April 26, 2024, 1:15 pm

Lế hội minh thề

 

Mỗi khi xuân về như có sợi dây vô hình nào đó kết nối giữa trời và đất. Bao mạch nguồn được khơi thông bởi không gian xuân thật mỹ miều, đẹp đến ngỡ ngàng. Tóc xuân mượt mà, thướt tha làm xao xuyến bồi hồi đến tận gan tận ruột. “Mỗi trận mưa xuân như trời tra hạt. Ủ ngày xanh mở mắt bật mầm. Từng giọt xuân trong veo được chắt ra từ lớp lớp tâm hồn”.

Có bánh xe lịch sử nào quay ngược được thời gian, để thần dân đặt niềm tin vào mùa xuân cách nay hơn nửa thiên niên kỷ. Giấc mơ ngày ấy lung linh như rừng hoa kỳ vỹ. Dọc hành trình thời gian mắc cạn cuối bến bờ. Những ước vọng xa xưa không biết đến bao giờ. Cho đất Việt kỷ cương, bình an, yên vui như thời đó. Bao cảm nhận hương xuân rạo rực trên con đường quê còn vương nhung nhớ. Nơi “mặt trời chan hòa”(1 trên đất Hòa Niểu(2) thân thương.

 

Hình ảnh trong lễ hội Minh thề. Ảnh Internet

Mảnh đất Bắc Triều (3) gắn liền với sự hưng thịnh những năm trị vì của thời nhà Mạc tỏa hương: “Người đi đường không nhặt của rơi, cửa ngoài không đóng,... trâu bò thả chăn không phải đem về….  Trong suốt những năm trị vì, các vua Mạc đều sớm ra đi. Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn trở thành nhiếp chính. Mọi việc nhỏ to đều sắp đặt theo ý Người trong cung cấm. Sáu mươi lăm năm hậu cung không có biến loạn, lên thác xuống ghềnh. Thầm ơn Người hết lòng vì những ước mơ xanh. Cho quê hương mình và thần dân Đại Việt.

Không biết lễ hội Minh Thề có tự bao giờ, chỉ biết rằng làng Hòa Niểu có ngôi chùa thiêng mang tên Thiên Phúc. Đến giữa thế kỷ mười sáu thì Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đã đến tu hành và tự bỏ tiền làm công đức. Cũng từ đây Người cùng dân làng lập ra hội Minh Thề.

Hơn nửa thiên niên kỷ qua, dân Hòa Niểu vẫn giữ gìn và phát huy tính nhân văn của Minh Thề ở vạt đất thôn quê. Hàng năm vào ngày mười tư đến hết mười sáu tháng giêng âm là diễn ra lễ hội. Các nghi lễ được cử hành long trọng để nhớ về nguồn cội. Chủ tế và các vị Bồi tế dõng dạc đọc chúc văn. Ngay sau đó là lễ dâng rượu, dâng nước, dâng hương trong tiếng réo rắt của ban nhạc bát âm. Giây phút tiếp theo là các bô lão, chức dịch, dân làng với quần áo chỉnh tề cùng muôn quan khách. Theo thứ bậc tập trung tại sân miếu ngắm nhìn về phía trước. Điệu múa “chỉ trời vạch đất” và vẽ một vòng tròn lớn dưới chân Chủ tế thật ngỡ ngàng. Một bàn thờ đặt trước Đài thề hướng về cửa miếu nghiêm trang.

Ba vị chức dịch đại diện cho các hội Tư văn, Bô lão và Ban Tổ chức lên thắp hương cầu khấn. Lạy bách thần và đất trời chứng giám. Trùm Tư văn với Hịch văn dõng dạc đọc Minh Thề. Tất cả thần dân đều chăm chú lắng nghe. Từng chữ, từng lời được thấm vào trong tâm khảm. Với tiêu chí lấy công làm trọng, không phân biệt giàu nghèo, dẫu là quan hay dân, không vì cơ hàn mà xâm phạm của công. “Tất cả chức sắc bô lão và thường dân, từ kẻ sỹ đến nhà nông trong hương thôn, ai dùng của công làm việc công, xin thần linh phù hộ. Nhược bằng, người nào lấy của công về làm việc tư, cầu xin thần linh trừng phạt… Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”.

Tất cả đồng thanh cùng hô “y hệt lời thề”. Tiếng hô kia vang vọng tới khắp vùng quê. Người Chủ tế cầm dao bầu cắm mạnh xuống vòng tròn Đài thề thể hiện lòng tâm huyết. Rồi nghi lễ cắt tiết gà trống hòa vào bình rượu xuân thơm nức. Được truyền tay nhau mỗi người một ngụm uống nhâm nhi. Khảng định quyết tâm chống “tham nhũng” đến cùng khắp chốn cùng quê.

Lễ hội Minh Thề được xem là “có một không hai” trong dải đất hình chữ S. Vào thời Nguyễn được vua ban bốn chữ vàng “Mỹ Tục Khả Phong” tiếp thêm sức cho dân và cho bao mơ ước. Năm Quý Dậu - 1993, chùa Hòa Liễu được nhận bằng về di tích lịch sử cấp quốc gia. Lễ hội Minh Thề vào năm Đinh Dậu - 2017 được công nhận là di sản phi vật thể nước nhà. Mong lễ hội này được nhân rộng ra toàn quốc. Từ “chín tầng trời” cho đến thường dân cùng đoàn kết. Lấy nội dung Minh Thề làm tấm gương soi!

--------------

[1] Nghi Dương, nghĩa là “mặt trời chan hòa”, tên cũ của h. Kiến Thụy ngày nay

[1] Hòa Niểu (tên Nôm là Neo), tổng Văn Hòa, huyện An Lão, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Từ năm Thành Thái thứ 3 (1891) thì tổng Văn Hòa được cắt về huyện Nghi Dương, tỉnh Hải Phòng, nay là thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng

[1] Từ Ninh Bình trở ra là Bắc Triều, còn từ Thanh Hóa trở vào là Nam Triều

 

Tô Ngọc Thạch


Có thể bạn quan tâm