April 27, 2024, 11:56 am

Một di tích cổ đã trên 200 năm tuổi

Tại thôn Liêu Xá, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên hiện có một ngôi nhà thờ cổ, thờ cụ Lê Hữu Mưu thân sinh ra Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Theo gia phả cổ lưu truyền từ thời Thủy tổ của dòng họ Lê Hữu gốc Liêu Xá có viết về tổ đời thứ 9 là cụ Lê Hữu Mưu, huý là Hưng, hiệu là Phác Trai, người thôn Văn Xá, xã Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay là Huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên thuộc đời thứ 9, sinh vào giờ thìn, ngày 16 tháng 10 năm Ất Sửu, niên hiệu Chính Hòa đời thứ 6 (1685) trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, mà đời cha là cụ Lê Hữu Danh đậu Hoàng Giáp Tiến Sỹ năm Tân Hợi (1671).

Bức đại tự TIẾN SĨ MÔN ngoài cổng khu nhà thờ

Với tư chất thông minh và có chí học hành từ nhỏ nên năm 15 tuổi Ngài tham dự thi Hương đã trúng Sảo Thông, năm Ất Dậu (1705) thi Hương đỗ Tam Trường, năm Mậu Tý (1708) trúng Tứ Trường đứng hàng thứ 3 và đến năm Canh Dần 1710 - niên hiệu Vĩnh Thịnh đời thứ 6 thi Hội trúng thứ 7 vào thi Đình đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân. Và ngay sau đó 2  năm (Nhâm Thìn -1712) đã được đảm nhận chức Tham Đồng đề lĩnh 4 thành; năm Giáp Ngọ (1714) thăng chức Cấp Sự Trung lễ khoa; năm Ất Mùi (1715) thăng quyền Tham chánh Xứ Thanh Hoa; năm Mậu Tuất(1718) làm Tham chánh Xứ An Quảng; tháng 6 năm Canh Tý (1720) thăng chức Tu Nghiệp Quốc Tử Giám; năm Giáp Thìn (1724) thăng chức Phủ Doãn Phụng Thiên, năm Đinh Mùi(1727) làm Tham Chánh Xứ Kinh Bắc; tháng 7 năm Canh Tuất (1730) thăng chức Thừa Chỉ Hàn Lâm Viện; năm Nhâm Tý (1732) thăng Thừa Chánh Xứ Sơn Tây, năm Quý Sửu (1733) được phong hàm Tam Phẩm; năm Đinh Tỵ (1737) thăng Hữu Dụ Đức; tháng giêng năm Mậu Ngọ (1738) thăng Hữu Thị Lang Bộ Công, tước phong Phu Đình Bá; tháng 9 vào toà Kinh Diên (dạy học cho Vua); tháng 12 giữ chức Bồi Tụng.

Giờ Sửu ngày mồng 9 tháng 5 năm Kỷ Mùi Niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 5 (1739) Ngài mất tại bản dinh ở cửa Chu Thước Kinh thành Thăng Long - Thọ 55 Tuổi. An táng tại quê nhà và đến ngày 5 tháng 6 được truy sắc phong Tả Thị Lang Bộ công và ban tên thụy là Nhu Nhã...

... Và mãi cho đến tháng 11 năm Đinh Mão (1807) nhà thờ, để thờ Ngài tại quê nhà mới được xây dựng xong. Một ngôi nhà thờ gắn cùng với nhiều sự kiện có ý nghĩa lịch sử của thời kỳ đó.

Lúc đầu Nhà thờ chỉ có 3 gian chính, đến năm Kỷ Mão (1879) đời vua Duy Tân mới xây thêm 3 gian nhà Tiền Tế và ở gian thờ chính, giữa là thờ cụ Lê Hữu Mưu (1685-1739) là bố của cụ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, gian bên hữu thờ Tổ đời thứ 10, Hữu Thị Lang, Tiến Sỹ Lê Trọng Tín (1722-1798) anh ruột của Hải Thượng Lãn Ông; gian bên tả thờ Tổ đời thứ 12 là Lê Hữu Dụ (1772-1827) Quan tham luận đạo Trung Quân Bắc Xứ Tước Dụ Nghĩa Hầu dưới triều vua Quang Trung, người xây dựng ngôi nhà thờ này, cháu ruột Hải Thượng Lãn Ông; đến mùa xuân năm Giáp Thân (2004) tượng Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) được đặt phối hưởng bên dưới tượng phụ thân.

Trong khu gian thờ này vẫn còn lưu giữ được nhiều kỷ vật cổ như: bia đá của Tiến sỹ Lê Hữu Mưu; 2 sắc phong nhà Vua ban năm Chính Hòa thứ 4 (1684), các câu đối hoành phi cổ, mà trong đó có một câu đối còn lưu lại nội dung do nhà Vua ban tặng  ghi TAM THẾ ĐĂNG KHOA THÙY VŨ TRỤ - ỨC NIÊN HƯƠNG HỎA ĐẲNG CÀN KHÔN (tức: Ba đời khoa bảng lừng non nước - Muôn năm hương khói ngút trời mây), 1 khám thờ... cùng các đồ tế lễ có giá trị khác.

Toàn bộ 2 gian nhà kể trên được thiết kế xây dựng trong khuôn viên rộng gần 1 sào đất với chiếc cổng ra vào, phía trên ghi hàng chữ TIẾN SỸ MÔN (Cổng tiến sĩ)1, hai bên câu đối có ghi VẠN CỔ HUÂN LAO TRIỀU QUẬN TRỌNG - THIÊN THU HƯƠNG HỎA MIẾU ĐƯỜNG LONG (tức: Công lao to lớn muôn đời được coi trọng trong triều ngoài quận - Hương khói ngàn thu vẫn rực rỡ ở chốn miếu đường); ngoài sân đối diện cửa chính gian tiền tế là bức bình phong xây theo lôi cuốn thư có câu đối với nội dung LÔ GIANG SÙNG ĐỊA CỤC - HÒE THỤ MÃN ĐÌNH ÂM...

Trải qua năm tháng cùng thời gian dài khu Nhà thờ này đã phải gánh chịu nhiều biến cố lịch sử về chiến tranh, về tác động của thiên nhiên khí hậu khắc nghiệt có ảnh hưởng tới, nên đã nhiều lần phải sửa chữa cải tạo nâng cấp nhằm duy trì sự tồn của nó: năm 1940 cải tạo nâng cấp gian Nhà tiền tế; năm 1950 giặc Pháp bắn đại bác vào Làng làm sạt đầu hồi phía bắc Nhà thờ, gây xô lệch cột kèo hư hỏng nghiêm trọng phải sửa chữa khôi phục lại; năm 1993 phải tiến hành sửa chữa lớn do hư hỏng nặng gian thờ chính; năm 1997 nâng cấp xây tường rào bao quanh để bảo vệ Nhà thờ; năm 2000 xây dựng nhà bia; đến năm Quý Mùi (2003) cũng lại phải tháo dỡ toàn bộ Nhà thờ để trùng tu nâng cấp... Còn rất nhiều việc phải làm, nhưng đó là những ghi nhận về công sức đóng góp xuất phát từ cái tâm đức của con cháu dòng họ Lê Hữu gốc Liêu Xá đối với tổ tiên của mình.

Đã tồn tại trên 200 năm, mặc dù chưa được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử, nhưng với triết lý sống nhân bản tâm linh, ý nghĩa “tìm về cội nguồn” truyền thống của dòng tộc Việt ta và với những nội dung nêu trên đây, thiết nghĩ cũng nên đáng đề cập tới việc để các cơ quan chính quyền các cấp, các tổ chức doanh nghiệp và các cá nhân có tấm lòng xem xét cùng góp phần đầu tư bằng nhiều hình thức cụ thể, nhằm bảo tồn giữ gìn được lâu dài hơn nữa những giá trị lịch sử mà ngôi Nhà thờ này đã mang theo trên mình.

Đây cũng là dịp để bạn đọc gần xa, các tổ chức đoàn thể trong ngoài nước được hiểu rõ thêm về thân thế sự nghiệp vị thân sinh ra Nhà văn hóa - Đại danh y của dân tộc Việt Nam là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.   

_______

1. Dòng họ Lê Hữu dưới thời phòng kiến có 7 người đỗ tiến sĩ. Người khai khoa và tấm gương ngời sáng cho con cháu dòng họ là Hoàng giáp Lê Hữu Danh. 3 trong số 10 người con trai ông là Lê Hữu Kiều, Lê Hữu Mưu, Lê Hữu Hỉ đều đỗ tiến sĩ… Theo gia phả dòng họ Lê Hữu, Nhà thờ Tiến sĩ hiện nay chính là nhà thờ cụ Lê Hữu Mưu, được dựng từ nửa cuối thế kỷ XVII. Trên cổng có bức đai tự “Tiến sĩ môn” (Cổng Tiến sĩ) là chữ của vua ban cho gia đình có 3 đời khoa bảng.

Nguồn Văn nghệ số 43/2022


Có thể bạn quan tâm