April 26, 2024, 11:15 pm

Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV: Không chỉ là những quyết định trên giấy…

Hình thành Quỹ dự phòng an sinh xã hội, để san sẻ gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp là đề xuất nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri, người dân cả nước tại tuần làm việc thứ 2, kỳ hợp thứ Năm, Quốc hội khóa XV.

Đề xuất được đưa ra dựa trên đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đồng thời cho rằng Quốc hội, Chính phủ cần có hành động ngay đề góp phần chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho người dân.

Không phải đến thời điểm hiện tại, nền kinh tế đất nước nói chung, mỗi doanh nghiệp, người dân nói riêng mới gặp khó khăn, mà trước đó, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và đại dịch Covid 19 đã khiến thị trường lao động sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phá sản, lao động mất việc làm, mất nguồn thu nhập chính, khiến họ trở thành đối tượng dễ bị tổn thương; nhiều gia đình mất đi cơ sở kinh tế cần thiết để ổn định cuộc sống cho bản thân và cho cả người phụ thuộc vào họ như trẻ em hay người già không còn sức lao động… Và khi xã hội có quá nhiều đối tượng dễ bị tổn thương thì hệ lụy mà nó đem lại sẽ là không nhỏ, bởi đây chính là khởi nguồn của bạo lực, bỏ học và tệ nạn xã hội…

Đại biểu quốc hội Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Quốc hội tỉnh Hải Dương)

Một Quỹ an sinh xã hội ra đời có thể thúc đẩy kinh tế và ổn định cuộc sống cho người dân là điều cần thiết. Kinh nghiệm về sự tối ưu hóa các nguồn quỹ trong thời gian qua cho thấy, trong những giai đoạn cụ thể Quỹ đã phát huy tác dụng. Đơn cử như Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã tác động đến thị trường nhiên liệu trong nước, giảm bớt gánh nặng cho người dân, Quỹ BHTN, BHYT… góp phần giải quyết khó khăn trước mắt, giúp người lao động có thời gian tìm việc làm mới, giảm gánh nặng chi phí y tế…

Đại biểu quốc hội Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Quốc hội tỉnh Hải Dương) kiến nghị cần nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, ứng phó với những rủi ro đột ngột, đồng thời góp phần giảm tải cho các quỹ an sinh xã hội truyền thống như quỹ BHXH, BHYT… Đặt ra câu hỏi về những tình huống có thể xảy ra và Chính phủ đã lường hết những tác động của nó đối với sự ổn định kinh tế, chính trị xã hội hay chưa, phản ứng của Chính phủ thế nào nếu có đình công? Và đâu là giải pháp dài hạn? nhiều đại biểu cho rằng những chính sách của Chính phủ cần phải sát thực tế hơn, tuyệt đối không để những quyết định hành chính chỉ nằm trên giấy.

Trên thực tế, trước những vấn đề đại biểu, cử tri cả nước quan tâm, Chính phủ đã lường trước và đã có những quyết sách mang tính vĩ mô và cụ thể để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động thông qua các chương trình đào tạo nghề, liên kết đào tạo với các trường nghề trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đẩy mạnh chương trình đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài theo nhiều hình thức: lao động đơn thuần, kết hợp lao động với học tập v.v... Đi cùng với đó là đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, nhằm tạo sự liên kết giữa các khối ngành nghề, hoàn chỉnh dữ liệu quốc gia về việc làm, từ đó tiếp tục xây dựng kế hoạch cải cách nền kinh tế, từng bước chia sẻ khó khăn cho người dân bằng những vị trí, cơ hội việc làm cụ thể. Đặc biệt, trong xây dựng chính sách, người lao động cần được đặt ở vị trí trung tâm của quá trình làm chính sách.

Tiếp thu những kiến nghị của cử tri, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành văn bản số 493/TTg-KSTT ngày 1/6/2023 về việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp. Đây được xem là mấu chốt để doanh nghiệp có thể đi đường dài, tạo ra việc làm cho người lao động. Số liệu của Chính phủ cho biết, từ  2021 đến nay, các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 2.200 quy định kinh doanh tại 177 văn bản quy phạm pháp luật; Riêng Thủ tướng Chính phủ là  hơn 1.100 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh… cho thấy những nỗ lực của Chính phủ trong phục hồi kinh tế là không thể phủ nhận. Song vẫn còn những rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân; các thủ tục hành chính nội bộ chưa được quan tâm rà soát, cắt giảm; việc giải quyết thủ tục hành chính còn qua nhiều tầng nấc trung gian, gây chậm trễ, ách tắc trong thực hiện; công tác công khai, minh bạch thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng còn hạn chế; việc tổ chức thực hiện thủ tục hành chính một số nơi chưa nghiêm, còn có hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, đặt thêm thủ tục ngoài quy định làm tăng thời gian, chi phí xã hội, giảm hiệu lực quản lý. Vì vậy, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, Ngành cùng vào cuộc để gỡ nút thắt của những tồn tại nói trên, và nếu làm ngay và làm được sẽ giải quyết dút điểm tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” và hậu quả không trút lên người lao động và gia đình họ.

Để những quyết định không nằm trên giấy, việc thực thi các giải pháp đã đề ra phải kịp thời và quyết liệt, hiệu quả… là những mong mỏi mà đại biểu, cử tri, người dân cả nước quan tâm và hướng tới.

Bước sang tuần làm việc thứ 3, Quốc hội tiếp tục chương trình nghị sự với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó,  hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, diễn ra trong 2,5 ngày làm việc, từ 6-6 đến hết buổi sáng 8-6.  

Toàn bộ phiên chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên VOV, VTV để cử tri và nhân dân thuận tiện theo dõi.

Theo đó, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã được Quốc hội quyết định, 4 thành viên Chính phủ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn ở kỳ họp thứ 5 của Quốc hội là Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Bộ trưởng Bộ KH-CN; Bộ trưởng Bộ GTVT. Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Các phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực, các bộ trưởng, trưởng ngành liên quan sẽ cùng có mặt “chia lửa” với các bộ trưởng trả lời chính.

Tiếp đến, trong mảng công tác giám sát, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Bên cạnh đó, trong tuần này, Quốc hội cũng sẽ xem xét, thảo luận về nhiều dự án luật quan trọng, có tác động kinh tế - xã hội sâu rộng, gồm: Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi).

Đặc biệt, ngày 8-6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

PV

Nguồn Văn nghệ số 23/2023

 


Có thể bạn quan tâm