April 26, 2024, 9:06 pm

Một “Địa chấn” rất Xuân Quang

Cả gần chục năm không viết báo, đã chuyển sang phụ trách truyền thông cho một tập đoàn kinh tế, thế nhưng tập phóng sự “Địa chấn” của nhà báo Xuân Quang vẫn gây sự chú ý lớn khi ra mắt. Đơn giản, bởi đó là tập phóng sự đáng đọc, với những sự nổi bật về việc tiếp cận, xử lý đề tài, khai thác thông tin, xây dựng nhân vật, kiếm tìm chi tiết, sử dụng ngôn ngữ… đậm chất nhân văn.

 

1.

Nhà báo Xuân Quang

Bữa rồi, nghe tin Xuân Quang ra sách, hẳn là “Địa chấn”, mà phóng sự thứ thiệt, tôi thoáng giật mình. Là bởi từ khi tôi rời Lao động cuối năm 2008, Xuân Quang cũng đã lui về làm lãnh đạo, “đút chân gầm bàn” chứ đâu có được tung tăng, bay nhảy, cuốc cày mà có đủ tác phẩm để ra sách. Với lại, anh cũng đã rẽ ngang nghề viết sang phụ trách truyền thông cho một tập đoàn kinh tế rồi. Thoáng giật mình nữa là bởi tôi đọc Xuân Quang khá kỹ trong hơn 12 năm làm việc cùng tòa soạn, dường như không thấy một cái tiêu đề phóng sự nào của anh có tên như vậy. Và quả có thế thật, “Địa chấn” chỉ là cái tên chung với hàm ý riêng có thể hiểu theo ít nhất hai nghĩa rằng, tập phóng sự của Xuân Quang có thể tạo địa chấn trong công chúng và tập sách sẽ gây địa chấn trong làng báo thời không còn nhiều phóng sự nhân văn, gai góc, thời sự, đáng đọc hiện nay.

Phải thưa ngay rằng, vì làm cùng cơ quan, thích phóng sự, tôi “theo dõi” Xuân Quang khá kỹ. Nên biết rằng, đa số những phóng sự trong tuyển tập tôi đã đọc từ thời còn ở Lao động, chỉ trừ số ít phóng sự đã in trước năm 1996 và sau năm 2008, trước và sau khi tôi công tác cùng Xuân Quang. Thời làm cùng, tôi may mắn được tổ chức in vài cuốn tuyển chọn phóng sự. Tất nhiên, Xuân Quang là một trong những cái tên đầu tiên, và có tập nhiều tác phẩm nhất. Đó là trong “Trò chuyện trên mạng” (Nhà xuất bản Thanh niên, 2002), với duy nhất mình anh có 6 tác phẩm là: Mai Châu chân đất, Đến miền đất hứa, Tom chát Phủ Giầy, Ngư Lộc góa bụa, Lạng sập, Làng thương binh. Hay trong “Và cuộc đời là như thế” (tập 75 phóng sự của phóng viên Báo Lao động, nhân kỷ niệm 75 năm ngày sinh Báo Lao động, năm 2004) là tác phẩm “Hồi gia” trong nước mắt. Và 1 năm sau, nhân kỷ niệm 76 năm thành lập Báo Lao động, tôi có tuyển chọn 76 phóng sự - ghi chép nhân vật, Xuân Quang hiện diện với Vượt lên số phận.

Hôm rồi có dịp trà dư tửu hậu, những câu chuyện nghề về một thời Lao động sôi nổi cùng sát cánh, tôi không giở “Địa chấn” mà đọc vanh vách ngót chục tiêu đề phóng sự đã từng đọc, từng biên tập của Xuân Quang, bởi chúng ấn tượng, dễ nhớ, giàu hình ảnh, rất văn chương mà cũng hết sức thời sự, đầy ám ảnh, ví như: Trôi cả Mường Lay, Ngư Lộc góa bụa, Đại tang ở Nậm Coóng, Rung chuyển Điện Biên, Khóc ở thiên đường, Mắc kẹt ở Đài Loan

Rồi Xuân Quang nhắc chuyện năm 2005, khi anh được tòa soạn cử sang Phuket, Thái Lan để viết thiên phóng sự về hậu quả tàn khốc của cơn sóng thần cuốn phăng đi hàng nghìn con người, hàng vạn ngôi nhà ở bãi biển nổi tiếng, vốn được mệnh danh là “thiên đường du lịch” này, khi ấy tôi làm việc ở Ban Thư ký tòa soạn đã “ngăn” anh không kéo dài thêm nhiều kỳ nữa. Anh bảo làm thế là đúng, làm biên tập phải như vậy, không để cảm xúc của tác giả cuốn đi, ảnh hưởng đến liều lượng thông tin chung của tờ báo, làm loãng, nhạt tác phẩm. Tôi thực sự không nhớ chi tiết này. Nhưng chắc chắn tôi nhớ trong những lần biên tập bài của Xuân Quang, dù là phóng sự thời sự, phóng sự nhân vật hay về vùng đất, chuyện thường ngày trên các lĩnh vực khác nhau; hầu như tôi không phải thao tác gì về mặt văn bản, có chăng chỉ là cắt cho vừa diện tích nửa trang 6 báo in khổ to mà thôi. Bởi từ tiêu đề đến bố cục, từ nhân vật đến chi tiết, từ cấu tứ đến văn phong đã hoàn chỉnh rồi. Mỗi nhân vật, mỗi phóng sự, mỗi đề tài đều lấp lánh những sự dụng công, sáng tạo, tinh tế, hợp lý trong tìm kiếm, đắp bồi, thao tác tổ chức tác phẩm của nhà báo. Và giờ đọc lại, dù những phóng sự thời sự cách đây cả hai chục năm, vẫn chộn rộn cảm xúc, vẫn thấm đẫm tình người, đậm chất văn chương.

Và đúng như nhà báo Trần Nhật Minh - Trưởng Ban Văn học Nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam - viết trong lời tựa cuốn “Địa chấn” rằng: “Cũng chả mong nó bung một tiếng vang lớn sau nhiều năm “ẩn dật”, giấu mình. Chỉ cần nó âm ỉ cháy nguồn năng lượng đã được đốt sáng từ lâu. Cũng phải, sau những thành công nhất định, ai cũng cần lọc rửa làm mới mình. Và cơn địa chấn đó, từ trong thôi thúc và nghiền ngẫm chính mình mới đáng để độc giả và đồng nghiệp trân trọng”. Rõ là như vậy, “Địa chấn” là một cuốn phóng sự đáng đọc, không chỉ mới sinh viên báo chí, nhà báo, mà cả với những người yêu thích văn chương.

2.

Vì sao “Địa chấn” đáng đọc với nhiều đối tượng khác nhau, dù cho “tuổi thọ” của tác phẩm báo chí nói chung, phóng sự nói riêng không thể bền lâu như tác phẩm văn học? Lý giải điều này, theo thiển nghĩ cá nhân, đó là sự dấn thân, sẵn sàng xông pha đến tận nơi những sự kiện diễn ra, nhất là các thảm họa thiên nhiên, như động đất, sóng thần, bão lũ của tác giả. Nhưng, đâu phải nhà báo nào ở tuyến đầu, ở “tâm chấn”, ở trong lòng sự kiện cũng có thể có sự quan sát tinh tế, thấu cảm, sẻ chia, lay động lòng người. Đâu phải nhà báo nào cũng tiếp cận, khai thác được những con người, chi tiết, câu chuyện độc đáo, lạ kỳ, lý thú, nổi bật - những “mấu chốt”, điểm nhấn đặc trưng của thể loại phóng sự. Và nữa, đâu phải ai cũng có thể dùng ngôn ngữ, văn phong để khiến bạn đọc mủi lòng, đồng cảm, sẵn sàng sẻ chia, hỗ trợ cùng những câu chuyện, nhân vật trong phóng sự...

Chỉ cần đọc những tiêu đề phóng sự, cũng dễ thấy Xuân Quang đau đáu với những thảm họa thiên nhiên, với những sẻ chia nghĩa tình đồng bào đậm chất nhân văn không chỉ trên quê hương, đất nước mình, mà cả ở những quốc gia, vùng lãnh thổ mà anh tác nghiệp khi tai họa ập đến. Đó là Trôi cả Mường Lay anh viết về cơn lũ tràn về đã gần như “xóa sổ” cả thị trấn Mường Lay (Lai Châu) hồi năm 1996; là Ngư Lộc góa bụa anh chứng kiến đợt thiên tai thế kỷ đổ bộ vào Ngư Lộc, Hậu Lộc (Thanh Hóa) hồi tháng 8-1996 cướp đi cơ nghiệp của hàng trăm người, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người khác; là Đại tang ở Nậm Coóng anh sẻ chia nỗi đau 39 sinh mạng của bản này ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đã vĩnh viễn trôi theo dòng lũ ngày 10-10-2000; là Rung chuyển Điện Biên với sự kiện đau lòng đêm 19-2-2000 khi động đất đã làm đổ nát cả thị xã và vùi chết hàng trăm người dân vô tội; là Khóc ở thiên đường, sau khi cơn sóng thần cuốn phăng đi hàng nghìn con người, hàng vạn ngôi nhà tại khu du lịch nổi tiếng Phuket (Thái Lan)…

Nhưng không chỉ những thảm họa mới “giúp” Xuân Quang có những phóng sự đình đám, anh cũng rất có nghề trong những phóng sự về các vùng đất, nhân vật, những nỗi đau, sự ám ảnh, các vấn đề xã hội đang bức xúc, cần tiếng nói lý giải thấu tình, đạt lý, từ chuyện thuê nhà, ngập lụt ở đất kinh kỳ, xuất khẩu lao động đến ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội… Điều khá đặc biệt là những tiêu đề của các bài phóng sự đã toát lên nội dung căn cốt, chính yếu của tác phẩm; ngắn gọn (thường là 4 từ) nhưng hết sức gợi mở, giàu hình ảnh, sự liên tưởng, so sánh chứ không khô khan, cứng nhắc. Có thể nhắc đến như: Sa Pa – Giữa đẹp và nghèo, Mai Châu chân đất, Dư vị xứ Mường, Sự lệch lạc của tạo hóa, Thời đại đồ hộp, Mần răng em lấy được chồng? Còn sống ở Trường Sơn, Sống chung với hạn, Bão cát, Làng sập, Cuốn theo Karaoke, Say cuồng với bar, Đi thi cùng con, Đi tù ở Đài Loan, Bơ vơ xứ người, Mắc kẹt ở Đài Loan…

Có một điều phải nhắc đến nữa, ấy là sự tài tình, tinh tế trong việc sử dụng ngôn ngữ của Xuân Quang. Rõ ràng, phóng sự là thể loại giao thoa giữa báo chí và văn học, nên phương pháp sáng tạo được đề cao, tất nhiên, phải là phương pháp sáng tạo đặc thù của báo chí. Trong các phóng sự, Xuân Quang đã phát huy tối đa nền tảng, chất cử nhân ngữ văn của mình trong sử dụng ngôn ngữ tả, thuật, bình một cách đầy đủ, đan xen, hòa quyện, mượt mà, hàm súc và biểu cảm. Đó là đủ đầy, lớp lang ngôn ngữ sự kiện, ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật trong một bố cục (có thể xem là cốt truyện) rõ ràng, xuyên suốt, logic, giàu tính văn học với việc xây dựng hình tượng, tuyến nhân vật cùng những hình ảnh đặc biệt.

Không nói quá rằng, chính khả năng văn chương đã tạo ra những cảm xúc để phóng sự của Xuân Quang trong “Địa chấn” dễ đọc, nhớ lâu, đậm sâu dấu ấn cá nhân tác giả. Và điều này đã được nhà báo Trần Đức Chính - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động, người nhiều năm phụ trách chuyên mục phóng sự của Lao động - đã nhận xét không quá rằng: “Đội ngũ các cây bút phóng sự trong làng báo chí kể ra cũng không ít, nhưng Xuân Quang xứng đáng xếp vào hàng “top ten”. Xuân Quang thuộc nhóm nhà báo “chân dài”, đôi lúc tung bờm như ngựa hoang, rồi lại suy tư, dằn vặt với sự đời còn lắm éo le. Tôi nhớ đã hơn một lần ngòi bút anh đam mê với đời, với số phận những con người đầy trắc trở. Ở mảng đề tài ấy, nhà báo Xuân Quang đang hành nghề như một văn sĩ”.

Phóng sự “Địa chấn” do Liên Việt và Nhà xuất bản Văn học liên kết xuất bản phát hành, tháng 5-2022. Mua sách tại: Inbox page hoặc bình luận tại bài viết https://www.facebook.com/lienvietbook. Hotline: 0396705075 - 024.39727219. Bạn đọc cũng có thể mua qua: https://www.tiki.vn hoặc các nhà sách trên toàn quốc.

Nguồn Văn nghệ số 24/2022


Có thể bạn quan tâm