April 26, 2024, 7:09 am

Môn lịch sử trong chương trình THPT - Lựa chọn hay bắt buộc?

 

Quả thật, trả lời trực tiếp câu hỏi này là điều không dễ dàng, mặc dù vấn đề đã được kết luận ngay sau khi Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm 2018. Khi đó, gần như không có ý kiến phản đối gì. Chỉ từ sau khi Bộ cụ thể hóa chương trình đã được công bố ấy, xếp lịch sử không còn là môn học bắt buộc trong chương trình THPT, thì mọi người mới “tá hỏa”...

Một môn học quan trọng như thế tại sao lại không phải là môn bắt buộc? Thiết nghĩ, những lo lắng ấy là có cơ sở. Rất nhiều người thuộc mọi tầng lớp, từ thầy cô giáo đã và đang đứng lớp đến các nhà khoa học, nhà báo, nhà văn, đại biểu Quốc hội… đã cùng lên tiếng. Thật lòng, suy nghĩ của họ khi lên tiếng là để nhằm bày tỏ nỗi lo lắng về một môn học bấy lâu nay có vai trò to lớn trong việc bồi dưỡng tình yêu và mối quan tâm với lịch sử dân tộc của tất cả mọi người, nay liệu có phôi phai. Thêm nữa, nhiều năm nay, cứ sau mỗi lần một chính sách mới của ngành Giáo dục & Đào tạo T được ban hành đều không khỏi gây băn băn khoăn “nghi ngờ” trong dân chúng. “Giáo dục là của mọi nhà”, nên việc một chính sách mới của ngành, nếu chưa rõ ràng, thì mọi người đều có trách nhiệm lên tiếng. Bản thân tôi là một nhà giáo gần nửa thế kỷ qua, tuy không dạy môn lịch sử, nhưng khi đọc được tin này, cũng thấy băn khoăn. Và khi băn khoăn thì buộc phải tìm hiểu tại sao lịch sử lại được xếp vào hàng môn tự chọn trong chương trình giáo dục THPT mới?

Thật ra, trong cấu trúc chương trình dạy học các bậc phổ thông, bắt đầu từ lớp 4 đến hét bậc cơ sở (lớp 9), lịch sử luôn được chọn là môn bắt buộc, bên cạnh nhiều môn học khác. Chỉ bắt đầu từ năm học 2022-2023 này, ở bậc THPT, lịch sử mới chuyển sang môn học tự chọn, bên cạnh các môn học thuộc nhóm chương trình khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, kinh tế và pháp luật) và khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học). Sự thay đổi này không phải là sự tùy hứng của ngành giáo dục. Lại càng không thể là sự hạ thấp hay coi thường một môn học vốn được coi là “rường cột” thuộc chuyên ngành khoa học xã hội Việt Nam. Tôi biết, bấy lâu nay trong từng bước đi của ngành giáo dục, mỗi chính sách mới được ban hành, đều được những người có trách nhiệm trong ngành căn cứ vào ý kiến đóng góp của các tầng lớp chuyên gia, cố vấn, những nhà chuyên môn, các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp. Việc môn lịch sử được xếp vào mục lựa chọn trong chương trình giáo dục THPT mới hiện nay, không nằm ngoài những quy tắc đó. Không tin, xin cứ thử rà soát lại các chính sách giáo dục được ban hành gần đây của Bộ Giáo dục & Đào tạo thì rõ. Chương trình Đổi mới giáo dục phổ thông 2018 được chính thức ban hành ngày 26/12/2018, đúng ra chỉ là sự cụ thể hóa Nghị quyết 29- NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị TW 8, khóa XI của Đảng về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Tôi xin dược phép không nhắc lại toàn bộ nội dung đổi mới các môn học trong chương trình này (vì nó quá dài), chỉ xin được nhắc riêng với môn lịch sử. Chương trình mới 2018 nêu rõ: kể từ năm học 2022-2023, môn lịch sử (từ chương trình lớp 10) sẽ thuộc môn tự chọn trong nhóm môn KHXH, gồm lịch sử, địa lý, kinh tế và pháp luật. Môn học này đã được xếp trong nhóm bắt buộc suốt từ cấp tiểu học (lớp 4) đến hết THCS (lớp 9). Trong quan điểm của những người làm chương trình, do bắt đầu từ THPT, chương trình giáo dục đã chuyển sang định hướng dạy nghề, nên lịch sử được chuyển sang hướng tự chọn.

Như thế là rõ! Việc lịch sử được chọn là môn tự chọn vốn đã nằm trong định hướng một chương trình giáo dục lớn của ngành Giáo dục & Đào tạo từ cách đây 4 năm. Quyết định đó không phải là sự tùy tiện của những người làm chính sách. Chúng ta cũng không nên xem bắt buộc hay tự chọn, cái nào quan trọng hơn cái nào. Mà phải xem tính đặc thù môn học có phù hợp hay không với từng cấp học và hướng lựa chọn nghề của học sinh. Do tính đặc thù của nền giáo dục nước ta, khó khăn còn nhiều, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đủ đáp ứng nhu cầu học tập của toàn xã hội (khác với nhiều nước tiên tiến, giáo dục phổ thông được coi là bắt buộc với mọi đối tượng tuổi học đường), nên ngay từ cuối cấp học cơ sở, giáo dục hướng nghiệp đã được đặt ra như một nhiệm vụ bắt buộc. Bước sang cấp học này, không phải tất cả học trò xong chương trình THCS đều “thẳng bước” sang THPT, cũng như sau khi tốt nghiệp THPT, tất cả học sinh đều học tiếp đại học. Vì lẽ đó, việc sắp xếp các môn học phải ưu tiên theo hướng học nghề. Chỉ những môn học mang tính công cụ (như toán, ngữ văn, ngoại ngữ) mới được chọn học bắt buộc. Còn lại, tất cả các môn khác, trong đó có lịch sử, thuộc môn học tự chọn. Tôi cho rằng, đó là sự lựa chọn hợp lý.

Bây giờ xin được nói rõ hơn về môn lịch sử. Một cách tổng quan thì chương trình phổ thông mới 2018 xác định mục tiêu cho môn lịch sử cụ thể là giúp học sinh nắm được những đặc điểm tổng quát của khoa học lịch sử, các ngành nghề có liên quan đến lịch sử, khả năng ứng dụng kiến thức lịch sử trong đời sống, giúp học sinh mở rộng và củng cố nền tảng tri thức, tạo cơ sở vững chắc để học sinh có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, phù hợp.

Tại trường Đại học Tổng hợp trước đây và Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn hiện nay, lịch sử và ngữ văn vốn là hai chuyên ngành, hai khoa nòng cốt, mật thiết của trường. Đây là những cơ sở nghiên cứu và đào tạo lớn nhất cả nước đã giúp đào tạo hàng vạn các nhà khoa học, các chuyên gia về lịch sử, hàng ngàn các công trình lịch sử thuộc đủ các chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam, Lịch sử thế giới, Khảo cổ học, Các nền văn minh thế giới… Xét trên phương diện đó, chuyên ngành hay khoa Lịch sử quan trọng không kém, thậm chí còn quan trong hơn một số chuyên ngành KHXH khác, nó đã góp phần đào tạo ra nhiều nhà chính trị, các chính khách, giúp vào việc củng cố, bảo về nền móng, rường cột tư tưởng nước nhà.

Rõ ràng, căn cứ vào những điều đó, môn lịch sử, hay khoa học lịch sử cho đến bây giờ vẫn chưa hề mất đi vị trí quan trọng trong cấu trúc các môn học. Vấn đề còn lại, như mọi người đã tập trung bàn luận, không phải vì môn học được xếp ở diện tự chọn hay bắt buộc, lại càng không phải vì môn học “khô khan”, kém hấp dẫn, chỉ chủ yếu là con số, biên niên hay sự kiện… Lịch sử nếu hiểu đúng, thực ra phong phú hơn rất nhiều. Trong bộ môn lịch sử có nhiều chuyên ngành khác nhau; có biên niên, có bình luận, có sự kiện và có cả các câu chuyện… Không phải ngẫu nhiên, xung quanh lịch sử, trong tiếng Pháp, chúng ta thường bắt gặp một số thuật ngữ khác nhau, có chung cội nguồn như histoire (lịch sử chung, lịch sử quốc gia hay lịch sử một dân tộc, một cá nhân hay một cuốn sách, một công tình lịch sử; hay historiette (câu chuyện vui, chuyện vặt); hoặc histolographie (nhà chép sử). Trong tiếng Anh, có lẽ từ lịch sử rút gọn, người ta coi từ story là câu chuyện, một cuốn tiểu thuyết, hay là một lịch sử… Nhà nghiên cứu nghệ thuật nổi tiếng người Áo đã viết hẳn một cuốn sách vô cùng hấp dẫn trình bày toàn bộ lịch sử phát triển lịch sử mỹ thuật nhân loại dưới nhan đề Câu chuyện nghệ thuật (The Story of Art)…

Dưới khía cạnh biên niên sử (biographie), trong Lời tựa vở kịch Cromoen, nhà lãng mạn Pháp Victor Hugo từng có lời khuyên các nhà văn trẻ: “Hãy lấp đầy các khoảng trống mà các nhà biên niên sử đã bỏ qua”, và “Bỏ qua những sự kiện không có mà các nhà biên niên sử đã thêm vào”. Luận điểm này của Hugo liệu có “chê trách” gì các nhà biên niên sử? Tôi nghĩ dù có thể không có ý “chê trách”, nhưng quan điểm của Hugo cũng đã đặt ra một vấn đề thực sự nghiêm túc ở thời điểm đó. Thật khó có thể cam kết rằng, khi ghi chép lịch sử, tất cả các nhà biên niên đều có đủ dũng cảm truy đuổi sự kiện và biến cố đến tận cùng. Chúng ta đừng trách các nhà sử học khi họ buộc phải ghi chép những câu chuyện và biến cố có lợi cho một chế độ, quốc gia nào đó, lẽ dĩ nhiên phải “bỏ qua” một sự thật nào đó… Các nhà sử học, họ cũng là con người, “ăn cơm quốc gia”, họ phải phục vụ cho quyền lợi của quốc gia, dân tộc mình. Cái khó hăn nhất của các nhà sử học của quốc gia nào cũng đều như thế (có lẽ chỉ có các nhà sử học ở những quốc gia dân chủ, nhiều đảng phái mới có được tự do tuyệt đối chăng?).

Vì những lẽ đó, làm sử học là một công việc khó. Môn lịch sử cũng thế. Làm sao trong một thời gian ngắn, ở thời điểm tình hình chính trị thế giới chưa có được tiếng nói chung, mà một nền sử học chân chính đã có thể đạt được sự chân thực tuyệt đối? Lịch sử, cũng giống ngữ văn và nhiều môn học khác trong chương trình phổ thông, thực ra chỉ đáp ứng được một phần cơ bản yêu cầu giáo dục. Ở góc độ đó, lựa chọn hay bắt buộc, tôi nghĩ đều tương đối mà thôi. Chúng ta đừng băn khoăn nhiều về môn học lịch sử tự chọn hay bắt buộc. Điều quan trọng nhất hiện nay là hãy tạo được niềm yêu thích của học sinh đối với môn học này! 

Nguồn Văn nghệ số 22/2022


Có thể bạn quan tâm