April 26, 2024, 5:39 pm

Ký ức đường Trường Sơn

Kỷ niệm 60 năm đường Trường Sơn huyền thoại (1959-2019)

 

Cách đây vừa đúng 60 năm, một quyết định lịch sử thành lập tuyến vận chuyển quân sự trên bộ chi viện cho chiến trường miền nam, vượt qua dải Trường Sơn đã được hình thành.

 

Con đường huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh, chạy từ tây Quảng Bình đến ngã ba biên giới, từ đó không chỉ trở thành mạch máu giao thông quan trọng góp phần đóng góp sức người, sức của vào chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, mà đồng hành với nó là cả một dòng chảy của văn học, nghệ thuật lấy đề tài Trường Sơn, đề tài chiến tranh cách mạng và đề tài người lính mà làm nên những giá trị rực rỡ, trường tồn. Trong đạn bom khốc liệt của chiến tranh, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ đã vượt Trường Sơn tỏa đi các chiến trường miền nam, trong đó có người anh dũng hy sinh, đã để lại những tác phẩm đỉnh cao của văn nghệ cách mạng. Nhiều đoàn nghệ thuật đã bám sát bước chân hành quân của chiến sĩ đem lời ca, tiếng hát át tiếng bom, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân dân ta. Ðường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh đã trở thành đề tài nóng hổi tính thời sự, tạo những rung cảm mạnh mẽ và sức sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Trực đêm, 1971 - Màu nước trên giấy, 38 x 25 cm – Họa sĩ Nguyễn Đức Dụ

Ngay từ những ngày đầu mở đường đã có những bài hát sống mãi với thời gian như Bước chân trên đỉnh Trường Sơn của Vũ Trọng Hối lời thơ Ðăng Thục viết năm 1967 hừng hực khí thế với niềm tin mãnh liệt; Bài ca Trường Sơn của Trần Chung, lời thơ Gia Dũng cũng tràn đầy khí thế như vậy; rồi Chiếc gậy Trường Sơn của Phạm Tuyên… Và sau đó còn rất nhiều bài hát nổi tiếng khác như: Ðường Trường Sơn xe anh qua của Văn Dung, Trường Sơn đông, Trường Sơn tây nhạc Hoàng Hiệp, lời thơ Phạm Tiến Duật, Lá đỏ, nhạc Hoàng Hiệp, lời thơ Nguyễn Ðình Thi, Ðêm Trường Sơn nhớ Bác nhạc Trần Chung, lời thơ Nguyễn Trung Thu...

Đường Trường Sơn theo dòng suối, 1995 - Thuốc nước trên giấy, 64 x 80 cm - họa sĩ Nguyễn Thanh Châu

Về văn học chúng ta nhớ đến nhà thơ nổi tiếng Phạm Tiến Duật với những bài thơ mà các chiến sĩ Trường Sơn chuyền tay nhau đọc như: Trường Sơn đông, Trường Sơn tây; Tiểu đội xe không kính... Ði B qua đường Trường Sơn, nhà văn Hồ Phương đã viết tiểu thuyết Kan Lịch  và nhà văn Hữu Mai viết Dải đất hẹp xây dựng được hình tượng những người con ưu tú của dải Trường Sơn anh hùng. Còn nhiều bộ phim, vở kịch, điệu múa tác phẩm hội hoạ từ đề tài Trường Sơn ca ngợi tinh thần quả cảm, chiến công oanh liệt của quân và dân. Những tác phẩm văn học nghệ thuật về đường Trường Sơn trong chiến tranh thật sự là thứ vũ khí tinh thần cùng với các chiến sĩ đánh giặc, giờ đây theo thời gian đọng lại thành những giá trị của văn hóa và lịch sử. Các họa sỹ cũng đã kịp lưu giữ lại những khoảnh khắc Trường Sơn thông qua những ký họa gấp gáp ngay trên đường hành quân, hay những dấu ấn đậm nét trong tâm khảm để sau đó cho ra đời những tác phẩm thấm đẫm hơi thở chiến trường…

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập con đường Trường Sơn huyền thoại, ngày 26/4/2019 tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) sẽ khai mạc triển lãm tranh/ký họa Ký ức đường Trường Sơn do họa sỹ Lê Thiết Cương làm giám tuyển. Triển lãm trưng bày hơn 200 bức ký họa và một số tranh sáng tác, bên cạnh đó là các tác phẩm trình diễn, sắp đặt, video art về đường Trường Sơn, về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Triển lãm kéo dài hết ngày 26/5/2019 tại B1, R3, Royal City, 72 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Được biết cũng nhân dịp kỷ niệm 60 năm đường Trường Sơn huyền thoại, viện Lịch sử quân sự Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc hội thảo về quyết tâm chính trị lớn lao của Đảng, Nhà nước và quân đội ta trong việc mở đường Trường Sơn. Trong cuộc hội thảo này có một mảng chủ đề rất đáng chú ý, đó là “Văn chương, nghệ thuật nâng bước những đoàn quân”. Qua đó khẳng định sự đóng góp to lớn của các văn nghệ sỹ trong suốt những năm mở đường Trường Sơn đi giải phóng miền nam, thống nhất tổ quốc 

60 năm đã qua, con đường huyền thoại ngày nào giờ lại được phủ thêm một lớp giá trị của lịch sử. "Ôn cố tri tân". Càng hiểu sâu sắc về những giá trị của quá khứ, càng nhớ về cội nguồn, về truyền thống là đạo lý của dân tộc, thì càng biết trân trọng những bình yên tươi sáng của hôm nay. Đó là cơ sở để hoàn thiện nhân cách, xây dựng đạo đức lối sống của con người hiện tại. Chính vì vậy mà đời sống văn học nghệ thuật của nước nhà không thể thiếu mảng đề tài về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc để nuôi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí vươn lên sánh vai các cường quốc năm châu của con người Việt Nam. Ðường Trường Sơn vì thế luôn là sự hướng đến đầy thiêng liêng và bất tận đối với văn học nghệ thuật.

Ký hoạ chiến sĩ Trường Sơn

Ký ức đường Trường Sơn là một sự kiện nghệ thuật tổng hợp lấy hội họa làm tinh thần chủ đạo. Chính xác là các bức ký họa trực tiếp tại đường Trường Sơn trong những năm 60 đến 1975 của các họa sỹ Đào Đức, Hoàng Đình Tài, Huy Oánh, Chu Thảo, Lê Trí Dũng, Phạm Lực, Nguyễn Đức Dụ. Trong đó có một số tác phẩm vẽ sau này dựa trên những tài liệu ghi chép ký họa đó của họa sỹ Nguyễn Đức Dụ và họa sỹ Thanh Châu. Bên cạnh đó là 2 tác phẩm sắp đặt, một là ký ức đường Trường Sơn qua những bức ảnh đen trắng thể hiện cuộc sống và chiến đấu trên đường Trường Sơn; hai là ký ức đường Trường Sơn qua những trang nhật ký của liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý, nhạc sĩ Vũ Trọng Hối, nhà thơ Anh Ngọc, nguyên bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; những bản thảo viết tay các ca khúc Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Tình em, Đêm Trường Sơn, Nổi lửa lên em của nhạc sĩ Huy Du; bản thảo tập thơ viết ở đường Trường Sơn của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha trong đó có trường ca Hành Lang Thép được sáng tạo thành một video art trên nền nhạc Bài ca giao thông vận tải và bài Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng của nhạc sỹ Hoàng Vân. Cuối cùng là bộ phim phóng sự về đường Trường Sơn, 9 tập, do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất.

Lê Thiết Cương

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm