April 27, 2024, 7:50 am

Một cây bút mở đường cho thể loại truyện ngắn ở Nam Bộ

Trần Quang Nghiệp sinh năm 1907, tại làng Bình Cách, quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Ông là con thứ 4 trong gia đình có 6 người con của cụ Phủ Cẩm Trần Quang Xuân - một hào phú tân học. Thời niên thiếu, ông học trường Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho sau lên Sài Gòn học và bắt đầu viết văn tương đối sớm. Tác phẩm đăng báo sớm nhất của Trần Quang Nghiệp là truyện ngắn Ai đành phụ nghĩa trên Đông Pháp thời báo số 683-684 ra ngày 16 và 18/2/1928, còn tiểu thuyết được viết sớm nhất là Giọt lệ hồng nhan viết 1927, đăng báo1928 và xuất bản thành sách 1931. Trong khoảng 5 năm cầm bút (1927-1932), ông đã để lại một số lượng tác phẩm khá lớn với khoảng 40 truyện ngắn và 7 tiểu thuyết được đăng trên các tờ Đông Pháp thời báo, Thần chung, Phụ nữ tân văn, Trung lập, Công luận… Năm 1983, ông mất tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 77 tuổi.

Ở phía Nam nền văn xuôi Quốc ngữ phát triển sớm hơn ở phía Bắc với các tác giả tiền bối như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký… Trong thời kì đầu, sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại vẫn còn khá đậm nét, các tác giả có vốn Hán học và Tây học đã dùng chữ Quốc ngữ để ghi lại những Chuyện đời xưa, Chuyện khôi hài, chuyến đi Bắc Kì năm Ất Hợi (Trương Vĩnh Ký), Chuyện giải buồn (Huỳnh Tịnh Của). Những truyện ấy tuy “ngắn”, nhưng vẫn chưa mang đầy đủ những yếu tố của thể loại truyện ngắn hiện đại. Tiếp đến, với sự xuất hiện của hàng loạt những cây bút như: Nguyễn Trọng Quản, Hồ Biểu Chánh, Lê Hoằng Mưu, Phú Đức, Nguyễn Bửu Mọc, Việt Đông, Nguyễn Chánh Sắt, Trần Quang Nghiệp, Sơn Vương, Tuấn Anh, Bửu Đình… văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ đã có những bước chuyển mới.

Nếu như Hồ Biểu Chánh là người có công mở đường ở thể loại tiểu thuyết thì Trần Quang Nghiệp lại là người có những đóng góp đáng kể trong bước đầu xây dựng thể loại truyện ngắn. Đây là “nhà văn của thể loại truyện ngắn”(1). Tuy nhiên trong một thời gian dài những đánh giá cụ thể về tác phẩm của Trần Quang Nghiệp vẫn chưa được ghi nhận nhiều trên các bài viết, các chuyên luận. Phải đến năm 2000, trong công trình Văn xuôi Nam Bộ nửa đầu TK.XX, 2 tập (Trung tâm Quốc học và Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 1999-2000), truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp mới được nhà nghiên cứu Cao Xuân Mỹ giới thiệu cùng với nhiều tác giả Nam Bộ khác(2). Trong bài viết này chúng tôi tiến hành phác thảo vài nét cơ bản về đặc điểm truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp trong tiến trình hiện đại hóa nền văn xuôi quốc ngữ đầu thê kỉ XX, như một sự khẳng định bước đầu những đóng góp đáng trân trọng của cây bút này đối với thể loại truyện ngắn hiện đại ở Nam Bộ.

*

Trong những sáng tác của Trần Quang Nghiệp, chúng ta dễ dàng nhận thấy mỗi câu chuyện là một bài học đạo lí mà nhà văn muốn gởi gắm đến người đọc. Truyện ông đề cao nhân nghĩa thuỷ chung, hiền hậu của con người, nhất là với cái nết na của người con gái (như trong các truyện Ông tơ cắt cớ, Chọn đá thử vàng), đề cao tính trung thực của con người (Xâu chìa khoá)… phản ánh cách nghĩ của truyền thống dân gian. Đó là “ác giả ác báo”, “gieo gió gặt bão”. Những con người phụ khó tham sang thì cuối cùng họ lại nhận lấy hậu quả… Có thể nói đây là nội dung khá phổ biến trong các sáng tác giai đoạn này. Quan niệm “văn dĩ tải đạo” trong văn chương trung đại vẫn còn có những ảnh hưởng nhất định trong sáng tác của Trần Quang Nghiệp. Tuy vậy, cách thể hiện của ông vẫn có những nét đặc trưng riêng. Trong một số truyện ngắn, Trần Quang Nghiệp trực tiếp xen vào câu chuyện để bàn luận, diễn giải thể hiện quan niệm của mình. Ông đã đứng trên lập trường đạo đức, lẽ phải để cắt nghĩa, đơn giản hoá những triết lí cao xa

Trước và sau Trần Quang Ngiệp, đề tài về người dân tộc miền núi chưa được đề cập nhiều trong văn học (3), nếu có chăng nữa thì các tác giả cũng thể hiện cái nhìn thiếu thiện cảm đối với họ. Trần Quang Nghiệp lại có cái nhìn rất thiện cảm đối với người dân tộc thiểu số. Trong truyện Ông tơ cắt cớ, ông đã tạo dựng hình ảnh một cô gái miền núi với những phẩm chất đẹp. Cô đã trao trọn tình yêu chân thành dung dị cho người đàn ông lạc bước, ở tạm trong nhà cô. Khi biết người tình đã lén bỏ đi, cô đã “vượt núi tuôn đèo, chẳng kể thân vào miệng cọp” để cứu người bạc nghĩa thoát chết. Đồng thời khi miêu tả quá trình thay đổi nhận thức của nhân vật xưng “tôi”, Trần Quang Nghiệp đã cho thấy sự trân trọng của ông đối với cuộc sống bình dị nơi sơn cước so với cuộc sống xô bồ đầy gian trá ở chốn thị thành “Thôi thôi, đất rộng rừng sâu, lộc trời ăn mãn đời không hết lại còn trở lại chen lấn giành giựt với nhau, vào lòn ra cúi mà làm gì nữa”. Đây là cái nhìn hết sức tiến bộ của ông so với người đương thời

Tuy chưa đạt được thành công như những truyện ngắn hiện thực trào phúng của giai đoạn văn học 1930-1945, nhưng Trần Quang Nghiệp cũng manh nha những yếu tố thể hiện những bước đầu của xu hướng hiện thực trong truyện ngắn Việt Nam trên bước đường hiện đại hoá. Ông phê phán thói tham lam, háu sắc, dâm dục bằng những tình huống truyện khá độc đáo. Dự cảm được sức mạnh của đồng tiền đang dần hủy hoại nhân cách con người trong xã hội đương thời, bên cạnh việc khắc họa sâu sắc sức mạnh của đồng tiền, Trần Quang Nghiệp còn tạo dựng khá sâu sắc chân dung của những con người hãnh tiến trong thời buổi “Tây Tàu nhố nhăng”. Đặc biệt qua khảo sát truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp chúng tôi nhận thấy ông thường đề cập đến hiện tượng con người sống với nhau bằng sự lọc lừa gian trá rất phổ biến trong xã hội đương thời. Đó là ba cô gái lừa đảo trong Ba cô áo trắng, người khách quý trong truyện Gặp người khách quý, người đàn ông trong đã lường gạt tình cảm lẫn tiền bạc của cô Ba Dung nhẹ dạ trong truyện Một chuyến xe trưa… Điều này đã phần nào ghi nhận hiện thực đời sống đô thị Nam Bộ xô bồ thời Pháp thuộc.

Về phương diện nghệ thuật, đặc điểm nổi bật nhất trong truyện ngắn Trần Quang Nghiệp thể hiện ở ngôn ngữ nôm na, mộc mạc, phù hợp với cách nói của người dân lao động. Ông sử dụng nhiều từ địa phương giản dị, bình dân, dễ hiểu, như: đặng, tiện tặn, quạu quọ, rỉ rã, thủng thẳng, dòm, ngó… Đó là những từ “rặt” Nam Bộ. Có lẽ do sống ở vùng sông nước miền Tây (Mỹ Tho - Tiền Giang) nên ngôn ngữ Nam Bộ đã đi vào truyện ngắn Trần Quang Nghiệp như một điều tất yếu. Vì vậy khi đọc truyện ngắn của ông, người đọc dễ dàng nhận thấy kể cả ngôn ngữ của người kể chuyện, của tác giả hay của nhân vật, hết thảy đều thấm đượm màu sắc chân quê, dân dã của Nam Bộ. Nhiều từ địa phương nếu không dựa vào văn cảnh hoặc nếu không có vốn từ địa phương sẽ rất khó hiểu. Có thể nói phong cách của Trần Quang Nghiệp viết như nói, tiếng nói của cư dân Nam bộ thường dùng hàng ngày vào đầu thế kỉ XX. Khác với các nhà văn trung đại và ít nhiều khác với các nhà văn viết truyện cùng thời như Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học (ở miền Bắc)… vẫn còn nhiều chỗ giữ cung cách gọt giũa câu chữ, Trần Quang nghiệp đã khai thác triệt để lớp từ khẩu ngữ Nam Bộ. Chính vì thế mà khi đọc truyện ngắn của ông, người đọc nhất là người đọc ở Nam Bộ có cảm giác gần gũi, quen thuộc.

Tuy nhiên chúng ta vẫn nhìn thấy trong truyện của Trần Quang Nghiệp thỉnh thoảng vẫn xuất hiện kết cấu biền ngẫu như: ánh sáng mờ mờ/ hơi sương lạnh lẽo (Ông tơ cắt cớ), Gió bay qua/ mưa tuôn xuống (Trời phật công bình), không tỏ sắc giận/ không bày lòng thương (Xâu chìa khoá)… những từ ngữ sáo mòn của văn chương trung đại như: “thỏ thẻ tiếng oanh” (Gặp người gái đẹp), “ đưa hai mắt phụng” (Ba cô áo trắng), “trêu hoa ghẹo nguyệt” (Chuyến tàu trưa), “dưới chơn đã sẵn hai dây tơ hồng” (Chọn đá thử vàng)... Đây là hạn chế không tránh thể tránh khỏi của văn xuôi thời bấy giờ. Thế nhưng nếu đặt truyện của Trần Quang Nghiệp bên cạnh truyện ngắn của Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, ta thấy tỉ lệ này vẫn ít hơn rất nhiều.

Kết cấu truyện ngắn Trần Quang Nghiệp tương đối đơn giản. Ông thường nắm bắt những khoảnh khắc trong cuộc sống đời thường từ đó khái quát thành vấn đề đạo lí hoặc châm biếm mà mình muốn gửi gắm thông qua tác phẩm. Đây là loại cốt truyện mang tính luận đề được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, người viết ở đây nhiều khi “ra mặt” nói thay nhân vật về những quan niệm đạo lí, nên cá tính của nhân vật cũng vì thế bị lu mờ. Đây là hiện tượng ảnh hưởng thi pháp văn xuôi trung đại còn tồn tại trong truyện ngắn đầu thế kỷ XX. Song, chúng ta cũng nên ghi nhận sự đổi mới về phương diện cốt truyện ở Trần Quang Nghiệp. Nếu văn xuôi trung đại có xu hướng “kì ảo hóa” các sự kiện, chi tiết (trên cơ sở tín ngưỡng dân gian) để thông qua đó biểu đạt nội dung triết lí đạo đức nhân sinh, thì cốt truyện luận đề trong truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp được tạo dựng bằng sự lôgich giữa các chi tiết các sự kiện mang tính thực tế của đời sống thực tại. Tuy chưa đạt đến độ hoàn hảo khi tạo dựng những nhân vật luận đề như Điền (Trăng sáng), Hộ (Đời thừa), Hoàng (Đôi mắt)… của Nam Cao, hay Nhĩ (Bến quê), nhân vật “tôi” (Bức tranh)… của Nguyễn Minh Châu sau này, nhưng dẫu sao những dấu hiệu hiện đại của nó cũng đáng được ghi nhận cho buổi đầu hiện đại hoá văn xuôi tự sự Việt Nam. Tương tự như vậy, văn xuôi trung đại thường chỉ chú ý nhiều đến hành động nhân vật, sự kiện đan dệt nên cốt truyện mà chưa chú ý nhiều đến việc khắc họa tâm lí nhân vật. Đến đầu thế kỉ XX, những yếu tố tâm lí đã bắt đầu được các tác giả chú ý trong việc xây dựng nhân vật. Đọc truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp chúng ta cũng thấy được điều này. Có thể nói đây là yếu tố mới mẻ có tính đột phá trong văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX mà Trần Quang Nghiệp là một trong những tác giả có công đóng góp đầu tiên.

Đầu thế kỉ XX đã xuất hiện kiểu kết cấu truyện không tuân theo diễn tiến tuyến tính của sự việc như kết cấu truyện truyền thống. Các truyện này thường bắt đầu ở phần giữa hoặc phần kết thúc của cốt truyện tự nhiên. Truyện ngắn Trên lầm, dưới lỗi của Trần Quang Nghiệp là một ví dụ điển hình. Truyện bắt đầu từ một lời kết luận của trạng sư: “Bởi vô cớ giết người nên Trạng sư bảo rằng phạm nhơn mắc phải chứng cuồng tâm”. Đây là phần giữa của câu truyện. Sau đó là vụ án được kể lại. Trong khi cảnh sát đã bế tắc trong việc tìm ra hung thủ của hai vụ giết người thì “có anh thợ mộc Lê Văn Nử tới nộp mình cho pháp luật” nhưng lại nhất quyết không khai nhận lí do giết người. Trạng sư kết luận anh mắc chứng cuồng tâm và yêu cầu đưa vào nhà thương điên. Lúc này vì không muốn vào nhà thương điên nên anh ta buộc phải kể lại câu chuyện về cuộc đời mình. Hai người mà anh ta giết chính là cha mẹ ruột của anh ta đã nhẫn tâm bỏ rơi anh ta từ thuở mới lọt lòng. Sau đó một câu chuyện khác, câu chuyện về lí do đã giúp anh ta nhận biết được cha mẹ ruột mình cũng đã được anh ta kể lại cùng với việc anh ta đã giết họ trong hoàn cảnh như thế nào... Trong truyện ngắn này Trần Quang Nghiệp đã tạo dựng câu chuyện bằng những đoạn truyện được sắp xếp đảo lộn về trình tự thời gian, thế nhưng vẫn lôgich trong mạch kể của nhân vật. Sự tái tạo lại trật tự cho các sự kiện trong cốt truyện là một đặc trưng của tư duy nghệ thuật hiện đại. Đây cũng là những dấu hiệu thể hiện sự đổi mới trong truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp.

*

Tuy còn nhiều hạn chế nhất định song truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp đã bắt đầu chứa đựng những yếu tố của truyện ngắn hiện đại. Thiết nghĩ cần kíp phải nên xác lập một ví trí cho ông trong nền văn xuôi quốc ngữ đầu thế kỉ XX, đặc biệt là ở thể loại truyện ngắn. Những nghiên cứu tiếp tục về ông hứa hẹn sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn về tiến trình phát triển của thể loại truyện ngắn hiện đại trong nền văn học Việt Nam.

_________

1. Đoàn Lê Giang - Văn học quốc ngữ Nam Bộ từ cuối thế kỉ XIX đến năm 1945 – Thành tựu và triển vọng nghiên cứu - Tạp chí Nghiên cứu văn học số 7 năm 2006

2. Theo Đoàn Lê Giang (tlđd) thì số lượng truyện ngắn của trần Quang Nghiệp chỉ có 26 truyện ngắn, hiện tại đã được sưu tầm đầy đủ

3. Phải đến tập truyện Truyện Tây Bắc (1953) của Tô Hoài thì đề tài về người dân tộc thiểu số mới dần trở nên phổ biến.

Nguồn Văn nghệ số 24/2020


Có thể bạn quan tâm