợ ông lời xin lỗi vì đã không xếp thơ Trần Trương vào một đẳng cấp mà nó thuộc về.

*

Ở trên, tôi đã nói thơ Trần Trương hay lên. Tôi chiêm nghiệm rằng, thơ hay là thơ có câu mà tự nhiên ta thuộc, rồi chả cần nguyên cớ gì, cứ thi thoảng ta buột miệng đọc nó lên, đọc thành tiếng; nó neo ta vào riêng tâm trạng của nó, nó là chỗ bấu víu giúp “chân trụ” của ta vững lại do chao đảo hay bức xúc mỏi mệt – gần đây, Trần Trương có nhiều câu như thế, câu Đặng Huy Giang đã đọc tối 14 tháng 6 năm 2018 là một trong số đó. Câu thơ đầy đủ phải là:

Núi buồn từ thưở em đi

Chông chênh thành Mạc xanh rì bóng câu

Thành nhà Mạc, xanh rì, bóng câu là những cái thuộc về quá khứ, về thời gian; không cái gì khả dĩ tác động được đến nó, như quả núi kia, sừng sững và vô cảm. Vậy rồi em bỏ Tuyên mà đi, khiến núi phải buồn, cái thành nhà Mạc trơ gan cùng tuế nguyệt suốt mấy trăm năm chợt “chông chênh” đi thì hóa ra ở đâu đó có một cuộc tổng khủng hoảng. Nó không còn man mát hờn giận của người xưa: “Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Đặt hai câu thơ cạnh nhau, chúng cùng mang bóng dáng thời đại khi được viết ra; câu của Trần Trương có chữ còn già tuổi hơn thời Nguyễn Bính, là chữ “bóng câu”, nhưng vị tất câu sau đã thua câu trước. Câu sau còn có thêm ý vị về thời thế, một thời đoạn khốc liệt, khiến “từ thuở em đi” đầy bất trắc hiểm họa.

Gần đây Trần Trương hay viết tứ tuyệt, trong số ấy, Giao mùa trọn vẹn hơn cả, cả bốn câu đều có chỗ đắc địa:

Sen nở hết mình tuổi mãn khai

Nắng vội vơi dần, nắng chợt phai

Em cầm sen trắng như mây ấy

Thu chở heo may hết ngõ gầy

Bài Cỏ cũng là một bài hay, khơi gợi mà kín đáo:

Ở đầu ngọn cỏ có sương

Ở chân ngọn cỏ còn vương chút chiều

Mong manh thân cỏ mỏng teo

Bao nhiêu dẫm đạp bấy nhiêu mượt mà

Tôi cũng từng viết về cỏ, từ cái ngày khái niệm biểu tình là thuộc về thời thực dân Pháp: “Dù là cỏ cũng có thời không chịu mọc”, tưởng đã ghê. Nhưng trong bài Cỏ trên đây, mọi sự cứ nhẹ nhõm như không mà lại đầy kiêu hãnh, có cả kiêu ngạo nữa trong sự nhẹ nhõm ấy; vì nó nói rằng cỏ cứ mượt mà, mượt mà nữa, mượt mà mãi mặc cho bị dẫm đạp, dẫm đạp cả đời. Hay!

Chạy giật lùi cũng nhẹ nhõm mà đầy thế sự:

Sáng sáng, các cụ ra công viên tập chạy giật lùi

Chuyện rất thật, có lần tôi thấy

Chắc thời trẻ chạy tới mà không tới

Giờ về già đổi cách: Chạy lui

Thế sự ở bài Đi họp rõ hơn, đáo để hơn, nhưng vẫn ở ngưỡng chịu được. Hơn 70 năm trước, Maiacovski phát hiện một căn bệnh thời đại “Những người loạn họp”, vậy rồi, qua thời gian, căn bệnh đã trở nên trầm kha, biến chứng:

Tôi ngồi ở giữa đám đông

Nhìn đi nhìn lại ngỡ không có người

Trót tin… cầm cái giấy mời

Gặp nhau toàn nói những lời rỗng không

Tôi ngồi ở giữa đám đông

Thơ Trần Trương ít tu từ, những chỗ tu từ non thì bị dở ngay. Chỉ khi ông mang cả cuộc đời đã khá dài của mình chưng cất kỹ lưỡng, rồi buông ra như một bông đùa thì câu thơ vừa đẹp hồn nhiên vừa hàm chứa không hết:

Giờ đây em đã có chồng

Anh đi về phía người không hẹn người (Em đã có chồng)

Đây nữa, một câu hay khác, rồi nó sẽ từ sách vở bước ra can dự vào đời sống ngôn ngữ:

Cái nắng hôm qua không hong khô nổi cái áo hôm nay

Sắc cầu vồng đẹp cũng chỉ là ảo ảnh (Lý giải)

Xin đừng nhầm với hiện sinh Jean Paul Sarte. Bài thơ sinh thành vào thời kỳ mà những vinh quang quá khứ, tốt đẹp đã qua vẫn được mang ra để khỏa lấp các thiếu hụt nhếch nhác của con người hiện tại. Nó xót xa, nhắc nhở; nó là một sự than phiền, là tiếng thở dài của hôm nay.

Tôi đã hơn một lần nói Trần Trương hồn nhiên hồn hậu. Chất tài tử hiện đại này khiến ông trẻ hơn tuổi thực đến vài mươi năm, thật không quá khi có người nói ông là đứa trẻ nhiều tuổi. Nhưng, như Maia từng nói, “Thơ có khi cũng phải lớn tiếng đập bàn”. Chỉ có điều, tiếng đập bàn ở Trần Trương lễ phép hơn, có thể ví nó với khi “hòn đất mà biết nói năng”. Bài Hỏi xứ Đoài, chính là khi “đất” mở miệng:

Tôi mất xứ Đoài mất cả mây

Mất người con gái mắt Sơn Tây

Cả làng chân đất lên Hà Nội

Mà tương mẹ ngả vẫn còn đây

(…) Cứ tưởng dân mình mơ đất Thánh

Hóa ra bánh tẻ vẫn thơm lừng

Các ngài La Hán trong chùa Mía

Có đâu khác vẻ vẫn còng lưng

Dồn sức ta đi lên hiện đại

Nhưng mà hiện đại có gì vui

Bác Tản Đà ơi, thôi, tỉnh lại

Mà xem non nước lở hay bồi

Trong một bài thơ hay thì trong câu có câu, ngoài vị có vị; chỉnh thể nghệ thuật có đặc tính đa tầng đa nghĩa. Tôi xin nói về tầng nghĩa tàng ẩn ở cơ tầng văn hóa xứ Đoài của bài thơ. Xin cùng tự hào với ông, người đã kết tinh “mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng vào với “mây trắng” (xứ Đoài mây trắng), với bác Tản Đà như những đặc sản văn hóa xứ này cùng với tương, bánh tẻ và với gầu va giếng nước đá ong. Đặt cái văn hóa đặc sắc bên cạnh ý chí sáp nhập bản sắc văn hóa này với bản sắc văn hóa kia là một dụng công và nó vẫn rất Trần Trương, luôn lấy cái bất biến – cái tĩnh để ứng xử với vạn biến dở hay của thời gian, của con người sự vật. Tôi không to tát hóa vấn đề mà bảo đó là tư tưởng nghệ thuật của Trần Trương – tính nết ông vốn ưa nhỏ nhẹ, nên chỉ xin nói đó là nền tảng nghệ thuật thơ ông, cũng là nền tảng để Trần Trương hồn nhiên bất chấp bóng câu qua cửa.

 

BAN TỔ CHỨC LỄ TANG NHÀ THƠ TRẦN TRƯƠNG

  1. Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Trưởng ban tổ chức tang lễ
  2. Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Phó Trưởng ban tang lễ
  3. Nhà văn NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Phó Trưởng ban tang lễ
  4. Nhà văn NGUYỄN THỊ THU HUỆ, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam - Ủy viên
  5. Bà DƯƠNG DƯƠNG HẢO, Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam - Ủy viên.
  6. Bà THÂN THỊ VÂN ANH, Phó Ban thường trực Ban Tổ chức Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam -  Ủy viên

Đại diện gia đình:

  1. Ông TRẦN THĂNG LONG, em trai nhà thơ Trần Trương
  2. Ông TRẦN HƯỚNG DƯƠNG, con trai nhà thơ Trần Trương

 


Có thể bạn quan tâm