April 27, 2024, 6:11 am

Liệu đã “vẹn cả đôi đường”

 

Sau chuyện nhạc sĩ Phú Quang chấm dứt hợp đồng với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc – VCPMC;  đến gia đình nhạc sĩ An Thuyên cũng vừa có động tác tương tự. Không bàn đến những khúc mắc xảy ra giữa các bên liên quan dẫn đến việc “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Trung tâm với cá nhân các tác giả, chỉ cần bàn đến lý do mà gia đình nhạc sĩ An Thuyên từ chối đi tiếp con đường ủy thác bảo vệ bản quyền tác giả với Trung tâm, là “gia đình mong muốn tiếp tục được quảng bá những tác phẩm của cố nhạc sĩ, bởi những tác phẩm của ông còn rất nhiều, trong khi VCPMC chỉ làm mỗi việc thu phí những bài hát đã được công bố của nhạc sĩ An Thuyên…” thì rõ ràng câu chuyện đã chuyển sang một vấn đề khác…

Nghị định số 22/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2018, đồng thời các Nghị định số 100/2006/NĐ-CP và Nghị định số 85/2011/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực. Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.Nghị định gồm 6 chương, 51 điều: những quy định chung (5 điều); quyền tác giả (23 điều); quyền liên quan (5 điều); đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan (8 điều); tổ chức đại diện tập thể, tổ chức tư vấn dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan (7 điều); điều khoản thi hành (3 điều).

Với lý do này thì hẳn việc chấm dứt hợp đồng giữa gia đình cố nhạc sĩ với trung tâm bản quyền đã đủ sức thuyết phục. Nhưng cũng lại có thông tin trên mạng xã hội cho rằng hiện đang có nhiều trung tâm, nhiều công ty kinh doanh âm nhạc sẵn sàng đứng ra đảm nhận chức năng này. Do đó không loại trừ việc các nhạc sĩ thay đổi sự lựa chọn của mình, chấm dứt hợp đồng với Trung tâm để ủy thác đứa con tinh thần của mình cho những đối tác tiềm năng khác nhằm có được quyền lợi cao nhất... Sự thay đổi vì vậy có thể cho là hoàn toàn chấp nhận được bởi nó vẹn cả đôi đường.

Song mới đây có thông tin sắp thu lại phí âm nhạc qua truyền hình, chương trình mà VCPMC đang thực hiện, với số tiền các bên liên quan được nhận đã công khai trên báo chí, thì người ta vẫn có cảm giác hoài nghi, bởi mặc dù nó không quá “khiêm tốn” so với tài năng và tâm huyết của các nhạc sỹ như lâu nay người ta vẫn nghĩ. Cụ thể, nếu tính thu phí tác quyền những bài hát phát trên ti vi tại nhà hàng khách sạn, mối đầu máy là 25 nghìn đồng/ năm. Trung bình một khách sạn có hàng chục phòng, thậm chí cả trăm phòng, thì số tiền cũng không hề nhỏ. Tuy nhiên vấn đề ở đây là làm sao để biết được số các bài hát sử dụng là bao nhiều, trong khi thiết bị đếm bài hát đến thời điểm hiện tại vẫn còn là ẩn số...

Sau phản ứng của các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng, VCPMC đã phải dừng thu tác quyền âm nhạc qua tivi tại các khách sạn. Tuy nhiên, trong hội nghị sáng 11/4 vừa qua, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục bản quyền - Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch khẳng định có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp công nghệ kiểm đếm các tác phẩm phát ra. “Phần mềm xác định chi tiết một ngày có bao nhiêu tác phẩm trên tivi, ca sĩ nào thể hiện, phát giờ nào, tác phẩm thuộc băng đĩa do ai phát hành, thời lượng được trình chiếu... Các đơn vị muốn thỏa thuận được tác quyền âm nhạc với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn thì buộc phải đầu tư công nghệ kiểm đếm này”. Vấn đề xem ra đã có giải pháp. Cục cũng dự định tư vấn phương pháp này đối với các chương trình truyền hình và đã có đơn vị thực hiện. Không những thế, những nội dung khai thác từ internet cũng đang được nghiên cứu theo lộ trình; và đây cũng là bước đầu tiên để Cục triển khai Nghị định 22 về quyền tác giả, vốn được xem là cơ sở pháp lý vững chắc cho tác giả sở hữu tác phẩm, đơn vị được ủy quyền thu tác quyền và đơn vị thực thi tác quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ. Tuy nhiên dù vậy thì sự ủy thác của các bên liên quan, đặc biệt là các tác giả, vẫn cần thông qua thiết bị công nghệ hiện đại, và như vậy vô hình chung đây sẽ là khoản đầu tư bắt buộc nếu như muốn thu được phí tác quyền một cách triệt để. Khoản đầu tư này sẽ được tính vào đâu đang là câu hỏi chưa có lời giải, và kể cả khi đã có rồi thì liệu rằng với mô hình như vậy, những mong muốn của các nhạc sĩ về quảng bá tác phẩm, về minh bạch hóa các khoản thu… liệu có đươc thỏa mãn, hay tất cả vẫn chỉ là mục tiêu kinh doanh?... Và nếu như vậy hẳn mục tiêu “vẹn cả đôi đường” của người sáng tác vẫn còn là bài toán khó.

 


Có thể bạn quan tâm