April 26, 2024, 10:01 am

Môn Ngữ văn có cần trong nhà trường không?

                                                                       

Ngày 14/7/2019 Bộ Giáo dục đã thông báo kết quả kỳ thi THPT cho học sinh cả nước. Kết quả có 3.218 học sinh bị điểm liệt (dưới 1điểm) trong đó môn Văn các em bị điểm liệt 1.265 bài.

            Tại sao vậy? Tại đề thi khó quá hay tại học sinh học dỡ, hay tại thầy cô giáo dạy không giỏi...Nguyên nhân do đâu, ta thử trao đỗi một vài khía cạnh về môn học mà chắc nhiều người đồng ý đây là môn học quan trọng.

            Ai cũng biết, giáo dục là chìa khóa để mở các cánh cửa tri thức mà trong đó văn học là môn học chủ chốt để xây dựng nhân cách, kiến thức, tâm hồn con người, một môn học chuyên sâu về tiếng mẹ đẻ, một môn học không thể xem thường, không thể coi đó là môn phụ, là dưới tầm của các môn khác như Ngoại ngữ, Toán, Lý, Hóa..

            Thực tế cho thấy, đa phần tâm lý học sinh hiện rất xem nhẹ môn Văn vì nó không đem lại lợi lộc gì, nó không “oách” như  Toán, Lý, Hóa, Anh văn. Đó là môn tự luận nhì nhằng, phải sáng tạo thông minh, chỉ dành cho người có năng khiếu chớ người bình thường không thể giỏi được, khi đi thi không theo kiểu trắc nghiệm IBM gọn nhẹ (có thể coppy được) mà đòi hỏi hoàn toàn tự lực. Vậy nên, học sinh chỉ lo trao dồi môn Toán, Lý Hóa, Anh văn để mai kia ra kiếm việc làm cho dễ, dạy kèm cũng kiếm được tiền. Ít em nào chịu khó chịu thương học môn tiếng mẹ đẻ khó nuốt của mình. Thầy cô dạy môn Văn chỉn chu cũng khổ hơn các môn khác, phải soạn bài dài hơn, nói nhiều hơn, phải yêu thích và có năng khiếu, chịu khó đọc sách, tìm tòi tư liệu và tổ chức những buổi ngọai khóa để các em bàn luận tranh cải về một đề bài nào đó, một áng văn nào đó...

            Thầy cô bây giờ sống nhanh, thời gian rất quý hiếm để lo kiếm tiền, không rảnh rỗi mà đọc sách, đọc những tư liệu liên quan tới bài học nên khi soạn giáo án thì soạn qua loa lấy có, cũ kỷ nhàm chán, năm nào cũng như năm đó không có gì cải tiến. Bài giảng thì tóm tắt tác phẩm ngắn gọn nội dung rồi trình chiếu lên bảng cho hoc sinh xem, hoặc trình chiếu một đoạn văn một bài thơ nào đó chớ học sinh cũng không đọc hết tác phẩm đó hay đoạn văn đó để nghiền ngẫm hay dỡ thế nào, câu chữ ra sao, giáo viên không khơi nguồn, không kích thích sự sáng tạo. Một bài luận văn đưa ra bắt buộc các em phải viết đủ 3,4 ý mà thầy cô lên dàn bài sẵn rồi các em chỉ rập khuôn theo đó mà chế biến đôi chút chớ không được ra khỏi dàn bài và khi chấm bài thì giáo viên cũng theo ý đó mà chấm, đủ ý là được dù có nhiều bài văn sáng tạo, rất hay nhưng không đủ mấy ý theo lập trình thì kể như bị trừ điểm. Học sinh không được dạy sáng tạo nên có nhiều chuyện buồn cười mà nói ra chắc có nhiều người không tin. Vì chỉ được chế biến đôi chút nên có em làm bài luận văn có đầu đề cho tả ông nội thì em đó thế vô bài mẫu tả con chó “Nhà em có nuôi một ông Nội, mỗi lần ông bệnh hay đói bụng thì ông tru lên như con chó lông sù..”,  một em khác khi làm bài bình giảng truyện Kiều của Nguyễn Du, khi tóm tắt nội dung, em viết “Nàng Thúy Kiều của Nguyễn Du đẹp chim sa cá lặn, nhưng vì bị thất tình nên nhảy xuống sông Tiền Giang tự tử, may nhờ có chị cán bộ phụ nữ đi ngang vớt lên được nên nàng còn sống...”, có em khi làm bài kiểm tra học kỳ, cô giáo thấy ngồi cắn bút hoài nên nhắc nhỡ thì em viết vào bài kiểm tra còn trắng tinh một câu than thở “Cô ơi! Con chán môn này quá, con không biết viết gì, cô vui lòng cho con cây gậy thôi cũng ok rồi cô..”.

Trực quan chỉ là phương pháp tóm tắt, trình chiếu khô khan (các thầy cô dạy giỏi ngày trước cho rằng phương pháp trình chiếu trên màn ảnh làm mất cảm xúc vì môn học cần nghiên cứu tìm tòi mà mọi thứ có sẵn, lập trình sẵn thì còn gì là cảm xúc, là sáng tạo), nên học sinh khi học môn văn rất ngán ngại, thái độ thờ ơ được chăng hay chớ (ngoại trừ những thầy cô dạy giỏi, có tâm và những học sinh ham thích môn văn), học cho lấy có để khỏi bị điểm liệt là may rồi. Hơn nữa chương trình môn văn quá nặng khiến các em không chở nỗi.

Học sinh học môn văn ngày nay không hề có sổ tay ghi chép, không đọc sách nhiều, không hề thuộc một câu thơ, một đoạn văn hay nào của các nhà văn nhà thơ tài năng trong ngoài nước mà bồi dưỡng cho mình vốn câu, vốn từ để từ đó biến thành máu thịt của mình, sáng tạo ra những ý mới. Từ chỗ “sợ” môn văn, chúng không cần tìm hiểu, không cần tập làm thơ dù là câu thơ lục bát, tập viết một đoạn văn hay một lá thơ cho câu ra câu, chữ ra chữ. Nói tới môn văn, em nào em nấy lè lưỡi lắc đầu.

Đề thi tốt nghiệp THPT, môn Ngữ văn năm nay đưa ra bài thơ Trước biển của nhà thơ Vũ Quần Phương để phân tích (năm 2015, 2018, 2019 đều ra đề tài về biển, không biết có dụng ý gì, trong khi còn biết bao đề tài hay khác)… Riêng tôi, khi đọc đề thi tôi cảm thấy không ổn vì câu hỏi mơ hồ và khó hiểu, chẳng hạn như câu “Cách nhìn có tính phát hiện về dòng sông”, cách nhìn có tính phát hiện là ý gì? Câu này tôi nghĩ là chưa chính xác vì nếu phát hiện con sông Hương hung hãn ở thượng nguồn thì đã có nhiều tài liệu nói ra rồi. Đề thi như vậy mà học sinh thì học lơ mơ, mấy câu hỏi trên dù khó hay dễ, dù học dỡ thế mấy cũng có thể chắt mót ra được những câu, những đoạn trả lời để vượt qua điểm liệt, đàng này 1 diểm cũng không có, thử hỏi những người dạy văn có đau lòng, có áy náy khi học trò mình “đội sổ” như vậy hay không?

            Chương trình học thì cồng kềnh nhiều thứ, từ lớp 9 đã có văn học nước ngoài nhưng văn học nước ngoài đã bị bỏ rất nhiều, nhìn cuốn sách dày cộp như vậy nhưng thầy cô dạy văn chỉ chú tâm vào dạy các tác phẩm trong nước bằng phương pháp “dạy tủ” là không giải thích cặn kẻ từng thao tác lập luận, phân tích, bình giảng... để học sinh biết nhận dạng bài văn và sẽ viết nó theo hướng nào, lý luận kiểu nào , dẫn chứng ra sao, cho thí dụ gì... tức là chuẩn bị vật liệu để sáng tạo một tác phẩm tinh thần đầy bổ ích và sinh động. Thầy cô chỉ in sẵn bài tóm tắt rồi truyền dạy rập khuôn theo kiểu của mình.

            Nhà trường và gia đình không thể đào tạo ra những con người khô khan tình cảm, tâm hồn nghèo nàn, chỉ biết những con số, chỉ biết kiếm tiền và hành xử rập khuôn, máy móc như những Robot bằng xương thịt con người.

            Thiết nghĩ, chương trình môn Ngữ văn nên gói gọn lại, chuẩn xác, tinh tế, khoa học, sinh động. Thầy cô giáo dạy văn nhất thiết phải có lòng với văn chương, yêu nghề và tận tâm truyền ngọn lửa văn chương cho học trò mình qua cách dạy đầy sáng tạo, phải tự làm mới mình trong cách nghĩ, cách dạy để vực dậy một môn học khá khó khăn nhưng đầy tự hào: THẦY, CÔ MÔN VĂN là người đã trồng “Cây tâm hồn” cho các thế hệ, tạo ra được những con người  sinh động, đầy sức sáng tạo, hữu dụng cho đất nước, biết yêu thương gia đình và mọi người chung quanh và biết hy sinh cho những sự nghiệp cao đẹp nhất. 

    Nguồn Văn nghệ số 30/2019       

             

 

 

                       


Có thể bạn quan tâm