April 26, 2024, 7:00 am

Lặng bước trong khu di tích lịch sử Côn Đảo

Lặng bước trong khu di tích lịch sử Côn Đảo

 

Đâu chỉ là thời gian tái hiện

Những tán bàng di sản trầm ngâm

Trăm năm ấy...

Một tình yêu đất nước

Khát vọng thiêng liêng bao thế hệ gieo mầm

*

Đâu chỉ là không gian tái hiện

Những điệp trùng huyết mạch chẳng hề nguôi

Là Độc lập!

              Là Tự do!

                          Tổ quốc!

Những trái tim thức đập muôn đời

*

Xin nhẹ bước từng phút giây thật chậm

Lắng những lời di huấn của tiền nhân

Trời xanh thẳm lung linh từng giọt nắng

Thắp muôn vàn ngọn nến tri ân.

Nguyễn Trọng Hoàn

 

Lời bình của Trần Bá Giao

Nguyễn Trọng Hoàn - Nhà giáo - Nhà thơ đã khá quen thuộc với độc giả trong cả nước. Anh làm thơ từ khá sớm với giọng điệu thơ đằm thắm trữ tình và luôn khẳng định mình với những bài thơ mang tính triết lý nhân văn. Tháng 7 năm 2018 nhân dịp ra thăm Côn Đảo tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong tù - Nơi địa ngục trần gian dưới thời thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, anh đã xúc động cảm phục trước sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ cách mạng đấu tranh cho Độc lập - Tự do của Tổ quốc để rồi gửi đến bạn đọc bài thơ Lặng bước trong khu di tích lịch sử Côn Đảo.

Đây là bài thơ viết theo thể thơ tự do thường mỗi câu từ 7 đến 8 từ được chia thành 3 khổ thơ với những suy tư sâu lắng về tâm hồn và ý chí của các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở Côn Đảo một khu giam cầm những chiến sĩ đấu tranh chống lại quân xâm lược.

Nhà tù Côn Đảo - Nơi địa ngục trần gian lại chính là nơi tỏa sáng những tấm gương trung nghĩa của các liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc.

Đứng trước khu di tích lịch sử đầy bi tráng nhưng cũng rất hào hùng của những người tù cộng sản Việt Nam, anh như thấy sự tái hiện của thời gian và không gian. Ở khổ thơ đầu anh nói về sự tái hiện thời gian, khổ thơ thứ hai là sự tái hiện của không gian Côn Đảo.

Nhà thơ đã nhắc đến sự chứng kiến của những cây bàng di sản để nhắc về sự hiện diện của nhà tù Côn Đảo có từ hơn 100 năm trước: Những tán bàng di sản trầm ngâm/ Trăm năm ấy.../ Một tình yêu đất nước.

Những tán bàng trăm năm tuổi ấy đã lớn lên ở Côn Đảo, chứng kiến những gì diễn ra ở địa ngục trần gian này. Thiên nhiên nơi đây đã chứng kiến những chiến sĩ cách mạng với tình yêu đất nước vô bờ bến, chấp nhận và vượt lên mọi tra tấn của kẻ thù, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Câu kết ở khổ thơ thứ nhất là sự khái quát về tầm cao tư tưởng của những chiến sĩ cách mạng qua nhiều thế hệ. Khát vọng thiêng liêng bao thế hệ gieo mầm.

 Đọc đến đây tôi lại nhớ đến câu nói: nổi tiếng được nhiều người nhắc đến: Có những cái chết gieo mầm sự sống. Trong mạch thơ về sự tái hiện lịch sử, Nguyễn Trọng Hoàn biết cách khai thác những hình tượng thơ mang chiều sâu khi nhà thơ nói đến dòng máu anh hùng chảy trong huyết quản những chiến sĩ bị cầm tù ở Côn Đảo. Tình yêu nước chảy trong huyết quản được gọi tên là Độc lập! Tự do của Tổ quốc. Hình tượng trái tim yêu nước thật đẹp, qua dòng thơ của Nguyễn Trọng Hoàn: Những trái tim thức đập muôn đời.

Sự lắng đọng trong trái tim nhà thơ được chia sẻ với mọi người như một lời nhắn nhủ giầu chất nhân văn được thể hiện bằng một giọng thơ sâu lắng: Xin nhẹ bước từng phút giây thật chậm/ Lắng những lời di huấn của tiền nhân/ Trời xanh thẳm lung linh từng giọt nắng/ Thắp muôn vàn ngọn nến tri ân.

Trở lại với thực tại, nhà thơ tái hiện lại hình ảnh của mình khi viếng ở nghĩa trang Hàng Dương. Nếu những ai từng ra Côn Đảo viếng các anh hùng liệt sĩ chắc cũng có cảm xúc như nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn: Những bước đi thật nhẹ nhàng như muốn níu thời gian chậm lại để lắng nghe trong sâu thẳm vọng lại lời của tiền nhân. Lời tiền nhân như ta đã hiểu từ khổ thơ thứ hai đó là tư tưởng: Không có gì quý hơn Độc lập! Tự do - Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Bài thơ mang tính tư tưởng cao nhưng cũng rất trữ tình. Thơ là thế! Đi vào lòng người đọc bằng những câu thơ trữ tình mà sâu lắng. Hình tượng thơ có sức khái quát cao và rất giầu cảm xúc đi vào lòng người một cách tự nhiên. Tính tư tưởng được gắn vào 2 câu kết không chỉ nói với mình mà còn là sự bộc bạch để mọi người cùng đồng cảm, chia sẻ...

Nguồn Văn nghệ số 34/2020


Có thể bạn quan tâm