...Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với đặc trưng cơ bản là dựa trên một nền tảng pháp luật hoàn chỉnh, đủ khả năng điều chỉnh mọi quan hệ mới nảy sinh. Tuy nhiên...  ">
April 27, 2024, 4:44 am

Kỷ cương, luật pháp và vấn đề đạo đức xã hội hiện nay


NGUYỄN THỊ ÁNH HUYỀN


Trong thời gian vừa qua, nhiều vấn đề trong đời sống xã hội liên quan đến kỷ cương phép nước nổi lên như một vấn nạn ở hầu khắp các lĩnh vực. Từ sự xuống cấp về đạo đức, nhân tính của một bộ phận thanh niên, đến tình trạng tham ô, tham nhũng, vô nguyên tắc trong quản lý điều hành xã hội được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, cho dù chỉ mới là mặt trái của một bức tranh, song không phải là không đáng suy nghĩ…
Đạo đức xã hội là một vấn đề văn hóa phản ánh thuộc tính xã hội. Song để điều tiết và định hướng cho nó thì lại cần đến một hệ thống chế tài hoàn thiện và khoa học. Đây là vấn đề thuộc về trách nhiệm của Nhà nước. Song ở góc độ văn hóa, thì đó chính là kỷ cương, phép nước, cái mà chúng ta đã từng có, nhưng thực tế đang để mai một đi rất nhiều.  
PHÁP LUẬT PHẢI PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN
Thực tiễn tình hình nước ta hiện nay là một xã hội đan xen của thời kì quá độ, cái cũ chưa hoàn toàn mất đi còn cái mới vẫn chưa được hình thành hoàn chỉnh. Chính vì vậy việc ban hành pháp luật gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi ban hành pháp luật đòi hỏi các cơ quan soạn thảo phải có sự điều tra, khảo sát kỹ lưỡng trong thực tế đồng thời phải xây dựng cơ chế tham khảo ý kiến đóng góp của cá nhân, tổ chức liên quan - đối tượng chính chịu sự tác động trực tiếp của các quy định của Nhà nước - để có được cái nhìn tổng thể và sát với tình hình. Đồng thời, tính phù hợp với thực tiễn của pháp luật phải đi đôi với việc các cơ quan ban hành thường xuyên tiến hành rà soát các quy định của pháp luật để kịp thời có những điều chỉnh, bổ sung cần thiết, phù hợp với tình hình mới. 
PHÁP LUẬT PHẢI CÓ TÍNH THỐNG NHẤT
Nếu việc ban hành pháp luật không đảm bảo tính thống nhất thì điều này không những trái với quy luật thực tiễn khách quan vì các quan hệ xã hội đã bao hàm tính thống nhất mà còn trái với quy luật của bản thân pháp luật vì đúng như Ăng-ghen nhận định, pháp luật là sự biểu hiện nhất quán từ bên trong để không phủ nhận mình bởi những mâu thuẫn nội tại. Do vậy, từ việc nhận thức đến việc thực hiện pháp luật và trong chính cấu trúc hệ thống nội tại của hệ thống pháp luật, phải đảm bảo được tính thống nhất.
Tính thống nhất của hệ thống pháp luật xuất phát từ tính thống nhất của hệ thống các cơ quan Nhà nước. Do vậy, tính thống nhất của pháp luật ở đây được hiểu là văn bản pháp luật cấp dưới ban hành phải phù hợp với văn bản của cơ quan cấp trên để từ đó tạo được cách hiểu chung thống nhất trên phạm vi toàn quốc đối với một vấn đề nhất định nào đó. Điều này tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” khi thực hiện các văn bản luật.
Thêm vào đó tính thống nhất còn thể hiện ở việc các văn bản được ban hành của các ngành phải có sự hỗ trợ, thống nhất với nhau để cùng nhau điều chỉnh chính xác, kịp thời các vấn đề quản lý chung, tránh tình trạng văn bản ngành này lại phủ nhận văn bản của ngành kia.
PHÁP LUẬT PHẢI CÓ TÍNH MINH BẠCH
Pháp luật ban hành ra hướng tới đối tượng thực hiện là quảng đại quần chúng nhân dân. Vì vậy, khi ban hành văn bản pháp luật phải chú ý đến đối tượng là người dân để có cách diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu, dễ biết mà thực hiện. Thêm vào đó khi ban hành văn bản phải chú ý đến cách dùng từ, văn phong phổ quát chứ không dùng từ đánh đố người dân hoặc những câu, từ đa nghĩa, tối nghĩa gây hiểu không thống nhất khi thực hiện pháp luật.
Tính minh bạch của pháp luật đòi hỏi Nhà nước phải có những phương thức để pháp luật dễ đến với người dân. Pháp luật phải được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để thuận tiện cho việc tiếp cận thông tin và thực hiện theo pháp luật của người dân.
Bên cạnh đó tính minh bạch còn thể hiện trong quá trình áp dụng các quy phạm pháp luật vào thực tế. Việc tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật cần có sự công khai, minh bạch để vừa có tác dụng răn đe, ngăn ngừa hoặc xử lý thích đáng, vừa giáo dục tính tự giác tuân theo pháp luật của người dân.
PHÁP LUẬT PHẢI ĐẢM BẢO TÍNH CÔNG BẰNG
Bản chất của pháp luật là công cụ đặc biệt của giai cấp thống trị được đặt ra nhằm giữ xã hội ở một trạng thái trật tự, ổn định. Nhà nước Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân nên hệ thống pháp luật được xây dựng trên cơ sở đảm bảo được quyền làm chủ của người dân. Điều này có nghĩa là pháp luật đảm bảo tính công bằng trong ban hành và áp dụng. 
Hiện nay, Việt Nam đã bước chân gia nhập sân chơi quốc tế, sân chơi toàn cầu hóa. Điều này đòi hỏi hệ thống pháp luật phải được hoàn thiện, đầy đủ. Tuy nhiên, thực tế hệ thống pháp luật đã bộc lộ những thiếu sót, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh. Sự thiếu sót này đôi lúc bộc lộ ra là sự thiếu công bằng của pháp luật đối với các chủ thể kinh doanh hay nói cách khác là giữa các thành phần kinh tế khác nhau. Trong tình hình mới cần có sự điều chỉnh phù hợp để đảm bảo tính công bằng của hệ thống pháp luật, qua đó thúc đẩy các mối quan hệ xã hội phát triển. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay cần tập trung vào đẩy mạnh cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo điều kiện phát triển bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh tế.
PHÁP LUẬT PHẢI QUY ĐỊNH CÁC CHẾ TÀI XỬ PHẠT, KHEN THƯỞNG RÕ RÀNG VÀ ĐỦ MẠNH
Chế tài xử phạt là một nội dung quan trọng của pháp luật. Thực tế cho thấy đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện nhiều lần, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật. Thực tế này xuất phát từ chính bên trong của hệ thống pháp luật, do chế tài xử phạt chưa rõ ràng, chưa đủ mạnh để răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là cần ban hành pháp luật với những chế tài xử phạt cụ thể, rõ ràng và nhất là phải đủ mạnh để răn đe. Bên cạnh chế tài xử phạt, cần chú ý đến các quy định khen thưởng. Xử phạt luôn đi kèm với khen thưởng nhưng thực tế hệ thống pháp luật chỉ đang chú trọng một chiều đến vấn đề xử phạt. Do vậy, cần thiết phải ban hành các chế định khen thưởng trong ban hành pháp luật để khuyến khích tinh thần tự giác tuân thủ pháp luật của người dân, có như vậy mới đảm bảo tính trọn vẹn của hệ thống pháp luật.
*
Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với đặc trưng cơ bản là dựa trên một nền tảng pháp luật hoàn chỉnh, đủ khả năng điều chỉnh mọi quan hệ mới nảy sinh. Tuy nhiên, với những nét riêng có của thời kỳ quá độ đan xen giữa cái cũ và cái mới thì hệ thống pháp luật vẫn còn tồn tại nhiều nội dung cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Khởi đầu cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền, Việt Nam chủ yếu khai thác mô hình nhà nước pháp quyền của nhà nước tư sản phương Tây. Tuy nhiên do đặc tính khác biệt về văn hóa truyền thống nên mô hình nhà nước pháp quyền phương Tây khi áp dụng vào Việt Nam chưa có sự phù hợp. 
Xây dựng một đất nước hùng mạnh trước hết phải xây dựng được pháp luật kỷ cương. Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương do đích thân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đứng đầu trong những năm vừa qua đã làm được nhiều việc để đổi mới, xây dựng nền móng vững chắc cho nền tư pháp xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Nhưng từ lý luận đến thực tiễn vẫn còn là một khoảng cách khá xa, để pháp luật, kỷ cương phép nước đi vào cuộc sống cần đến sự giác ngộ, thức tỉnh và hành động của mọi công dân.  

Nguồn Văn nghệ số 41/2015    


Có thể bạn quan tâm