April 27, 2024, 3:54 am

Một cửa nhưng nhiều khoá

 

Ngày 29/10, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến nội dung Dự thảo Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (NTBD) trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Cùng với hội nghị lấy ý kiến nói trên, một hội thảo  có tính chất rộng hơn mang tên “Chuyên nghiệp hóa trong tổ chức các sự kiện nghệ thuật tại Việt Nam” cũng đã được tổ chức vào ngày 31/10. Ghi nhận từ hai sự kiện, ngoài sự đồng tình về đơn giản thủ tục hành chính trong việc cấp phép biểu diễn nghệ thuật, chấp nhận những xu hướng mới miễn không vi phạm thuần phong mỹ tục thì những tranh luận xung quanh nội dung đẩy mạnh phân cấp quản lý trong cấp phép biểu diễn nghệ thuật tại các địa phương được xem là nút thắt chưa thể tháo gỡ.

 

Dự thảo Nghị định sẽ giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh của các đơn vị nghệ thuật, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn; Các thủ tục hành chính tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia sáng tạo văn học, nghệ thuật phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa dân tộc, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng sẽ tạo lập cơ sở pháp lý hoàn thiện vai trò cơ chế phân cấp giữa các cơ quan trung ương và địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thuộc lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn

Theo kế hoạch, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nội dung Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động Nghệ thuật biểu diễn tại các tỉnh phía Nam trong tháng 11 tới.

Đơn giản hay làm khó đơn vị nghệ thuật

 

Theo NSND Nguyễn Quang Vinh - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, tinh thần Dự thảo quy định, việc cấp phép biểu diễn chương trình nghệ thuật sẽ được phân cấp mạnh hơn cho các địa phương. Cụ thể là chương trình biểu diễn ở đâu thì địa phương đó được quyền cấp phép. Và như vậy, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ không còn giữ vai trò chính trong việc cấp phép biểu diễn.

 

Dự thảo quy định, việc cấp phép biểu diễn chương trình nghệ thuật sẽ được phân cấp mạnh hơn cho các địa phương. Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

Ngay lập tức, nội dung này của Dự thảo đã vấp phải sự phản ứng của nhiều nghệ sĩ, khi phần lớn họ đều cho rằng điều này gây khó khăn cho các đơn vị tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật. Từ thực tiễn hoạt động biểu diễn, ông Nguyễn Văn Trực- Trưởng phòng Biểu diễn nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho rằng, nếu theo nghị định mới, một đơn vị khi biểu diễn cùng một nội dung nhưng tại nhiều tỉnh khác nhau thì việc xin giấy phép biểu diễn sẽ rất phức tạp, mất thời gian, bởi đi đến đâu họ cũng phải xin giấy phép của địa phương đó mới được biểu diễn. Trong khi đó, theo quy định cũ, khi có giấy phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn thì các đoàn nghệ thuật khi đến địa phương bất kỳ chỉ cần trình và xin địa phương biểu diễn, vừa  tránh được sự phức tạp, không mất thời gian, lại phù hợp với mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa.

Quan điểm của ông Nguyễn Văn Trực cũng nhận được sự đồng tình của không ít nghệ sĩ, những người hoạt động trong nghề, bởi chỉ họ mới có thể hiểu hết những hệ luỵ từ cơ chế xin- cho. Tuy nhiên, nếu đứng trên góc độ quản lý để nhìn trước, ngó sau thì quy định mới không phải là không có cơ sở để hoạt động biểu diễn đi vào đúng quỹ đạo, phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội.

Trước đây, theo quy định cũ, một đơn vị, tổ chức nghệ thuật chỉ cần xin một giấy phép biểu diễn từ Cục Nghệ thuật biểu diễn là có thể đi khắp cả nước biểu diễn mà không cần xin phép. Chính cơ chế thoáng này đã nảy sinh không ít bất cập. Lấy một ví dụ đơn giản, Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép cho đơn vị nghệ thuật đến địa phương A biểu diễn, nhưng đơn vị nghệ thuật  này không biểu diễn tại địa phương A mà đến địa phương B. Do giấy phép không quy định địa điểm bắt buộc diễn ra hoạt động biểu diễn mà chỉ quy định chương trình biểu diễn, do đó địa phương B không thể can thiệp vào chương trình cũng không thể từ chối đơn vị nghệ thuật tổ chức biểu diễn tại địa phương mình. Tình trạng cực chẳng đã buộc phải tiếp nhận chương trình nghệ thuật, tổ chức hoạt động bảo vệ an ninh trật tự để chương trình diễn ra an toàn theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện. Chưa kể nội dung chương trình biểu diễn của đơn vị nghệ thuật được cấp phép có thể phù hợp với địa phương này, nhưng lại có nhiều điểm, nhiều tiết mục chưa tương đồng với bản sắc văn hoá, quy ước làng xã và chính sách phát triển văn học nghệ thuật của địa phương khác. Do đó, nội dung phân cấp mạnh mẽ cho địa phương ở góc độ cụ thể này là hoàn toàn có thể chấp nhận.

Và đổi lại, địa phương phải có những người đủ Tâm, đủ Tầm để thực hiện đầy đủ quyền quyết định cấp phép cho đơn vị biểu diễn nghệ thuật. Việc phân quyền cho cơ sở không phải là Cục Nghệ thuật thả nổi việc cấp phép mà là muốn chia sẻ trách nhiệm với địa phương trước những hoạt động biểu diễn nghệ thuật sẽ diễn ra tại địa phương đó. Đây là việc làm hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của xã hội. Bởi thực tế,  các địa phương đều có một bộ máy chính quyền xem xét, hỗ trợ giải quyết mọi vấn đề vướng mắc tại chỗ, thuận lợi hơn việc mỗi đơn vị, tổ chức phải quay ra Hà Nội xin ý kiến Cục hoặc một cơ quan nào đó. Và để tạo thuận lợi cho cả đôi bên, Cục sẽ cấp giấy phép đủ điều kiện hoạt động cho các đơn vị biểu diễn. Giấy phép này sẽ được công bố trên Website của Cục và được công bố trên toàn quốc. Khi đơn vị biểu diễn đến địa phương xin cấp phép biểu diễn, địa phương chỉ cần tra cứu trên website của Nếu tra cứu thấy đơn vị đủ điều kiện hoạt động, địa phương chỉ cần làm việc về nội dung chương trình, không cần phải xem xét các giấy tờ để kiểm tra điều kiện hoạt động, giảm thiểu thời gian xem xét cho địa phương và thời gian chuẩn bị, chờ đợi kết quả cho đơn vị biểu diễn. Nếu kiểm tra thấy đơn vị không đủ điều kiện hoạt động thì có thể tự động từ chối cấp phép mà không cần xin ý kiến Cục.

Về nguyên tắc là thế, nhưng không ít đại biểu còn tỏ ra băn khoăn bới nếu thực hiện đúng quy trình với những lớp lang tra cứu như trên, vô hình chung sẽ đẩy các đơn vị nghệ thuật vào ngôi nhà tuy rằng chỉ có một cửa nhưng lại rất nhiều khoá.Và chủ trương đơn giản hoá thủ tục hành chính, phân cấp mạnh mẽ trong cấp phép biểu diễn mà dự thảo hướng đến không những không thực hiện được mà rất có thể đã và đang tạo điều kiện cho việc ra đời giấy phép con.

 

Chuyên nghiệp hoá hoạt động nghệ thuật biểu diễn

 

Trước thời điểm lấy ý kiến cho dự thảo, đời sống nghệ thuật đã có không ít sóng gió. Có thể kể ra đây những con sóng to như cuộc thi “Nữ hoàng biển Việt Nam năm 2013”  đã buộc Cục nghệ thuật biểu diễn phải hầu toà khi thu hồi giấy phép của đơn vị tổ chức cuộc thi hay tại “ Triển lãm cơ thể người”, không chỉ nhận được  gạch đá từ công chúng yêu nghệ thuật mà còn là sự chỉ trích nặng nề của giới hoạt động nghệ thuật trước tính thương mại hoá của BTC và sự phản cảm về mặt nghệ thuật của triển lãm. Với hai sự kiện này, việc cấp phép thuộc hai đơn vị khác nhau, một từ cấp trung ương - Cục NTBD ( cuộc thi sắc đẹp nữ hoàng biển 2013), một từ cấp cơ sở- Sở VHTT&DL Thành phố HCM ( triển lãm cơ thể người), nhưng đều để lại những hệ luỵ đáng tiếc. Chính vì vậy, việc ra đời dự thảo Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được kỳ vọng chính là để cân bằng và lấp đầy những khoảng trống trong công tác quản lý. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, sau một hội nghị  và một hội thảo cấp quốc tế, thì không phải băn khoăn đã hết. Những lo lắng về một giấy phép con dễ nảy sinh tiêu cực từ cơ chế xin - cho và chế tài nào sẽ được áp dụng cho loại hình biểu diễn online vẫn còn là ẩn số. Chưa kể với những chương trình nghệ thuật xã hội hoá, có yếu tố nước ngoài và ca sĩ nước ngoài là người Việt về nước biểu diễn (không phải ca sĩ nước ngoài nào Cục Nghệ thuật cũng có hồ sơ và cấp phép đủ điều kiện biểu diễn) thì cấp cơ sở có đủ thẩm quyền cấp phép hay không, trong khi đây lại là xu hướng mới, chủ đạo trong đời sống nghệ thuật hiện nay. Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Phương Hòa chi biết, hiện Việt Nam đang thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nên tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật là cần thiết, đòi hỏi chuyên nghiệp, từ lập kế hoạch, maketing, gây quỹ, phát hiện và nuôi dưỡng tài năng nghệ thuật, xây dựng và duy trì mối liên kết với khán giả... Sự chuyên nghiệp trong tổ chức sẽ tạo dựng danh tiếng cho sự kiện, cho nghệ sĩ, nhà tổ chức, thậm chí tạo thương hiệu, sức hút cho địa điểm, thành phố nơi diễn ra sự kiện nghệ thuật đó 

Để tạo được sự chuyên nghiệp trong tổ chức sự kiện tại Việt Nam, theo các chuyên gia, nghệ sĩ, cần có sự kết nối, tạo ra mạng lưới chặt chẽ giữa các bên: nhà tổ chức, nghệ sĩ, đơn vị cung cấp dịch vụ, sản phẩm, cũng như những người làm truyền thông, nhà tài trợ... Bên cạnh đó, cần nâng dần chất lượng cơ sở vật chất, địa điểm biểu diễn với các điều kiện về kỹ thuật đạt tiêu chuẩn cơ bản, để thu hút nghệ sĩ quốc tế đến nước ta, tạo sự hội nhập của nghệ thuật trong nước với quốc tế. Ngược lại, khi nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn trong các điều kiện âm thanh ánh sáng đạt chất lượng tiêu chuẩn, họ cũng sẽ nâng dần chất lượng và tiến tới có thể biểu diễn tại các Festival có tiếng trên thế giới. 

Chính vì vậy, rà soát lại việc cấp phép biểu diễn nghệ thuật, chấn chỉnh hoạt động biểu diễn là việc làm cần thiết nhằm hướng tới sự lành mạnh hoá trong đời sống nghệ thuật, không để người dân phải tiếp nhận những sản phẩm văn hoá độc hại, phản cảm trái với thuần phong mỹ tục là việc làm của các nhà quản lý và cũng là trách nhiệm chung của các đơn vị nghệ thuật, cá nhân những nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để một nghị định có thể đi vào đời sống thực tiễn rất cần sự nghiêm túc chia sẻ, trách nhiệm của các bên liên quan trên tinh thần lợi ích của người dân- đối tượng thụ hưởng các sản phẩm nghệ thuật là trên hết.

 

 


Có thể bạn quan tâm