April 26, 2024, 10:47 am

Lội qua Mê Kông

Chuyến cuối cùng tôi đi trước khi chôn chân ở nhà vì dịch Covid-19 là một nơi không hề có trong dự định du lịch: Udon Thani, Thái Lan. Thậm chí tôi đã đón năm mới 2020 ở đấy, trước khi về lại Việt Nam “giãn cách xã hội” cho đến giờ.

Một đoạn sông Mê Kông

Chuyến đi bắt đầu vì lời kể của người bạn đồng hành. Thập niên 1940, gia đình ông bà ngoại anh sống ở Lào, sinh ra mẹ anh ở Viêng Chăn. Vào thời đó, mặc dù một đoạn dài sông Mê Kông là biên giới tự nhiên giữa hai nước Lào – Xiêm (tên gọi cũ của Thái Lan) nhưng lưu vực chảy qua thủ đô Lào lại khá nông, nên mẹ anh - cô gái nhỏ khi ấy, vẫn lội sông để sang tỉnh Udon bên kia trông em cho người chú. Tôi tò mò ngắm sông Mê Kông. Không có một thuyền bè nào đi qua vì là biên giới. Liệu có thể lội qua ư?

Gia đình ông bà ngoại bạn tôi đã về Việt Nam từ đầu những năm 1960. Còn gia đình người em của họ vẫn ở lại Udon Thani, nhưng từ bấy thông tin không còn liền mạch nữa. Chuyến đi của chúng tôi chính là thăm một người con của gia đình này, đã từng về Việt Nam gần đây thăm họ hàng.

Tô Hoài đã kể về những người Việt ở Xiêm: “Trước kia anh đã ở tỉnh Udon bên Xiêm, làm đủ thứ nghề. Người Xiêm hiền lành, chỉ độc chơi và ăn không. Rặt có Việt Nam ta và người Tầu sang buôn bán như hái ra tiền, ăn chơi tiêu xài và làm chính trị. Chính phủ Pháp tức quá, mới nhờ Xiêm bắt họ một số đem bỏ tù, còn bao nhiêu thì trục xuất hết…” (Mười năm). Có người nói hiện có cả vạn người Việt ở nơi này.

Vào lúc chế độ thuộc địa của Pháp áp đặt lên vùng này, người Việt đã lưu lạc đến những làng xóm dọc hai bờ sông Mê Kông, trong đó phần đất bên hữu ngạn thuộc về Xiêm nay gọi là vùng Isan gồm các dân tộc có quan hệ bà con với bên kia sông. Người ta thống kê đến giờ, một phần ba dân Thái có gốc Lào.

Còn những người Việt ở hai bờ sông, họ thuộc về văn hóa nào? Như một nhận xét của viên lãnh sự Pháp Auguste Pavie được trích trong cuốn “Nước Xiêm được định đồ, lịch sử hình thái địa lý một quốc gia” của Thongchai Winichakul, vùng đất dọc sông Mê Kông là nơi người Xiêm “chạm” phải vùng ảnh hưởng của người Việt.

 ***

Udon Thani mặc dù là tỉnh lẻ song mang tính quốc tế khá đậm. Các quán xá đông nghịt người phương Tây. Thái Lan có chính sách visa cho người hưu trí ở lâu năm, vì thế không lấy làm lạ khi phần lớn khách phương Tây là những người có tuổi, tay lăm lăm chai bia ngồi lơ đãng ngắm đường phố nắng chang chang. Udon Thani có đủ sân bay quốc tế lẫn nhà ga xe lửa – đường sắt chạy tới cầu Hữu Nghị Lào-Thái, nghe nói sẽ nối lên tận Trung Quốc. Ở gần biên giới nhưng thành phố không có vẻ ồn ào biên mậu hay âm u quân sự. Chiến tranh đã lùi xa bốn thập niên. Udon Thani rực rỡ đón năm 2020, chuẩn bị bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ. Buổi tối ở trung tâm Udon Town sẽ có lễ đếm ngược mừng năm mới.

Chúng tôi ra khỏi khách sạn, đi về phía khu phố chợ để tìm đến nhà họ hàng người bạn. Ngay bên cạnh khách sạn là một ngôi chùa. Vốn dĩ chùa ở Thái Lan hay Lào rất nhiều, nhưng khi tôi ngước lên nhìn thì bất ngờ nhận ra, đây là một ngôi chùa Việt, với dòng chữ quốc ngữ ngay giữa tam quan đúng kiểu quen thuộc: Chùa Khánh An. Sự tình cờ này khiến tôi xúc động. Có thể nói gì khi dấu hiệu gần gũi của quê nhà bắt đầu là một mái chùa thờ Phật? Rảo bộ qua con đường nhiều ô tô đỗ, chúng tôi loay hoay mở Google Map xác định đường. Một đôi nam nữ trẻ đi qua dừng lại ân cần hỏi chúng tôi có cần giúp gì không. Bỗng một bạn hỏi bằng tiếng Việt: Các anh là người Việt? Sự thật là không phải nơi nào câu hỏi này cũng có sắc thái hồ hởi như vậy. Tôi đã có những e ngại khi đến những đất nước xa xôi khác mà câu hỏi như vậy rất dễ gây bối rối vì sắc thái khó lường của nó. (Người Việt? Đó đã là cả một vấn đề!) Còn ở đây, đôi bạn tận tình chỉ đường rồi cúi đầu chắp tay chào.

Trái với hình dung của tôi, cửa hàng may quần áo của người cậu rất giản dị, không có gì khác với những cửa hiệu ở tỉnh lẻ Việt Nam mười năm trước. Người đàn ông luống tuổi có khuôn mặt rất cân đối, tiếng Việt đã phôi phai ít nhiều, ôn lại những kỷ niệm với người cháu từ quê nhà sang.

Thời những gia đình người Việt quần tụ ở ven sông Mê Kông, họ làm những nghề buôn bán, dịch vụ, thứ mà người Việt hay bắt đầu có khi chỉ bằng vài đồng vốn  giắt lưng hoặc vay mượn. Ông ngoại anh bạn gốc Huế, làm nghề cắt tóc. Có lần trong gia đình có người bị chó dại cắn, người nhà phải khiêng bằng cáng mấy ngày đường từ Viêng Chăn về tận Viện Vệ sinh dịch tễ ở phố Lò Đúc tiêm.

“Đi bộ về tận Hà Nội?”

“Cũng phải đi chứ, còn có cách nào. Trèo đèo, lội suối. May mà kịp”.

Cả Đông Dương khi ấy chỉ có Hà Nội và Sài Gòn có đủ phương tiện để tiêm các loại vắcxin. Những người bà con ở bên kia sông về quê vẫn gần hơn là xuống Bangkok. Câu chuyện vắcxin này vào lúc ấy nghe thật thú vị. Nào ai ngờ sẽ đến một ngày thật gần lại phải quan tâm cấp kỳ.

Từ lúc nào người thợ cắt tóc trẻ đã thành cơ sở cách mạng kết nối với phong trào trong nước. Vào những năm kháng chiến chống Pháp, cung đường đưa người Việt từ Thái Lan qua ngả Lào ra Bắc tương đối dễ dàng. Thập niên 1960, chính quyền Thái Lan đã tìm cách xiết lại cửa ngõ này. Họ quyết định dồn người Việt về hai tỉnh miền Nam Thái Lan giáp với Malaysia để cách ly họ với phong trào cộng sản ở Việt Nam. Udon Thani thành căn cứ quân sự. Những người Việt còn lại tìm cách hồi hương. Từ đấy, việc trao đổi thông tin giữa những bà con cũ một khó hơn.

“Về nước thì ông bà đưa con cái lên Thái Nguyên. Khổ lắm”. Bạn tôi kể.

“Ở Thái thì không được đi học. Người Việt tự dạy nhau”. Người cậu tiếp lời.

Những năm tháng ấy, cuộc sống tái định cư ở hai miền đất chẳng hề dễ dàng. Những Việt kiều về nước đã phải khai hoang những vùng đồi xa xôi bán sơn địa, lâu lâu làm những món ăn nhớ lại cuộc sống quê người như sọm tằm (nộm đu đủ), tom yum (canh chua) hay của cố quận đã bị chia cắt như bánh bột lọc, bún hến… Những buổi chiều tối khi mây mù giăng các thung lũng, sườn đồi, họ có tưng bừng ca điệu lăm vông hay sầu ngâm khúc hò Huế?

Trong số những người Việt phải đi về tỉnh Trang ở miền Nam Thái Lan, người em ông ngoại đã có một cuộc hôn nhân mới với người phụ nữ Thái và có bầy con đông đúc. Vùng này vốn dĩ cũng là vùng đệm với khối dân Hồi giáo giáp với Malaysia, mấy chục năm xung đột, sự bình yên cũng mới chỉ vài mươi năm nay. Những năm chiến tranh, máy bay Mỹ đã cất cánh ở những sân bay Thái Lan ném bom xuống những làng mạc Việt Nam. Cơ hội liên lạc dường như tuyệt mù khơi. Nỗi đau tha hương, ly loạn hiện diện ngay cả ở xa đất nước.

 ***

… Buổi tối, cả thành phố đổ ra khu trung tâm. Một lễ đón mừng Năm mới đầy màu sắc và hân hoan. Ai nấy ước nguyện về một thập niên thịnh vượng mới.

Chúng tôi trở về Việt Nam và hai tháng sau, dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu. Bangkok, Viêng Chăn hay Udon Thani giờ đã lùi vào dĩ vãng. Bảy mươi năm trước, những người Việt đã bằng đôi chân vượt những con sông rộng hay cánh rừng già, để tìm liều vắcxin hay cơ hội đổi đời.

Hai năm trước, chúng tôi đi lại tự do khám phá quá khứ. Giờ đây, chúng tôi thật sự trải qua chính cảm giác của những người thế hệ trước khi bị đứt mạch liên lạc.

Thế giới giờ đây vẫn chưa thể ngã ngũ câu trả lời cho các biện pháp tiêm chủng vắcxin chống Covid-19, từng nước cô lập, khoanh vùng, dò xét các nguy cơ từ bên ngoài. Vẫn còn đó những con sông chia biên giới thế gian mà nhân loại chưa thể vượt qua…

Nguồn Văn nghệ số 29/2021


Có thể bạn quan tâm