April 26, 2024, 3:31 pm

Mai Quỳnh Nam và nghệ thuật ý niệm

Tập thơ đầu Bước trượt của Mai Quỳnh Nam ra đời năm 1995. Đến nay ông đã có tập thơ thứ sáu Không tỳ vết (2020). Hai lăm năm sáng tạo liên tục đủ để người đọc hình dung ra một đường thơ, đời thơ của một cá tính, một nhân cách Tập Bước trượt hiện ra ngay tác giả là một học thức, lời thơ ít hoa mỹ mà trọng cái ý cái tình.

Đọc một lần thơ Mai Quỳnh Nam xem như chưa đọc. Nhiều từ, nhiều nghĩa chìm sâu theo mạch ngầm: “Thôi như là hạt tuyết - trinh trắng giữ cho mình – còn bao nhiêu buốt lạnh - ném trả về hư vinh” (Không đề). Thực ra những bài ông viết thời kỳ đầu còn nhiều giãi bày, tâm trạng, ngôn ngữ thơ dung dị, kết cấu mạch lạc. Sau này bằng học thức ông hiểu thơ nhiều hơn, nhờ đó có những mới lạ trong kết cấu, ngôn ngữ. Ngôn ngữ tình cảm dồn nén lại, tạo những bùng nổ bất ngờ thú vị “Tôi chới với giữa bờ và nước - không cưỡng được lòng mình - Tôi trượt về em” (Tôi viết những dòng này). Từ đây Mai Quỳnh Nam đã tuyên bố “Tôi đã chấp nhận mình - một số phận - một lối nghĩ - một cách viết”.

Dõng dạc như thế, nên Các sự việc rời rạc (2002) Mai Quỳnh Nam đúc thơ lại, súc tích hơn, xuất hiện nhiều thơ ngắn, đặc biệt là các bài 3 dòng thơ (có khi chỉ 1 câu thơ phân 3 dòng, làm một bài). Trong tập 52 bài thơ không dài, có 7 bài 2, 3 dòng và 14 bài 4 dòng. Những bài thơ như thế bắt đầu gây ấn tượng thị giác người đọc. Tập thơ mở rộng cảm hứng đến nhiều vấn đề. Dưới góc nhìn của nhà xã hội học, Các sự việc rời rạc được liên kết lại cho người đọc thấy có phỏng vấn xã hội học về quan hệ giới, logic khác của tình yêu, đời sống hiện đại, cơm hộp, nhà hộp, sống độc thân, những viên thuốc tránh thai…

Phép thử thuật tư liệu (2007) có 2 bài độc đáo: Những câu hỏi, Tiểu đội phó, tôi và con chó. Nhiều người thích bởi tinh tế, phong phú chất liệu sống thực, ác liệt của chiến trường. Có thể là những bài viết từ trước, khác giọng thơ Mai Quỳnh Nam, giọng tưng tưởng ngang tàng, rất lính. Phép thử thuật tư liệu, thơ ngắn gia tăng. 8 bài 3 dòng, 14 bài 4 dòng. Ở đây biện luận về thơ, đám đông, tương quan nhiều ít, giống và khác, thái độ im lặng, tập tính giống loài… Ý niệm tuyệt đối, chứa đựng sự hiểu biết của nhà thơ về thế giới qua kinh nghiệm cá nhân.

Biến thể khác (2012) thơ ngắn 10 bài 3 dòng, 16 bài 4 dòng. Vẫn cái nhìn xã hội học: thống kê về thời gian, những khuôn mẫu kinh hoàng, lối sống hiện đại, xã hội linh tinh nhốn nháo những hình nhân, hình nộm… Và những cảm nhận về đời người nhẹ nhàng thanh thản: Khi chào đời đến Miền tất định với Người liền kề.

Không thiên vị (2015) thơ 1 dòng 2 dòng, 3 dòng lên đến 28 bài và 8 bài 4 dòng. Nhà thơ nhìn trực diện vào ngay cả những mặt trái của cuộc đời, những tha hóa nhân cách, cậy quyền cậy tiền, buôn tuổi trục lợi, “Chính trị là đấu trường - nơi loại trừ quy luật tình thương”, luận về quyền sống chết, thực và ngụy của việc tôn vinh và ý niệm về sự cứu rỗi “Mặt hồ xanh thắm nuôi sống niềm hy vọng”.

Đến Không tỳ vết (2020) hầu như xóa hết thơ dài, duy một bài dài nhất 12 dòng. Còn lại 37 bài 1 dòng, 2 dòng, 3 dòng thơ. Và một số bài khác 4, 5 dòng thơ. Nhiều ý tưởng của tập dừng lại ở ý niệm, theo chủ quan, cảm tính của nhà thơ, chưa định hình, chưa nâng lên thành khái niệm, tư tưởng. Các ý tưởng cứ bàng bạc, dẫn dắt người đọc triền miên trong những cảm nhận mơ màng, có khi xót xa hoang hoải. Và nhờ vậy chất thơ đậm, sắc lạnh.

Phác thảo như thế để thấy hành trình tâm trạng Mai Quỳnh Nam. Tìm một độc đạo riêng cho mình, từ thực tiễn hiển lộ, không ve vuốt, nhà thơ gợi một ý niệm về thế giới nhân sinh và xã hội nhiều xô bồ, lệch vẹo. Không bị ràng buộc bởi những mỹ từ, hình ảnh mỹ cảm, thơ Mai Quỳnh Nam tự nhiên cày xới lên những triết lý, những mảnh vỡ tri thức. Đây là loại thơ được cảm hứng biểu hiện cuộc đời, con người dưới góc nhìn xã hội học. Các hiện tượng xã hội, quan hệ xã hội là đối tượng để xã hội học quan sát, phân tích đánh giá, khái quát thành những khái niệm, châm ngôn, triệt lý, nhờ hình thức câu thơ định dạng, chuyển tải. Vì vậy, với nhà thơ, ngoài năng khiếu thơ ca còn rất cần vốn văn hóa, học thức thực chất. Có thế nhà thơ mới biết điều hành ý tưởng, câu chữ, hình ảnh… làm lộ ra ý niệm, cả ở hình thức và nội dung cảm hứng thơ ca.

Trở lại với thơ Mai Quỳnh Nam, nghệ thuật thơ Mai Quỳnh Nam in rõ nghệ thuật ý niệm. Không phải ngay từ đầu mà phải một thời gian sau, Mai Quỳnh Nam mới có ý thức tạo nên một thể thơ như vậy. Ý niệm thể, bắt đầu có ở tập thơ thứ hai Các sự việc rời rạc. Nghệ thuật ý niệm coi trọng ý tưởng trước hơn là kết quả của ý tưởng. Từ một ý tưởng ban đầu được phát triển nâng dần lên qua những dị bản, thậm chí nhiều dị bản; được sắp xếp thao tác của nhà thơ.

Tôi dẫn 2 bài thơ ở 2 trang 6 và 7 của Phép thử thuật tư liệu

 

1. Chớ có lạm dụng những từ      2. Hãy tận tâm

    đẹp                                         nhiều khi

    cũng dễ hư                                      trong lặng thầm

Mỗi bài thơ chỉ 1 câu thơ ngắt 3 dòng thành bài. Mỗi bài riêng rẽ như một module. Các module ghép với nhau thành bài thơ hoàn chỉnh.

1. Chớ lạm dụng mỹ từ      2. Hãy tận tâm

    đẹp                                nhiều khi

    cũng dễ hư                              trong lặng thầm

    Hãy tận tâm                               Chớ lạm dụng mỹ từ

    nhiều khi                        đẹp    

    trong lặng thầm              cũng dễ hư

Có thể đặt module sau lên trước, module trước đảo xuống sau, bài thơ mới vẫn nguyên giá trị. Cấu trúc thay đổi. Nói đúng hơn là tạo ra một biến thể mới.

Ở tập Biến thể khác

1. Lá rơi             2. Một chiếc lá nhọn, hai chiếc

                                  lá tròn

    trên đá lạnh                  xanh biếc

    hai hạt sương

    lóng lánh              bạt ngàn lá non

Xếp module 1 chồng lên module 2

Xếp module 2 chồng lên module 1

Cả 2 cách đều tạo những bài thơ mới hoàn chỉnh

1. Lá rơi                    2. Một chiếc lá nhọn, hai chiếc

                                            lá tròn

    trên đá lạnh                     xanh biếc

     hai hạt sương

     lóng lánh                     bạt ngàn lá non

    Một chiếc lá nhọn,

    hai chiếc lá tròn     Lá rơi

    Xanh biếc              trên đá lạnh

    Bạt ngàn lá non     hai hạt sương lóng lánh

Đến Không tỳ vết, số lượng các module tăng lên đáng kể. Tôi trích 3 bài ở các trang liền nhau 9, 10, 11. Mỗi bài thơ là một module. 3 module này có thể lắp ghép hình thành nhiều bài thơ:

1. Chỉ có thể có khi biết rũ bỏ

2. Cái thiêng quá gian nan

    thế tục ngập xác phàm

3. Tôn giáo cần được dung hòa

    lẽ nào Thánh kinh không phôi pha

    Thao tác quen thuộc, chúng ta sẽ có:

1+2. Chỉ có thể có khi biết rũ bỏ

        Cái thiêng quá gian nan

        thế tục ngập xác phàm

1+3. Chỉ có thể có

        khi biết rũ bỏ

 

       Tôn giáo cần được dung hòa

       lẽ nào Thánh kinh không phôi pha

 

2+1. Cái thiêng quá gian nan

        thế tục ngập xác phàm

        Chỉ có thể có

        khi biết rũ bỏ

 

2+3. Cái thiêng quá gian nan

        thế tục, ngập xác phàm

       Tôn giáo cần được dung hòa

       lẽ nào thành kính không phôi pha

 

3 + 1. Tôn giáo cần được dung hòa

      lẽ nào Thánh kinh không phôi pha

      Chỉ có thể có

      khi biết rũ bỏ

 

3 + 2. Tôn gióa cần được dung hòa

          lẽ nào Thánh khinh không phôi pha

          Cái thiêng quá gian nan

          thế tục ngập xác phàm

 

1+2+3 Chỉ có thể có

          khi biết rũ bỏ

          Cái thiêng quá gian nan

          thế tục ngập xác phàm

          Tôn giáo cần được dung hòa

          lẽ nào Thánh kinh không phôi pha

 

1+3+2 Chỉ có thể là có

          khi biết rũ bỏ

          Tôn giáo cần được dung hòa

          lẽ nào Thánh kinh không phôi pha

          Cái thiêng quá gian nan

           thế tục ngập xác phàm

 

2+1+3 Cái thiêng quá gian nan

            thế tục ngập xác phạm

            Chỉ có thể có

            khi biết rũ bỏ

            Tôn giáo cần được dung hòa

            lẽ nào Thánh kinh không phôi pha

 

2+3+1 Cái thiêng quá gian nan

            thế tục ngập xác phàm

            Tôn giáo cần được dung hòa

            lẽ nào Thánh kinh không phôi pha

            Chỉ có thể có

            khi biết rũ bỏ

 

3+1+2 Tôn giáo cần được dung hòa

           lẽ nào Thánh kinh không phôi pha

           Chỉ có thể có

           khi biết rũ bỏ

           Cái thiêng quá gian nan

           thế tục ngập xác phàm

 

3+2+1 Tôn giáo cần được dung hòa

           lẽ nào Thánh kinh không phôi pha

           Cái thiêng quá gian nan

           thế tục ngập xác phàm

           Chỉ có thể có

           khi biết rũ bỏ

Những thao tác này tạo ra trong tâm trí người đọc một vùng liên tưởng về các yếu tố liên quan, đó chính là ý niệm thể. Ba bài thơ ban đầu, 3 module theo thao tác chủ ý của tác giả, người đọc có thể nhận được 15 bài thơ (kể cả 3 bài thơ gốc) nhờ biến hóa từ 3 bài thơ (3 module gốc). Chúng ta chưa xác định được thể của thơ này. Nó vẫn còn nằm ở ý niệm, theo chủ quan và được cảm nhận bằng cảm tính. Về hình thức thể này vẫn nằm/ liên quan với các thể truyền thống của dân tộc, nhưng lại chưa đạt tới mức thành khái niệm. Khái niệm có nội dung và mang nghĩa, biểu hiện kết quả của một khái quát. Khái niệm bao hàm nhiều cái riêng, cái cá biệt. Từ hiện thực khách quan bằng khái quát, khái niệm chính là mô hình của hiện thực ấy.

Nghệ thuật ý niệm cần chủ thể có ý tưởng hơn là kết quả của ý tưởng, cần nhà thơ trung thành với ý tưởng, không thay đổi, kiên định trong quá trình kiến tạo tác phẩm. Như vậy không phải cuối cùng tác phẩm thế nào, mà là ở chỗ tác phẩm được hình thành, phát triển từ ý tưởng, thể hiện quá trình vận động của ý tưởng. Vì thế ý niệm thể chưa rõ ràng, đôi khi ngẫu nhiên trong hành động.

Là nhà xã hội học, Mai Quỳnh Nam có thể ý thức cụ thể hơn, tăng cường thêm chi tiết để khái quát nâng lên khái niệm thể. Là nhà thơ, Mai Quỳnh Nam dừng lại ở vô thường mù mờ của đối tượng và chỉ cung cấp cho người đọc một ý niệm về thể. Nghệ thuật ý niệm theo tôi, ở trường hợp này, là gây ấn tượng thị giác và làm thỏa mãn người đọc ở phần lý hơn tình.

Vậy muốn đọc loại thơ này, người đọc ngoài vốn văn hóa, cần thay đổi thói quen đọc truyền thống, tạo tư thế đọc mới, hy vọng tiếp cận được và có nhiều sẻ chia với thơ được sáng tạo theo tư duy nghệ thuật ý niệm.

Nguồn Văn nghệ số 49/2020


Có thể bạn quan tâm