April 27, 2024, 9:31 am

Kỷ niệm 10 năm ngày mất “Con đại bàng của thi ca Trường Sơn”

Sáng ngày 04 - 12 – 2017, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Phạm Tiến Duật. Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Hội Nhà văn: nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; các phó Chủ tịch Hội: nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và các ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX; gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và nhiều bạn đọc yêu mến nhà thơ Phạm Tiến Duật.

 

Quang cảnh lễ kỷ niệm. Ảnh Hữu Đố

Nhà thơ Phạm Tiến Duật sinh năm 1941, quê gốc thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Cha ông là nhà giáo, dạy chữ Hán và chữ Pháp. Mẹ ông làm ruộng, không biết chữ. Tuổi trẻ của Phạm Tiến Duật là những năm tháng đi học xa nhà, ông học khoa Văn tại Đại học Sư phạm Hà Nội, đi dạy học rồi gia nhập quân đội. Phạm Tiến Duật đã có khoảng thời gian dài (8 năm trong tổng số 14 năm quân ngũ) trực tiếp sống và viết ởTrường Sơn. Sau khi được trao giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ năm 1969-1970, ông về làm biên tập thơ rồi làm Phó trưởng Ban đối ngoại Hội nhà văn VN, sau đó làm Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn văn nghệ VN. Các tập thơ đã xuất bản của nhà thơ Phạm Tiến Duật: Vầng trăng và quầng lửa (1970), Thơ một chặng đường (1971), Ở hai đầu núi (1981), Vầng trăng và những quầng lửa (1983), Thơ một chặng đường (1994), Nhóm lửa (1996), Tiếng bom và tiếng chuông chùa (1997). Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về  VHNT năm 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2012. Nhà thơ Phạm Tiến Duật qua đời ngày 4.12.2007.

Nhà thơ Hữu Thỉnh. Ảnh Hữu Đố

Trong lễ tưởng niệm, nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá: Nhà thơ Phạm Tiến Duật là một trong những gương mặt nổi trội của thi ca Việt Nam thời chiến tranh chống Mỹ. Một số nhà văn đã dùng hình ảnh “Con đại bàng của thi ca Trường Sơn” để nói về nhà thơ Phạm Tiến Duật trong những năm 1969-1970. Những bài thơ được Phạm Tiến Duật viết trên đường mòn Hồ Chí Minh giữa những đợt bom B52 rải thảm đã làm xúc động hàng triệu trái tim thanh niên đang ra trận và dự báo ngày toàn thắng đang đến gần.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa. Ảnh Hữu Đố

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ những tình cảm xúc động trong ngày tiễn biệt nhà thơ Phạm Tiến Duật về cõi vĩnh hằng cách đây 10 năm. Phó Chủ tịch Hội Nhà văn nhận định: nhà thơ Phạm Tiến Duật đã hiện đại hóa thơ ca thời chống Mỹ, ông đã mang đến thi đàn Việt Nam một giọng điệu mới mẻ, khác biệt: đó là sự hài hước, ngang tàng, dũng mãnh. Giọng điệu đó là tiếng nói cần thiết trong không khí trận mạc, tạo nên sức mạnh tinh thần và niềm lạc quan cho những người lính đang trực tiếp chiến đấu. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đề xuất ý kiến nên xây dựng một bảo tàng trên quê hương Phú Thọ và đặt tên một đường phố mang tên Phạm Tiến Duật tại Hà Nội để ghi nhận những đóng góp của một tài năng trong sự nghiệp cách mạng.

Nhà thơ Trần Ninh Hồ phát biểu: “Hơn một nửa thế kỷ qua chúng ta đã nối nhau đọc thơ Phạm Tiến Duật, rất nhiều người thuộc những bài thơ ông viết trong chiến tranh và thời hậu chiến, kể cả những bài chưa từng công bố.” Để chứng minh điều đó, nhà thơ Trần Ninh Hồ đọc bài thơ “Gửi những người đang yêu” được ông chép lại khi Phạm Tiến Duật sáng tác năm 1970.

Bà Nguyễn Thái Vân – vợ nhà thơ Phạm Tiến Duật . Ảnh Hữu Đố

Bà Nguyễn Thái Vân – vợ nhà thơ Phạm Tiến Duật thay mặt gia đình gửi tới Hội Nhà văn Việt Nam, các đồng nghiệp, bạn bè và nhiều thế hệ bạn đọc lời cảm ơn sâu sắc về những tình cảm, sự quan tâm, giúp đỡ dành cho nhà thơ lúc sinh thời cũng như khi mãi mãi đi xa.

Các nhà thơ thắp hương tưởng nhớ nhà thơ Phạm Tiến Duật

Nguồn Vanvn.net

* Tên bài viết do Vannghe online đặt


Có thể bạn quan tâm