April 26, 2024, 6:08 pm

Một chặng đường nhìn lại

 

Nếu chúng ta đánh giá một nền thơ, một đội ngũ sáng tác ra đời, phát triển và trưởng thành thì thời gian 10 năm e chưa đủ. Nhưng khi chúng ta đánh giá một đội ngũ sáng tác đã có bề dày phát triển và trưởng thành thì khoảng thời gian 10 năm đủ nhận ra cái được và những hạn chế còn tồn tại của nó. Để từ đó thoát ra làm nên những thành tựu mới.

Chúng ta biết, muốn đánh giá sự thành công của một công việc, điều đầu tiên là phải nhìn vào đội ngũ thực thi công việc ấy. Không phải là ngộ nhận. Khi chúng ta tự hào khẳng định, đội ngũ những cây bút làm thơ của chúng ta khá đông đảo. Thực tế này không phải chỉ chúng ta thấy. Ngay cả các đồng nghiệp ở một số hội VHNT các tỉnh bạn cũng từng thừa nhận. Cụ thể hiện tại Chi hội Thơ có tất cả 55 hội viên có tuổi đời và thời gian cầm bút lâu năm. Trải qua nhiều biến động riêng tư, cho tới những tác động của thời cuộc, cũng có thể còn đôi lúc gập ghềnh, những không ai có thể phủ nhận về sự đoàn kết, gắn bó của những người làm thơ trên thi đàn Vĩnh Phúc. Một đội ngũ như vậy rất quý và tự hào.

Hành trình của mỗi người theo nghiệp thi ca có thể dài, ngắn khác nhau. Có điều này bởi vì còn lệ thuộc vào tài năng của từng cá thể sáng tạo. Nhưng nhìn chung nó có một quy trình khá thống nhất. Thường thì bước đầu hăm hở viết và mong được đăng tải. Khi đã vững vàng, xuất hiện ý thức “tự biên tập” trước khi công bố tác phẩm. Tiếp tới là thái độ khắt khe với bản thân. Cái ý tưởng: Thơ công bố phải gây được ấn tượng với bạn đọc; Đây là một áp lực tích cực đối với công việc sáng tạo. Bởi vì sự khắt khe của mỗi người sẽ giúp cho Thơ nâng cao được chất lượng mà trong sáng tạo đòi hòi… Những năm qua có thể nói đội ngũ Thơ Vĩnh Phúc đã có sự vươn lên đáng kể, đáng khích lệ. Đội ngũ từng bước định hình và ổn định. Có một số cây bút đã hình thành được những nét phong cách đáng ghi nhận. Ví như giọng điệu, đề tài, cách biểu hiện...

Trong đời sống cũng như trong nghệ thuật nói riêng. Sự bình ổn về đội ngũ về mặt bằng chất lượng là một cột mốc đáng quý, đáng trân trọng. Bởi, chỉ khi đạt được sự bình ổn lúc đó vấn đề đột phá, bứt lên sẽ được đặt ra gay gắt. Đây là một đòi hỏi chính đáng của sự sáng tạo. Còn nếu chỉ dừng lại ở bình ổn, cùng với thời gian sẽ dẫn tới sự trì trệ, đông cứng...

Thơ Vĩnh Phúc có dấu hiệu trì trệ hay không? Có phải Thơ trong những năm gần đây “lành” nhưng “chưa mạnh”?... Xin được dẫn ra đây ý kiến của một học giả phương Tây khi ông ta nói về vai trò của nhà thơ: “Qua nhà thơ, người ta thấy tầm cỡ của thời đại mà ông ta sống”. (Jiri Wolker).

Vấn đề mà Thơ Vĩnh Phúc cần khắc phục, đó là biện tượng các sáng tác theo một mô-tip quen thuộc như nhớ, thương bến nước, con đò, dậu mồng tơi, lũy tre làng, cánh cò, vạt đê...

Vết về gia đình là hình ảnh mẹ lưng còng, tóc bạc, sương gió một đời...

Viết về tình yêu: Thiên về luyến nhớ những cái đã qua theo kiểu ngòn ngọt, bùi ngùi, tiêng tiếc...

Sự trăn trở, gan ruột, thân phận chưa được các cây bút hiển thị trên trang viết của mình.

*

 Trong công việc sáng tạo sự trì trệ không bao giờ được phép tồn tại và cản trở. Nếu nó tồn tại, có nghĩa sự sáng tạo đã thất bại. Đây là lúc mỗi nhà thơ không cho phép mình dễ dãi, buông xuôi. Nếu là vậy sẽ là sự xúc phạm. Chúng ta phải ý thức lúc này không chỉ có tài, có tâm mà còn phải có học. Với người làm thơ - tài cao, tâm sáng, học rộng là cội nguồn của những sáng tạo lớn… Nhưng sự kết nối, giao lưu, xâm nhập thực tế, học hỏi lẫn nhau là vô cùng cần thiết. Phải tự học; tự đọc, tự trang bị, bổ sung, tìm kiếm… Không ai hiểu mình bằng chính mình. Vì vậy, phải nghiêm khắc nhìn ra sự yếu, kém của mình để từ đó bổ sung kiến thức nâng tầm. Trong sáng tạo nghệ thuật vấn đề không phải ở đề tài. Vấn đề là ở tài năng khai thác, biểu hiện là các thủ pháp nghệ thuật chuyển tải và gợi mở; là hệ thống ngôn ngữ phù hợp gợi cảm... phải tạo được một trường thẩm mỹ mới lạ, hấp dẫn so với những cái đã có, đã cũ. Chúng ta cảm nhận được cái hay, cái đẹp của người khác để kính trọng, khâm phục, thì chúng ta cũng phải làm cho người khác thấy cái hay, cái đẹp kiểu của ta…


Nguồn Văn nghệ số 43/2019


Có thể bạn quan tâm