April 26, 2024, 12:01 pm

Lên Cao Bằng uống chè Phja Đén

Nguyên Bình - một địa chỉ cách mạng oai hùng

Phải nói rất tình cờ mà tôi có chuyến đi Cao Bằng đầu tháng tư năm, chuyến đi nay mang đến nhiều thú vị và những trải nghiệm mới, nhất là được trở lại Nguyên Bình. Những lần trước tôi chỉ đến mỏ thiếc Tĩnh Túc nơi có đơn vị mà tôi có liên quan công việc của cơ quan tôi. Mỏ thiếc Tĩnh Túc (thuộc Tổng Công ty Khoáng sản - Tập đoàn than - Khoáng sản Việt Nam của tôi) từ đầu thập niên sáu mươi của thế thế kỷ 20 là một vùng công nghiệp sôi động với rất đông công nhân mỏ thiếc, đã tạo nên những huyền thoại mới về sự manh nha nền kinh tế công nghiệp nước nhà khi mà ta vừa thoát khỏi ách thống trị của người Pháp gần một thế kỷ. Bây giờ mỏ thiếc đã không còn sầm uất như thời gian hơn 60 năm đi qua, nhưng vẫn còn một thị trấn công nhân ở, những dãy nhà như dán vào từng ô vuông trên vách núi dọc trục đường lưng chừng núi non ấy rất đẹp.

Hái chè ở Phja Đén.

Những dòng lịch sử còn ghi rõ về nơi này: “… sau 2 năm đi vào hoạt động, được đón Bác Hồ về thăm và động viên, lúc đó, mỏ thiếc Tĩnh Túc có 2.000 công nhân, 150 người là đảng viên…là niềm vui động viên to lớn của Bác với cán bộ công nhân mỏ thiếc Tĩnh Túc…”.  Trước dịp kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm mỏ Tĩnh Túc, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Khoáng sản - TKV đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng Khu kiến trúc lịch sử, truyền thống, văn hóa, tại trung tâm mỏ thiếc và Tượng Bác Hồ được đặt uy nghi đặt giữa trung tâm của Khu di tích lịch sử này. Đó là niềm tự hào, một giá trị văn hóa lịch sử gắn với nhân dân Cao Bằng và nhân dân ở mỏ thiếc Tĩnh Túc nói riêng, của thợ mỏ Than - Khoáng sản Việt Nam nói chung.

Huyện Nguyên Bình - một địa chỉ đỏ cách mạng có những câu chuyện đã thành huyền thoại như còn những hình bóng của các Đội viên tuyên truyền giải phóng quân ngày đầu tiên của nước Việt Nam khi còn trong sự đô hộ của người Pháp. Đó là Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo là nơi ghi dấu sự thành lập và hoạt động của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (ngày 22/12/1944), tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Với địa bàn huyện có vùng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt là Rừng Trần Hưng Đạo thì thị trấn huyện lỵ vốn rất sầm uất rồi, còn thị trấn mỏ Tĩnh Túc thì đã như thị trấn… già nua chậm chạp. Bây giờ Tĩnh Túc đã thưa vắng công nhân do diện khai thác sản xuất đã hẹp lại, nhưng thị trấn mỏ Tĩnh Túc vẫn còn chợ Tĩnh Túc hiền hòa thơm mùi lúa nương, còn nghe văng vẳng tiếng đá rơi, vì nghe như người dân ở đây còn gọi tên thị trấn là Đá rơi vì ngày xưa có rất nhiều đá tự dưng… rơi lăn xuống thung lũng từ trên những triền núi cao kia…

Và mỏ Thiếc Tĩnh Túc thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã xây dựng một khu di tích lịch sử ghi dấu chân Bác Hồ về thăm và gặp gỡ cán bộ công nhân mỏ thiếc Tĩnh Túc vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm từ mùa thu tháng 9 ấy (9/1958 - 9/2018). Cao Bằng để lại cho tôi những ấn tượng đặc biệt khi tôi đến Tĩnh Túc, giờ thì tôi lại rưng rưng xúc cảm khi chạm vào đỉnh Phja Oắc có độ cao 1.931 mét lưng chừng núi cao trên rừng quốc gia Phja Oắc mà trước kia tôi chỉ nghe kể về nó, giờ thì được bước đến tận nơi và ngắm cả rừng đỗ quyên đang mùa bung nở, sắc đỗ quyên bừng khắp núi rừng nơi đây, một cảm xúc thật tuyệt vời khi ở con đường xa hút lên núi cao vẫn còn dấu tích của một số ngôi biệt thự đang xây dựng dở của người Pháp để lại. Nếu như nơi đây có được một thị trấn du lịch như Tam Đảo, tôi chợt nghĩ thế, vì với khí hậu, với cảnh quan đẹp nhường này, nếu như có một thị trấn du lịch ở đây thì chắc hẳn địa chỉ Vườn quốc gia Phja Oắc sẽ là nơi để lựa chọn đến của nhiều du khách và yêu sự khám phá! Theo Wikipedia tiếng Việt, Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén có trên 10 ngàn ha, hay còn gọi Phja Oắc - Phja Đén là vườn quốc gia, rừng đặc dụng nằm trên địa bàn 5 xã của huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đây từng là khu nghỉ dưỡng được tìm ra và xây dựng bởi người Pháp từ đầu thế kỷ 20. Được thành lập vào ngày 11 tháng 1 năm 2018 trên cơ sở toàn bộ diện tích khu bảo tồn thiên nhiên trước đây. Vườn quốc gia có diện tích có diện tích 10.245,6 ha, trong đó 4.035,5 ha là khu bảo vệ nghiêm ngặt. Phia Oắc - Phia Đen là nơi có 352 loài thực vật, 58 loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Đây cũng là nơi được ghi nhận có 66 loài bướm… Đó là những giá trị riêng có của vùng đất Nguyên Bình xa xôi này!

Dạo chơi Phja Oắc uống chè Phja Đén!

Trong chuyến đi này, chúng tôi đã đến Đồn điền Chè Phja Đén, đỉnh cao Phja Đén có độ cao là 1.200m, là vùng thổ nhưỡng mát mẻ, tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi lần đầu đến một miền đất có rất nhiều điều lạ đến thế. Và đặc biệt hơn gặp một doanh nhân trẻ, anh rất cởi mở và tâm huyết với cây chè, một loại cây rất hợp thổ nhưỡng của miền khí hậu nhiệt đới tiểu Á này. Thực sự tôi không biết nơi này là đất trồng chè. Và cây chè và sản phẩm Trà tiên, Ô long, Hồng trà, Bạch trà và Thanh trà… của doanh nghiệp này đã và đang đứng vững trên thị trường và có nhiều cơ hội phát triển bền vững.

Rồi tôi cùng mấy anh chị em la đà tìm cách ngồi hàn huyên với chủ nhà khu du lịch sinh thái có tên cũng... lạ là Kolia, là anh Hoàng Mạnh Ngọc - anh hiện là Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Cao Bằng và biết thêm nghề chè mà anh đã theo đuổi thời gian qua. Hoàng Mạnh Ngọc sinh năm 1972 trong gia đình có đến 8 anh chị em, anh sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, lớn lên thì nhập ngũ và đi học sĩ quan hậu cần. Nhưng sau thời gian không dài phục vụ quân đội anh trở về đời sống dân sự và tham gia các hoạt động kinh doanh về xây dựng… giờ thì anh đắm đuối với cây chè ở chân núi huyền thoại Phja Đén, Phja Oắc xanh ngắt giữa non nước Cao Bằng này. Và, vì nhờ nghe câu chuyện của Hà Mạnh Ngọc mà tôi đã có dịp để tường tận về nghề làm chè, chế biến sản phẩm từ lá chè bình dị kia thành các sản phẩm từ bình dân đến hảo hạng của doanh nghiệp đã tạo nên thương hiệu là  Chè Hoàng Mạnh Ngọc.

Doanh nghiệp chè của Hoàng Mạnh Ngọc có tuổi đời còn trẻ, nhưng đã tạo ra các thương hiệu và đã có thị trường ổn định với các loại trà như Trà tiên, Bạch trà, Hồng trà, Ô long. Riêng sản phẩm Thanh trà là do chính chủ nhân Hoàng Mạnh Ngọc tự mày mò và tìm ra cách chế biến và đáp ứng được thị trường người Việt rất tốt. Còn loại trà có cái tên rất… lạ là Đông Phương mỹ nhân thì là một kỳ công của nghề chế biến chè mà Hoàng Mạnh Ngọc đã tiếp thu được từ ông thày Đài Loan để sản xuất. Theo cách thức mà Hà Mạnh Ngọc tiếp thu thì, từ khi thu hái búp chè cũng đã phải lựa thời gian, lựa mùa sinh trưởng của chè như lứa búp đầu không khai thác làm loại chè này. Phải từ tháng 5 trở ra, khi loài bọ dầy xanh sinh trưởng, nó chích vào lá sinh ra một loại kháng thể và khi đó các búp chè xun lại là lúc cho người thu hái về để chế biến. Nhưng để chế biến được đảm bảo các tiêu chí tốt nhất thì phải ủ những lá chè đó ít nhất một tuần sau khi thu hái và còn nhiều những nguyên tắc khác, nhưng chủ yếu là cách nhận thức được từ người chế biến. Không chỉ mắt nhìn, mà còn mũi ngửi, và cảm nhận hương vị của những lá búp chè kia đã được chưa là một hành trình không hề… dễ như ai đó nói về công việc sao chè thì có gì mà nhiêu khê đến thế. Nhưng là người làm trực tiếp, săn sóc từng mẻ chè mỗi ngày em mới có được cái cảm thức riêng đó các chị ạ, chất giọng ấm áp của Ngọc khiến tất cả chúng tôi đều à lên vì những gợi mở thú vị với nghề chè của doanh nhân trẻ Hà Mạnh Ngọc.

Và loại chè Đông phương mỹ nhân này đòi hỏi rất tỉ mỉ từ khi trồng cây đến khi chế biến để có thể ra được sản phẩm tinh tế đặc biệt đó, giá thành một kilogam chè Đông phương mỹ nhân ở Đài Loan là một ngàn đô la. Một cái giá cho một kilogam trà như thế, nhưng khách hàng rất ổn định, đủ thấy giới sành trà, thưởng thức trà hảo hạng luôn là những câu chuyện thú vị mang những màu sắc riêng, có màu sắc của sự huyền bí dành cho những người mê chè, sành chè! Là cái thú thưởng trà đối ẩm hay độc ẩm của người phương Đông đã trở thành một “đạo trà - trà đạo” thịnh hành trong dòng chảy văn hóa cộng đồng người mê chè lâu đời từ giới thượng lưu đến người bình dân.

Chúng tôi ngồi với Hà Mạnh Ngọc cả tỉ thứ chuyện lan man với giời đất, với con người, với tâm tư của anh cựu quân nhân khá thành đạt ở vùng chè Cao Bằng dưới chân núi vườn quốc gia Phja Oắc. Anh chỉ vào tủ giới thiệu sản phẩm thì biết chè của Kolia khá phong phú… Hoàng Mạnh Ngọc rất xởi lởi và tỉ mỉ nói về nghề chè mà anh bắt đầu đam mê với canh tác chè theo phương pháp hữu cơ. Cách canh tác nông nghiệp hữu cơ của công ty anh đã được hiệp hội sản xuất nông nghiệp thế giới công nhận, điều này thực sự không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Vì phương pháp canh tác này mà các lứa chè của Kolia cũng khác nơi khác với lần thu hoạch. Ví như nơi khác họ trồng và thu hái chỉ tầm nửa tháng được một lứa, còn ở Kolia thì là bốn mươi lăm ngày. Cách thức mỗi nơi mỗi khác để tạo ra sản phẩm chè đặc biệt của mình. Với thời gian đam mê với chè, tâm huyết với chè chưa phải là dài, nhưng Hoàng Mạnh Ngọc đã tiếp cận rất nhanh và hiệu quả khi có được chuyên gia về chè người Đài Loan giúp đỡ, ông thày đã truyền cái cảm thức của người làm chè rất kỹ lưỡng và cẩn trọng. Vì thế mà Hoàng Mạnh Ngọc đã từng bước tiếp nhận và dồn tâm sức cho sản phẩm chè mà Công ty của anh đặt là Trà tiên. Hoàng Mạnh Ngọc bảo, em kể cho các chị nghe nhiều công đoạn làm chè, nhưng để thực hiện được các công đoạn đó thì không hề đơn giản chút nào. Và chúng tôi theo chân Hoàng Mạnh Ngọc sang xưởng chế biến chè của anh. Mùi hương chè bay bay trong khoảng không gian của khu du lịch sinh thái chân đỉnh cao 1200m núi Phja Đén rất đặc trưng. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được biết công đoạn chế biến chè theo những nguyên tắc nghiêm ngặt mà Ngọc nói là “làm hương, lên hương cho chè”. Công việc này đòi hỏi ngay từ khi những búp chè được thợ hái chè về đổ ra sân phơi ngay, trong cái nắng núi có nhiệt độ tầm gần 20 độ C. Những búp chè được đặt lên những chiếc nong tre lớn, họ đặt thứ tự trên các giá để chè. Rồi người thợ cần mẫn “đảo nong” theo giờ giấc quy định rồi, xong công đoạn “lên hương” này mới đến đoạn đưa vào lò sấy, nhưng việc sấy cũng phải căn cứ nhiệt độ từng mẻ, theo một quy định nghiêm ngặt mà anh thợ làm chè đã thuần thục. Chúng tôi như được ướp bởi một không gian mùi hương khi đứng giữa các nong chè đang được “lên hương” rất thú vị, một mùi thơm dịu nhẹ mà quyến luyến!

Không phải Hà Mạnh Ngọc nói quá lên cái công đoạn đó, mà đúng như khi chiều, tôi gặp anh thợ trông chè ở sân phơi, anh cũng là người thực hiện các công đoạn ở xưởng chế biến chè, tôi hỏi lơ ngơ cái công đoạn sao chè, chế biến chè khó không, anh bạn trẻ bảo tôi, cháu phải ngồi để biết “cữ” cái lá, cái búp chè nó quăn héo đến độ nào. Nếu quăn héo quá cũng không được, vậy làm thế nào thì biết nó quá “cữ”, anh bạn trẻ trả lời, thì… kinh nghiệm thôi cô ạ, vì cái này cháu không kể được, vì nó chỉ là cảm nhận kinh nghiệm của mỗi người làm nghề cô ạ. Giống như lát nữa các búp chè này sẽ lên các cái nong ở khu xưởng chè, và sẽ từng công đoạn để “lên hương” cho chè. Cô sẽ thấy thợ chè lại tiếp tục các công đoạn ở đó khi nào “đủ cữ” mới đưa vào máy sao chè. Nhưng không phải chè nào cũng có công đoạn giống nhau. Loại chè Đông phương mỹ nhân hay Ô Long Kolia đều có cách thức chế biến nghiêm ngặt, bắt đầu từ chọn cây giống cho đến kỳ thu hái đều phải tuân thủ các công thức đã có.

Tôi nhớ mỗi chiều đi qua khu trồng chè nguyên liệu, đi qua khu trà ô long ở vườn đồi, những búp chè mơn mởn, chúng tôi vặt một vài búp ăn rất ngọt, ngay đầu dãy là có ghi tên biển Chè Ô long - vì có biển ghi rõ nên tôi mới biết là khu đó là nguyên liệu cho riêng chè Ô long. Có lẽ từ những sự tỉ mỉ ấy mà cây chè được chú trọng, nâng niu như những báu vật để rồi lại chế biến ra những sản phẩm thượng hạng khác và cũng trở thành báu vật của thiên nhiên ban tặng cho con người. Giống như hương đất, hương rừng từ ngàn đời đã dâng cho con người những vị tinh túy nhất. Và hương chè ở thảo nguyên Phja Đén đã góp phần cho mảnh đất Nguyên Bình xa xôi của Cao Bằng ngoài việc giàu có về tài nguyên khoáng sản còn giàu có từ nguồn đất đai trù phú này. Chè Phja Đén hay Trà tiên Koila đã và đang dâng hương đời cho mảnh đất hùng vỹ Cao Bằng.

Chúng tôi tạm biệt Phja Đén, tạm biệt ngôi nhà thân thương có tên rất… lạ là Kolia với nhiều cảm xúc đan xen, nhưng là cảm xúc của dư vị hương chè, tình người nơi đây. Và tôi kịp nhận ra, cái tên Kolia hóa ra là doanh nghiệp anh Hà Mạnh Ngọc đã lấy tên con đèo trên cung đường từ thành phố Cao Bằng lên vùng đất có mỏ thiếc Tĩnh Túc từ đầu thế kỷ 20. Trong đoàn kỹ sư làm tuyến đường đó, có cô kỹ sư người Pháp tên là Colia khi tham gia mở đường đã ốm và mất ở đây, dân địa phương thương mến cô và đặt luôn con đèo chưa có tên mang tên cô là Colia (cái tên Colia hay Kolia đều là cách gọi tên cô kỹ sư người Pháp). Nhưng doanh nghiệp trẻ Hà Mạnh Ngọc bảo, em muốn lấy cái tên đó như là một cách tri ân những người đã mở đường cho quê hương miền núi xa xôi này! Thật trân trọng tấm lòng của người con quê hương cách mạng Nguyên Bình.

Một câu chuyện rất mỏng trong vô vàn câu chuyện huyền thoại ở mảnh đất này. Không chỉ riêng tôi mà nhiều anh chị em đồng nghiệp làm văn, làm báo đều trào lên những cảm xúc vô cùng đặc biệt khi có những ngày tuy ngắn khi tham gia chuyến thực tế sáng tác ở đây, cái hương chè nồng đậm tình người cứ quấn quýt, cứ níu giữ và như tặng cho chúng tôi thêm một món quà vô giá trong cuộc hành trình cuộc đời vô vàn mến thương này. Như tặng cho chúng tôi mang về cả một trời Phja Đén ngọt ngào của hương vị chè, của cái lành lạnh trên đỉnh cao 1931 mét đỉnh Phja Oắc. Những món quà vô giá khi chúng tôi có dịp đến miền rừng xa đẹp như những bức tranh của muôn hoa đua nở, một món quà Cao Bằng thắm thiết vô ngần của vùng non sông cẩm tú này.

Nguồn Văn nghệ số 23/2022


Có thể bạn quan tâm