April 27, 2024, 12:01 pm

Linh hoạt các giải pháp an toàn trong phòng, chống dịch Covid 19

 

“Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo phải thay đổi, cần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh”. Là những nội dung được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid 19 gửi tới các địa phương sau khi đã có những cuộc họp, tiếp xúc lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, và những kinh nghiệm từ thực tiễn chống dịch tại các địa phương, nhằm triển khai nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch hướng tới thích ứng an toàn, linh hoạt, có kiểm soát với dịch bệnh trong thời gian tới.

Thích ứng an toàn, chống dịch hiệu quả


Tính đến thời điểm hiện tại, vùng tâm dịch lớn nhất cả nước là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… không chỉ đã bước qua đỉnh dịch mà còn kiểm soát tốt dịch bệnh. Số ca mắc mới liên tục giảm, ca bệnh nặng, tử vong giảm ở mức thấp trong nhiều ngày liên tiếp. Cùng với đó là lượng vacxin phủ sóng trên người dân liên tục tăng cao, với đa phần đối tượng trong diện tiêm chủng đều đã được tiêm một đến hai mũi vacxin. Đây chính là cơ sở để các địa phương có những điều chỉnh linh hoạt trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid 19. Trong đó có việc nới lỏng giản cách, tạo điều kiện cho hoạt động sinh hoạt, sản xuất phục hồi.
Ghi nhận tại nhiều địa phương, một cuộc chạy đua nước rút để bù lại những tháng ngày  ‘Ai ở đâu thì ở yên đấy” đã và đang diễn ra. Lượng phương tiện tham gia giao thông giữa các địa phương đã nhộn nhịp trở lại, dù chưa thể giống với thời điểm chưa có dịch Covid 19. Nhưng cũng đủ phát đi một thông điệp cho những ngày bình thường mới: sống chung và an toàn với dịch theo những khuyến cáo cụ thể của ngành y tế.   
Tuân thủ 5 K+ vacxin và giờ đây thêm cả 5T đã trở thành mệnh lệnh bất khả kháng, thậm chí là nguyên tắc sống của bất cứ ai nếu muốn được an toàn trong dịch bệnh và có được những quyền lợi cụ thể khi bước ra ngoài cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Sự thay đổi trong nhận thức đã khiến cho xã hội Việt Nam trở thành một thể thống nhất. Không còn tâm lý kỳ thị, chờ đợi vacxin, thay vào đó là sự háo hức, mong chờ tiêm vacxin. Tinh thần “ vacxin tốt nhất là vacxin được tiêm sớm nhất” đã lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng, xã hội. Nhờ đó, tốc độ tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chủng trong dân ngày một tăng cao, tạo điều kiện cho sự mở cửa, phục hồi nền kinh tế được thực hiện thuận lợi. Mở ra cơ hội bứt phá cho nền kinh tế những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả chống dịch được cho là sẽ tạo động lực cho nền kinh tế, thì vẫn còn không ít những rào cản có thể kéo giảm, thậm chí phá sản kế hoạch tăng tốc đã được đặt ra cho những tháng cuối năm. Đó là tình trạng vẫn còn tồn tại các giấy phép con, tình trạng cát cứ tại không ít địa phương thông qua hàng loạt các yêu cầu bắt buộc như:  yêu cầu xét nghiệm đại trà ( hoặc xuất trình giấy xét nghiệm còn hiệu lực từ 48 đến 72 giờ) đối với mọi đối tượng từ địa bàn tỉnh ngoài vào địa phương, không phân phân biệt vùng xanh, vùng vàng, vùng đỏ, tiêm đủ một hay hai mũi vacxin hoặc đã điều trị khỏi Covid 19; chưa kể yêu cầu phải bắt buộc cách ly y tế các địa điểm do địa phương lựa chọn…. Những yêu cầu này khiến cho người dân, doanh nghiệp tăng gánh nặng kinh tế. Họ vốn đã khó thì với quy đinh này lại càng thêm khó. Nhiều người dân, doanh nghiệp cực chẳng đã tiếp tục chọn giải pháp “ ở yên”.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, công tác phòng chống dịch phải kết hợp hài hòa giữa tổng thể và cụ thể, giữa phổ biến và đặc thù, chính sách chung nhưng tổ chức thực hiện phải linh hoạt, phù hợp đặc thù từng nơi, phải có trọng tâm, trọng điểm... để cuộc sống được trở lại bình thường mới theo đúng nghĩa.

 

Tạo sinh khí mới


Thực tế qua hai năm chống dịch Covid 19 cho thấy, các biện pháp về cách ly, xét nghiệm, điều trị, vaccine, an sinh xã hội về cơ bản phù hợp. Tuy nhiên khi dịch đã được khống chế và kiểm soát thì vấn đề còn lại chính là Chính phủ, các địa phương phải có những  điều chỉnh để lãnh đạo chỉ đạo tập trung, thống nhất từ trung ương đến cơ sở một cách phù hợp. Câu chuyện Bộ Giao thông Vận tải gửi công văn  tới các địa phương thông báo và nhận lại những ý kiến trái chiều xung quanh việc mở lại đường bay nội địa là một minh chứng cho sự thiếu thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo giữa các Bộ, ngành, chính quyền địa phương. Cho thấy tâm lý “ cầu toàn” “sợ dịch” là một thực thế đang diễn ra hiện nay. Điều này không sai, nhưng vô hình chung tạo tâm lý hoang mang cho người dân, doanh nghiệp về tiến trình nỗ lực phục hồi nền kinh tế của chính phủ.
Tại cuộc họp giữa Chính phủ với các địa phương tổng kết về công tác chống dịch, Thủ tướng PhamjMinh Chính đã khẳng định: “Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải thay đổi. Đạt “zero COVID” sẽ là một điều rất khó khăn vì ngay tại những nước phát triển có tỉ lệ tiêm vaccine đạt 90% dân số, điều đó cũng là không thể. Chúng ta đang xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.  Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham gia ý kiến, Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn để sớm đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới.
Hiện dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An …Tuy nhiên, vẫn tồn tại các khó khăn, chưa dự báo hết tình huống trong công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố bắt đầu bước vào giai đoạn khôi phục sản xuất, kinh doanh nhưng việc bảo đảm các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch chưa chặt chẽ, hiệu quả.  Nên thời gian tới,  Thủ tưởng yêu cầu các địa phương, các cấp ngành cần đổi mới tư duy và biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình, nhất là trong những tuần tới cần tập trung triển khai 9 nhiệm vụ trọng tâm. Rong đó, Bộ Y tế chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ tích cực tham mưu để ban hành ngay quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội . Các cấp, các ngành, địa phương lưu ý nếu ban hành các văn bản để cụ thể hóa thực hiện thì phải bám sát theo đúng và dứt khoát không trái với các quy định của Trung ương; tổ chức thực hiện phải thống nhất trên phạm vi toàn quốc, chấm dứt tình trạng cát cứ, cục bộ mỗi nơi thực hiện một kiểu theo quy định riêng; kịp thời phản ánh lên cấp trên trực tiếp nếu phát hiện bất cập trên thực tế và linh hoạt theo tình huống cụ thể; các bộ, ngành chức năng kiểm tra, rà soát và tháo gỡ ngay. Ngoài ra Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng  lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó quán triệt quan điểm sản xuất phải an toàn, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong sản xuất an toàn, phát huy tính chủ động, tự chủ và nêu cao tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân với cộng đồng, xã hội, với đất nước. Bên cạnh đó là đẩy mạnh ngoại giao vacxin, tiến tới phủ sóng vác xin cho đối tượng học sinh, sinh viên giúp cuộc sống, học tập của các em được tiếp tục, thông suốt
Cả xã hội đang vận động trong trạng thái bình thường mới. Cỗ máy có chảy thẳng về dích hay không phụ thuộc vào những quyết sách linh hoạt và thông suốt từ trung ương đến địa phương. Sẽ không có kết quả tốt nếu cứ bế quan tỏa cảng thậm chí quyền anh quyền tôi trong phòng chống Covid 19, bởi sẽ không thể có thiên đường “ không Covid”.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ


Có thể bạn quan tâm