April 27, 2024, 5:31 am

Kỳ nhân của làng

 

Mẹ tôi bảo: “Cụ đồ Thư thường hay nhắc đến anh. Lần này về quê ở chơi được mấy ngày, anh nên tới vấn an cụ đồ cho phải đạo”. Tôi chưa kịp nói gì thì mẹ tôi lại bảo: “Cụ đồ Thư đã sống dư trăm tuổi nhưng tai nghe vẫn rõ, mắt nhìn vẫn tỏ, đầu óc còn minh mẫn, không hề lú lẫn. Cả làng Lâm Bình này, hiếm có ai được như vậy”. Giã xong cối trầu, tôi đưa cho mẹ và khẽ khàng thưa: “Đang mùa trăng, lát nữa ăn cơm tối rồi con sẽ sang nhà cụ đồ Thư hàn huyên chuyện làng nước”. Mẹ tôi cười: “Ờ… Thế cũng được”. Tôi ra phố định cư cũng đã ngót nghét hai mươi năm. Lâu lâu mới có dịp về quê, ngồi chưa ấm chỗ lại vội vã mã hồi, ít có khi mô ở được vài ba ngày. Nghề báo khiến tôi thành người bận rộn, quăng quật khắp nơi, hết chốn nọ tới chốn kia. “Hình như cụ đồ Thư muốn gặp anh để kể chuyện gì đó…”. Mẹ tôi nói. Ngớ người một lúc tôi mới sực nhớ ra cuộc trà dư tửu hậu nhân ba ngày xuân ngày tết năm ấy. “À, đấy là chuyện ông Ba Nhàn ở xóm Hạ…”. Tôi cười bảo với mẹ.

Hồi còn bé, tôi là đứa trẻ khảnh ăn nên ốm nheo ốm nhách. Gần năm tuổi đầu nhưng đến bữa tôi vẫn được mẹ đút cơm. Tôi thích “bú cơm”, có nghĩa là cứ ngậm cơm trong miệng không chịu nuốt. Mẹ phải dỗ dành: “Thằng Cúc đẹt của mẹ ngoan nào, ăn thật nhiều vào cho mau lớn. Rồi thằng Cúc đẹt của mẹ sẽ to khỏe như ông Ba Nhàn”. Tôi chẳng biết ông Ba Nhàn là ai? Bọn trẻ cùng trang lứa với tôi ở làng Lâm Bình cũng mù tịt, dù rằng người làng tôi có câu cửa miệng: “To khỏe như Ba Nhàn, chơi sang như Ấm Khả”. Tôi không lạ gì Ấm Khả, dẫu ông ta là người của ngày xửa ngày xưa… Mỗi lần đút cơm cho tôi, mẹ lại kể về con rể ông Xã Đức - lý trưởng ở làng tôi. Nghe hoài nghe mãi nên tôi biết rõ. Ấm Khả là con trai chánh tổng Phó Đắc Nhân ở làng Sơn Khê. Hai làng chỉ cách nhau một cánh đồng rộng mênh mông và cái truông mây um tùm tre gai. Có lần Ấm Khả cưỡi con ngựa tía qua truông mây thăm ông bà nhạc, chẳng may bị mắc gai tre rách toạc áo mão. Bực mình, Ấm Khả về nhà thay bộ cánh khác, cầm theo cái đãy may bằng gấm đựng đầy tiền đồng tiền kẽm, ước tính cả trăm quan tiền, quay lại. Đến truông mây, Ấm Khả ngồi trên lưng ngựa tía vừa đi vừa hốt tiền vãi vào các lùm tre gai dọc hai bên đường. Người làng tôi thấy thế, vội bỏ bê công việc đồng áng đang làm dở dang, ới nhau vác dao rựa phát dọn các bụi tre gai ở truông mây để nhặt tiền Ấm Khả quẳng khắp nơi.

Tò mò, tôi hỏi mẹ: “Còn chuyện ông Ba Nhàn?”. “Ông ấy cũng là người làng Lâm Bình nhưng ở xóm Hạ. Và chỉ có cụ đồ Thư mới rõ ngọn ngành”. Mẹ nói. “Tại sao mẹ biết chuyện Ấm Khả mà không biết chuyện Ba Nhàn?”. Tôi lại hỏi. Nén bực dọc, mẹ trả lời: “Thì Ấm Khả là con rể ông Xã Đức - anh em thúc bá với ông nội con, mẹ về làm dâu nhà họ Thái, nghe mọi người kể lại…”. Tôi đuối lý, ngồi thẫn thờ. Lúc bấy giờ chiến tranh lan rộng, làng tôi thuộc vùng giải phóng, “chính phủ quốc gia” có quyền ném bom bắn pháo vô tội vạ. Để bảo toàn mạng sống, dân xóm Thượng lẫn xóm Hạ phải dắt díu nhau vào sống chen chúc trong khu dồn Phái Nam. Căn nhà tạm bợ của cụ đồ Thư gần mé đồi sim. Thấy bọn trẻ con ở khu dồn suốt ngày chạy nhảy lông bông và quậy phá như giặc, cụ đồ Thư nảy ra sáng kiến dạy chữ thánh hiền miễn phí cho chúng. Tôi ham chơi hơn ham học. Bạn bè cùng trang lứa lại ham học hơn ham chơi. Buộc lòng tôi cũng phải đến nhà cụ đồ Thư ngồi xếp bằng trên tấm poncho trải dưới đất ê a:

Thiên là trời

Địa là đất

Thất là mất

Tồn là còn

Tử là con

Tôn là cháu

Lục là sáu

Tam là ba

Gia là nhà

Quốc là nước

….

Cụ đồ Thư giao ước: Cuối tuần, kiểm tra tất cả thuộc bài sẽ được nghe kể một đoạn về chuyện ông Ba Nhàn. Tôi ráng theo học, ráng vẽ chữ thánh hiền bằng cách lấy que vạch trên nền đất những nét ngang nét dọc, những dấu móc dấu phẩy. Lớp học tồn tại được mấy tháng rồi giải tán vì khu dồn Phái Nam không còn là nơi trú ngụ an toàn cho mọi người. Dân xóm Thượng lẫn xóm Hạ lùi sâu vào trung tâm quận lỵ Tiên Phước và tản ra ăn nhờ ở đậu với dân sở tại. Năm 1975, quê hương được hoàn toàn giải phóng. Mọi người dắt díu nhau gánh gồng bồng bế về lại chốn cũ vườn xưa. Đất nước hòa bình chưa được bao lâu thì xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam. Tôi học xong bậc trung học phổ thông rồi đi bộ đội. Sau năm năm mặc áo xanh màu của lá và sang làm nhiệm vụ quốc tế bên nước bạn Campuchia, tôi xuất ngũ về quê. Đi học đại học. Ra trường, làm báo. Rồi tôi lập gia đình và định cư ở nơi phố thị đông người.

*

Cơm tối xong, tôi đến nhà cụ đồ Thư. Cứ ngỡ cụ đã hom hem, nào ngờ vẫn còn tráng kiện. Râu tóc cụ bạc phơ trông giống hệt Tiên Ông giáng thế. “Về quê, anh tranh thủ đến thăm là quý hóa lắm rồi. Bày vẽ quà với cáp làm chi!”. Cụ đồ Thư bảo. Tôi lễ phép thưa: “Dạ! Chỉ là xấp vải gấm và cân trà Shan Tuyết, chứ có gì đâu ạ”. Cụ đồ Thư và tôi cùng ngồi trên chiếc chõng tre kê trước hiên nhà, vừa uống nước chè xanh vừa hàn huyên về làng xã. Cụ đồ Thư bảo: “Tôi còn nợ anh câu chuyện về ông Ba Nhàn ở xóm Hạ. Đêm nay có trăng thu soi sáng khắp nơi, anh chịu khó ngồi chơi để tôi trả nợ…”. Tôi cười: “Thầy vẫn còn nhớ lớp dạy chữ thánh hiền và lời giao ước năm nao!”. Cụ đồ Thư cũng cười: “Sao lại không? Tôi sống lâu nhưng ơn trời, đầu óc vẫn còn minh mẫn...”.

*

Lúc nhỏ, Ba Nhàn cũng chẳng có gì đặc biệt so với đám bạn cùng trang lứa ở xóm Hạ. Điều khác lạ là cu cậu không hề đau ốm vặt. Đầu trần chân đất suốt ngày chạy nhảy lông khắp nơi. Qua tuổi thiếu niên, cu cậu nhổ giò lớn nhanh như thổi. Cao gần một mét chín. Nặng hơn tám chục cân. Đám bạn cùng trang lứa, đứa nào cao lắm cũng chỉ đứng ngang vai. Sẽ chẳng có ai biết Ba Nhàn sức khỏe hơn người, nếu hôm đó không có lão Vạn đem con trâu đực mới lớn ra vật cày thửa ruộng cạn ở đồng Gò Dưa. Vừa tra ách cày được mấy đường, nó bực bội trở chứng. Đứng dạng hai chân trước, nó lúc lắc đầu mấy cái. Sợi dây thừng xỏ mũi trên tay cô May văng ra. Và nó bương chạy. May mà lưỡi cày cắm phập vào bờ ruộng, ghìm chân nó lại. Không ai dám đến gần con trâu đực mới lớn nổi cơn điên. Ba Nhàn đến. Nắm sừng nó, Ba Nhàn giật mạnh một cái, nó vội bước lùi lại. Lão Vạn rút lưỡi cày khỏi bờ ruộng. Con trâu đực mới lớn vục vặc cố thoát khỏi cánh tay rắn chắc nắm chặt sừng nó. Hai mắt ngầu đỏ. Miệng thở phì phò. Nước dãi từ hai khóe mép sùi ra. Ba Nhàn nắm sừng xoay nó. Khó có thể phản kháng, nó đành ngoan ngoãn để cho Ba Nhàn nắm sừng dắt đi. Gần trưa, lão Vạn cày xong thửa ruộng cạn. Biết thân biết phận của kiếp “trâu cày ngựa cưỡi”, nó cúi đầu khuất phục. Và Ba Nhàn thành người nổi tiếng cả vùng.

“Chú mày ưng con May qua([1]) gả cho!”. Lão Vạn vừa tháo ách cày vừa vỗ về con trâu đực mới lớn, cười hỏi. “Con chỉ sợ May…”. Ba Nhàn đỏ mặt ấp úng. “Hầy! Ngó ánh mắt nó nhìn chú mày, qua biết nó mê chú mày lắm đó!”. Lão Vạn lại cười. Hơn một năm sau, Ba Nhàn và cô May nên vợ nên chồng. Lúc bấy giờ, Ba Nhàn vang danh khắp huyện không riêng chuyện to khỏe hơn người, mà còn cả chuyện ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo. Thịt heo luộc để nguyên khổ chấm với mắm cái dầm ớt xanh, Ba Nhàn ăn một lèo bay vèo chục cân. Cơm nấu nồi bảy, mười hai người ráng sức ăn không hết, Ba Nhàn chén sạch không còn miếng cháy. Ăn nhiều nên Ba Nhàn có sức mạnh phi thường. Quảy gánh cau quả tươi nặng gần tạ rưỡi đi đường trường từ quê nhà xuống trung tâm huyện Hà Đông, Ba Nhàn chỉ nghỉ giải lao một lần duy nhất mà thôi! Nhiều người không tin. Lắm kẻ võ nghệ cao cường ở các tổng trong huyện kéo đến diện kiến để được tỷ thí so tài. Không có thế võ lận lưng nhưng Ba Nhàn là người cực kỳ nhanh nhẹn. Đặc biệt, Ba Nhàn có đôi mắt rất tinh, đôi tai rất thính, nghe được những đòn gió bất ngờ từ phía sau để tránh né kịp thời. Ba Nhàn nhận lời thách đố của bọn họ. Năm gã vai u thịt bắp háo thắng lần lượt bị Ba Nhàn hạ đo ván. Tất cả dang ra. Bốn Ngà là gã to cao nhất, giỏi võ nghệ nhất, nhảy vào. Giao đấu chưa được bao lâu, gã bị Ba Nhàn túm một cẳng chân quẳng vô bụi tre gai cạnh bãi đất trống tỷ thí.

“Bọn họ quỳ xuống xin Ba Nhàn tha tội dám vuốt râu hùm. Rồi bọn họ mượn rựa phát gai tre, mượn thang bắc lên cho Bốn Ngà trèo xuống. Lúc đó, tôi cùng đám trai làng xóm Hạ đứng coi…”. Cụ đồ Thư nhớ lại. “Chuyện thật mà cứ ngỡ như đùa!”. Tôi cười. “Đúng vậy!”. Cụ đồ Thư cũng cười.

Thời ấy, những tên trộm cướp chuyên nghiệp ở các làng các tổng hội tụ lập băng đảng với tên gọi chung: Dân đào ngạch! Có nghĩa là, lợi dụng lúc đêm hôm khuya khoắc, gia chủ ngủ say, bọn chúng đào ngạch cửa chui vào bên trong khống chế cả nhà để trấn lột vàng bạc châu báu, khuân vác mâm thau nồi đồng… Lộng hành khắp nơi song bọn chúng ít khi bị trừng trị. Bọn chúng đi cướp ở các địa phương khác, nạn nhân không bắt tận tay day tận trán, đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Trình báo lên quan huyện ư? Chứng cứ đâu? Đồ đạc cướp được, bọn chúng tẩu tán, cất giấu kỹ. Thêm nữa, đám hương lý cai quản các xóm mạc mà bọn chúng cư ngụ lại dung túng bao che vì ăn của đút, nghẹn họng. Không ai không biết chuyện ông Xã Đức - Lý trưởng làng Lâm Bình, bị dân đào ngạch ở Tân Thượng đột nhập cướp của. Bọn chúng khá đông, trên ba chục tên. Ngoài hung khí như gậy gộc, giáo mác, đinh ba, xà mâu…, bọn chúng còn vác mỗi người một cái nong đan toàn tre cật chắc nụi, có hai đoạn cây săn buộc hình chữ thập vào vành nong. Trời vừa sập tối, bọn chúng ập vào nhà. Ông Xã Đức và đám gia nhân không kịp trở tay. Lấy hết của nả, bọn chúng rồng rắn kéo đi. Khi đám gia nhân ông Xã Đức hoàn hồn, vội quơ đá cục tấn công. Những cái nong đan toàn tre cật chắc nụi hóa thành những cái khiên khổng lồ che chở bọn chúng. Ba Nhàn hay tin, hộc tốc tới nơi thì bọn chúng đã cao chạy xa bay…

Thấy Lý trưởng làng Lâm Bình bị dân đào ngạch Tân Thượng vơ vét sạch trơn của nả quý giá, lão Tiều Châu ở chợ Vùng Đông, ớn lạnh. Lão đã từng là nạn nhân của dân đào ngạch nơi nào không rõ đang đêm ập vô nhà cõng cả trăm bó quế thanh loại 1. May mà có tiếng gà gáy báo hiệu canh tư, bọn chúng lo sợ trời sáng nên vã rút lui. Nghe danh Ba Nhàn, lão Tiều Châu không quản ngại đi bộ đường xa tới nhà nhờ làm bảo vệ. Ba Nhàn đồng ý với điều kiện nuôi cơm ba bữa ba nồi bảy. Ngày Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ cho ăn rổ sảo thịt heo luộc nguyên khổ chấm mắm cái dầm ớt xanh. Còn công xá trả thế nào cũng được, tùy! Lão Tiều Châu nhất trí. Từ khi nhận làm bảo vệ cho lão Tiều Châu - gia đình người Hoa ở chợ Ngũ Lộ, chuyên buôn bán các mặt hàng nông sản địa phương như hồ tiêu, quế, chè…, Ba Nhàn tập rinh cối đá đi dạo quanh nhà. Đó là dụng cụ để giã gạo làm bằng đá núi nặng oằn lưng ba người vần không nhúc nhích. Ba Nhàn bưng bê nhẹ tênh. Đám đầy tớ nhà lão Tiều Châu trợn tròn hai con mắt kinh ngạc. Bọn họ thì thầm với nhau: “Ba Nhàn quả là một kỳ nhân!”. Và không ai bảo ai, bọn họ mong sao dân đào ngạch đánh cướp nhà lão Tiều Châu để được mục sở thị Ba Nhàn tả xung hữu đột với bọn chúng thế nào!

Biết lão Tiều Châu thuê Ba Nhàn làm bảo vệ, dân đào ngạch ngứa gan. Băng đảng Út Côi nhận lãnh vinh hạnh so tài trước. Chọn đêm trăng sáng, Út Côi cầm đầu đám lâu la hơn ba chục tên kéo đến nhà lão Tiều Châu. Tháo chiếc khăn quấn đầu dài gần một mét rưỡi có cột cục đá ba cạnh y như cái bánh ú cầm tay, Ba Nhàn cười: “Đứa nào đầu đảng? Khôn hồn cút xéo ngay đi!”. Út Côi lớn tiếng: “Tao đây!”. Dứt lời, hắn cầm cây mã tấu nhảy vào. Ba Nhàn xoay người tránh né và vụt chiếc khăn dài, giật mạnh. Đầu khăn cột cục đá ba cạnh quấn quanh cổ Út Côi. Hắn trợn mắt, thè lưỡi và thả rơi cây mã tấu. Ba Nhàn nắm đầu hắn nhấc khỏi mặt đất. Đám lâu la thất kinh hồn vía, đứng như trời trồng. Quẳng Út Côi cho đồng bọn, Ba Nhàn nói: “Lần này, tao tha! Nếu tái phạm, hãy chuẩn bị sẵn hòm để chôn”. Băng đảng Út Côi ngã ngựa khiến dân đào ngạch lại càng ngứa gan. Bọn chúng quyết tâm rửa hận. Vũ đinh ba, Qua nhị khúc, Túc song kiếm, Điểm giáo dài, Lai chùy, Lũy gậy… là những tên đầu đảng của các băng nhóm trộm cướp ở vùng tây huyện Hà Đông lần lượt kéo đến nhà lão Tiều Châu phục thù. Và kết cuộc bọn chúng đều chuốc lấy thất bại thảm hại. Lão Tiều Châu bái phục sát đất, gọi Ba Nhàn là Trương Phi([2]) tái thế! Đầy tớ trong nhà qua mấy lần tận mắt mục sở thị Ba Nhàn tỷ thí với đám lâu la, thở phào nhẹ nhõm. Bọn họ yên chí ăn no ngủ kỹ, không còn phải nơm nớp lo sợ dân đào ngạch.

“Chưa nhổ sạch hết cỏ đâu! Vẫn còn băng trộm cướp hung hãn do Chín u cầm đầu. Trước sau gì bọn chúng cũng kéo tới đây. Hạ được tôi, bọn chúng sẽ lên ngôi bá chủ ở vùng tây”. Ba Nhàn cười nói với lão Tiều Châu. Không giấu được nỗi sợ hãi hiện trên nét mặt, lão Tiều Châu hỏi: “Sao chú Ba biết được?”. “Thì mấy băng cướp nhãi ranh mà tôi tha cho mạng sống bảo với nhau như thế!”. Lão Tiều Châu khẽ thở dài im lặng. Ba Nhàn cười trấn an: “Ông chủ khỏi lo! Có điều, cẩn tắc vô áy náy. Ngay từ bây giờ, ông chủ sai bảo đám tôi tớ trong nhà mài giũa dáo mác, sắm thêm gậy gộc, chờ bọn chúng dẫn xác đến nện một trận tơi bời là xong”. Không phải đợi lâu. Khuya hôm ấy, Chín u dẫn bốn chục tên đàn em phá cổng ngõ vào sân. Lập tức đèn đuốc được thắp sáng trưng. Đứng trước hiên trên căn gác gỗ, Ba Nhàn bưng chiếc cối đá xoay ngược lại úp lên đầu, hai tay nắm chắc vành cối, cười hỏi: “Chúng mày là ai?”. “Chín u đây!”. “Mười sẹo tao còn đếch ngán, nhằm nhò Chín u, Chín cục…”. Bất ngờ Ba Nhàn quăng chiếc cối đá xuống sân cái thịch. Cả bọn hoảng hồn lùi lại. “Tao giao kèo trước. Thắng tao, chúng mày lấy hết của nả mà không gặp phải sự kháng cự nào. Thua tao, chúng mày được quyền chọn một trong hai điều kiện: Hoặc thằng đầu đảng phải đội chiếc cối đá kia ra về; hoặc chúng mày và các băng trộm cướp khác không bao giờ được tác oai tác quái ở vùng tây”. Chín u đồng ý.

Chỉ một cái nhún chân, Ba Nhàn cầm cây gậy tre đực đã nhảy xuống sân.

Tung chân, xoay người, Chín u quét ngang bằng một thế võ hiểm khi Ba Nhàn vừa chạm đất. Rất may, Ba Nhàn kịp lùi ra né tránh. Chín u xông tới, nhằm đầu Ba Nhàn giáng mạnh thanh trường kiếm. Ba Nhàn giơ cây gậy tre đực lên chống đỡ. Lưỡi kếm bén ngọt bập vào cây gậy tre đực dính cứng ngắc. Ba Nhàn kiễng chân đẩy Chín u ra. Chín u cũng ráng sức xoạc cẳng nống lại. Bất thình lình Ba Nhàn thả cây gậy tre đực và nhảy qua một bên, làm Chín u mất đà ngã chúi về phía trước. Đúng lúc ấy, đàn em Chín u ùa vào. Và cũng đúng lúc ấy, Ba Nhàn nhanh tay chụp cẳng chân đối thủ quay một vòng, khiến cả bọn té lăn chiêng ra đất. Vất Chín u vào đống người hoảng loạn, Ba Nhàn cười hỏi: “Đầu hàng chưa hay là đấu tiếp?”. Chín u bật dậy gầm lên: “Còn lâu tao mới đầu hàng mày!”. Giật cây xà mâu trên tay một tên đàn em, Chín u nhảy vào. Ba Nhàn tháo chiếc khăn dài có cột cục đá ba cạnh y hệt cái bánh ú quấn quanh đầu, cầm tay. Hai bên vờn nhau lựa thế. Kẻ công người thủ. Kẻ thủ người công. Trong lúc giằng co, Ba Nhàn tung đòn độc chiêu khi đối phương sơ hở. Bị chiếc khăn dài quấn thít chặt cổ, Chín u đờ người. Ba Nhàn nắm đầu khăn trên tay giật mạnh, Chín u đổ ngã sóng soài dưới đất như một súc thịt. Chân giẫm lên ngực và đoạt cây xà mâu từ tay đối phương, Ba Nhàn chĩa mũi nhọn trên trán Chín u, nghiến răng hỏi: “Mày muốn chết hay muốn sống? Nói đi, tao cho toại nguyện ngay lập tức!”. Chín u lúc lắc đầu không nói được vì chiếc khăn dài vẫn quấn thít quanh cổ.

Biết khó có thể cứu nguy cho đầu đảng, đàn em Chín u tháo chạy tán loạn. Và bọn họ đối diện với một rừng dáo mác sáng lóa của gia nhân và tôi tớ nhà lão Tiều Châu ở ngay cổng ngõ. Bọn họ vội lùi lại. Chín u đã bị Ba Nhàn lấy chiếc khăn dài trói quặt hai tay sau lưng, nửa quỳ nửa ngồi cạnh chiếc cối đá. “Mày lệnh cho đám lâu la của mày hạ hung khí và đứng dồn vào góc rào kia. Nếu không, tao động thủ, tất cả sẽ đui què mẻ sứt sạch trơn không còn một mống”. Ba Nhàn bảo. Chín u răm rắp làm theo. Một tay nắm đầu Chín u, một tay xách chiếc cối đá nặng trịch, Ba Nhàn sải bước đến trước mặt đám lục lâm thảo khấu đứng nép vào nhau ở góc rào. “Thằng nào xung phong đội cối đá thay cho đầu đảng?”. Ba Nhàn hỏi. Không có ai trả lời. Ba Nhàn cười: “Chín u! Theo giao ước, mày được quyền chọn một trong hai điều kiện…”. Chín u chết điếng, mở miệng không ra. “Mày không lên tiếng, có nghĩa là mày nhờ tao chọn giúp. Được!”. Ba Nhàn cười lớn. Nắm vành cối đá lật úp lại, Ba Nhàn từ từ chụp xuống đầu Chín u. Hắn vội lăn ra xa và kêu la oai oái: “Em lạy đại ca tha cho mạng sống! Em hứa sẽ không bao giờ đi đào ngạch ở vùng tây. Em sẽ bảo với các băng đảng khác cũng vậy. Chúng nó trái lời, em sẽ thay mặt đại ca trừng trị…”. Ba Nhàn nói: “Thôi được! Quân tử nhất ngôn. Nếu không, liệu hồn…”.

*

Ngọn gió đêm thu bất chợt thoảng qua. Cụ đồ Thư cài lại khuy áo ngực, bảo với tôi: “Từ đấy, cả vùng tây yên ắng, dân đào ngạch không còn hoành hành khắp nơi như trước nữa”. Tôi hỏi: “Hết nạn cướp bóc, Ba Nhàn có ở với lão Tiều Châu?”. Cụ đồ Thư cười: “Ở làm chi khi bao mối hiểm nguy đã được diệt trừ!”. Cụ đồ Thư ngồi trầm ngâm. Tôi cũng làm thinh không dám hỏi thêm. “Giá như không ngạo mạn, cuộc đời Ba Nhàn ắt sẽ có một cái kết khác! Rất tiếc…”. Cụ đồ Thư khẽ thở dài. Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Cuối đời Ba Nhàn thế nào? Tại sao cụ đồ Thư lại bảo vậy? Thấy tôi tò mò muốn biết, cụ đồ Thư nheo mắt cười. Rồi cụ vừa mân mê chòm râu trắng phau màu cước, vừa kể về đoạn kết cuộc đời Ba Nhàn cho tôi nghe…

Về quê, Ba Nhàn chí thú làm ăn nhưng vẫn không khá lên được. Con đông. Ruộng nương vườn tược không có bao nhiêu. Ba Nhàn lại ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo. Cái nghèo cứ đeo bám mãi. Chán nản. Ba Nhàn chơi nghịch. Dốc Sim - nơi phân chia làng Lâm Bình thành hai nửa, bên tả là xóm Thượng, bên hữu là xóm Hạ. Ở đấy có cây đa cổ thụ mọc cạnh ngôi miếu thiêng, cành nhánh chìa ra đường. Khi màn đêm buông xuống, ít ai dám qua lại Dốc Sim. Thời kháng chiến chín năm, Tám Kỳ ở xóm Thượng, làm cán bộ huyện đoàn, thường hay đi sớm về khuya qua đấy. Ba Nhàn chơi nghịch. Cột sợ dây lên nhánh cây đa chìa ra đường, Ba Nhàn mặc bộ bà ba trắng toác, treo người lửng lơ ở đấy. Đi họp về khuya trông thấy, Tám Kỳ chẳng những không sợ vãi đái ra quần, mà còn đứng lại nhìn ngó rồi bất ngờ vung sợi roi mây quất túi bụi vào cái hình người trắng toác. Bị đòn đau, Ba Nhàn la trời. Từ đó, Ba Nhàn đâm oán ngôi miếu thiêng. Mỗi lần vác cuốc đi thăm ruộng xong, Ba Nhàn ghé vào ngôi miếu thiêng, vạch quần xà lỏn lôi cái của nợ ra vọc cho nó ngóc đầu dậy, ngông vổng lên cứng ngắc, gật lạy thần linh đến khi ỉu xìu mới thôi. Lần thứ nhất không sao. Lần thứ hai cũng chẳng có gì xảy ra. Nhưng tới lần thứ ba thì gặp chuyện chẳng lành. Chống cuốc nhảy từ thành miếu bên này sang thành miếu bên kia để về nhà, Ba Nhàn bị trượt chân té ngã, đầu cán cuốc thọc vào mắt trái, văng tròng.

Thương chồng bỗng dưng thành kẻ chột, cô May oán thán trời cao đất dày. Đêm hôm ấy, cô May nằm mơ thấy Thần Miếu mách bảo mọi chuyện. Không tin, cô May cãi lại: “Nhà cháu vác cuốc đi thăm ruộng, chẳng may sụp bờ mương nên mới ra nông nỗi…”. Thần Miếu nghiêm mặt cảnh báo: “Chồng ngươi giở trò khả ố ở chốn linh thiêng, lẽ ra phải mất mạng, nhưng chồng ngươi là một kỳ nhân có chân mệnh lớn, quá lớn. Giờ đây chồng ngươi đã là vua của những người mù, liệu mà tu tâm dưỡng tính để đời sau còn nhắc nhớ…”. Quơ cây phất trần, Thần Miếu biến mất. Cô May tỉnh giấc, hoang mang. Chẳng lẽ Ba Nhàn nói dối? Gặn hỏi mãi, cuối cùng Ba Nhàn đành thú thực với cô May tất cả. Và sáng hôm sau Ba Nhàn sắm một mâm lễ vật đem đến ngôi miếu thiêng tạ lỗi với thần linh rồi xuống tóc đi tu ở chùa Lâm Bình. Hiệp định Genève -1954 được ký kết. Đất nước tạm thời phân chia làm hai miền Nam - Bắc. Mỹ hất chân Pháp nhảy vào miền Nam, dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm. Dân xóm Thượng lẫn xóm Hạ bị dồn ép vào sống trong ấp chiến lược “được” chính phủ quốc gia bảo vệ bằng ba lớp rào tre xen kẽ với kẽm gai quây bốn chung quanh. Thành người tu hành, Ba Nhàn bám trụ ở chùa cùng với cô Ba, cô Tư, cô Năm, thầy Bốn, thầy Sáu… Và chùa Lâm Bình là nơi nuôi giấu chở che cho “cán bộ đằng mình” suốt những năm tháng ấy…

“Vậy là tôi đã trả anh món nợ về chuyện ông Ba Nhàn - một kỳ nhân của làng Lâm Bình”. Cụ đồ Thư cười bảo với tôi. “Hóa ra, ông Ba Nhàn không phải là nhân vật của ngày xửa ngày xưa, thưa thầy?”. Tôi ngỡ ngàng hỏi. “Không! Ba Nhàn sinh năm 1915, cùng tuổi với tôi. Mãi đến cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX ông ấy mới mất”. Cụ đồ Thư cho hay. Thấy tôi im lặng, cụ đồ Thư nói: “Người làng Lâm Bình thường hay nhắc đến Ba Nhàn khi trẻ, to khỏe hơn người, có công xóa bỏ nạn cướp bóc của dân đào ngạch thời trước Cách mạng 8.1945. Còn sau này, như anh biết đấy, Ba Nhàn ẩn danh làm người tu hành nên dân làng tôn trọng ý nguyện của ông ấy…”. Tôi bồi hồi nhớ lại thuở ấu thơ theo mẹ vào chùa lễ Phật để được ông thầy Ba xoa đầu cho xôi oản. “Có phải ông thầy Ba lúc nào cũng đeo miếng da che con mắt trái chính là ông Ba Nhàn?”. Tôi lại hỏi. Cụ đồ Thư cười: “Chứ còn ai vô nữa?”.


[1])  Qua: Phương ngữ Quảng Nam, ngôi thứ nhất, có nghĩa là tôi, tao…

[2]) Nhân vật trong truyện Tam quốc chí của La Quán Trung. 

Nguồn Văn nghệ số 24/2019


Có thể bạn quan tâm