April 27, 2024, 6:12 am

Lụt là… tài nguyên!

Lần đầu tiên tôi nghe câu nói “Lụt là một tài nguyên” là từ PGS, TS Kinh tế Nguyễn Thế Tràm, giảng viên Học viện Chính trị Cao cấp Nguyễn Ái Quốc, khi nói về trận lụt năm 2020 ở hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh ở tỉnh Quảng Bình, quê hương chúng tôi. Nhà tôi và Nguyễn Thế Tràm cùng xóm, là nơi thấp nhất của vùng chiêm trũng Lệ Thủy, là nơi mà cứ mưa là lụt và lụt ngập sâu nhất. Lớn lên ở xóm ấy, chúng tôi cùng có chừng 65 năm thấy lụt, chơi lụt và chiêm nghiệm lụt. Trận lụt năm 2020 rung chuyển cả nước là một trong chừng dăm trận lớn mà chúng tôi được trải nghiệm.

Thời nhỏ, năm sáu tuổi, khi nông dân chưa vào Hợp tác xã, tức khoảng năm 1959, có một trận lụt rất lớn, nhưng dân vùng tôi coi thường, vì trước đó, nông dân đã gặt xong vụ Tám, phơi thóc khô khén cho lên gác, lụt to mấy cũng không ngập trần được. Khi bắt đầu mưa, nước chảy chân ruộng, đàn ông cầm nơm đi bắt cá rược. Trẻ con đem chẹp đơm cá rô. Nước từ thượng nguồn đổ về dâng lên mấp mé đường, đàn ông chiếm trộ cất rớ, đàn bà lấy mắm cá trữ từ mùa hè ra “chưng” lên ăn cơm. Trẻ con được nghỉ học đi lội nước lụt mà không hề bị la mắng, không hề sợ chết đuối. Trẻ con lưu vực sông Kiến Giang mà đuối nước là chuyện không thể có. Nước dâng lên nữa, ngập vườn, ngập sân nhà, người lớn bắt đầu kéo thuyền vào sân. Nhà nào không có thuyền thì chặt chuối đóng bè. Ngày trước, vườn nhà ai cũng trồng chuối cho heo ăn. Lụt dâng, chỉ cần chặt khoảng năm sáu cây chuối lớn, xếp ngược đầu đuôi, lấy hai thanh tre đóng xuyên ngang, lót một tấm ván là thành cái bè năm sáu người ngồi thoải mái. Nước lụt tận trời, bè cũng… lên trời. Lãng mạn thêm chút nữa thì che cái mái, bệt tý bùn đặt ba viên gạch làm bếp, níu vào thân bụi tre… Nhà đấy chứ đâu? Trẻ con cũng tự làm bè nhỏ chống đi chơi, đi đâm chuột đồng bu trên ngọn cây…

Còn một việc nữa của người lớn nhưng bọn trẻ trâu chúng tôi cũng tham gia, hoành tráng ngoạn mục lắm. Đó là, đưa cả đàn trâu của xóm băng qua biển nước mênh mông lên chân thềm Trường Sơn sơ tán vài ngày. Mọi người chuẩn bị gạo, thực phẩm khô, quần áo. Đàn trâu được tập hợp ở chỗ cao bắt đầu hành quân… vượt biển. Bơi đầu mặc nhiên là con khỏe nhất. Cả đàn bơi hàng dọc nương theo nhau mà tránh con nước và sóng vỗ. Chúng tôi ngồi trên thuyền chèo theo. Nếu thuyền nhẹ thì tóm đuôi con trâu cuối cùng bắt nó kéo. Những con nghé được trâu mẹ dìu. Con nào nhỏ quá yếu quá mới cho lên thuyền. Một cuộc vượt biển vô cùng ngoạn mục mà không phải là trẻ đồng chiêm lụt lớn thật hiếm được trải nghiệm.

Thế rồi nước ngập đến đỉnh, dừng lại ngâm một ngày, rồi từ từ rút…

Sau lụt, có vài cây ăn trái bị úng vàng lá chết. Vài con vịt bị lạc. Vài con gà bị chết đuối nhưng dân cũng kịp lôi vào làm thịt. Nếu lúa vụ tám đã gặt trước đó thì chẳng mất gì thêm.

Nhưng cái được thì nhiều lắm: Cả cánh đồng được thau chua rửa mặn, sau này còn rửa cả hóa chất đã rải xuống hai ba vụ trước. Một lớp phù sa dày mỏng tùy lụt lớn hay nhỏ đọng lại trên đồng, trong vuờn nhà. Năm nào lụt lớn thì vụ đông xuân tiếp đó sẽ trúng mùa. Loài chuột phá hoại ruộng vườn thì gần như liểng xiếng. Con nào chạy thoát vào làng leo lên ngọn cây đã có bọn sát thủ nhí chúng tôi “lôi” xuống. Lúa các vụ sau được an toàn tuyệt đối. và nữa: một lượng cá từ thượng nguồn “trảy” hội về nằm lại giữa đồng sinh sôi nảy nở. Năm nào lụt lớn là ngoài vụ chiêm và vụ Tám, người ta còn cấy thêm vài khoảnh “ruộng theo” nhử cá vào rồi quây bắt…

Thông thường cứ gặt xong vụ Tám là dân quê tôi chờ lễ hội đua thuyền mừng tết Độc lập và chờ… lụt. Không đua thuyền là dân buồn mà không lụt dân cũng buồn. Đua thuyền và lụt là hai đặc sản của người Lệ Thủy. Tất nhiên nếu lụt mà lúa vụ Tám chưa gặt xong thì cũng hốt hoảng. Những năm dự báo thời tiết không chuẩn, cứ thấy mưa lớn là dân nhấp nhổm thực hiện “xanh nhà hơn già đồng”. Cách nay chừng ba mươi năm, nông dân Lệ Thủy bắt đầu làm lúa tái sinh, vừa nhàn vừa chắc ăn tránh được lụt: Gặt xong vụ chiêm, mỗi sào ném xuống vài cân phân đạm, bơm nước vào, gốc rạ lại thành lúa, kết hạt, gặt đúng kỳ nắng nóng gió lào, phơi khô, cất kỹ… và chờ lụt. Đương nhiên là năng suất không cao nhưng dường như chả đầu tư gì nên rất hiệu quả và an toàn. Nhưng một dạo, huyện cứ chủ trương là phải làm vụ Tám: Cắt rạ, cày bừa, làm đất, gieo mạ, cấy như vụ Chiêm, năng suất có thể cao hơn nhưng rủi ro cũng rất cao. Năm ấy, xã Lộc Thủy của chị tôi kháng cự lại chủ trương của huyện. Anh rể tôi nhận hai ha ruộng khoán, làm lúa tái sinh thu mười tấn thóc phơi được nắng cất lên gác, ngồi gãi lưng uống rượu chờ đua thuyền và chờ… lụt để đi cất vó. Nay thì cả huyện đều làm lúa tái sinh… Nhắc lại chuyện cũ để thấy bất cứ việc gì, kể cả chủ trương lãnh đạo, mà duy ý chí, không thuận theo tự nhiên, thì thất bại nhỡn tiền…

Lại nói trận lụt năm 2020 rung chuyển cà nước. Anh em chúng tôi đều định cư xa quê nhiều năm, nhà ở làm nhà thờ thỉnh thoảng về cúng giỗ. Đận ấy thấy cả nước cuống cuồng cứu trợ, dù đã hiểu lụt là gì nhưng cũng hơi sốt ruột. Nước chững lại rồi bắt đầu rút, anh em chúng tôi từ Đồng Hới lên thăm nhà. Đường bị tắc ở thị trấn huyện lỵ vì lượng xe đến cứu trợ quá đông. Khắp nơi mọi người xếp hàng nhận mỳ tôm, bánh chưng và quần áo cũ… Rải rác thấy có quần áo cũ quá bị vứt lung tung khắp nơi. Có cả bánh chưng vứt ở vệ đường. Một chị nhờ tôi viết bài kêu gọi các đoàn đừng cho thực phẩm nữa mà nên tài trợ cây con giống. Nhưng trong cái khung cảnh ào ạt đi cứu trợ kiểu này khó mà át giọng. Chúng tôi bỏ xe cởi quần dài vắt lên cổ lội nước lụt về thăm nhà. Về đến làng đã thấy nhiều chị sồn sồn quần xắn tận bẹn lội nước lụt đi thăm nhau, nói cuời rổn rảng. Chúng tôi vào nhà, nước đã rút khỏi nền nhà nhưng ngấn nước còn hằn rõ. May là nước chưa ngập bàn thờ nên bát hương vẫn nguyên vẹn. Người láng giềng mang sang một số bánh chưng, mỳ tôm và bánh bích quy, nói là phần của nhà tôi. Vui nhất là còn được chia khoản tiền hơn một triệu. Vậy là, lụt về, đi vắng, nhà cửa chả làm sao mà cũng có lộc.

Có điều buồn không dám nói ra: cả nước có lòng tốt đến cứu trợ đã vô tình kích hoạt lòng tham cố hữu của người nông dân. Trong chừng hai tuần, việc hàng ngày của thành viên trong các gia đình là chia nhau đi xếp hàng nhận cứu trợ. Thời gian sau, nhiều nhà phải dùng ô tô chở mỳ tôm xuống Đồng Hới gửi bán. Có căn nhà tàng ở bên đường bị sập. Anh chủ nhà để nguyên vậy suốt ngày ngồi nhận tiền cứu trợ của các đoàn lên đến cả vài tỷ…

Không chỉ người nông dân bị kích hoạt lòng tham mà chính quyền cũng “tranh thủ”. Nhiều năm lụt không lớn nhưng truyền thông nói vống lên khiến Chủ tịch nước phải về thăm, huyện phải bố trí một hai bà lắm lời lên níu áo Chủ tịch nước kêu khóc để địa phương được cứu trợ vài mươi tỷ. Năm ấy, truyền hình tỉnh nhà đưa tin cảnh ca nô Chủ tịch đi trên sông Kiến giang ngập lụt mà những cây chuối trồng ở mép sông không gãy một cái lá, thì biết lụt hiền thế nào? Đã vài lần tôi nghe nhân dân nói: Lụt nơi mấy ông TV!

Nói chuyện lụt quê tôi lại nhớ chuyện lụt vùng đất chín Rồng. Bao đời nay bà con gọi đó là “mùa nước nổi”, là mùa làm ăn hỉ hả. Bỗng đâu cái thời bùng nổ thông tin, “mùa nước nổi” thành thiên tai tràn ngập báo, đài… Ấy là chuyện từ hơn chục năm trước. Nay thì thấm rồi. Bởi những thập niên gần đây, các nước láng giềng làm đập thủy điện nhiều quá, nước không về theo mùa, cá không về, dân thất thu cá mà nước mặn cũng dễ xâm nhập. Bao giờ những “mùa nước nổi” của đồng bằng sông Cửu Long cứ đến hẹn lại lên?

Vậy đó! Biết sống chung với lụt, giữ lấy con thuyền, bụi chuối, lũy tre và những sản vật nghìn năm gắn bó… để thuận theo tự nhiên thì rõ ràng “lụt là tài nguyên”!

Nguồn Văn nghệ số 38/2022


Có thể bạn quan tâm