April 26, 2024, 6:09 pm

Một câu hỏi khó

 

Khi nhận được thư mời tham dự hội nghị Những người viết văn trẻ và đọc đến chủ đề của Hội nghị tôi vẫn chỉ nghĩ rằng Vì sao tôi viết là một câu hỏi dễ trả lời. Vì sao tôi viết? Chị bạn hay đùa với tôi là mày viết vì tiền. Cái này cũng không thể nói là không thật, bởi lần đầu tiên thấy chị khoe thơ đăng trên tờ tạp chí của tỉnh, tôi đã hỏi chị, đăng có được tiền không? Có tiền thì em làm.

Thế là tôi chết luôn cái danh vào nghề viết vì tiền, và tôi cũng chịu luôn cách nói đùa đó mà không suy nghĩ nhiều. Chỉ khi được nói viết bài tham luận về việc Vì sao tôi viết tôi mới thực sự suy nghĩ lại lí do của mình. Có lẽ tôi bắt đầu viết vào mùa hè năm 2003, khi tôi thi rớt đại học, những nỗi buồn đua nhau tới theo cái thất bại lớn đầu đời mà không thể tâm sự với ai nên tôi bắt đầu làm thơ như một cách để xoa dịu chính mình, những bài thơ chép đầy mấy quyển vở ôn tập bị tôi lãng quên khi thi đậu vào năm sau. Tôi nghĩ đấy là những thứ tôi viết cho riêng mình, nên cất dấu cũng không sao, chỉ đến khi đưa bài lên và bắt đầu được đăng tôi mới bắt đầu chú ý đến các bài thơ của mình. Biên tập sẽ cắt giũa bài lại cho tròn trịa hơn, vẫn là ý thơ của mình, nhưng từ ngữ trau chuốt hơn khiến bài thơ bỗng có chiều sâu hơn hẳn. Có  nhiều người bảo, không nên để người khác thay đổi hay cắt sửa lại bài viết của mình, nhưng với tôi, những bài thơ vẫn là cảm xúc của bản thân, nhưng trước khi ra mắt độc giả thì phải qua ban biên tập, ban biên tập chính là người nắm bắt được mọi tiêu chí của tạp chí, của độc giả yêu thích từ đó mới cần phải biên tập và điều chỉnh lại cho hợp lí với tiêu chí của mình. Vậy nên, mỗi lần được sửa, là một lần tôi đọc lại và so sánh với bản gốc để tự rút ra bài học cho mình bởi tôi biết tôi vẫn chưa đủ kinh nghiệm viết bài, và cũng từ đó mỗi khi gửi bài đi, tôi sẽ tự nghiền ngẫm, tự xem lại, tự biên tập lại cho chính mình rồi mới gửi bài đi để xem lại phản hồi như một cách tự học. Dần dần, những bài thơ bắt đầu được giữ nguyên trạng chứ không cần thêm thắt hay sửa chữa như một cách chứng minh cách viết của bản thân đã được chấp nhận.

Theo những bài thơ được đăng tôi bắt đầu có cảm xúc mới, và cứ thế theo mạch viết triền miên nhưng không phải bài viết nào cũng được dùng, có một dạo những bài viết bị từ chối một cách thẳng thừng nhưng tôi vẫn viết bởi vì những cảm xúc cần có nơi để thoát ra mà không cần áp lực. Rồi không chỉ tờ tạp chí tỉnh nhà, những trang thơ như Lục bat. com, rồi tạp chí Văn nghệ QĐ, văn nghệ trẻ,… dần dần cũng điểm tên, niềm vui từ những bài viết được đăng đã khiến tôi càng có động lực để viết, bởi đó như một phần ẩn dấu trong bóng tối, một tiềm năng của riêng mình dần được chấp nhận. Tôi thử sức nhiều hơn ở cả thơ tự do và thơ lục bát, mỗi khuôn khổ, mỗi thử nghiệm đều cho tôi những bài học để hoàn thiện mình và khám phá mình hơn nữa. Tôi biết được niềm vui của người viết khi có người nhớ ra thơ mình, nhận xét về thơ của mình như một phần chia sẻ đã nhận được sự đồng cảm.

Rồi đến khi khuôn khổ và cảm xúc của những bài thơ không thể nói hết cảm xúc của mình, tôi bắt đầu chuyển sang viết truyện ngắn. Có thể nói, khi nhận ra mình viết cũng đã có thâm niên, nhận ra mình  khác lạ hơn bình thường ở những trang viết, những số phận, những cuộc đời những cảm xúc có nơi để thể hiện, có chỗ để kể thì điều đó càng khuyến khích tôi. Hầu như những người viết đều có một thế giới nội tâm phong phú, đó dường như là một con người rất khác so với mặt ngoài của bản thân. Cái cảm giác con người mới đó được hình thành thông qua chữ nghĩa, thông qua những bài viết dường như khiến cho tôi càng muốn khám phá thêm. Ở những truyện ngắn đầu, tôi cũng tôn trọng cảm xúc của bản thân, để mạch truyện đi theo dẫn dắt của cảm xúc mà không cần sửa chữa nhiều.

Nhưng đấy chỉ là cái vì sao tôi viết của bản thân tôi, tôi muốn tìm hiểu rộng ra hơn một chút nên tôi đi hỏi các bạn viết quanh mình mới biết rằng dẫu là “chín người mười ý” đi chăng nữa thì cũng chỉ chung quy về hai mối: Có nhưng người viết là vì đam mê, và có những người viết là vì nỗi buồn, là viết để tự sự để thỏa mãn cảm xúc của bản thân. Để rồi khi những nỗi buồn đã khô đi và nhẹ bẫng, họ mài giũa thêm và chia sẻ những cảm xúc của mình để tìm nỗi đồng cảm. Và hầu như những người viết vì cảm xúc của mình phát hiện ra mình viết khá là muộn, bởi khi đó mỗi người hầu như đã có một công việc riêng chỉ theo đuổi viết lách như một sân chơi mới để thỏa mãn thêm cho một con người cảm xúc ẩn sâu bên trong mình, còn với những người viết vì đam mê, thì viết chính là công việc, là sở thích là một phần đã hình thành nên con người và gắn bó với chính họ nên viết chính là một phần tất yếu mà tự họ nhận ra từ sớm và kiêm quyết đi theo đến cùng. Nhưng dẫu có xuất phát từ lí do gì đi nữa thì chính những người viết đều hạnh phúc vì những tác phẩm của họ sẽ được độc giả đón đợi và yêu thích, dẫu có hướng đến mục tiêu nào đi nữa thì những người viết đều muốn tác phẩm của mình sẽ chạm đến trái tim của độc giả, truyền đến những rung động riêng biệt của chính mình đến người đọc và ghi lại dấu ấn của bản thân.

Và những tưởng như thế là đủ lí do Vì sao tôi viết. Nhưng thật ra, sau mỗi tác phẩm, chính tôi lại càng thấy một câu trả lời mới hơn cho câu hỏi này như một cách tự đòi hỏi chính mình hoàn thiện hơn nữa. Vì sao tôi viết, có những tham vọng to lớn của những người khổng lồ như nhắm đến những mục đích lớn lao, chạm vào các giải thưởng lớn, ghi danh của mình vào lòng độc giả, hay thành công vang dội với những tác phẩm bom tấn, nhưng lại cũng rất giản đơn với nhiều người, thích thì viết thôi. Mặc cho tham vọng cao siêu hay đơn giản lạ kì thì những tác phẩm vẫn mang đến cho độc giả những cảm nhận riêng biệt, có lẽ đó là điều độc đáo của văn học nghệ thuật.

Bắt tay vào viết tham luận mới thấy nó khó hơn tôi nghĩ, cảm giác muốn từ chối khi nghĩ mình mặc dầu là lần thứ hai tham dự hội nghị Những người viết văn trẻ nhưng tôi vẫn chưa cảm thấy tự tin với chính mình vì tác phẩm vẫn cảm thấy còn nhiều thiếu sót, cách viết vẫn chưa có gì đáng kể so với những cây viết trẻ hiện nay, đấy là còn chưa kể đây là khoảng thời gian tôi gần như ngừng viết, chỉ đọc và làm việc riêng của bản thân. Nhớ lại khoảng thời gian khi bắt tay vào viết, tôi vẫn nghĩ đây chỉ là một cuộc dạo chơi có thời hạn ngắn ngủi của bản thân, sẽ dừng lại bất cứ khi nào tôi muốn, sẽ chẳng có áp lực hay mong đợi gì nhiều, chỉ cần vui thì làm tiếp. Nhưng thực tế, những ngày ngừng viết mới khiến cho tôi biết, với tôi đây không chỉ là cuộc chơi muốn dừng lúc nào thì dừng, những câu chuyện vẫn tiếp tục được dàn dựng trong đầu, những cảm xúc vẫn theo những quyển sách, vẫn theo những tin tức thời sự tuôn trào, có thể cười, có thể khóc, có thể buồn, có thể băn khoăn vì tất cả những sự việc cỏn con xung quanh mình thì tôi thấy mình vẫn còn muốn viết, mặc dầu bây giờ viết ra vẫn chỉ để xóa, nhưng tôi biết rằng mình vẫn sẽ cố gắng viết, đến khi nào hết cảm xúc. Bởi như tất cả mọi người, trước khi viết, tôi cũng là một người đọc. Mỗi một quyển sách dẫu mang đến niềm vui hay nỗi buồn, mong manh hay cô độc, hạnh phúc hay rạn vỡ đều chạm tới tâm hồn tôi. Mở quyển sách ra với nhiều kì vọng, đóng quyển sách lại với băn khoăn, thỏa mãn hay thất vọng đều khiến cho người đọc có thêm một trải nghiệm mới, thế nên tôi viết.

Cũng như câu hỏi vì sao tôi viết bây giờ đối với tôi không còn nhiều băn khoăn nữa, bởi như muôn hình vạn trạng trên thế giới này, mỗi người sẽ có một cách lí giải khác nhau, nhưng để sau đó, viết trở thành một nghề nghiệp, một cuộc chơi, một con đường lâu dài với người viết đó mới là điều đáng kể. Với những người viết chuyên nghiệp, tức là chỉ chuyên về viết thì đấy chính là một phần công việc, một phương thức sống không cần suy nghĩ, nhưng với những người tay ngang, chỉ coi viết như một gia vị phụ trợ thêm thắt cho cuộc sống thường ngày phong phú thì áp lực ắt hẳn ít hơn. Nhưng bất kì điều gì cũng có tính hai mặt, ít áp lực hơn, đồng nghĩa với việc ít thôi thúc, ít đầu tư, ít băn khoăn, ít suy nghĩ hơn cho việc viếc nên việc bỏ dở giữa chừng vì lí do sau này sẽ viết lại, hoặc sẽ viết lại khi nào đó rảnh rỗi lại là sức cản lớn.

Viết lách là một bước ngoặt không nghĩ đến của tôi, nhưng nó cho tôi rất nhiều cọ xát, lắng nghe nhiều tầng suy nghĩ. Nhiều bạn viết khi biết vùng đất tôi đang sống đã tỏ ra ngưỡng mộ, nói rằng tôi sẽ có nhiều nguyên liệu tốt để viết, bởi đặc điểm vùng miền cũng là một yếu tố dễ quyết định tên tuổi người viết. Nhưng tôi cũng thú thực với mọi người, mặc dầu sinh ra, lớn lên và sống hơn ba mươi năm tại mảnh đất Tây Nguyên với nền văn hóa đặc trưng rõ rệt tôi vẫn như kẻ mộng du ở nhờ trên mảnh đất này. Không hiểu về ngôn ngữ, chỉ hiểu lõm bõm về văn hóa, không phải tôi không thử viết, tôi cũng như nhiều người viết trẻ cũng muốn khám phá, cũng muốn thử sức, nhưng đến khi thực sự viết ra thì chỉ có thể tự thấy, dường như tôi chỉ thay tên người dân tộc vào cái cốt truyện của người Kinh chứ chả hiểu gì về người ta sất. Cái này quả thực là điểm yếu chí mạng của tôi, đọc những sáng tác của các nhà văn viết về đề tài người dân tộc thiểu số tôi rất phục, nhất là nhà văn Đỗ Bích Thúy, Tống Ngọc Hân,… cuộc sống, suy nghĩ, tâm hồn và mảnh đất như hòa quyện vào các tác phẩm của những nhà văn, nó không khiên cưỡng nên mặc dầu rất muốn viết về mảnh đất của mình tôi vẫn phải nợ lại như một điều tất yếu, bởi viết cẩu thả về nơi mình đang sống, về những con người và một nền văn hóa cần phải có một sự hiểu biết và trải nghiệm nhất định. Khi tôi không thể chỉ ra được sự khác biệt của người Jrai, người Banar thì tôi cũng chẳng thể bảo vệ được tác phẩm của mình nếu có những độc giả muốn tìm hiểu, muốn hiểu sâu, muốn hiểu rõ về tác phẩm mình đã đọc. Tôi biết, nhiều người viết vin vào trí tưởng tượng, vin vào sự hư cấu để lý giải cho sự vô lý khi viết truyện về văn hóa dân tộc. Nhưng với tôi, đó không phải là sự hư cấu, hay tưởng tượng mà đó là cái sai rõ nét, nếu bạn đã hư cấu, đã tạo dựng một cái mới thì nó phải mới hoàn toàn, đừng nhân danh viết về người dân tộc để rồi hư cấu, tưởng tượng và áp đặt sai hoàn toàn cả đặc trưng văn hóa thì không thể chấp nhận được.

Vì sao tôi viết? Vì khi tôi thấy chiến tranh tôi biết buông lời phẫn uất. Vì khi tôi thấy những chuyện buồn tôi vẫn rơi nước mắt. Khi tôi thấy niềm vui tôi muốn lan tỏa nó. Và chỉ đến khi nước chân vào nghề viết, tôi mới thấm thía được, bản thân người viết rất cô độc trong con đường sáng tác của chính mình, cái cộng đồng người viết lại càng nhỏ nhoi hơn nữa trong cái thế giới rộng lớn và choáng ngợp này. Cái cảm giác nếu như mình không lỡ ngoặt sang nghiệp viết lách tôi sẽ hoàn toàn không hề để tâm đến những người thầm lặng đó, mặc cho những quyển sách hot ra tôi vẫn sẽ đọc, nhưng tôi vẫn sẽ không mấy quan tâm đến tác giả. Những người viết, như những người náu mình sau bức màn nhung, chờ đợi những tiếng vang của tác phẩm đưa đến người đọc, chờ đợi những độc giả sẽ dần dần xuất hiện và nhớ đến tên mình như một cách ghi nhận. Nhưng đâu phải ai cũng thành danh, đâu phải ai cũng khiến độc giả nhớ đến, những suy nghĩ, những đấu tranh, những dẵn vặt mình lóe lên rồi vụt tắt, hay le lói náu mình sau những con chữ làng nhàng lại trở thành những thôi thúc, trói buộc rồi thành những áp lực không lời khiến nhiều người bước chân vào rồi lại trở ra như một chu kì đào thải khắc nghiệt mà mắt thường không nhìn thấy được.

Vì sao tôi viết? Có cả sự háo danh trong đó, bởi muốn nói gì thì nói tôi vẫn thấy chính mình một chút gì đó trong trí nhớ của người đọc, nhưng rồi tôi thấy không chỉ vì sự háo danh mà còn là sự thôi thúc từ trong nội tâm của chính mình. Tôi có các khoảng thời gian trống, ngừng viết, không chỉ vì việc riêng của bản thân mà còn vì cảm xúc cạn kiệt, và cũng vì đọc nhiều tác phẩm, nhiều cây bút mới thấy được tiềm lực của bản thân nhưng đã đi đến giới hạn. Nhưng rồi khi những cảm xúc tìm đến, tôi vẫn thấy mình muốn viết, không dám nói là có thể đeo đuổi đến mực nào và lại càng không thể so sánh với ai, chỉ có thể để mặc bản năng, đam mê và cố gắng của mình dẫn đường. Câu hỏi đó tưởng chừng không cần thiết khi hỏi về lí do bắt đầu nghiệp viết, nhưng đến khi tiếp tục viết, bắt đầu một tác phẩm, ngoài cảm xúc thì vì sao tôi viết lại như một câu hỏi không điểm dừng mà bất cứ người viết nào cũng theo đuổi cho đến khi tác phẩm hoàn thành. Mỗi một tác phẩm sẽ đại diện cho một câu trả lời khác nhau, một giai đoạn sáng tác hay đơn giản chỉ là một tác phẩm khác nhau nhưng có lẽ cái những người viết đều muốn chạm đến chính là sự đồng cảm và đón nhận của các độc giả.


Có thể bạn quan tâm