April 26, 2024, 8:01 am

Kỳ tích mới của bản lĩnh Việt Nam

Mùa xuân năm nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan rộng khắp toàn cầu, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài không có điều kiện về thăm quê hương dự ngày giỗ tổ HùngVương và kỷ niệm 45 năm thống nhất nước nhà. Tuy nhiên sự quan tâm đến quê cha đất tổ, với tấm lòng đau đáu hướng về tổ quốc thì không hề nguôi ngoai. Dư luận khắp nơi trên thế giới với nhiều điều mới mẻ, thú vị về những ấn tượng tốt đẹp của với đất nước Việt Nam, con người Việt Nam trước mọi biến cố, hiểm nguy là nguồn động viên lớn cho chúng ta trong những ngày này. Báo Business Insides, tờ báo điện tử uy tín về doanh nghiệp và các tin tức tài chính, kinh doanh của Mỹ vừa có bài Những quốc gia không thể bị xâm lược (khuất phục) khẳng định Việt Nam với lịch sử chống ngoại xâm hơn bốn nghìn năm, đặc biệt là nửa cuối thế kỷ 20 Việt Nam đã lần lượt hạ gục “bốn ông lớn” xóa sổ chủ nghĩa thực dân cũ, thực dân mới và cả chủ nghĩa bành trướng, tạo nên phong trào giải phóng dân tộc rộng lớn khắp thế giới. Sau khi thống nhất đất nước vào 30/4/1975, Việt Nam đã vượt qua được nhiều thách thức khốc liệt do chiến tranh và do cả những sai lầm trong điều hành kinh tế để hội nhập toàn cầu với công cuộc đổi mới toàn diện, thu được nhiều thành tựu to lớn.

45 năm đã qua, chưa bao giờ sức mạnh đoàn kết của người Việt Nam được thể hiện cao độ như hiện nay với ý thức tự giác, tương thân tương ái, bao dung lan tỏa khắp đất nước trong công cuộc “chống dịch như đánh giặc” suốt 4 tháng qua. Mọi chỉ đạo của Thủ tướng đều được toàn dân thực hiện nghiêm túc, triệt để góp phần chặn đứng được đại dịch, tăng thêm niềm tự tin, phấn chấn thiết thực kỷ niệm 45 năm Đại thắng Mùa Xuân, Thống nhất đất nước.

Nhân dịp này nhiều hãng truyền thông nổi tiếng của thế giới đều cho đăng những bài hồi ký, phóng sự về 45 năm Việt Nam yên bình phát triển, đánh giá cao những nỗ lực chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang nền kinh tế thị trường đầy sáng tạo trong thể chế Xã Hội Chủ Nghĩa. Việc chấp nhận 5 thành phần kinh tế, mở rộng phát triển hàng triệu doanh nghiệp tư nhân và hộ sản xuất buôn bán nhỏ đã khuyến khích toàn dân hăng hái làm giàu chân chính, nhanh chóng tạo nên những tỷ phú, đại gia mạnh dạn đầu tư làm ăn lớn cả ở nước ngoài. Đây chính là mô hình mang tầm vóc chiến lược hoàn toàn mới về chủ nghĩa xã hội hiện đại của riêng Việt Nam cho dù có nhà lý luận phương Tây nói có phảng phất tư bản nhà nước thì Nhà nước Việt Nam ngày càng điều hành hiệu quả hơn mục tiêu phục vụ nhân dân, vì cuộc sống yên bình của toàn dân - Lịch sử luôn công bằng trong sự đánh giá, thừa nhận. Ngân hàng Thế giới WB đánh giá cao những bước đi bền vững của kinh tế Việt Nam trong quản lý vĩ mô, quản lý tài chính, tiền tệ cùng phát triển thị trường trong và ngoài nước hợp lý, không ngừng học hỏi, cải tiến tổ chức quản lý, đổi mới thể chế phù hợp với thông lệ quốc tế, hơn 30 năm qua liên tục tăng trưởng cao, đặc biệt trở thành điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, bảo đảm tốt an ninh năng lượng và an ninh lương thực đủ năng lực chiến thắng nhiều thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 hiện nay, Việt Nam đã tỏ rõ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng chuyển đổi sản phẩm, phát triển sản xuất các thiết bị y tế chất lượng cao, không chỉ đủ cung ứng cho cả nước mà còn xuất khẩu, trợ giúp nhiều quốc gia, kể cả Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu, khiến cho những người còn bất đồng chính kiến cũng phải thừa nhận, khen ngợi mô hình chống đại dịch của Việt Nam là hình mẫu đạt hiệu quả cao, chi phí thấp. Cho đến cuối tháng 4, tại Việt Nam chỉ có dưới 270 người bị nhiễm bệnh, đã chữa khỏi trên 200 người, chưa có ca tử vong nào và đã cách ly xét nghiệm gần 70.000 người. Sau 15 ngày cách ly cả nước, Việt Nam tiếp tục cho cách ly thêm một tuần đối với 12 tỉnh thành có nguy cơ lây nhiễm cao, 16 tỉnh thành có nguy cơ, tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, nhưng vẫn tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa trong đó có 400.000 tấn gạo vừa được rời bến cảng. Đài BBC đã cho phát đi hình ảnh những chiếc máy ATM phát gạo cho những người gặp khó khăn trong đại dịch tại Tp. Hồ Chí Minh - Hà Nội - Huế… cùng với bài phỏng vấn giáo sư nông học Võ Tòng Xuân, khẳng định sau 45 năm thống nhất đất nước, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất, có gạo ngon nhất (ST25), không bao giờ còn thiếu gạo, Chính phủ cho xuất khẩu gạo trong đại dịch là để giúp nông dân bán được gạo, doanh nghiệp có kho chứa tiếp tục dự trữ đủ cho an ninh lương thực, rất hợp lý, nhất là lúc này giá gạo thế giới đã cao lên. Nhân chuyện gạo, giáo sư Võ Tòng Xuân nhắc lại giai thoại thời Mỹ - ngụy, vì thiếu gạo, giá gạo bị tư thương thao túng, có lần Nguyễn Cao Kỳ lúc đó là Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa đã phải mời hơn 20 đại gia gạo đến dinh, nói đại ý: - Tôi là thủ tướng mà không hạ nổi giá gạo, nhưng các ông thì làm được. Vậy tôi lệnh ngày mai các ông phải hạ ngay giá gạo, nếu không cứ một ngày tôi bắn bỏ một ông… Câu chuyện tưởng như đơn giản, nhưng thể hiện rõ bản chất của mỗi chế độ…

Sau 30/4 năm 1975, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã tiếp quản 16 tấn vàng từ ngân khố Việt Nam Cộng Hòa, lúc ấy nghe thì to, nhưng giá trị thực chỉ vào khoảng 200 triệu USD, trong khi Mỹ đã phải chi hàng ngàn tỷ USD cho chiến tranh Việt Nam. Theo một chuyên gia ngân hàng thì sau chiến tranh biên giới phía Bắc, lại bị khủng hoảng về đổi tiền năm 1985, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn thiếu thốn nên đã phải đem 40 tấn vàng đúc lại mới bán được khoảng 500 triệu USD để mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa, nguyên vật liệu... Thế nhưng đến hôm nay, chỉ riêng gói cứu trợ của Chính phủ vừa xuất ra giúp đỡ những người gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 đã lên đến 62.000 tỷ VNĐ, tương đương khoảng 3 tỷ USD, đã có thể quy ra cả trăm tấn vàng. Còn gói 250.000 tỷ VNĐ Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất để duy trì sức tăng trưởng trong năm 2020 cũng lên tới trên 300 tấn vàng… Chỉ riêng câu chuyện vàng, thứ kim loại có giá trị tích lũy của một quốc gia, đã có thể thấy một bức tranh về sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế nước ta sau 45 năm…

Sau hơn 30 năm đổi mới, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã vượt mốc 500 tỷ USD/năm, đưa dự trữ ngoại tệ lên hơn 70 tỷ USD. Nhờ phát triển thương mại với Hoa Kỳ, thị trường chung Châu Âu, tăng cường hợp tác khối  ASEAN+3 và mở rộng thị trường xuất khẩu thế giới, Việt Nam đã nhanh chóng đổi mới công nghệ, điện khí hóa toàn quốc, phát triển và nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư lớn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có 120.000 tỷ đồng đưa điện về 100% các xã và hộ gia đình cùng 11/12 huyện đảo được Quỹ tiền tệ Quốc tế đánh giá là tốt nhất châu Á, tạo điều kiện để Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn thu hút đầu tư lớn từ các nước phát triển, đưa du lịch, dịch vụ và sản phẩm công nghệ cao trở thành những nguồn lợi lớn với các khu công nghiệp, chế xuất mang tầm vóc công xưởng toàn cầu….

45 năm đã qua, chưa bao giờ sức mạnh đoàn kết của người Việt Nam được thể hiện cao độ như hiện nay với ý thức tự giác, tương thân tương ái, bao dung lan tỏa khắp đất nước trong công cuộc “chống dịch như đánh giặc” suốt 4 tháng qua. Mọi chỉ đạo của Thủ tướng đều được toàn dân thực hiện nghiêm túc, triệt để góp phần chặn đứng được đại dịch, tăng thêm niềm tự tin, phấn chấn thiết thực kỷ niệm 45 năm Đại thắng Mùa Xuân, Thống nhất đất nước. Một lần nữa hình ảnh người chiến sĩ quân đội, công an cùng biết bao cán bộ nhân viên ngành Y Tế lại tỏa sáng trên mọi nẻo đường, thức thâu đêm chống đại dịch. Có biết bao câu chuyện cảm động đã và đang diễn ra lấp lánh tình người tràn ngập mạng xã hội và khắp các hệ thống truyền thông của cả thế giới ngợi ca vẻ đẹp mới của người Việt Nam. Một nhà thống kê dịch tễ học đã tỏ ra ngạc nhiên về tổng số người Việt Nam cả trong và ngoài nước bị nhiễm Covid-19 rất ít, nhất là số người tử vong dường như hiếm thấy (cho đến nay chỉ biết có 2 Việt kiều ở Mỹ trên 80 tuổi bị nhiễm dịch đã chết tại Viện dưỡng lão do có nhiều bệnh nền nặng, không được quan tâm chữa trị). Gần 60% số người bị nhiễm Covid-19 tại Việt Nam là người nước ngoài, nhiều ca rất nặng bao gồm cả người Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp… đã được điều trị rất tận tình, sáng tạo bao gồm cả chữa trị những bệnh nền lâu năm, hầu hết đều đã khỏe mạnh và được thu xếp cho trở về nước trên những chuyến bay thuận lợi dù đang đóng cửa các sân bay. Họ rất cảm phục và xúc động bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Dân tộc Việt Nam vốn nhân ái bao dung, sẵn có sức đề kháng rất đặc biệt đã quen thích nghi, luôn tuân thủ những nguyên tắc cảnh giác đề phòng trước mọi hiểm nguy trong thiên tai địch họa cùng ý chí không chịu khuất phục trước mọi hoàn cảnh nên đã chống đại dịch đầy bản lĩnh cao cường. Giai thoại về chàng hoàng tử An Tiêm bị đày ra đảo hoang vẫn có trái dưa đỏ gửi theo sóng biển vào quê nhà là biểu tượng đẹp cho Sức Sống Việt. Trong đại dịch Covid-19 đã xuất hiện những chiếc bánh mì thanh long, những sản phẩm bún dưa hấu xuất khẩu cùng rất nhiều Siêu thị 0 đồng, Quán cơm miễn phí, Nồi cháo tình thương, ATM gạo cứu trợ, 1000 bát phở tình nghĩa… cùng muôn vạn khẩu trang, nước sát trùng được phát miễn phí khắp các nẻo đường, thôn xóm…

Đại dịch chắc chắn sẽ bị đẩy lùi, nhưng kinh tế thế giới đã thiệt hại nghiêm trọng cần có thời gian để khôi phục. Đây chính là thời điểm vàng để những nước như Việt Nam có điều kiện tăng tốc. Chính phủ đã nhận thức điều này và có những quyết sách mạnh mẽ kịp thời, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tỏ rõ bản lĩnh khi nắm bắt những nhu cầu mới của thị trường toàn cầu khi hết dịch phát triển nhiều mặt hàng mới từ nguyên liệu trong nước. Bài học của Việt Nam hôm nay chính là sự tín nhiệm rất lớn của toàn dân với sự điều hành quyết liệt và sáng tạo của Chính phủ cùng sự nỗ lực đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn dân với mục tiêu kép: Chống dịch để bảo đảm cuộc sống toàn dân đủ sức khỏe, đủ năng lực phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế, đủ tiềm lực để chống mọi dịch bệnh và chống giặc ngoại xâm. Sở dĩ Chính phủ đã dám hy sinh một phần lợi ích kinh tế vì cuộc sống của toàn dân chính là Việt Nam đã có đủ thực lực để đương đầu và đã huy động được tối đa sức mạnh của mọi ngành, mọi địa phương, mọi người làm nên một kỳ tích mới, trước thềm ngày đại lễ 30/4.

Cùng với những thành tựu về y học, thành công của ngành Y Tế Việt Nam chiến thắng đại dịch như một cuộc biểu dương lực lượng của đội quân áo trắng đang thực sự làm chủ những tiến bộ kỹ thuật trong y học và cả những giá trị đạo đức cao quý cùng sự tận tụy của lòng nhân ái. Cách ngăn chặn dịch bệnh của Việt Nam rất khoa học và kỳ công, từ việc truy tìm mối quan hệ F1, F2 của từng người bệnh khắp đất nước, đến việc tổ chức chăm sóc, quản lý cách ly, điều trị với 4 tại chỗ rất chu đáo, đầy đủ điều kiện. Đó là nhận định của chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Còn WB thì dự báo Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng khá trong năm 2020 và sẽ tăng tốc trong năm 2020 nhờ những điều tiết kịp thời chuyển đổi sản xuất thích hợp khi nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Âu - Mỹ bị ngưng do đại dịch. Tuy 4 tháng đầu năm tăng trưởng kinh tế Việt Nam có bị giảm sút, nhưng nhiều mặt hàng xuất khẩu vẫn tăng trên 7-8%, nhiều khu công nghiệp lớn vẫn duy trì tốt nhịp độ tăng trưởng. Thị trường hàng hóa của Việt Nam vẫn rất phong phú với giá cả ổn định, sức mua qua mạng và không dùng tiền mặt ngày càng tăng lên. Dịch bệnh dù có gây nên những xáo trộn trong cuộc sống, nhưng cũng tạo ra những sức đề kháng mới, những cách làm việc mới, cách tiếp cận mới của người Việt Nam khi công nghệ 4.0 đang lan tỏa trong mọi gia đình, mọi công sở, doanh nghiệp, mở đầu cho bước đột phá hiện đại hóa đất nước.

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2020


Có thể bạn quan tâm