April 26, 2024, 11:46 pm

Mở rộng kiến thức văn học đối với trường học

 

Tôi rời ghế nhà trường phổ thông đã hơn hai mươi năm. Nhưng những kí ức về mái trường như vẫn vẹn nguyên khi ai đó nói đến trường cấp 2, 3 Thông Huề, Trùng Khánh, Cao Bằng.

Hồi chúng tôi học cấp ba từ lớp 10 mỗi khối chỉ có 1 lớp, mỗi lớp trên dưới 40 học sinh. Cách chúng tôi mấy khóa các anh chị học lớp 12 khi đó lớp còn chưa đến 10 người. Trường học cái xây bằng đá, có cái trát vách mái lợp ngói âm dương, bàn tre, nứa. Phòng ở của các thầy cô giáo từ nơi xa đến giảng dạy cũng vậy. Nói chung là Khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Song tất cả thầy trò đều cố gắng vươn lên. Từ lớp 10 cho đến lớp 12 giáo viên dạy văn lớp chúng tôi là cô Phạm Thị Hiến quê Bắc Kạn. Cô là người tận tâm với nghề luôn chú ý đến những học sinh có năng khiếu về văn học. Trong lớp có 4 học sinh học khá nhất lớp, trong đó có tôi, ba bạn còn lại là nữ. Dù tôi có cố gắng làm văn thật tốt nhưng điểm số lúc nào cũng thua bạn lớp trưởng đúng 1 điểm. Tôi là người đam mê các môn tự nhiên như hóa học, vật lý, nhưng cũng rất thích môn văn.

Những năm tôi học trường còn tương đối khó khăn, phòng thí nghiệm của trường hầu như không có gì, đa số học sinh chưa biết đến cái gọi là thư viện. Để học tốt môn văn thì cần phải mở mang kiến thức, tham khảo nhiều sách bổ trợ, đọc các tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết của các tác giả có tác phẩm in trong và ngoài sách giáo khoa. Nhưng những tập sách đó chẳng kiếm đâu ra, ngay cả giáo viên dạy văn cũng chẳng có mấy. Học văn, đọc thơ, văn chủ yếu trong sách giáo khoa, ngoài ra chẳng có gì khác. Có lần tôi hỏi cô giáo về những tập thơ, truyện mà phần giới thiệu tóm tắt trong sách giáo khoa về các các giả có tác phẩm được chọn in vào sách giảng dạy trong nhà trường, cô chỉ lắc đầu. Không biết các bạn cùng lớp như thế nào nhưng riêng tôi thì đọc thuộc tất cả các bài thơ trong sách giáo khoa và một số truyện ngắn. Sau này khi được vào đại học được đọc thêm nhiều sách, báo tôi nhận ra rằng nếu chỉ học các tác phẩm gói gọn trong sách giáo khoa thì kiến thức thu được không đáng là bao.

Nhiều năm trôi qua lớp chúng tôi mỗi người mỗi ngả, nhiều người thành đạt. Cô giáo dạy văn lớp chúng tôi đã nghỉ hưu được mấy năm và trở về Bắc Kạn sinh sống. Tôi chưa có dịp gặp lại cô. Không biết cô có biết tôi là học trò duy nhất lớp cô là người theo nghiệp văn chương?

Hơn hai mươi năm có quá nhiều đổi thay, trường PTTH Thông Huề đã xây 3 tầng, có điện, có quạt, phòng thí nghiệm, phòng máy tính, thư viện… những thứ mà thời chúng tôi thầm ao ước. Thời đại công nghệ thông tin cần đọc tác phẩm nào thì chỉ cần một cái điện thoại thông minh tra cứu trên mạng là ra, chẳng cần đến thư viện đọc sách. Tuy nhiên không phải cái nào cũng có thể tra cứu trên mạng. Tỷ như những giai thoại về các nhà thơ, nhà văn chẳng hạn. Tôi có quen một vài cô giáo viên dạy văn ở trường Thông Huề và một số trường khác trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Tôi không hỏi các cô để so sánh về dạy và học so với thời cách đây hai chục năm. Vì mọi sự so sánh đều khập khiễng, bởi mỗi thời mỗi khác. Tôi chỉ hỏi các cô dạy văn có bao giờ các cô đọc tờ báo văn nghệ? Nhà trường (tổ văn) có đặt mua tờ báo Văn nghệ của Hội nhà văn Việt Nam không? Có cô nói đã từng đọc báo từ thời… sinh viên, đọc ở thư viện trường. Còn bây giờ trường không đặt nên chẳng có báo để đọc. Dạy văn, học văn mà chỉ gói gọn trong sách giáo khoa thôi thì sao mở rộng được kiến thức. Phải đọc báo, tạp chí chuyên về văn học nghệ thuật mới có thể hiểu rõ hơn các tác giả có tác phẩm in trong sách giáo khoa. Vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của nhà văn, nhà thơ nào đó trên mặt báo sẽ có những bài viết, hội thảo… qua đó nổi lên những chi tiết liên quan đến sự ra đời của tác phẩm, những điều chưa biết, chưa kể về tác giả. Người viết bài này đã từng đến một trường THCS ở thành phố Cao Bằng. Trong chương trình học có tiết học về văn học địa phương giảng dạy về bài thơ Muối Cụ Hồ của nhà thơ Bàn Tài Đoàn, dân tộc Dao, giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Các cô ở đây nói chỉ “dạy chay” dạy theo trí nhớ chẳng biết câu thơ có chính xác không? Không có tài liệu, tập thơ, tuyển tập Bàn Tài Đoàn để giảng dạy quả là điều đáng tiếc. Một trường ở trung tâm tỉnh còn không có tài liệu thì nói gì đến những trường học ở các huyện, xã. Trong khi đó những tài liệu này lại có sẵn ở hội văn học nghệ thuật tỉnh. Điều đó chứng tỏ tạp chí văn nghệ tỉnh đã không đến được với trường học, không có sự liên kết giữa Sở giáo dục và đào tạo, hội Văn học nghệ thuật và nhà trường. Nếu không đặt báo, tạp chí thì làm sao thầy trò có thể biết được những chi tiết hay đó. Có tờ báo để đọc thì mới có thể hiểu biết được tình hình đời sống văn học nghệ thuật ở địa phương, trong nước và thế giới như thế nào. Đáng buồn là ở nhiều trường vẫn chưa  được phát tạp chí văn nghệ tỉnh, không đặt báo văn nghệ, chỉ đặt tờ báo ngành dọc của mình, chỉ chăm chú vào sách giáo khoa và sách tham khảo. Học văn và dạy văn như thế thử hỏi làm sao có được kiến thức phong phú được. Không biết nhà trường, đặc biệt là tổ văn có nhận ra điều đó?

Nguồn Văn nghệ số 28/2019


Có thể bạn quan tâm