April 26, 2024, 9:05 pm

Lịch sử làng

 

Mê bóng đá, làm sao mà ông Lâm bỏ được trận đấu truyền hình trực tiếp vào lúc nửa đêm. Người ông mệt rã rời, thiếp đi lúc nào không biết, đến khi bị tiếng kèn đám ma từ bên kia sông dội sang dựng dậy. Ông bực bội: mới bảnh mắt đã tò tí te rồi...

Dụi mắt nhìn, vẫn thấy mình còn nằm nguyên trên chiếc xích đu xem đá bóng tối qua. Tiếng kèn hòa với giàn bát âm lúc khoan, lúc nhặt nỉ non, ai oán. Ông lảm nhảm tự hỏi người chết là đàn ông hay đàn bà nhỉ? Nghe đấy! Không thấy thổi: “Lòng mẹ bao la như biển Thái bình...” thì đích thị là đàn ông rồi còn hỏi gì nữa. Nhưng là ai chứ? Khi tiếng loa bật hết triết áp thông báo cho làng xóm biết tên tuổi ngày tháng, năm sinh, năm mất của người quá cố, ông mới ồ lên một tiếng! À thì ra là thằng Chu. Cái thằng... Mình mới qua hắn uống rượu tuần trước thế mà... Nhanh quá!

Trong xã này ở cái tuổi thất thập cổ lai hy mà xưng hô với nhau là mày mày, tao tao có lẽ chỉ có ông với hắn, bởi lý do riêng... Ơ mà cái thằng làm tổ chức đám ma nó đang nói lảm nhảm cái gì trên loa thế nhỉ! A nó đọc tóm tắt về thân thế và sự nghiệp của thằng Chu... “Kính thưa bà con trong làng, ngoài xã: những năm Chống Mỹ cứu nước cụ Vũ Đình Chu đã không sợ hy sinh gian khổ, tự cắt tay lấy máu viết đơn xung phong ra chiến trường trực tiếp cầm súng đánh giặc. Cụ đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, góp phần làm vẻ vang cho dòng họ Vũ và cho quê hương Thượng Đồng của chúng ta... Cụ là tấm gương sáng chói để con cháu các thế hệ noi theo...”.

Nghe đến đây, ông Lâm nhảy phóc ra khỏi ghế, thốt lên: “Bố khỉ!” Hai từ ông thường quen mồm văng ra khi gặp một sự việc gì đấy chướng tai, gai mắt mà ông không làm gì được, chứ không phải dùng để chửi cụ thể vào ai. “Bố khỉ!” Cái thằng Chu mà cắt tay lấy máu viết đơn tình nguyện ra chiến trường ư? Láo toét. Cả cái làng, cái xã này không ai lạ gì hắn. Ông Lâm còn biết tận củ tỉ về hắn nữa kia, vì hắn cùng nhập ngũ với ông một ngày.

Sau ba tháng tập luyện ở thao trường, khi đơn vị có lệnh lên đường vào Nam chiến đấu thì đêm hôm trước hắn “xù”. Tưởng trốn đâu xa ai ngờ mấy hôm sau hắn mò về xã nhận cái mo đeo trước ngực với dòng chữ viết mực nghệch ngoạc: “Ai cũng như tôi thì mất nước”. Ngày nào Chu cũng bị đám trẻ con khua trống dong đi khắp làng trên, xóm dưới. Nhục không chịu nổi, hắn đành xin tái ngũ. Là lính đã từng “bốc hơi” nên đơn vị tiếp nhận giao hắn về ban xây dựng doanh trại. Nói là ban xây dựng cho oai vậy, chứ thực ra ngày ngày chỉ có việc đập đá, đóng gạch bi. Sau ít tháng hắn được chuyển qua tổ chăn bò, từ đấy hắn gắn bó với đàn bò cho đến ngày đất nước im tiếng súng thì được xuất ngũ về quê. “Bố khỉ!” Sự thật rành rành ra thế mà bọn trẻ ranh chúng mày còn xuyên tạc, làm cho thật giả lẫn lộn. Chẳng còn ra thể thống gì nữa.

Nhắp chén trà vợ đưa lên kèm với câu bà ấy nói tưng tửng làm cho ông thấy xót xa: “Cùng đi lính với ông đấy. Thế là xong một kiếp người. Chán thật”. Tự nhiên ông Lâm thấy hạ hỏa. Ừ! Có lẽ ông đã cố chấp, đã khắt khe chăng? Xét cho cùng thì ở cái xã này thiếu mẹ gì thằng vờ đau dạ dày, vờ mắt bị thong manh, trốn nghĩa vụ. Sống trên đời mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. “Nãy đúng, giờ sai, đến mai lại đúng”. Ai biết được.

Những ngày tháng cuối đời người ta thường rơi vào hai trạng thái trong tâm lý cũng như cách ứng xử với người xung quanh: sống thiện hơn hoặc là ác hơn. Cũng khi đang thế này lại chuyển sang thế kia. Nhưng dù gì đi nữa thì khi sắp nhắm mắt, xuôi tay ai cũng mong được mọi người tha thứ cho mọi lỗi lầm mà họ đã mắc phải, cầu mong một vài câu ngợi ca, có quá lời chăng nữa thì cũng chẳng sao, mất gì đâu. Nghĩa tử là nghĩa tận mà. Đến như cái cậu Bìu ở xóm dưới, mới ngoài bốn mươi tuổi, nghiện lòi tù và, bán sạch cả vẫn không đủ tiền chích choác, đành làm liều thuốc chuột. Thế mà trong đám ma cái loa vẫn ra rả phát đi, phát lại cái bản tiểu sử “Ông Bìu là một người cha mẫu mực, hết lòng yêu thương vợ con...” “Bố khỉ”. Nó nghiện hút, hư hỏng, giết vợ con nó chết là đáng đời, thương tiếc gì. Vậy mà... Cả làng ngứa ngáy như bị ghẻ, người nói ra, người nói vào, nhưng chấp làm gì. Kệ mẹ cái loa nó nói. Nó nói, nó nghe, mất gì. Vả cánh thợ kèn thuê nó khóc thì nó khóc, thuê nó nói thì nó nói.

Nghĩ vậy, tự nhiên ông Lâm thấy nhẹ nhõm trong người và bất ngờ nhận ra một điều thật đơn giản: “Ở đời không có cái gì là chính xác và chuẩn mực cả, chỉ là tương đối mà thôi và hãy chấp nhận thực tế ấy mới sống được”. Về lý thuyết là như vậy nhưng trên thực tế thì khác. Nhiều trường hợp cụ thể thì không chấp nhận được. Xem như cái việc trọng đại mà xã tin tưởng giao trách nhiệm cho ông cùng với hai cộng sự là viết lịch sử của cái xã Điền Địa này thì tiêu chí đặt ra lại rất khắt khe yêu cầu trước tiên là phải trung thực, chính xác. Với những vấn đề còn chưa rõ ràng thì cần điều tra xác minh làm rõ phải trái, đúng sai, không thể tặc lưỡi cho qua một cách vô trách nhiệm được. Mỗi câu chữ liên quan đến cả một quãng thời gian dài dặc, nguồn gốc, truyền thống, lối sống, nếp sinh hoạt của trên năm nghìn dân trong xã, nó liên quan đến danh dự, phẩm chất đạo đức, thậm chí đến sinh mệnh chính trị của một con người. Yêu cầu ấy đặt ra là chính đáng, nhưng cũng là một sự đánh đố với những người thực thi nhiêm vụ.

Khổ nỗi ông Lâm đã trót nhận nhiệm vụ rồi không cách gì thoái thác. Ông nhớ cách đây đã gần sáu tháng cái hôm xã mời lên động viên và trao nhiệm vụ cùng với ông Huy và ông Đạt. Ông Huy đã ngoài tám mươi tuổi vốn là thày đồ Nho, người duy nhất trong xã còn đọc được mấy cái chữ tượng hình. Ông Đạt nguyên là đội trưởng du kích xã, một nhân chứng sống hiếm hoi của thời dáo mác, tầm vông đi phá đồn bốt giặc. Ông Lâm được xã chỉ định làm tổ trưởng tổ viết lịch sử xã bởi ông từng là bộ đội đánh Mỹ ở chiến trường miền Nam, cấp bậc đại úy và khi phục viên về xã ông cũng đã làm nghề dạy học nhiều năm. Ông được xem là người có đầu óc minh mẫn, văn hay chữ tốt nhất trong xã hiện nay. Làm cái việc chữ nghĩa cần những người như thế. Cũng không phải ông Lâm không nhận ra cái khó khăn, phức tạp của công việc sắp tới, nên cũng đã thẳng thắn xin cho miễn nhiệm, nhưng xã không được chấp thuận. Xã nói thường vụ cũng đã bàn đi, tính lại nát đám cỏ gà mới quyết như vậy. Công việc tuy khó khăn, vất vả nhưng bù lại là sự vinh dự, được cấp trên tin tưởng. Ông Lâm là thương binh là Đảng viên. Người trong gia đình, dòng họ của ông hầu hết đều có chân trong tổ chức. Ông là người hội đủ các tiêu chí mà xã đề ra, không còn ai khác xứng đáng hơn. Xã cũng nói rõ thời gian hoàn thành bộ lịch sử dự kiến trong vòng một năm. Chế độ bồi dưỡng cho các thành viên được công bố rõ ràng, công khai. Tất cả được quy ra thóc, nhẩm tính cũng kha khá. Cán bộ chủ chốt xã đã nói đến vậy thì ông Lâm chẳng còn cách gì để từ chối. Không phải vì tiền công hậu hĩ mà ông Lâm còn nghĩ đến một cái khác lớn hơn cho mình. Không thể nói ra được. Bản tính của con người dù già hay trẻ là luôn luôn muốn thể hiện mình trước cộng đồng, dù ở đâu, lúc nào. Từ những việc to lớn quan trọng cho cho đến những việc nhỏ nhặt, tầm thường... Ông Lâm cũng không nằm ngoài cái bản tính tự nhiên ấy, nhưng ở một dạng khác. Ông biết khi mà bộ sử của xã hoàn thành, thì tên tuổi của ông và các cộng sự sẽ được ghi lại, truyền cho đời con cháu mai sau. Tự hào và vinh dự lắm chứ. Chẳng tiền bạc nào mua được. Ông Lâm cũng đã khéo léo truyền cảm hứng ấy cho ông Huy và ông Đạt, khiến hai ông hăng hái lao vào công việc bất kể ngày đêm. 

Cũng may cho các ông là việc viết sử về địa phương, nhiều xã trong huyện cũng đã làm rồi nên cũng chẳng khó khăn gì khi dựng lên một cái đề cương. Phần đầu thì chép trong gia phả của các dòng họ, hoặc lấy trong các văn bia, văn chỉ, trên các bức hoành phi, câu đối treo ở đền phủ.

Xã Điền Địa xưa vốn là một bãi sình lầy, trải qua bao năm tháng được phù sa sông Hồng bồi đắp mà nên và trực thuộc tổng Bách An. Điền Địa có bốn thôn cả thảy, nhưng do dòng sông phân lưu nên một thôn đã bị cắt sang nhập với địa phận tỉnh bạn, nay Điền Địa chỉ còn ba thôn: Thượng Điền, Trung Điền và Hạ Điền. Thôn Trung Điền còn có tên thôn Ăn Lá. Nói thế không có nghĩa là dân ở đây ăn lá. Ăn lá thì chỉ có dê, thỏ, trâu bò mới sống được, chứ người thì chỉ dăm bữa nửa tháng là toi. Tương truyền năm Bính Dần (966) tướng Trần Minh Công lấy đây làm nơi luyện quân. Quân của Ngài đông đến mức bát đĩa không đủ nên phải dùng lá cây để thay thế do vậy mới có cái tên làng Ăn Lá. Giờ gọi trệch đi là làng An Lá cho nó văn hóa hơn. Ba thôn thì hai thôn có chùa, còn một thôn có nhà thờ. Người ta quen gọi thôn này là thôn giáo. Là chùa thì tất nhiên phải thờ Phật Thích Ca rồi, còn nhà thờ thì hiển nhiên là thờ ông Giê Su chứ còn thờ ai nữa. Khác nhau vậy nhưng thôn nào cũng có đình thờ Thành Hoàng của làng mình...

Thành Hoàng làng là người đầu tiên từ xa đến vùng đất này khai khẩn, rồi trụ lại sinh cơ, lập nghiệp tạo nên làng nên xóm,rồi các họ khác kéo đến định cư cùng mở mang, phát triển. Các vị Thành Hoàng có những xuất sứ nghề nghiệp khác nhau. Thành Hoàng làng Hạ Điền xuất thân là một anh đánh dậm, nên trên ban thờ có bày chiếc dậm và cái bùng bũng. Làng Trung Điền thì trên ban thờ bày một cái tráp trên đặt cặp kính râm và cạnh đó tựa chiếc gậy bằng tre vì ông nguyên là thày bói. Còn làng Thượng Điền thì đặc biệt hơn: bên trong cung cấm có rèm đỏ thêu kim tuyến che kín đặt một chiếc hộp sơn son thếp vàng chứa một cái thớt và một con dao bầu, bởi vị này nguyên là một tay bán thịt chó.

Vậy nên sự ảnh hưởng, tác động của các vị Thành Hoàng với con dân của làng mình là rất sâu đậm, chẳng khó nhận ra. Người làng Trung Điền bao giờ cũng xem mình là nhất chẳng ai bằng, luôn nghĩ mình là thày thiên hạ, bởi Thành Hoàng làng của họ là thày bói. Không là thày thì làm sao mà phán cho thiên hạ được. Làng Hạ Điền một thời không mặn mà gì mấy với cái chính sách quy hoạch lại ruộng đất để lên cơ giới hóa nông nghiệp. Quy hoạch lại ruộng đất thì còn đâu sông ngòi, ao đầm hoang hóa cho cánh lưới vó hành nghề. Còn người làng Thượng Điền dẫu có đi thiên hạ cũng chẳng lẫn vào đâu được, nhất là cánh mày râu, họ uống rượu như uống nước lã, miệng nhai nhồm nhoàm, vung tay, múa chân, nói năng văng mạng, bốc trời bỏ vào nồi nước xáo. Thành Hoàng của làng họ làm nghề gì thì ta biết rồi...

Xã Điền Địa cũng có mấy cái địa danh đáng ghi vào sử sách như ở cánh đồng “Xứ chợ mới” có hơn hai mẫu đất cao hơn hẳn mặt ruộng xung quanh được gọi là “Mẫu Kho”. Hẳn nơi đây là khu vực nhà kho của tướng quân Trần Minh Công. Rồi bến đò “Quân Reo” chắc là nơi luyện thủy quân. Những chuyện người già nhớ kể lại như thế, cứ thế mà chép lại chẳng khó khăn gì. Mắc nhất là ở giai đoạn Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ gần đây. Gần đây nhưng mà lại phức tạp, rối rắm nhất. Phức tạp ở chỗ những người trong cuộc chẳng còn mấy ai. Hoặc còn nhưng già cả, lú lẫn. Trước một sự kiện cần thẩm định đúng sai thì họ lại không có chính kiến. Đặc biệt là nói về nhân thân của một số con người cụ thể. Họ sợ rằng khơi lên sẽ gây mất đoàn kết, tạo ra thù oán giữa người làng, người xóm với nhau.Vả cũng có những chuyện thối như cứt, bới ra làm gì mà ngửi. Vậy nhưng yêu cầu đối với các sự kiện lịch sử lại cần rõ ràng, chính xác. Ác là ở chỗ đó. Điều mà ông Lâm, ông Đạt và ông Huy không lường trước được.

Xem như cái vụ ông Lưu Đức Ty người làng Hạ Điền chẳng hạn. Trong kháng chiến chống Pháp ông Ty đi lính, làm đến chức quan một đóng ở bốt Thuần An cách nhà ba cây số. Một lần được tin có một nhóm Việt Minh, trong đó có cả một cán bộ cấp cao đang tụ họp tại một căn miếu hoang rìa làng, tên trưởng đồn ra lệnh cho ông Ty chỉ huy một trung đội đi vây bắt. Ông Ty vừa dẫn quân đến xóm đầu tiên thì bỗng nhiên lệnh cho đám lính dừng lại tràn vào nhà dân bắt lợn gà giết mổ, đánh chén cho đến say bí tỉ. Sau đấy ông mới hò hét xua quân tiến lên. Kết quả cuối cùng là bắt thêm được mấy con gà đem về cho đồn trưởng, còn Việt Minh thì đã cao chạy, xa bay. Sau vụ ấy dân làng đã chửi ông Ty như chó. Cho ông là thằng đã rước voi về dày mả tổ. Lại còn nhẫn tâm bắt lợn, bắt gà của dân, cả đến người họ hàng thân thích cũng chẳng tha. Trong chuyện này thử xét xem có phải là kế hoãn binh của ông Ty, nhằm đánh động cho nhóm Việt Minh biết rút đi hay không? Nếu đúng thế thì dân chỉ mất vài con lợn, mấy con gà mà cứu được những thành phần cốt cán của kháng chiến thì cũng đáng lắm chứ? Gia đình ông Ty không sống nổi ở làng phải cuốn nhau di cư vào Nam, giờ sống chết ra sao không ai biết.Vậy ai là người còn sống chứng kiến sự việc ấy đứng ra biện minh cho ông Ty.

Lại như ông Bộc được xem là gia đình giầu có trong làng Thượng Điền thường xuyên gửi gạo, thịt, mắm muối của nhà mình cho kháng chiến nuôi cán bộ, bộ đội. Ông đã được tổ chức tin tưởng xây dựng thành cơ sở, cài cắm lại trong vùng tề để hoạt động. Lần ấy bọn giặc bày ra một mưu kế rất hèn hạ là gom tất cả  dân làng, bất kể già trẻ, gái trai vào sân đình để dùng mọi hình thức đe dọa, trong đó chiêu trò bắt dân xếp hàng hô khẩu hiệu đả đảo Việt Minh là thâm độc nhất. Nếu người nào chống đối sẽ bị bắn tại chỗ hoặc bị đánh cho lê lết rồi bắt về đồn tống giam. Trong hoàn cảnh một sống, một chết ấy, ông Bộc không còn cách nào khác phải nén giận miễn cưỡng giơ tay nhưng không hô đả đảo. Ông biết nếu không làm thế thì đêm nay ai sẽ chuyển gạo, muối, thuốc men ra ngoài vùng tự do cho kháng chiến. Hành động của ông Bộc trong con mắt của dân làng Thượng Điền là một sự hèn nhát, sợ chết, theo giặc, bị nguyền rủa. Người bảo ông là Việt gian, là tên đòn càn hai mũi. Ngày ấy mắc vào cái tội tày trời này là bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, cho tiêu luôn, không cần phải xét xử. Rất may là ông Bộc không bị giết. Biết mình oan uổng, nhưng ông vẫn cắn răng chịu đựng, lặng lẽ hoàn thành nhiệm vụ mà tổ chức đã giao cho. Người hoạt động bí mật trong lòng địch mọi cử chỉ, hành động, đều phải do tổ chỉ đạo. Nếu tổ chức không cho phép thì liệu ông Bộc có còn được sống đến ngày hôm nay không? Cái lý suy ra là như thế, nhưng đâu đã dễ thuyết phục được mọi người.

Về trường hợp của nguyên bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Phái trong những năm bảy mươi thì đã quá rõ. Phái từng là bí thư chi bộ của làng Trung Điền vì mắc vào chuyện giai gái đã bị kỷ luật khai trừ Đảng. Mất uy tín và xấu hổ không thể sống được ở làng, Phái xin đi làm công nhân nông trường trên Tây Bắc. Khoảng năm năm sau trở về Phái mang theo mình một cái giấy giới thiệu là thường vụ Đảng ủy của nông trường. Xã đưa Phái vào danh sách cơ cấu bầu cán bộ chủ chốt. Bất ngờ Phái trúng ngay chức Bí thư, kéo dài tới hai nhiệm kỳ. Sau ngày Phái chết đột tử, tổ chức mới biết được sự thật. Chuyện là lên nông trường Phái mang theo giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt của chi bộ Đảng Trung Điền, vì Phái từng giữ con dấu. Khi về quê Phái lại giở chiêu trò ấy. Phái cầm theo giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt của Đảng ủy nông trường, vì Phái là Trưởng ban tổ chức. Một phần tử gian dảo, dối trá như thế làm sao có thể ghi cho hắn nguyên là Bí thư Đảng ủy xã được.

Biết bao nhiêu vụ việc mà ông Lâm và những cộng sự của mình đã tập hợp, nghiên cứu, sử lý kết quả, vậy mà đến trường hợp của một con người dù không nằm trong tổ chức nhưng đã gây nên những đợt sóng ngầm hết sức dữ dội trong nội bộ khiến cho nhóm viết sử bối rối, tiến thoái lưỡng nan. Đó là trường hợp của ông Cự, làng Hạ Điền. Ông là lý trưởng đời thứ ba của dòng họ Vũ, với một tư dinh đồ sộ và một cánh đồng thẳng cánh cò bay. Ông giàu có là nhờ vào sự hợp tác với Pháp và bóc lột nông dân. Lý Cự sống không có đức. Trận đói năm bốn nhăm, xã Điền Địa không nhà nào là không có người chết đói. Có nhà chết sạch chẳng còn ai. Chính quyền thuộc địa cấp gạo cứu tế, giao cho lý trưởng các làng tổ chức nấu cháo cho dân đến ăn. Lý Cự đã nghĩ ra một cái trò gian giảo hết sức ác độc để ăn bớt gạo công bằng cách trộn thêm vôi bột vào nồi cháo khiến cho nhiều người đang đói lả ăn vào bị say, choáng, nôn thốc nôn tháo cả mật xanh, mật vàng. Bóc lột là bản chất của bọn địa chủ cường hào thì không có gì phải bàn cãi, vấn đề ở đây là trong cái đận đói kém, chết chóc tràn lan cả làng cả tổng ấy thì lạ thay gia đình anh Nhi làm tá điền cho nhà Lý Cự lại không hề hấn gì. Không những thế dịp này vợ Nhi lại còn sinh được con trai. Một thằng bé kháu khỉnh, bụ bẫm, trắng trẻo. Người ta bảo là vì vợ Nhi mỏng mày, hay hạt làm công trong nhà Lý Cự được ăn uống, chiều chuộng mới được như thế. Lý Cự quyết không cho vợ Nhi về nhà. Cụ bảo là phận người ăn, kẻ ở trong gia đình Cụ đã lâu thành thân thiết, thì không nỡ bỏ. Bỏ lại mang tiếng ác. Mà cho về nhà thì lấy gì mà ăn. Ở lại đây còn có bát cơm, bát cháo độn khoai, độn chóc, ăn lấy sữa cho con nó bú. Đổi lại anh Nhi phải đến thế chân vợ làm những việc mà Cụ sai bảo. Xưa nay Lý Cự có cho không ai cái gì bao giờ, nếu không vì... Vì cái gì thì dân làng Hạ Điền biết, có phải họ câm điếc đâu. Là phận khố rách, áo ôm Nhi tặc lưỡi cho qua mọi chuyện. Thời chỉ thiếu nước vặt thịt nhau ra mà ăn thì sống được là phúc lắm rồi, mọi thứ bằng không. Ít lâu sau ngay tại nhà Lý Cự, anh Nhi đột ngột bị lính về tận nơi bắt đi tù vì tội làm Việt Minh, rồi biệt tăm hơi không thấy về làng nữa.

Lý Cự chết cách đây có dễ đã hơn mười năm, ở tuổi hơn chín chục. Cô Thu con gái út của cụ mới từ nước ngoài về. Ngày cải cách ruộng đất cô là người phụ nữ duy nhất trong làng, có da, có thịt. Cô đẹp, khiến nhiều chàng trai chỉ đứng xa nhìn, nuốt nước bọt, chứ không dám liều thân lấy con nhà địa chủ. Chán đời, cô Thu khăn gói theo người bà con dạt lên Hà Nội, rồi nhờ manh mối nào đó ra nước ngoài làm ăn. Mới rồi về quê, người già thì chẳng lạ gì cô, nhưng người trẻ thì nhìn nổ con mắt, xì xào. Làng mình mà lại có người như thế nhỉ. Cái dáng cao cao nhưng lại đầm đậm với nước da mịn màng, trắng nõn. Cô luôn mỉm miệng cười với mọi người. Không biết ở ngoại quốc cô ấy ăn thứ cơm gạo gì, uống thứ nước gì mà được thế? Ngực thì như hai chiếc lọ lu, nhúng nhính.

Cô Thu về quê ngoài số tiền bỏ ra xây mồ mả cho tổ tiên, ông bà, bố mẹ, cô dì, chú bác cô còn đầu tư cho làng xây lại Phủ tam tòa thờ Thánh Mẫu, đang bị sập xệ, nơi ngày xưa mẹ cô thường dắt cô đến đây hầu bóng, phát tiền. Cô đầu tư cho xã cải tạo, mở rộng khu chợ quê khang trang, đẹp đẽ hơn chỉ với một yêu cầu nho nhỏ: không chặt cây gạo già sù xì, vì dưới gốc cây gạo này sinh thời mẹ cô đã ngồi bán lòng lợn, tiết canh, sau ngày cải cách ruộng đất. Có một điều bí mật, rất bí mật mà cả làng sau này mới biết là cô đã tài trợ cho ông Cừ chủ tịch xã một khoản tiền kha khá. Chủ tịch xã liền đập ngôi nhà cũ, xây lại ngôi nhà mới thành một ngôi biệt thự ba tầng hoành tráng nhất vùng. Xe máy, ti vi, tủ lạnh và các vật dụng sinh hoạt trong nhà vứt bỏ, mua mới. Dân làng hết sức ngạc nhiên rồi chụp cho ông Chủ tịch xã cái mũ là lâu nay đã lợi dụng chức quyền tham ô công quỹ, giờ mới lộ mặt. Hoảng hốt, sợ chồng bị cách chức, đi tù bà vợ Chủ tịch xã đã nói ra sự thật về nguồn gốc số tiền có được, khiến cho mọi người thở phào, nhẹ nhõm. À thì ra thế. Mà cũng phải thôi. Khác họ đấy nhưng chúng là chị em ruột kia mà...

Nhưng sự đời không phải đơn giản như thế, nhất là với các vị chủ chốt đầu ngành của xã. Nhiều vị hằng đêm, hằng ngày hau háu nhắm tới chiếc ghế mà ông Cừ đang ngồi vắt vẻo. Từ lâu họ chờ đợi cơ hội ngàn năm có một này. Tha làm sao được. Không có cái lý gì mà con của kẻ có tội ác lại chễm chệ ngồi trên chiếc ghế quyền lực nhất của xã này. Thử hỏi chuyên chính vô sản ở đâu? Phải kéo hắn xuống...

Dần dần ông Lâm nhận ra những uẩn khúc thầm kín bên trong ấy. Ông hiểu tại sao mấy lần chủ tịch yêu cầu tổ viết lịch sử của xã bỏ cái chương nói về nạn đói năm Ất Dậu ấy đi vì khơi lại quá khứ đau thương đó chỉ mua thêm thù, chuốc thêm oán trong dân, không có lợi. Tại sao bỗng nhiên trong đêm, thư ký văn phòng ủy ban lại tìm đến nhà ông đưa quyết định của xã cho con trai ông quyền sở hữu lô đất gần đường quốc lộ mà bốn năm năm nay đơn từ lên xuống cũng không có hồi âm.

 Ông Lâm nhận thấy mình đã sa vào mạng lưới trận đồ bát quái đã được kín đáo giăng ra, khó mà thoát được. Mấy ngày ông nằm liệt giường suy nghĩ. Đầu đau như búa bổ. Có lẽ cái mảnh đạn tí xíu dắt trong vỏ não của ông từ ngày ở chiến trường bắt đầu gây sự. Ông Huy và ông Đạt thường xuyên đến thăm ông và đều nhận ra thái độ, cử chỉ rất khác thường của ông. Những câu ông Lâm nói ra khiến người nghe nản lòng. Bao giờ cũng bắt đầu bằng câu cửa miệng: “Bố khỉ!” Lịch sử là sự thật sao lại có thể sửa chữa, đổi trắng thay đen được. Loạn, loạn cả rồi hay sao! Vừa nói ông Lâm vừa dằn mạnh chiếc chén uống rượu xuống tập bản thảo Lịch sử xã Điền Địa, mắt ông trừng trừng nhìn ra ngoài sân, nơi con gà trống giật mình nhảy bộp từ bờ rào xuống đất, vỗ cánh kêu quang quác.

Nguồn Văn nghệ số 37/2019

 

 


Có thể bạn quan tâm