May 3, 2024, 3:04 am

Luận án tiến sĩ và trách nhiệm các Hội đồng khoa học

Chất lượng các luận án tiến sĩ đang trở thành đề tài hot trong dư luận xã hội cũng như trên các diễn đàn chuyên môn. Nào là một cơ sở đào tạo mà có giáo sư mỗi năm hướng dẫn đến hàng chục nghiên cứu sinh bất chấp có cùng ngành hay không; nào là có những cơ sở đào tạo chẳng khác gì những “lò ấp tiến sĩ”; nào là có vô số những đề tài “tào lao”, vô bổ kiểu như “luận án cầu lông” khiến dư luận xôn xao mới đây…

Để góp phần ngăn ngừa những luận án tiến sĩ không xứng tầm, hoặc chất lượng các luận án con “non” mà đã được các hội đồng đã thông qua… theo tôi cần phải đề cao hơn nữa vai trò người hướng dẫn khoa học cho nghiên cứu sinh; từ đạo đức khoa học, trách nhiệm khoa học và trách nhiệm xã hội. Tất nhiên cùng đó là trách nhiệm các cấp hội đồng và của Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Thật ra, những vấn đề như trên thì ai cũng biết cả, nhưng có thể có tâm lý “dễ người, dễ ta” hoặc nể nang nhau nên không mấy ai lên tiếng. Nhưng đây là việc rất hệ trọng với vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cao cấp cho nền khoa học quốc gia, nên từ nay cần được xiết chặt và nghiêm túc. Trước hết, người dự tuyển (nghiên cứu sinh) có đủ tư chất, trình độ và điều kiện làm nghiên cứu sinh hay không? Người ta nói “thái độ quan trọng hơn trình độ”. Vậy người dự tuyển nghiên cứu sinh có tập trung thời gian cần thiết cho học tập, nghiên cứu không? Chúng ta đang xây dựng xã hội học tập, nghiên cứu sinh, trước hết là người có tư chất cần thiết và nhất là có thái độ nghiêm túc, biết ưu tiên thời gian để nghiên cứu và triển khai luận án. Yêu thích công việc nghiên cứu khoa học, có thái độ đúng, có quỹ thời gian và ý thức được việc làm luận án để tạo bước ngoặt, Đó là những tiền đề hết sức quan trọng cho chất lượng của luận án tiến sĩ. Cùng đó, người hướng dẫn khoa học có đủ năng lực, trình độ, khả năng bao quát và tầm nhìn khoa học hay không?

Hiện nay hoạt động nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ có hiện tượng “phong trào”. Thậm chí, không ít người cứ bảo vệ xong luận án tiến sĩ, chẳng cần lo nghiên cứu khoa học và phát triển chuyên môn, chỉ chăm chăm lo kiếm tìm chút chức vụ gì đó. Tất nhiên, ở nước ta, có chút chức vụ thì mới mong có chút kinh phí “ưu ái”; chức vụ càng to thì đề tài, kinh phí càng lớn; thậm chí là “cai đầu dài” trong khoa học. Thế nên, có những giáo sư tên tuổi, cuối đời tranh thủ làm “cú vớt” là vậy; lại có cơ quan còn quy định cán bộ do cấp mình quản lý thì phải có bằng tiến sĩ (?!). Thật là những quy định chẳng giống ai và chẳng hiểu để làm gì?

Đất nào, môi trường nào thì cây - con ấy, hệ sinh thái ấy. Bất kỳ ai, khi đăng ký dự tuyển nghiên cứu sinh, anh ta phải ấp ủ đề tài là vấn đề được suy nghĩ, chuẩn bị mấy năm, chứ không phải dự tuyển nghiên cứu sinh mà toan… “tay không bắt giặc”. Đến khi gặp người hướng dẫn khoa học, hai thầy trò trao đổi để chuẩn hoá đề tài và tìm hướng đi cho vấn đề nghiên cứu. Thậm chí, người hướng dẫn khoa học còn giúp nghiên cứu sinh mở ra hướng chuyên môn mới mà sau khi bảo vệ, anh ta sẽ “cày xới” và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này. Theo đó nghiên cứu sinh và người hướng dẫn khoa học có cùng ngành/ chuyên ngành hay không, cũng là quy định bắt buộc. Tuy nhiên, trong thực tế, có những chuyên gia lĩnh vực này, nhưng lại có nhiều công trình nghiên cứu giá trị liên ngành với đề tài của nghiên cứu sinh, thì họ hoàn toàn có đủ thẩm quyền và uy tín khoa học, cũng như uy danh nghề nghiệp/ xã hội để hướng dẫn khoa học cho nghiên cứu sinh. Vậy nên, mấu chốt là người hướng dẫn khoa học có thật sự là người nghiên cứu khoa học hay không? Vấn đề này ở các nước tiên tiến rất quan tâm.

Xin được bàn thêm về các cấp các hội đồng. Về đại thể, một luận án tiến sĩ mà nghiên cứu sinh được nhận bằng, trải qua ít nhất 4 cấp hội đồng cấp cơ sở sau đây: Hội đồng xét tuyển nghiên cứu sinh; hội đồng thẩm định tên đề tài và hướng đi của luận án; hội đồng đánh giá chuyên đề chuyên sâu; hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở (hay hội đồng liên bộ môn). Sau khi hội đồng cơ sở thông qua, luận án tiến sĩ được gửi qua 2 phản biện kín, phản biện đôc lập. Đó là hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cuối cùng, trước đây gọi là cấp nhà nước, nay Bộ Giáo dục & Đào tạo giao cho cơ sở đào tạo. Ở một số nước, còn có uỷ ban kiểm định tối cao cấp nhà nước, do một trong số các chuyên gia đầu ngành phụ trách thẩm định từ trình tự thủ tục đến chất lượng luận án tiến sĩ. Như vậy, để cho “ra lò” một tiến sĩ, các nghiên cứu sinh phải qua một qui trình “kiểm định” hết sức chặt chẽ và khoa học. Nói riêng ở hội đồng xét tuyển là “cửa vào” đầu tiên, trách nhiệm chính của hội đồng là xem người dự tuyển vào nghiên cứu sinh có đủ trình độ và năng lực chuyên môn, tư chất và điều kiện làm nghiên cứu sinh hay không. Khâu này, ở ta thì quy ra điểm các thủ tục mà nghiên cứu sinh có được, như bằng cấp và các loại chứng chỉ, cùng đề cương nghiên cứu của dự tuyển. Nếu để lọt người dự tuyển vào nghiên cứu sinh mà không đủ tiêu chuẩn, thì trách nhiệm trước hết là ở khâu này. “Cửa” thứ 4 là hội đồng đánh giá cấp cơ sở hay “liên bộ môn” cũng là một khâu hết sức quan trọng để nâng cao chất lượng luận án và để “ngăn chặn” không cho để lọt luận án tiến sĩ chưa đạt chuẩn. Thường thì ở nước ta hội đồng này cũng có tâm lý dễ dãi, mặc dù cũng làm việc rất nghiêm túc, chỉ ra những điểm yếu để nghiên cứu sinh cần phải bổ sung, chỉnh sửa. Nhưng sau kết luận “Thông qua với yêu cầu phải bổ sung, chỉnh sửa”, thì nghiên cứu sinh thường bổ sung, chỉnh sửa cho “phải phép” thôi, vì thông lệ thì khâu cuối cùng này chỉ là “biểu diến” và để chụp ảnh ký niệm. Thực tế, hội đồng này thường là những quan chức tham gia làm “long trọng viên”; thậm chí có có cơ sở đào tạo, có giáo sư gần như chuyên trách làm chủ tịch hội đồng bảo vệ khâu cuối này.

Đôi khi, tại hội đồng cơ sở này cũng có phản biện không đồng ý thông qua luận án, nhưng Chủ tịch hội đồng và các thành viên khác lại “thương” nghiên cứu sinh nên cho thông qua. Hậu quả là đã có luận án tiến sĩ rơi vào hậu kiểm và nghiên cứu sinh bị thu bằng. Lại cũng có hội đồng cơ sở do người đứng đầu cơ sở đào tạo làm Chủ tịch hẳn hoi, mặc dù khác ngành với nghiên cứu sinh và phản biện thứ nhất không đồng ý, bỏ phiếu chống vì nghiên cứu sinh chưa có công bố công trình khoa học nào trên tạp chí chuyên ngành, mà theo quy định ít nhất phải có 2 công trình công bố tạp chí trước khi bảo vệ. Nhưng dùng Chủ tịch hội đồng “thuyết phục” hội đồng thông qua luận án và cho nghiên cứu sinh nợ công bố công trình. Một phiếu chống không là gì cả, vì là thiểu số. Lại có trường hợp ai phản biện nghiêm túc thì lần sau không mời vào hội đồng nữa. Thậm chí, có những luận án tiến sĩ có phản biện kín phản đối, nhưng rồi bằng cách giải thích thế nào đó, nghiên cứu sinh vẫn được bảo vệ và thông qua, nhận bằng…

Vậy nên, tuy Bộ Giáo dục & Đào tạo ra quy chế đào tạo tiến sĩ khá chặt chẽ, nhưng vẫn để lọt và lọt khá dễ dàng nhiều trường hợp chưa/ không xứng đáng. Ở đây có vấn đề môi trường giáo dục, đào tạo; mà môi trường nào thì hệ sinh thái ấy, con người ấy. Đào tạo tiến sĩ là đào tạo chuyên gia khoa học bậc cao, bằng cấp đào tạo cuối cùng trong hệ thống giáo dục đào tạo quốc gia. Vẫn biết mỗi nước có cách làm khác nhau, nhưng nói chung người ta đều nghiêm túc, chặt chẽ, đề cao trách nhiệm khoa học và có cơ chế ràng buộc chặt chẽ, cả về pháp luật, đạo đức và trách nhiệm xã hội. Vì nếu dễ dãi, để lọt nhiều luận án tiến sĩ không đạt chuẩn, thì mươi mười lăm năm nữa, nguồn lực khoa học quốc gia sẽ ra sao, khi những nghiên cứu sinh nhận bằng hôm nay như vậy, lại ngồi các hội đồng và “phán” các luận án tiến sĩ trong tương lai?

Để diễn ra những hiện tượng “lệch chuẩn” trên đây, có trách nhiệm lớn của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Chúng ta đã nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung Quy chế đào tạo tiến sĩ theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo và trao quyền tự chủ cho người đứng đầu cơ sở đào tạo sau đại học. Nhưng quy chế mới nhất, lại hạ thấp tiêu chuẩn xét tuyển vào nghiên cứu sinh, khi bỏ điều kiện nghiên cứu sinh phải công bố công trình khoa học trên tạp chí quốc tế, thay vào đó là công bố tham luận khoa học ở các hội thảo quốc tế trong nước (?). Thay đổi như vậy với một số chuyên ngành có thể chấp nhận, nhưng nhìn chung, còn nhiều ý kiến khác nhau, khó đồng thuận. Lý do là vì nếu giữ nguyên như quy chế quy định công bố khoa học trên tạp chí quốc tế thì nhiều ngành, nhất là các ngành khoa học xã hội và nhân văn không mấy ai lọt vào nghiên cứu sinh. Điều đó chỉ đúng với một vài ngành đặc thù chứ đâu phải với tất cả các ngành Khoa học xã hội & Nhân văn?

Thiết nghĩ, trước mắt, vai trò của Giáo dục & Đào tạo là tạo hành lang pháp lý, giám sát quá trình đạo tạo tiến sĩ và hậu kiếm, nhất là xử lý nghiêm sau hậu kiểm. Theo quy chế hiện hành, luận án tiến sĩ sau khi nhận bằng sẽ được hậu kiểm 20%; có ý kiến đề xuất nên hậu kiểm 50%. Nhưng cũng không dễ, vì có thể không làm xuể. Và quan trọng là xử lý sau hậu kiểm cần nghiêm hơn, từ trách nhiệm các thành viên các hội đồng, từ Chủ tịch và các phản biện, đặc biệt là cơ sở đào tạo. Tránh tình trạng, hậu kiểm nếu không đạt chuẩn thì chỉ thu bằng nghiên cứu sinh, còn các thành phần khác vẫn ung dung với các hội đồng tiếp sau.

Đào tạo tiến sĩ là đào tạo dự nguồn cho tầng lớp tinh hoa khoa học, chứ không phải là phong trào thi đua, càng không phải bày ra để có việc làm. Cho nên, càng phải nêu cao trách nhiệm khoa học, trách nhiệm xã hội và trách nhiệm đạo đức của giới tinh hoa khoa học. Đó là trách nhiệm rất nặng nề và cũng là vinh dự đối với công tác đào tạo nguồn lực khoa học quốc gia.

Nguồn Văn nghệ số 29/2022


Có thể bạn quan tâm