April 26, 2024, 7:09 pm

Luật về Hội- Sự kỳ vọng của văn nghệ sỹ cả nước

 

 Văn học, nghệ thuật (VHNT) là công cụ tiêu biểu để biểu hiện bản sắc văn hóa của dân tộc, không những chỉ trong nước mà còn phản ảnh ra thế giới. Sức lan tỏa và sự giao thoa văn hóa trên trường quốc tế thông qua hoạt động VHNT đã góp phần quan trọng vào sự thắng lợi trong suốt quá trình đấu tranh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và gìn giữ hòa bình đến thời điểm hiện tại. VHNT là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội, luôn được xã hội quan tâm và đòi hỏi với nhu cầu ngày càng cao. Từ sau Cách mạng tháng Tám; lĩnh vực VHNT luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, VHNT đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên những kỳ tích trong lịch sử nước nhà.

 

Nếu như toàn bộ lĩnh vực văn hóa – văn học nghệ thuật được phó thác cho thị trường định đoạt thì  “nền tảng tinh thần”  sẽ đi về đâu?.  Nguồn Internet

Kế thừa Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa III) về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ mười, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TƯ về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Các Nghị quyết đã được triển khai sâu rộng trong toàn Đảng, toàn xã hội, được cụ thể hóa bằng nhiều văn bản, kèm theo là cơ chế chính sách của Nhà nước đảm bảo cho quá trình triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết. Đó là thể hiện sự nhất quán xuyên suốt của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương từ quan điểm nhìn nhận cho đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với nền văn học, nghệ thuật của nước nhà.

Hiện nay, rất nhiều người đang quan tâm đến dự luật về Hội. Sự quan tâm đó là chính đáng trong thời kỳ nước ta đang chủ động hội nhập với thế giới. Cùng với quá trình CNH – HĐH, với tác động mạnh mẽ, sâu sắc của cơ chế thị trường, việc hình thành nhiều ngành nghề, nhiều nhóm sở thích đã dẫn đến đòi hỏi nhằm tập hợp các nhóm người thành những Hội, những nghiệp đoàn là cần thiết. Khi luật này được ban hành, đặt ra khung pháp lý, tạo điều kiện và sẽ điều chỉnh hoạt động của một loạt tổ chức Hội, nhóm ( văn học nghệ thuật) nghiệp đoàn trong xã hội. Trong quá trình nghiên cứu, thảo luận còn rất nhiều băn khoăn, mà băn khoăn là lẽ đương nhiên, để tránh tình trạng khi đã ban hành rồi mà bất cập thì sẽ trở thành gánh nặng làm hạn chế tác dụng điều chỉnh của luật, tệ hơn là hạn chế sự phát triển của các đối tượng trong phạm vi điều chỉnh, rồi lại mất thời gian sửa đi sửa lại Luật thì quả là đáng tiếc. Khi thảo luận dự luật về Hội, có Đại biểu Quốc hội đã bày tỏ băn khoăn trong luật này chưa nêu rõ được khái niệm về Hội, trong đó một số tổ chức Hội nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của dự luật này vì được coi là “Đặc biệt quan trọng”. Đối với lĩnh vực VHNT ( Văn học nghệ thuật) cũng đã được Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đánh giá “… là một bộ phận rất quan trọng.”. Tuy nhiên các Hội của lĩnh vực VHNT lại được đưa cùng vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật Hội, khiến không ít văn nghệ sĩ băn khoăn. Bên ngoài lề đã bật ra những tranh luận về Hội trong lĩnh vực VHNT. Từ hội cấp Trung ương như Hội Nhà văn, Hội Nhiếp ảnh, Hội Sân khấu - Điện ảnh, Hội Nhạc sĩ, Hội Mỹ thuật Việt Nam. v.v… Đến hội VHNT các tỉnh, có ý kiến cho rằng rồi đây Hội trong lĩnh vực VHNT cũng chỉ mang tính chất nghề nghiệp thuần túy mà thôi. Và như thế là phải tự lo, không còn được Nhà nước cấp hỗ trợ kinh phí cho hoạt động nữa, vị thế của Hội sẽ không còn được như bây giờ… Chúng ta hãy nhìn nhận lại hệ thống tổ chức của Hội VHNT cấp tỉnh thôi cũng đủ thấy vị thế và tầm quan trọng đến đâu?

        Có thể nói Hội VHNT là một tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp mang tính đặc thù, Hội chịu sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng cấp trên là Đảng ủy khối Cơ quan của tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy, được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thông qua Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và được ngân sách tỉnh hỗ trợ hoạt động. Hoạt động của Hội góp phần tích cực phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng dưới sự định hướng và kiểm tra của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, chịu sự điều hành tham gia các hoạt động của Ủy ban Nhân dân tỉnh thông qua các sở chuyên ngành. Hầu hết Chủ tịch các hội là cán bộ công chức đương nhiệm có chuyên môn được cử sang đảm nhiệm, cá biệt có tỉnh có thời kỳ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh trực tiếp kiêm Chủ tịch Hội… Sản phẩm của các Hội trong khối Văn học Nghệ thuật là những tác phẩm khẳng định phẩm chất, bản lĩnh và những đặc sắc văn hóa của con người Việt Nam. Góp phần đắc lực vào việc xây dựng con người cho xã hội mới. Vì thế, văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng mới được Đảng coi là nền tảng tinh thần của xã hội. Bấy nhiêu nội dung thôi cũng đủ để thấy tầm quan trọng và tầm ảnh hưởng của văn học nghệ thuật tới đời sống chính trị xã hội của một tỉnh như thế nào. Ấy là chưa nói đến các hội Trung ương, một lực lượng văn nghệ sĩ đông đảo được đào tạo, sống chết với nghiệp với nghề, nhiều nhân tài đã được trong nước và quốc tế vinh danh, niềm tự hào là của chung cả dân tộc, nhất là khi đi ra thế giới. Ấy thế mà, mới là dự luật thôi, từ những quan điểm nhìn nhận khác nhau cũng đủ gieo vào lòng Nhà văn, Nghệ sĩ một sự ưu tư… Nếu rồi đây các hội trong lĩnh vực VHNT từ Trung ương đến địa phương cùng trong một khung điều chỉnh của Luật về Hội được ban hành thì sẽ ra sao? Nếu như toàn bộ lĩnh vực văn hóa – văn học nghệ thuật được phó thác cho thị trường định đoạt thì cái gọi là “nền tảng tinh thần” ấy sẽ đi về đâu. Tất nhiên, cũng còn tồn tại một vấn đề là tính hiệu quả trong hoạt động của các Hội trong khối văn học nghệ thuật. Việc xây dựng mô hình và vận hành bộ máy của các Hội sao cho chuyên nghiệp, gọn nhẹ, tránh xu hướng hành chính hóa, Nhà nước hóa quá mức như đã từng xảy ra ở một vài nơi, cũng là việc cần phải bàn tới khi xây dựng Luật về Hội

        Tất cả những câu hỏi trên cần được Đảng, Nhà nước, các nhà làm luật và toàn xã hội nhìn nhận một cách thấu đáo. Không để diễn ra sự dao động từ cực tả sang cực hữu - Từ chỗ Nhà nước quan tâm, can dự quá sâu vào công tác của các Hội, sang xu hướng buông trôi, thả nổi tất cả. Văn nghệ sỹ cả nước đang rất trông chờ vào sự sáng suốt của Đảng trong vấn đề lãnh đạo văn hóa từ xưa tới nay sẽ thấm nhuần và trở thành sự sáng suốt của những nhà làm luật

 

                                                                     

 


Có thể bạn quan tâm