April 27, 2024, 3:22 am

Lắng nghe lời biển hát, sóng ru

 

Pho tượng được đặt ở đầu tuyến đường Võ Nguyên Giáp-Võ Văn Kiệt, Đà Nẵng. Tên tượng là “Sóng biển”, nơi đặt tượng cũng cách biển không xa lắm, đủ để ngày và đêm, tượng vẫn được nghe lời biển hát – sóng ru về câu chuyện “Việt Nam, Đà Nẵng trong tim tôi - Một công dân ở tận Bắc Âu xa xôi”.

 

Lắng nghe lời biển hát, sóng ru

Tượng “Sóng biển” mang nặng những cảm xúc dạt dào mà người Cha tinh thần của tượng đã gửi gắm: Điêu khắc gia người Na Uy, ông Oyvin Storbaekken.

 

Nghệ sỹ điêu khắc Oyvin tặng tượng “Sóng biển” trước khi chia tay Đà Nẵng, chia tay Việt Nam. - Ảnh Trần Ngọc

“Thật khó để bày tỏ bằng lời, tình cảm tôi dành cho thành phố này. Và tôi gửi gắm nhiều cảm xúc trong tôi vào từng thớ đá. Tác phẩm “Sóng biển” được khơi gợi từ không gian bao la của biển cả. Biển cả vây quanh đây, như người mẹ lúc vỗ về, lúc bảo bọc cho người dân Đà Nẵng – những người bạn thân thiết của tôi từ những năm 2000. “Sóng biển” được cách điệu thành hình tượng trên cánh tay người phụ nữ. Bao đời nay, biển và người dân Đà Nẵng gắn bó thiết tha…” – Điêu khắc gia Oyvin bày tỏ hôm diễn ra nghi thức trao tặng tượng “Sóng biển” (ngày 2/4/2018).

Kỷ vật trước khi chia tay Đà Nẵng của Nghệ sỹ điêu khắc Oyvin là sự ngưng đọng và thẩm thấu nhiều kỷ niệm đã khắc sâu trong ông, về cái nơi ông đã đến và miệt mài làm việc suốt 16 năm qua. Do tuổi tác, sức khỏe, ông phải nói lời tạm biệt “Tình yêu của tôi dành cho đá thì vẫn luôn tràn đầy, nhưng đôi tay, đôi chân thì đã yếu dần”. 

Năm 2021 này, Người đã dành một tình yêu sâu nặng cho điêu khắc Việt Nam đã bước sang tuổi 74.

 “Khi hay tin Điêu khắc gia Oyvin dồn hết tâm lực và trí sáng tạo, tự tay thực hiện và gửi tặng Đà Nẵng tượng “Sóng biển”; tôi và nhiều anh chị em đồng nghiệp, cộng sự đều bồi hồi xúc động. Điêu khắc gia Oyvin, đến giờ khắc cuối còn làm việc ở Đà Nẵng, vẫn như con tằm rút ruột nhả tơ dâng đời. Ngành Văn hóa chúng tôi lập tức khảo sát thực địa, bàn bạc sau đó đề xuất đặt tượng tại một vị trí trang trọng. Đó là một trong những tuyến đường lớn và đẹp nhất của Đà Nẵng, nằm ngay trên vành đai du lịch ven biển Đông. Chúng tôi cố làm những gì có thể, để tri ân Nghệ sỹ Oyvin Storbaekken …” – Nghệ sỹ nhân dân Huỳnh Văn Hùng, Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao Đà Nẵng chia sẻ.

 

Những khởi đầu câu chuyện của tấm lòng

Nghệ sỹ Oyvin Storbaekken – tác giả tượng “Sóng biển” – cũng là người đã khai mở hành trình ra đời Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng - Quỹ phi lợi nhuận về nghệ thuật đầu tiên ở Việt Nam hoạt động vì sự phát triển nghệ thuật điêu khắc.

Quỹ ra đời với mục tiêu ưu tiên phát triển nghệ thuật điêu khắc ở Đà Nẵng, góp phần vào sự phát triển của ngành điêu khắc địa phương và cả nước. Quỹ cũng là “bà đỡ” bảo trợ, khen thưởng các hoạt động sáng tác, nghiên cứu, phát triển về nghệ thuật điêu khắc… Một nội hàm hoạt động vốn chưa có tiền lệ!

Năm 2002, cùng với người bạn thâm giao - Họa sỹ Đặng Văn Tỵ - sau lần gặp gỡ (tại Viện Nghệ thuật Quốc gia Oslo-Na Uy), rồi trở thành thân quen, điêu khắc gia Oyvin Storbaekken có lần hành trình đầu tiên đến Việt Nam. Ông đến để dự triển lãm đầu tiên của bạn mình tại Hà Nội.

Một bài viết trên tạp chí nghệ thuật ở Na Uy “Kunst for alle-Nghệ thuật cho mọi người” kể lại rằng, trong chuyến đi lần đó, Oyvin Storbaekken đã nói với người bạn đồng hành (họa sỹ Đặng Văn Tỵ): “Đến một nơi mà không có gì để làm thì tôi không thích”. Thật bất ngờ, ông được mời tham gia một Trại sáng tác và triển lãm tượng ở Hà Nội. Trong thời gian 6 tháng, ông được hỗ trợ chỗ ở và chỗ làm việc với các thợ điêu khắc gỗ ngay trên đường phố Hà Nội.

“Mặc dù còn thiếu thốn, nghèo khó, người Việt Nam vẫn đầy thiện chí và hiếu khách. Điều đó khiến tôi quyết định phải làm cái gì đó đền đáp” – Ông nói thêm.

Việc phải dùng đến gỗ như một chất liệu chính để sáng tác, với Oyvin là khá nhạy cảm. Gỗ được khai thác từ rừng là điều không nên. Ông quyết định chuyển sang chất liệu đá, và đó cũng là sở trường của ông. Ông quyết định phải đi tìm một địa điểm mới để sản xuất các tượng điêu khắc lớn bằng đá ở Việt Nam. Và Oyvin Storbaekken đã đi đến phía nam Đà Nẵng, tìm hiểu môi trường điêu khắc đá ở một làng nghề nổi tiếng từ lâu đời.

“Ở Đà Nẵng, tôi gặp ông Hồng (Nghệ sỹ điêu khắc Phạm Hồng, lúc đó là Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng). Cả hai chúng tôi đều cho rằng việc đào tạo thợ điêu khắc để họ có đủ trình độ thực hiện các yêu cầu của các nhà điêu khắc phương Tây là điều khá thú vị. Phương Đông và phương Tây có cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau cả về hình thể lẫn giải phẩu học” – ông Oyvin kể với “Kunst for alle”.

Dừng chân ở làng đá mỹ nghệ Non Nước, ông Oyvin đã quan sát rất kỹ và không quên hỏi chuyện những người thợ ở đây. Cảm nhận của ông là để sống được với nghề điêu khắc, những người thợ địa phương này cần phải nỗ lực nhiều hơn. Họ cũng cần được đào tạo, nâng cao tay nghề, để làm ra các tác phẩm khó hơn, chất lượng cao hơn.

“Bác Oyvin chia sẻ rằng, bác ấy muốn đưa nghề điêu khắc phát triển thành một bộ môn nghệ thuật đúng nghĩa, chứ không phải chỉ dừng lại với quan niệm là một nghề thủ công, sản xuất để thương mại sản phẩm. Một nhà điêu khắc phải song hành hai nhiệm vụ: tạo ra sản phẩm thương mại để kiếm sống và sáng tạo tác phẩm nghệ thuật" – Chị Phan Quỳnh Hương, Giám đốc Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng, kể.

Rời Đà Nẵng lần đó, Nghệ sỹ điêu khắc Oyvin Storbaekken đau đáu với một dự án mà ông vừa nghĩ ra đã muốn bắt tay thực hiện ngay. Đó là sớm hỗ trợ nâng cao tay nghề cho những người thợ điêu khắc ở làng đá địa phương này, giúp họ có đủ năng lực chuyên môn, thực hiện đúng yêu cầu của thị trường sản phẩm điêu khắc phương Tây..

Đề xuất tâm huyết của Nghệ sỹ Oyvin được đệ trình lên Chính phủ và Bộ Ngoại giao Na Uy. Và sau nhiều lần cân nhắc, cuối tháng 11/2002, Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (Norad) đồng ý tài trợ toàn bộ kinh phí. Sau này, dự án còn nhận được sự trợ giúp một phần từ Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NAV).

Được thành lập từ năm 2003 dưới sự tài trợ của NORAD (từ năm 2003 – 2006) và của NAV (từ 2007-tháng 6/2009), dự án đã nhận được kênh viện trợ khoảng 16,5 tỷ đồng. Đặc biệt, với Norad thì đây một ngoại lệ, bởi NORAD có quy định là không bao giờ tài trợ cho cá nhân.

Nghệ sỹ điêu khắc Phạm Hồng nhớ lại và kể: Vậy là cùng với “Phu nhân Marit”, tháng 3/2003, ông quay trở lại Đà Nẵng, để “bắt đầu dự án”. Được sự hỗ trợ từ những người bạn ở Hội Mỹ thuật Đà Nẵng, ông đã thuê đất và dựng nên những mét vuông nhà xưởng đầu tiên của “Dự án Điêu khắc Đà Nẵng”. Ông bà đặt mua cả thiết bị, dụng cụ làm nghề được sản xuất ở CHLB Đức, Italia, đóng thùng mang sang.

Cũng với sự giúp đỡ từ Hội Mỹ thuật Đà Nẵng, ông hoàn thiện đề án thành lập Dự án Điêu khắc Đà Nẵng, thời hạn hoạt động là 4 năm để trình lên Ủy ban nhân dân thành phố …

 

Anh Trần Hữu Sơn con của Nghệ nhân Trần Hữu Tín – hai thế hệ đã cùng làm việc tại dự án. Ảnh : Chia sẻ từ Quỹ điêu khắc Đà Nẵng.

“Nhiều anh em thợ điêu khắc, phần lớn là cư dân của làng đá Non Nước, rất yêu nghề, về cơ bản đã thành thạo với công việc của người thợ điêu khắc đá, lần lượt được tuyển để bắt đầu quá trình đào tạo. Đây cũng là khóa đào tạo đầu tiên, truyền đạt kỹ thuật và phong cách điêu khắc của Châu Âu kết hợp kỹ thuật và phong cách điêu khắc truyền thống của làng đá mỹ nghệ địa phương.

Ngày ngày, với sự hướng dẫn của Thầy Oyvin, Thầy Phạm Hồng các thợ trẻ Làng đá Mỹ nghệ Non nước được hướng dẫn về giải phẫu học, vẽ cơ bản, được hướng dẫn và thực hành bố cục hình khối chính xác đến từng milimét qua công đoạn nặn tượng bằng đất sét, hay đúc tượng thạch cao. Mỗi tuần, các học viên có 3 buổi học tiếng Anh để thuận tiện trong tiếp thu bài giảng cũng như hướng dẫn, trao đổi với Thầy Oyvin và các chuyên gia” – Nghệ sỹ Ông Văn Sinh, Nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật thành phố, Chủ tịch đương nhiệm Quỹ cho biết.

Tâm huyết của Thầy Oyvin ngày nào nhanh chóng hiện hữu trong thực tế chứ không còn là ý tưởng trong nghĩ suy.

 “Nghề thủ công mỹ nghệ của Làng đá Non Nước Đà Nẵng đã được “ghi danh” là di sản văn hóa phi vật thể. Nghề có tính cha truyền con nối, đời sau kế tục sự nghiệp đời trước, miệt mài với công việc, gìn giữ nghề. Ngoài lòng yêu nghề, người thợ điêu khắc đá dưới chân núi Ngũ Hành cũng luôn ấp ủ những ý tưởng sáng tạo và đã có những tác phẩm nghệ thuật. Song, để đạt trình độ và đẳng cấp chuyên nghiệp, đa dạng trong phong cách sáng tạo thì còn rất nhiều yếu tố khác. Người thợ làng đá phải học hỏi, vươn đến.

Điêu khắc gia Oyvind Storbaekken đã cùng Nghệ sỹ Phạm Hồng đã cần mẫn làm công việc của Người Thầy trong suốt nhiều năm mà không hề đòi hỏi gì. Bởi cả hai Thầy đều muốn nghệ thuật điêu khắc Đà Nẵng phải vươn ra thế giới, người thợ phải chuyên nghiệp hơn và có phương pháp sáng tác hiện đại hơn” - Nghệ sỹ nhân dân Huỳnh Văn Hùng nhìn nhận.

 

Từ trái tim đến trái tim, từ tấm lòng đến tấm lòng

“Khoảng từ năm 2006 đến năm 2009 là giai đoạn giao thời, chuyển tiếp. Việc xin thành lập Quỹ điêu khắc (vào thời điểm này), gặp một số vướng mắc về pháp lý. Tổ chức NAV đã đứng ra đảm nhận công tác quản lý dự án, kéo dài thêm thời gian hoạt động. Còn kinh phí hoạt động lúc này chủ yếu từ dịch vụ điêu khắc” – Bà Phan Quỳnh Hương (lúc này đã chính thức về công tác tại dự án) chia sẻ.

Với những thế hệ học viên đầu tiên được đào tạo 3 năm về tạo mẫu, sao chép tượng, phóng tượng, và các kỹ thuật cắt đá của phương Tây, xưởng bắt đầu hành nghề với một tâm thế mới: Trình độ tay nghề cao của đội ngũ thợ điêu khắc ở đây hoàn toàn đảm nhận được những đơn đặt hàng có yêu cầu cao về sản phẩm.

“Chúng tôi chuyển sang giai đoạn “xúc tiến kinh doanh dịch vụ điêu khắc” và đã chào bán sản phẩm với giá cả hợp lý, cạnh tranh. Chúng tôi còn có một “người đỡ đầu” tuyệt vời là Thầy Oyvin Storbaekken. Ngân sách quảng bá, marketing quá hạn hẹp, chúng tôi phải dựa hoàn toàn vào việc tạo dựng uy tín thông qua việc làm hài lòng khách hàng. Và những truyền miệng của khách hàng đã marketing rất hữu hiệu. Website của chúng tôi (www.danangsculpture.com)”, ngày càng có nhiều người xem - chị Quỳnh Hương, kể tiếp.

Từ trái tim đến trái tim, từ tấm lòng đến tấm lòng, Dự án Điêu khắc Đà Nẵng tiếp tục được kế thừa và phát huy các thành quả với Quyết định số 4781/QĐ-UBND ngày 25/6/ 2009 của UBND thành phố Đà Nẵng (Quyết định cũng là giấy phép thành lập Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng, công nhận Điều lệ Quỹ). Nghệ sỹ Oyvin, chị Phan Quỳnh Hương cùng tổ chức NAV cũng là những người nung nấu ý tưởng thành lập Quỹ điêu khắc này. Điêu khắc gia Oyvin Storbaekken, sau đó, trở thành Cố vấn cấp cao của Quỹ.

Điều đáng nói trước tiên, là từ khi thành lập đến nay, Quỹ hoàn toàn tự chủ về tài chính, nguồn thu từng bước được cải thiện. Năm 2015, Quỹ cùng với Hội Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức và trao giải đợt vận động sáng tác điêu khắc với chủ đề “Vì biển đảo quê hương thân yêu”. 2 năm 1 lần, Quỹ đã tài trợ nhiều hoạt động sáng tác của Hội Mỹ thuật Đà Nẵng.

Ngày nay, khi đến với xưởng sản xuất của Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng (rộng 2.600 m2) nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước một cơ ngơi bề thế. Ngay ở lối vào là sân vườn tượng cổ điển, đủ để khách trầm trồ về sự tinh xảo. Dừng lại và ngắm nhìn, mỗi tác phẩm đều có thần sắc và linh hồn. Đi sâu vào trong mới là xưởng sản xuất. Bộ phận điều hành Quỹ cũng làm việc tại đây. Để thuận tiện cho các nhà điêu khắc quốc tế đến làm việc tại xưởng, một khu phòng nghỉ đã được xây dựng ngay trong khuôn viên. Cơ ngơi này do Hội đồng quản trị và Ban điều hành Quỹ tự cân đối kinh phí và đầu tư xây dựng.

Nhìn lại thuở khởi đầu, cho đến ngày nay, từ “Dự án Điêu khắc Đà Nẵng” được Thầy Oyvin khai sinh; đến quyết tâm duy trì dự án và sự ra đời của Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng (do Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật và Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng đồng sáng lập), dù ở mô hình nào, hoạt động của dự án và của Quỹ cũng hướng đến thúc đẩy giao lưu văn hóa, nghệ thuật điêu khắc trong và ngoài nước.

Lần lượt đã có hơn 100 Nhà điêu khắc từ Thụy Điển, Canada, Mỹ, Pháp, Đức, Israel, Anh, Na Uy, Đan Mạch, Canada, Hà Lan, Singapore … trực tiếp đến làm việc tại xưởng sản xuất của Quỹ, cùng tham gia các hoạt động sáng tác nghệ thuật. Riêng Thụy Điển, có đợt, có đến 14 nhà điêu khắc và kiến trúc sư cùng đến và làm việc. Tiếng vang của Quỹ cũng mời gọi nhiều đoàn sinh viên (chuyên ngành điêu khắc, tạo hình) đến Đà Nẵng. Gần đầy nhất là đoàn gồm 23 sinh viên Singapore sang tận nơi để học hỏi về công việc sáng tác điêu khắc.

 

Vang vọng xa tiếng chuông đánh tận xứ người

Vào thời điểm tháng 6 năm 2009, sau 6 năm hoạt động, dự án đào tạo và sản xuất của Thầy Oyvin đã hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh của mình. Chính điêu khắc gia Oyvin đã mang đến sinh khí mới, truyền cảm hứng, niềm đam mê và nhiệt huyết với nghề cho những người thợ trẻ ở làng nghề đá Non Nước

“Những người thợ trẻ này đã được truyền đạt và huấn luyện theo một quy trình rất bài bản. Lần đầu tiên các anh được truyền thụ kỹ thuật phóng tượng bằng máy vẽ truyền (pantograph) và compa. Bên cạnh đó là các kỹ thuật mới trong điêu khắc đá, thực hiện tượng điêu khắc truyền thống (như tượng Chăm)” - Họa sỹ Hồ Đình Nam Kha – Chủ tịch (đương nhiệm) Hội Mỹ thuật thành phố, Phó Chủ tịch Quỹ cho biết.

Riêng về kỹ thuật phóng tượng độc đáo, sau khi được Thầy Oyvin truyền thụ, những người thợ của Quỹ đã khéo léo vận dụng để tạo tác thành công nhiều tác phẩm. Trong đó có tác phẩm "Sự kỳ diệu của khoảng cách".

 

Người thợ có tay nghề cao mới chế tác điêu khắc âm bản đúng yêu cầu. Trong ảnh là tác phẩm "Sự kỳ diệu của khoảng cách". Ảnh: Chia sẻ từ Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng.

Nữ điêu khắc gia Na Uy, bà Hilde Mæhlum là người đã có ý tưởng và cũng trực tiếp phác thảo (mẫu) để gửi sang đặt hàng đội ngũ thợ của Quỹ thực hiện. Bà đưa sang phác thảo mẫu chỉ khoảng 20cm, anh em thợ điêu khắc của Quỹ trong quá trình thực hiện tác phẩm đã phóng lớn lên gấp 10 lần. "Sự kỳ diệu của khoảng cách" – khi hoàn thành - có chiều cao hơn 2m, chế tác từ đá marble trắng. Tính độc đáo và cũng là độ khó của tác phẩm này là điêu khắc âm bản (đục âm vào bên trong đá), yêu cầu người thợ phải có tay nghề cao mới chế tác đúng theo yêu cầu.

 Năm 2004, 12 thợ điêu khắc của xưởng có dịp đến thị trấn Tolga – cũng là quê hương của Thầy Oyvin. Nơi đến là hạt Hedmark và Innovation Norway để gia công 6 tượng đá granite. Chỉ trong 1 tháng rưỡi làm việc ở Nord-Oesterdalen (Na Uy), công việc đã hoàn tất mỹ mãn. Chuyến “đem chuông đi đánh xứ người” lần đầu tiên của thợ làng đá Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng, nhanh chóng có tiếng vang.

Năm 2006, Việt Nam và Na Uy chính thức kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Một trong những nhiều hoạt động được các bạn phía Na Uy tha thiết muốn thực hiện, lưu lại dấu ấn trong dịp kỷ niệm này, đó là thiết kế và làm nên một chiếc cầu bắc qua con suối nhỏ ở quê hương Tolga của Thầy Oyvin. Chất liệu đá hoa cương từ Na Uy được chọn lựa kỹ càng, chờ sẵn.

Và 7 trong số 12 người thợ đã từng sang Na Uy lần trước, có dịp quay trở lại Tolga cùng 10 container đá cẩm thạch đỏ của Việt Nam. Khối lượng đá này đã được những người thợ chế tác bước đầu tại xưởng điêu khắc Đà Nẵng. 60 ngày cật lực làm việc, họ đã hoàn thành công việc lắp ghép (với tổng trọng lượng đã lên đến 120 tấn), tạo nên một nhịp cầu hiện hữu (dài 10m, rộng 2,5m, vòm 6m) từ 2 nguồn nguyên liệu đá của Việt Nam và Na Uy. Ngày 24/7/2006, cầu Hữu nghị Tolga được khánh thành và trở thành nhịp cầu hữu nghị Tolga-Đà Nẵng trong tâm thức của biết bao người!

Một trong những người thợ từng có mặt ở công trình cầu Hữu nghị Tolga, là anh Lê Công Dũng. Và trong số những học viên đầu tiên của dự án, anh Lê Công Dũng và anh Trần Hữu Hóa sau này đã trưởng thành vượt bậc trong nghề nghiệp và được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Đà Nẵng và Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Theo anh Lê Công Dũng, các khóa đào tạo của Dự án Điêu khắc Đà Nẵng mà anh được tham gia: “Với tôi, đó là trường học lớn về mỹ thuật, nơi mang đến cho tôi những cảm hứng và niềm đam mê sáng tạo”.

Thấm thoát, đã có hơn 120 tác phẩm điêu khắc nghệ thuật và sản phẩm điêu khắc tôn giáo, thương mại được làm ra tại xưởng sản xuất của Quỹ xuất hiện ở các khu vực công cộng từ Việt Nam, Na Uy, Anh, Ba Lan, Hoa Kỳ, Úc, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Malaysia…

Trong đó, từ năm 2015 đến 2018, Quỹ được chọn thực hiện hầu hết các tác phẩm điêu khắc đá cho công trình Nhà thờ lớn ở Ba Lan. Khối lượng công việc rất lớn: 20 phù điêu đá về cuộc đời của Chúa Jesus bằng đá cẩm thạch trắng (165 x 165cm), 4 phù điêu Đức Mẹ Maria (4.2 x 2.8m), tượng Chúa Jesus, tượng thiên thần, bàn thờ đại sảnh, bục phát biểu, đài rửa tội…Đánh giá cao sự đóng góp của Quỹ đối với việc xây dựng nhà thờ, phía Ba Lan đã mời đoàn 5 người của Quỹ sang tham dự lễ khánh thành (từ ngày 14 – 24/5/2016). Dịp này, có hơn 2 vạn người, là người Ba Lan và người từ nhiều nước trên thế giới (trong đó có khoảng 600 tu sỹ), và có cả đại diện Tòa thánh Vatican, cùng về đây dự lễ.

“Đây là sự kiện quan trọng, đóng góp, bồi đắp cho tình hữu nghị giữa Đà Nẵng, Việt Nam với Torun, Ba Lan trong lĩnh vực điêu khắc và giao lưu văn hóa. Đặc biệt, trở thành cơ hội tốt, quảng bá trình độ điêu khắc của Đà Nẵng ra toàn thế giới” – Nghệ sỹ Ông Văn Sinh khẳng định thêm.

Sau này, xưởng tiếp tục thực hiện đơn đặt hàng của một thánh đường ở Hoa Kỳ.

Stone-Ideas.com, một Tạp chí toàn cầu về kiến trúc, nghệ thuật và thiết kế với đá tự nhiên đã nhìn nhận những thành công này qua một bài viết chuyên đề “Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng dùng chuyên môn về ngành đá để thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam…

Chủ tịch Quỹ, Nghệ sỹ Ông Văn Sinh cho hay “Năm 2021, suốt thời gian rất dài, xã hội phải chịu sự giãn cách nặng nề, mọi công việc gần như đình trệ, thì xưởng sản xuất của Quỹ vẫn có việc làm đều đặn. Trừ những ngày không được phép làm việc, ngay khi thành phố có chủ trương cho phép sản xuất trở lại, chúng tôi đã hết sức tranh thủ.

Đơn hàng gần 1.000 tượng Phật đã được xuất sang Hoa Kỳ phục vụ dịp mua sắm, bài trí nhà cửa vào dịp Noel, chào Năm mới 2022 …. Chúng tôi rất vui vì sản phẩm của Quỹ vẫn đến được với những thị trường rất sành về sản phẩm này. Đặc biệt, dù dịch bệnh, chúng tôi cố gắng duy trì tốt chuỗi cung ứng cho bạn hàng đã tín nhiệm, đặt hàng”.

 

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học–Nghệ thuật Đà Nẵng, ông Bùi Văn Tiếng (bìa trái); Nghệ sỹ nhân dân Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao Đà Nẵng (bìa phải) tặng hoa tri ân đóng góp của Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng đến Nghệ sỹ điêu khắc Phạm Hồng, Nghệ sỹ điêu khắc Oyvin Storbaekken và Nghệ sỹ Ông Văn Sinh (thứ hai, ba, tư, từ trái sang). Ảnh: Trần Ngọc


 

Viết tiếp những chương mới của chuyện nghề

Còn nhớ Thầy Oyvin Storbaekken từng chia sẻ với các học viên của mình rằng: “Nếu chỉ làm công việc sáng tác giản đơn theo các phác thảo có sẵn, hay sao chép những mẫu tượng nghệ thuật, có sẵn từ nước ngoài, điều đó chẳng có gì là khó”. Nay, với hàng loạt sản phẩm có mức độ và yêu cầu từ “khó đến rất khó” được những khách hàng “vốn luôn cẩn trọng và cũng rất khó tính”, đặt thực hiện; Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng đã không phụ lòng người khai phá lộ trình ra đời của Quỹ.

Những người thợ làng đá ngày nào đã có đủ khả năng làm nên các tác phẩm chất lượng cao, mang chuông đi đánh xứ người.

“Các bạn ở Quỹ điêu khắc Đà Nẵng đã hoàn thành xuất sắc công việc. Xin cảm ơn. Tác phẩm Con voi (260 x 135 x 120 cm, granite đen, được đặt ở Drammen, Na Uy), đã được lắp đặt xong ngoài trời và trông rất đẹp. Đôi lúc bạn còn nhìn thấy nước chảy quanh tượng. Đây là vườn chơi cho trẻ nhỏ, tụi nhỏ rất yêu thích bức tượng này. Tôi rất hài lòng !” - Điêu khắc gia nổi tiếng Na Uy, ông Istvan Lisztes, bày tỏ niềm vui.

Còn Điêu khắc gia nổi tiếng người Singapore, anh Chong Fah Cheong (định cư ở Canada) phấn khích nói rằng “Các bạn đã cùng tham gia trong một công trình lớn nhất mà tôi đã từng thực hiện…”. Đó là tác phẩm “Niềm vui” (cao 2m, chất liệu granite đen, được trưng bày ở ngay quê hương của nghệ sỹ Chong). Anh bộc bạch : “…Thú thật để hoàn thành hai dự án ở Singapore, tôi vô cùng bận rộn. Nhưng cuối cùng, việc lắp đặt hai khối granite (của tác phẩm Niềm vui) tại hiện trường đã hoàn thành. Tôi rất hài lòng với tác phẩm. Xin  cảm ơn toàn thể đội ngũ Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng”.

Được biết, sau 18 năm hoạt động, từ dự án Điêu khắc Đà Nẵng (2003-2009) đến Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng (2009-2021), Quỹ hiện đang lưu giữ hàng loạt phác thảo (mẫu) có giá trị cao trong nghệ thuật điêu khắc. Hội đồng quản lý đã bàn và sắp đến, sẽ tái bố trí lại nơi làm việc, xưởng sản xuất của Quỹ, dành hẳn một nơi để trưng bày các phác thảo tiêu biểu nhất, như một minh chứng cho trình độ tay nghề, năng lực chuyên môn của Quỹ trong thực hiện những tác phẩm đòi hỏi độ tinh xảo, tinh tế “từ ngôn ngữ của chất liệu đá”.

“Chúng tôi cũng sẽ tái bố trí lại, tạo nên một không gian làm việc độc lập cho các điêu khắc gia, kiến trúc sư quốc tế đến làm việc tại Quỹ. Trong tương lai, khi tình hình trở lại bình thường, chúng tôi mong muốn kết nối, tổ chức một chương trình tham quan (dành cho du khách, học sinh, sinh viên, nhân dân Đà Nẵng,…). Chắc chắn người xem sẽ rất thú vị khi tận mắt chứng kiến công việc tạo tác đặc biệt này. 

Theo Nghệ sỹ nhân dân Huỳnh Văn Hùng, một trong những tâm nguyện còn dang dở của Điêu khắc gia Oyvin là mở một trại sáng tác điêu khắc quy mô lớn ngay tại Đà Nẵng, quy tụ các điêu khắc gia quốc tế tên tuổi của thế giới và Việt Nam về đây, cùng làm việc. Kết quả còn lại sau Trại sáng tác là những tác phẩm lưu lại cho muôn đời.

“Tôi còn nhớ, Nghệ sỹ Oyvin có ý tưởng này vào thời điểm những năm 2000. Lúc đó, trong bối cảnh mới mở cửa sau đổi mới, chúng ta còn nhiều dè dặt, cẩn trọng. Giờ đây Việt Nam đã là bạn của tất cả các quốc gia, với xu thế quan hệ đa phương, cởi mở, đó chính là cơ hội để đầu tư tổ chức một Trại sáng tác điêu khắc quốc tế ngay tại Đà Nẵng” – ông Hùng gửi gắm thêm.

“Chúng tôi sẽ cố gắng, phối hợp cùng Ngành Văn hóa, đề xuất UBND thành phố bảo trợ, kêu gọi thêm sự tài trợ từ các Mạnh Thường Quân, tổ chức Trại sáng tác điêu khắc. Trong điều kiện dịch bệnh, việc đi lại của các điêu khắc gia quốc tế còn rất hạn chế. Dù Nghệ sỹ Oyvin luôn sẵn lòng giới thiệu và kết nối những tên tuổi nghệ sỹ điêu khắc tài hoa của thế giới đến với Trại. Có thể bước đầu, chúng tôi sẽ mở Trại ở quy mô trong nước. Các tác phẩm của Trại sáng tác sẽ được tặng lại cho thành phố Đà Nẵng” - Chủ tịch Quỹ, Nghệ sỹ Ông Văn Sinh cho biết.

Theo kế hoạch của Quỹ, khi chưa đủ điều kiện để tổ chức Trại sáng tác, Quỹ vẫn sẽ nỗ lực thực hiện và tặng thành phố một số tác phẩm điêu khắc có giá trị cao nghệ thuật, có chiều sâu nhân văn trong chủ đề tư tưởng. Còn nhớ vào ngày 2/4/2018, ngoài tượng “Sóng biển” của điêu khắc gia Na Uy, ông Oyvin; Quỹ điêu khắc Đà Nẵng còn tặng thành phố tượng Dòng sữa mẹ của Nghệ sĩ điêu khắc Phạm Hồng. 

Một ngày gần đây, Đà Nẵng sẽ là thành phố có nhiều nhất công trình điêu khắc được đặt ở các công viên hay các tuyến đường lớn. Trong đó, có những tác phẩm ra đời từ xưởng điêu khắc của mối lương duyên Oyvin Storbaekken, Tolga – Đà Nẵng.

Lời biển hát, sóng ru sẽ còn mãi với thời gian…rì rào kể câu chuyện từ trái tim đến trái tim, từ tấm lòng đến tấm lòng, mà “Ông thầy Oyvin Storbaekken” cũng chính là người đã viết những dòng đầu tiên, cũng như những chương hấp dẫn sau này của câu chuyện.

 

Bức ảnh kỷ niệm bên tượng Dòng sữa mẹ của Nghệ sĩ điêu khắc Phạm Hồng. Lãnh đạo và anh chị em cán bộ Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng, thành viên Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng , Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Đà Nẵng, chụp cùng Thầy Oyvin Storbaekken, trước lúc ông chia ty Đà Nẵng (2/4/2018). Họa sỹ Hồ Đình Nam Kha – Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố, Phó Chủ tịch Quỹ đứng thứ ba, từ phải sang. 


“Tôi sẽ là một trong những giáo viên trực tiếp đứng lớp. Mong rằng, các em sẽ có thêm động lực để tự tin hòa nhập và trong tương lai, với công việc ổn định, các em có thể tự lập được trong cuộc sống. Với tâm huyết của Quỹ, sự tham gia và ủng hộ hết lòng của Hội, chúng ta sẽ hình thành một lớp thợ điêu khắc mới, giữ không để nghề mai một”./.Tiếp nối công việc đào tạo mà thầy Oyvin Storbaekken đã khai mở, Họa sỹ Hồ Đình Nam Kha – Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố, Phó Chủ tịch Quỹ cho biết, trong năm đến, Quỹ và Hội Bảo Trợ Người Khuyết Tật & Trẻ Mồ Côi Đà Nẵng sẽ phối hợp triển khai tuyển chọn một số em có năng khiếu mỹ thuật (đang được nuôi dưỡng ở các Trung tâm của Hội), tổ chức đào tạo các em trở thành thợ điêu khắc.


Có thể bạn quan tâm