April 26, 2024, 8:23 pm

MẸ HẰNG

 

Chiều cuối năm 2018, tôi lại ngược lên biên giới. Những ngày này tiết trời se lạnh, gió mùa đông cứ rào rạt thổi khắp các triền đồi, cỏ lông chồn phỡn chí trên những con đường mòn mà tôi đi qua. Trong câu chuyện với cô học trò của tôi, nay đã là giáo viên ở trường Tiểu học Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, tôi thật sự ấn tượng với câu chuyện về cô giáo Hằng và những người đồng nghiệp nơi núi rừng heo hắt phên dậu của Tổ quốc.

 

Cô Hằng ôn bài cùng các em học sinh Trường Tiểu học Lóng Sập (Mộc Châu).

Dân cư ở đây thưa thớt, bản làng rất đìu hiu nhưng Lóng Sập chưa bao giờ bình yên. Trường Tiểu học Lóng Sập của cô giáo Phan Thị Hằng nằm ở nơi được coi là địa bàn ma túy nóng bỏng nhất cả nước hiện nay. Rồi đây, với sự quyết liệt của các ngành chức năng, những điểm nóng sẽ được hạ nhiệt nhưng những hệ lụy của nó như những bóng ma vẫn đang lơ lửng treo trên đầu những đứa trẻ vô tội. Hầu hết các em phải tự bươn chải mưu sinh từ khi còn rất nhỏ, thậm chí có đứa trẻ tự sinh, tự diệt giữa đại ngàn… Do nhà nghèo, bố mẹ vướng vào ma túy, phải tự vào rừng kiếm củ sắn, củ mài qua bữa nên các em không muốn đến trường. Trường có 11 điểm lẻ và có những điểm trường cách xa trung tâm tới 30km. Có điểm trường chỉ có 8 học sinh, các cô phải dậy thật sớm, chạy ngược sang các triền núi khác nhau “mời” từng em đến học.

Hầu hết các em có lực học yếu do phải làm nhiều việc vất vả, không có thời gian ôn luyện bài, tâm lý chán nản. Thầy cô nào cũng kiên trì, tỉ mỉ dạy dỗ các em, thương yêu các em với một tấm lòng của người cha, người mẹ nhưng vẫn không giữ chân được các em. Biết thầy cô đến tìm, em thì trốn vào gầm giường, em lại chui vào bụi rậm, em nào cũng lấm lem, nước mũi chảy thành dòng. Là một người mẹ, khi nhìn những đứa trẻ thiếu ăn, thiếu mặc, bơ vơ, không người chăm sóc cô Hằng nhiều lần rơi nước mắt.

Một lần khi cô dạy về chủ đề gia đình. Không khí lớp học rất sôi nổi, các con tranh nhau nói nhưng cô lại gọi những con không giơ tay. Ban đầu các con chỉ im lặng, cô động viên mãi mới dè dặt:

- Thưa cô… con… không có gia đình.

- Thưa cô, bố con chết, mẹ con đi tù ạ.

Có tiếng một đứa trẻ ngây thơ phá lên cười. Nhưng không khí lớp học lại chùng xuống. Cô không kịp quay đi để giấu những giọt nước mắt đã tràn ra. Trên vùng đất này không thiếu những em nhỏ có gia cảnh khốn khó nhưng ám ảnh nhất là những đứa trẻ “trót” sinh ra từ những “gia đình ma túy” cha mẹ mải miết trong làn khói trắng phù du, đi tù hoặc đã khuất núi, bỏ mặc con thơ bơ vơ với bao tủi hờn.  

Với một suy nghĩ rất giản dị: “một em bé nào đi chăng nữa thì cũng cần một người lớn bảo vệ thì mới trưởng thành được”. Năm 2008, cô Hằng quyết định nhận nuôi em Tráng Phạm Đăng Hưng. Đến giữa năm 2018, cô lại nhận nuôi thêm em Hạng A Chờ. Hai em dân tộc Mông đều có hoàn cảnh đặc biệt. 

Bố mẹ của Hưng đang trong thời gian thi hành án, người thân cũng thuộc diện nghèo khó nên họ không cưu mang được em. Hưng sống một mình lay lắt ở trong rừng tre đầu bản cho đến khi cô Hằng đưa em về sống cùng gia đình và cho em đi học. Có thời gian, người nhà đến đón em về nhưng lại bán em sang Lào làm con nuôi. Sau này, em mới tìm được đường quay lại biên giới, lang thang ở khu vực giáp ranh của hai nước cho đến ngày gặp lại mẹ Hằng.

Khi chưa tròn 5 tuổi, em đã phải xa rời hơi ấm của mẹ, sự dậy dỗ yêu thương của bố. Cha mất vì ma túy, mẹ đi trại về thì lại bị lừa bán sang bên kia biên giới. Ban đầu, đưa em về cô Hằng cũng gặp không ít khó khăn vì khi ấy con chưa quen với nếp sinh hoạt của gia đình, chưa quen tiếng phổ thông. Đối với cô, việc được gặp gỡ, chăm sóc và yêu thương các em như là một lẽ tự nhiên.

Trong câu chuyện với tôi, cô Hằng không một lần nhắc đến những nhọc nhằn, vất vả mà chỉ có nụ cười luôn nở trên môi. Không mấy ai biết rằng sau nụ cười tươi hiền hậu và dễ mến của “mẹ Hằng” là cả một câu chuyện buồn. Gia đình cô vốn hạnh phúc như bất kỳ gia đình nhỏ nào, cô không bao giờ có thể ngờ được có lúc gia đình mình lại trở thành nạn nhân của cơn lũ dữ ma túy… Khó có thể hình dung ra hết những khó khăn của người mẹ một mình nuôi ba con ăn học, nay lại cưu mang thêm hai con nữa với đồng lương eo hẹp. Ngoài giờ lên lớp cô lại nuôi gà, trồng rau lấy tiền vừa cho con ăn học, vừa dành dụm để lo cho các con lúc ốm, lúc đau…. Vất vả là thế nhưng “mẹ Hằng” luôn cố gắng bù đắp những khoảng trống tuổi thơ của các con. Vì biết các con thiệt thòi cả về vật chất lẫn tình cảm, rất nhạy cảm và dễ tổn thương nên cô cố gắng dành nhiều thời gian và lòng yêu thương cho tất cả các con. Hưng và Chờ đã đủ lớn để biết được cái xấu, nhận thức được nỗi buồn, nên mỗi lần nói chuyện, cô lại khéo léo phân tích tác hại của ma túy, khơi dậy những ước mơ của các con để hướng các con tới những điều tốt đẹp.

Cả hai em đều khá dè dặt khi tiếp xúc với người lạ. Hưng chững chạc hơn so với những bạn cùng trang lứa. Con tâm sự với tôi: Cháu sẽ cố gắng học thật giỏi để trở thành chiến sĩ Bộ đội biên phòng, bắt hết những người dính dáng đến ma túy, bảo vệ bình yên cho bản làng. Bé Chờ nay đã biết giúp mẹ việc nhà những lúc không đến trường. Cậu bé mơ ước: Con sẽ cố gắng học để trở thành thầy giáo, viết thật đẹp và giảng bài thật hay như mẹ Hằng…

Những ước mơ của các em thật đẹp đẽ. Con đường phía trước còn rất dài nhưng tôi tin các con của mẹ Hằng sẽ trở thành những người có ích cho xã hội bởi lẽ chúng được nuôi nấng, dạy dỗ, yêu thương và được sinh ra từ trái tim của mẹ.

Ở những nơi biên cương sương mù và giá rét quanh năm này, cái gì cũng thiếu nhưng tình người lại chan chứa. Mẹ Hằng là cô giáo, là người phụ nữ tuyệt vời nhất mà các em được may mắn gặp trong cuộc đời; khi những bất hạnh bủa vây cuộc sống, khi ngay cả những người thân cũng bỏ rơi các em, mẹ đã giúp các em vượt qua những đám mây mù giăng khắp lối đi và mang bình yên về đầy trong trái tim những đứa trẻ.

Nguồn Văn nghệ số 50/2019

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

            

 


Có thể bạn quan tâm