April 26, 2024, 8:47 pm

Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930- 3/2/2021): Tình yêu, niềm tin và sức mạnh Việt Nam

 

Lịch sử nhân loại đã chứng minh: khi con người có niềm tin thì sẽ có sức mạnh. Niềm tin càng vững chắc thì sức mạnh càng lớn lao. Ở nước ta , trong thời đại ngày nay, đó chính là niềm tin của Đảng đối với Dân và niềm tin của Dân đối với Đảng – hai niềm tin này cộng hưởng với nhau, hòa với nhau làm một - Ý Đảng là Lòng Dân - để thành một sức mạnh vĩ đại Việt Nam.   

Trong “Lời khai mạc Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng” (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao/ Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình.

Bác khẳng định “Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao”, nhưng khi nói đến “ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi”, Người lại nhấn mạnh cái ý “biết bao nhiêu tình”! “Tình” ở đây chính là tình Đảng đối với Dân và tình Dân đối với Đảng. Cái tình lớn đó đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cách mạng và thắt chặt thêm mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với Dân. Tất cả đã được nói lên bằng những câu thơ ân tình, thủy chung. Ân tình ấy vang lên rộn rã trong trái tim người thanh niên cộng sản Tố Hữu khi anh được đứng trong hàng ngũ quang vinh của Đảng lúc mới 18 tuổi: Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lí chói qua tim/ Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim. (Từ ấy)

Và lắng sâu trong lòng nhà thơ lãng mạn trước cách mạng trong ngày ông được kết nạp vào Đảng: Ngày vào Đảng đất trời như đổi khác/ Những vật vô tri cũng làm rưng nước mắt/ Đá sỏi cây cằn, sao bỗng thấy thiêng liêng?/ Giọng nói quen nghe, màu đất quen nhìn/ Bỗng chan chứa trăm điều chưa nói hết!/ (…..)/ Tôi đứng dưới cờ, đưa tay tuyên thệ/ Trên đất quê hương mang hình bóng mẹ/ Ngỡ chừng như vừa sinh lại lần đầu/ Đảng trở thành nơi cắt rốn chôn rau.

(Kết nạp Đảng trên quê mẹ - Chế Lan Viên)

Lý tưởng của Đảng đã có sức mạnh cảm hóa và giáo dục, khơi gợi ngay cả những nhà thơ lãng mạn trước Cách mạng tháng Tám như Chế Lan Viên. Ông đã được tái sinh, và câu thơ Đảng trở thành nơi cắt rốn chôn rau chính là lời tri ân sâu sắc của nhà thơ đối với Đảng kính yêu.

Không chỉ đem lý tưởng cách mạng đến với nhân dân mà từ truyền thống dân tộc, Đảng đã nâng người dân lên tầm cao của thời đại, bồi đắp cho họ những phẩm chất của con người mới. Các bài thơ xuân của Tố Hữu đã nói lên thấm thía cái ân tình sâu nặng ấy của Đảng đối với nhân dân.

Khi miền Bắc bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), ông viết: Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người, sống để yêu nhau/ Đảng cho ta trái tim giàu/ Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay! (Bài ca mùa Xuân 1961)

Trong cao trào chống Mỹ cứu nước, ông lại viết: Cảm ơn Đảng đã cho ta dòng sữa/ Bốn nghìn năm chan chứa ân tình/ Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, bạo chúa/ Kiếp tì nô vùng dậy chém nghê kình!

(Chào Xuân 67!)

Và sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, nhà thơ càng thấm thía ân tình của Đảng: Xứ sở mình có đủ nắng quanh năm/ Cuộc sống ấm ân tình, với Đảng/ Lớn khôn chung, một sẽ hóa thành trăm/ Đời rạng rỡ, mỗi con người tự sáng.

(Với Đảng, mùa xuân -1/1977)

Nhưng cái điều bao trùm và cốt lõi nhất, cũng là điều tâm huyết nhất của Tố Hữu khi nghĩ về Đảng, đó là: Đảng đã cho ta được làm một con người chân chính, tốt đẹp đúng với nghĩa “con người”. Suy nghĩ này đã đến với nhà thơ khi ông ca ngợi chiếc mũ tai bèo của anh Giải phóng quân trong mùa xuân Mậu Thân lịch sử: Ta muốn hỏi Trường Sơn/ Có đỉnh nào cao hơn/ Chiếc mũ kia của chủ nghĩa anh hùng cách mạng?/ Cảm ơn Đảng của chúng ta, Đảng làm ra ánh sáng/ Người chưa đưa ta lên được Sao Kim/ Nhưng đã cho ta một linh hồn và một trái tim/ Biết lẽ phải, biết yêu thương, căm giận/ Biết đi tới và làm nên thắng trận! (Bài ca Xuân 68)

Phải chăng đây cũng là một trong những điều vĩ đại nhất của Đảng, khiến cho Đảng cách mạng đồng thời cũng là Đảng nhân đạo, nhân văn nhất, như Bác đã tự hào khẳng định trong câu thơ của Người: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

Đáp lại tình Đảng cao đẹp và nhân văn ấy là tình dân thắm thiết, thủy chung với Đảng. Ở đây, tấm lòng của nhân dân đối với Đảng thật chân thành, bền vững, sắt son. Nhớ lại những ngày cách mạng còn trứng nước gian nan, nhân dân ta đã yêu thương, đùm bọc và hết lòng bảo vệ Đảng đến cùng. Hình ảnh Mẹ Tơm trong thơ Tố Hữu là hình ảnh tiêu biểu và cảm động về người mẹ nuôi giấu cán bộ thời tiền khởi nghĩa trước Cách mạng tháng Tám, đã bảo vệ Đảng bằng lòng thương yêu và cả tính mạng của mình:Con  đã về đây, ơi mẹ Tơm/ Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm/ Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy/ Không sợ tù gông, chấp súng gươm!/ (…..)/ Thương người cộng sản, căm Tây, Nhật/ Buồng Mẹ, buồng tim, giấu chúng con/ Đêm đêm chó sủa… làng bên động?/ Bóng Mẹ ngồi canh lẫn bóng cồn…  (Mẹ Tơm)

Những con người “sống trong cát, chết vùi trong cát” đó, lại chính là “những trái tim như ngọc sáng ngời!”. Biết bao con người như thế đã khiến Tố Hữu có thể khái quát lại để viết nên những dòng thơ thật xúc động về họ trong bài thơ Ba mươi năm đời ta có Đảng, xoáy vào lòng người một tình cảm thiêng liêng, sâu nặng – tình dân với Đảng: - Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng/ Tấm lòng son chói sáng nghìn thu/ Mặt trời có lúc mây mù/ Trái tim kia vẫn đỏ bầu máu tươi!/ - Chết nằm xuống, còn hôn cờ Đảng/ Chết còn trao súng đạn, quên đau/ Chết còn trút áo cho nhau/ Miếng cơm dành để người sau ấm lòng!/ - Con chim biết nhớ đàn nhớ tổ/ Ta nhớ người đau khổ nuôi ta:/ Ơn người như mẹ như cha/ Lòng dân yêu Đảng như là yêu con!/ Nghèo rau cháo, từng lon gạo bữa/ Dành cho ta chút sữa cầm hơi/ Dù khi tắt lửa tối trời/Vững lòng quyết sống, không rời Đảng ta/ Dù khi giặc khảo giặc tra/ Cắn răng thà chết, không xa Đảng mình!

Gắn bó với dân và được dân tin yêu, đùm bọc như thế - đó là một đảng vĩ đại. Và Tố Hữu đã nói lên được điều đó sâu sắc, thấm thía qua bài thơ. Mối quan hệ gắn bó Đảng Dân, Dân Đảng bền vững, thủy chung ấy còn được ông ghi lại trong một bức tranh thơ rất đỗi bình thường trong cuộc kháng chiến chống Pháp mà lại trong sáng và cao đẹp biết bao, bởi nó được tỏa sáng và ấm nóng trong tình Dân – nghĩa Đảng: Uống ngụm nước suối trong đỡ khát/ Trông trời cao mà mát tâm can/ Chín năm nắng núi, mưa ngàn/ Nắng mưa có Đảng, cơ hàn có Dân. (Ba mươi năm đời ta có Đảng)

Và trong buổi chia tay lịch sử giữa quê hương cách mạng Việt Bắc với Trung ương, Chính phủ, bộ đội, cán bộ sau chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Pháp để chuyển cách mạng sang một giai đoạn mới, tiếng ca đồng vọng của cả người ở lạingười về xuôi đều thiết tha, sâu nặng ân tình với Đảng: Lòng ta ơn Đảng đời đời/ Ngược xuôi đôi mặt một lời song song./ Ngàn năm xưa nước non Hồng/ Còn đây ơn Đảng nối dòng dài lâu/ Ngàn năm non nước mai sau/ Đời đời ơn Đảng càng sâu càng nồng. (Việt Bắc - Tố Hữu)

Đảng Dân ở đây cũng chính là Đảng - Việt Nam. Có phải vì thế mà Hoàng Trung Thông đã thốt lên những câu thơ không nén nổi tự hào về Đảng Việt Nam: Ôi Việt Nam hai tiếng diệu kỳ/ Một tiếng Đảng vang lên kiêu hãnh/ Ta suốt đời nguyện là người lính/ Dưới cờ Đảng thân yêu/ Gieo mầm thơ trên cuộc sống phì nhiêu. (Ngọn bút này – Hai tiếng Việt Nam)

*

Chín mươi mốt năm qua, Đảng đã đi vào cuộc sống của nhân dân ta, ở trong sâu thẳm trái tim của họ: “Đảng là cuộc sống của tôi Mãi mãi đi theo Người… ”, “Đảng đã cho tôi sáng mắt, sáng lòng…”, “Dù cho vật đổi sao dời Nguyện cùng Đảng Bác một lời sắt son lời ca, tiếng hát đã vang lên từ mọi tấm lòng biết ơn, ca ngợi Đảng của nhân dân ta khắp mọi miền đất nước, mà những tiếng thơ trên đây là những tiếng lòng tiêu biểu nhất dâng lên Đảng kính yêu.

Ca ngợi Đảng cũng là ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi Đất nước, Dân tộc Việt Nam. Và trong chiều sâu của nó, ca ngợi Đảng cũng chính là ca ngợi lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà Đảng đã vạch ra và đang lãnh đạo nhân dân ta thực hiện kỳ được lý tưởng đó trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Lý tưởng đó đang từng ngày trở thành hiện thực tươi đẹp trên Tổ quốc ta, chắp cánh cho tâm hồn mỗi người bay thêm cao, thêm xa khi bước vào kỷ nguyên mới... Hạnh phúc biết bao khi chúng ta được đi trên con đường ấy, và chiến đấu dưới lá cờ vinh quang ấy của Đảng và Bác Hồ kính yêu: Không gì vinh bằng chiến đấu dưới cờ/ Đảng chói lọi, Hồ Chí Minh vĩ đại! (Sáng tháng Năm - Tố Hữu)

Chính tình yêu, niềm tin ấy đã làm nên sức mạnh. Sức mạnh Việt Nam hôm nay…

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8


Có thể bạn quan tâm