April 27, 2024, 12:47 am

Kiến thức trên trang viết*

Một nhà văn phương Tây đã viết: Sự thật lịch sử chỉ có hai mặt, mặt trái và mặt phải, nhưng mặt thứ ba mới đúng hơn cả. Mặt thứ ba đó là khả năng xử lý thông tin, khả năng sáng tạo của nhà văn.

Cuốn tiểu thuyết Ký tự chìm trên bia đá cổ của nhà văn Tố Hoài vẫn bám vào “chiếc đinh đóng trên tường của lịch sử”, nhưng có nhiều sáng tạo, nên rất hấp dẫn.

Trước hết tác giả có cách bố cục lạ: Như phần lời tựa, “Có một ngôi mộ cổ phía ngoài con đê Hồng Đức thuộc Cẩm Hà trang, trấn Nam Sơn Hạ, sừng sững như một ngọn đồi nhỏ. Nay trang ấy thuộc Hà Quang, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Mỗi lần qua đó ông nội tôi thường chỉ: “Ngôi mộ cụ tổ nhà ta đó”. Chúng tôi nhìn về phía ấy. Ông tôi tiếp từng lời mạch lạc: “Cụ đem quân đi đánh giặc ở sông Hổ Mang huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, bị thương về đến Cẩm Hà trang, được ít ngày thì mất”. Rồi tác giả lớn lên, đi đánh giặc, sau năm 1975 trở về thì ngôi mộ cổ đã bị san phẳng “Nhường chỗ cho rau, lúa mọc lên, con cháu nhao nhác tìm mộ tổ. Sau tầng đất cứng dày, được một tấm bia trong lòng trầm tích mà ký tự nhấn sâu nhạt nhòa thời gian những biến động lịch sử. Ký tự chìm như cuốn gia phả giữ nhiều bí ẩn. Lần theo những ký tự ấy tìm ra điều ngay cả chính sử cũng không ghi những sự thật còn đang ẩn tích trong lòng đất...

Tác giả là con cháu cụ tổ nên đã cố công lần ngược lại lịch sử, qua những gì bia đá cổ đã chép và cuốn tiểu thuyết là kết quả của sự thật mà chính sử không ghi. Quả là một bố cục hay và hứa hẹn nhiều hấp dẫn. Câu chuyện bắt đầu từ buổi triều đình nhà Lê mở cuộc thi võ và anh thuyền chài Mạc Đăng Dung, người mạn Hải Dương thắng chung cuộc. Được vua chọn làm Tiêu Túc vệ, hàng ngày chỉ một nhiệm vụ cầm dù che cho Uy Mục. May mắn đã đưa Mạc Đăng Dung leo lên tước bá, trấn vùng Sơn Nam, rồi Đô chỉ huy sứ Vũ Xuyên hầu. Nhiều nhóm thế lực thời ấy cát cứ, mâu thuẫn, đánh lẫn nhau, giữ “thế trai cò”, ngư ông đắc lợi. Mạc Dăng Dung dùng mẹo quen thuộc: hứa hẹn, chiêu hàng được các đạo tặc Nguyễn Áng, Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính... thành thế lực mạnh, có khả năng tiếm dụng nghi vệ của thiên tử, không coi vua ra gì. Không những tiến con gái nuôi cho vua, để làm gián điệp mà còn tạo chân rết, phong quan tiến chức cho bất cứ ai mang họ Mạc khắp nước muốn làm quan, để làm tai mắt. Nghiễm nhiên thành cha vợ của vua, quyền thần nghiêng ngửa, Mạc Dăng Dung đưa dần phe cánh mình vào triều, loại bỏ người liêm, tạo nên thế lực cực mạnh, lấn át cả vua. Thế cùng, vua Lê Chiêu Tông phải trốn vào Thanh Hóa với tướng bán ly khai Trịnh Tuy. Chỉ chờ thế, Mạc Đăng Dung liền đưa người em Lê Chiêu Tông, mười lăm tuổi lên làm vua là Lê Cung Tông. Sau đó, Mạc Đăng Dung ép Cung Hoàng ký vào tờ chiếu nhường ngôi cho Mạc.

Việc Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, Đại Việt Sử ký toàn thư và sách sử khác dành số trang còn quá ít. Nhà Mạc cai quản, xây dựng chính quyền, phát triển đất nước ra sao, thực còn mù mờ. Bằng “Ký tự chìm”, nhà văn Tố Hoài đã tái hiện lại khá rõ nét và sinh động. Đó là cái mới mà bạn đọc muốn biết trong bối cảnh đất nước hình thành thế chân vạc kiểu tam quốc: Nhà Mạc ở phía Bắc, Lê - Trịnh ở Thanh - Nghệ và nhà Nguyễn ở Thuận Hóa.

Trên những trang truyện ngắn hay tiểu thuyết của Tố Hoài thường thấy cốt truyện xây dựng bao giờ cũng có xung đột. Qua đó bật lên tính cách nhân vật đồng thời hiện ra tầng ngầm của triết lý, cho một vấn đề tư tưởng. Cuốn Ký tự chìm trên bia đá cổ thể hiện rất rõ điều đó. Các tình huống xung đột gay gắt giữa vua Lê và các tướng thuộc quyền, nhất là với Mạc Đăng Dung. Rồi xung đột giữa Trịnh Kiểm với vua Lê; Trịnh Kiểm với Nguyễn Kim, Nguyên Uông, Nguyễn Hoàng… Nổi bật nhân vật Trịnh Kiểm khá rõ nét, đó là gian thần thâm hiểm. Mặc dù Trịnh Kiểm xuất thân chỉ là anh chăn ngựa, được tướng Nguyễn Kim thâu dụng, thấy cưỡi ngựa giỏi như quân “Thát Đát” mà gả con gái Ngọc Bảo. Khi thế lực Nguyễn Kim đang lên, lại chính danh phò Lê, Kiểm chiếm quyền bằng cách âm mưu với tên bội nghĩa hoạn quan Dương Chấp Nhất đầu độc Nguyễn Kim. Tiếp tục, Trịnh Kiểm lại đầu độc Nguyễn Uông, con trai trưởng của ông vì sợ Nguyễn Uông sẽ thừa kế quyền Thái sư của cha. Một kẻ giết cha vợ, giết em vợ để đoạt quyền, gian hùng còn hơn Tào Tháo thời Tam Quốc bên Tàu. Không dừng lại ở đó, để nắm trọn quyền bính, giống như Mạc Đăng Dung, Trịnh Kiểm còn mưu toan giết Nguyễn Hoàng trừ hậu họa. Nhưng Nguyễn Hoàng là người đa mưu túc kế bẩm sinh, nhận ra bản chất Trịnh Kiểm, biết rõ cái chết của cha và anh mình nên phòng vệ từ xa.

Nếu như nhà văn Tố Hoài thành công xây dựng nhân vật phản diện Mạc Đăng Dung, Trịnh Kiểm… thì ở phía chính diện, cũng rất thành công xây dựng nhân vật Nguyễn Hoàng. Sự thật trong chính sử, Nguyễn Hoàng là người đạo đức, một tướng tài giỏi trăm trận trăm thắng, nơi nào chiến trận khó nhất ông đều hiện diện. Ông giỏi cả văn lẫn võ, từng là Đề điệu (Chánh chủ khảo) cuộc thi Đình triều Lê… Nguyễn Hoàng biết, không thể dưới triều Lê mà sống với Trịnh Kiểm đang hành quyền độc đoán, ông phải chọn một mảnh đất riêng. Dưới quyền khoan hòa, thực bụng chiêu hiền đãi sĩ, khắc phục gian khổ, khó khăn, xây nên một vùng đất thái bình. Xã hội công minh. An ninh sáng sủa. Đời sống đủ no. Chợ không hai giá. Nhà không đóng cửa. Không kẻ bê tha... Cách Nguyễn Hoàng ứng xử với vua Lê, chúa Trịnh hàng chục năm trời mà chúa Trịnh không thể đưa quân vào đánh chiếm. Cả cách ông kéo quân ra giúp vua Lê đánh Mạc suốt tám năm trời mà chúa Trịnh, dù thấy rõ sự nguy hiểm nơi ông vẫn không thể giết ông. Ông dặn dò con cháu ở lại làm con tin về cách ứng xử qua mặt nhà Trịnh v.v… để ông an toàn kéo quân về Thuận Hóa; để rồi không thèm nộp thuế cho chúa Trịnh, xây dựng lực lượng, đào đắp dinh lũy, phòng tuyến chống nhau với chúa Trịnh. Khát vọng Nguyễn Hoàng không chỉ là đi lánh nạn giữ thân mà là người đi mở cõi. Giữ vững biên thùy, để rồi bạt Chiêm, bình Miên, mở đất về phương Nam, tiền đề cho con cháu cùng dân đàng trong đi đến tận Cà Mau.

Chúng ta tự hào có các chúa Nguyễn nhìn xa trông rộng, đưa hải đội Hoàng Sa, Trường Sa tuần tra cai quản các đảo xa tít tắp ở biển Đông. Ta tự hào ông cha ta đã để lại dải đất rộng dài, tài nguyên phong phú ngày nay. Đó là tài trí của những người đi trước mà bắt đầu từ Nguyễn Hoàng… Trở lại nhân vật tướng nhà Nguyễn, ông tổ của tác giả làm tiền đề dựng nên cốt truyện Ký tự chìm trên bia đá cổ đó là Thái úy Hào Quận công Nguyễn Phúc Diễn. Ông là con trai thứ tư của Nguyễn Hoàng. Nguyễn đem sáu người con và cháu cùng đoàn quân thủy, bộ ra Bắc phù Lê diệt Mạc. Dưới sự chỉ huy của Thái úy Trung quân Đô đốc Chưởng phủ sự Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng, đạo quân của ông đã chiến thắng oanh liệt, quét sạch quân Mạc khắp vùng đồng bằng sông Hồng, truy kích đến tận Đông Triều. Trận truy quét tàn quân Mạc ở sông Hổ Mang, Hải Dương, Nguyễn Phúc Diễn bị trúng tên độc vào tay. Quân sĩ muốn ông ngơi nghỉ. Ông nói, “nỗi đau này chỉ một mình ta, nhưng nỗi đau chưa biết mặt có đến muôn người…”. Và ông tiếp tục chiến trận. Do vết thương quá nặng đã không qua khỏi, để lại người vợ hiền và con trai nhỏ ở Cẩm Hà trang, phủ Thiên Trường. Mộ ông tại Cẩm Hà được nhân dân coi như mộ chung, cứ đắp ngày một to lên, như ngọn đồi với trầm tích ký tự sử vàng trên bia đá. Những ký tự chìm ấy đã được Tố Hoài khơi nên tiểu thuyết khá hấp dẫn này. Nhà văn đã từng tâm sự, cuốn tiểu thuyết để tưởng nhớ, ghi ơn cụ tổ và những người đã đổ mồ hôi, xương máu bảo vệ, mở mang bờ cõi nước Việt trường tồn cho con cháu có một nước Việt Nam rộng dài, giàu có hôm nay.

Trong tiểu thuyết Ký tự chìm trên bia đá cổ, tác giả luôn bám sát chính sử, nhưng vẫn luôn có những sáng tạo. Viết về tâm lý của công nương Ngọc Bảo, mười ba tuổi, con Nguyễn Kim. Khi theo Trịnh Kiểm để lên rừng với cha đang đóng quân bên đất Lào, cô rất trọng lễ giáo “Nam nữ thụ thụ bất thân”. Lúc qua suối chảy xiết, thế cùng, công nương buộc lòng phải để Trịnh Kiểm cõng. Cô nghe cái mùi mồ hôi chua chua của đàn ông xa lạ, nên cố nhoài người khỏi lưng Trịnh Kiểm. Vì sợ cô té, Kiểm càng ôm chặt, ghì chân… Phút giây định mệnh ấy báo hiệu mối nhân duyên mà sau này Ngọc Bảo phải chấp nhận thành vợ thành chồng. Chương nói về mối tình của tướng quân Nguyễn Phúc Diễn ở Cẩm Hà trang, cũng rất đẹp. Một mối tình sáng ngời tình nghĩa quân dân, lấp lánh thủy chung và tấm lòng yêu nước.

Tố Hoài không dựng cuốn tiểu thuyết theo mô-typ không gian hồi tưởng hay quá khứ đồng hiện… vì sự phức tạp của một bối cảnh lịch sử, cần cho người đọc dễ hiểu hơn về một giai đoạn đất nước nên chọn bố cục theo thời gian tuyến tính. Ông vẫn quan niệm có loại văn chương bác học và văn chương bình dân. Tính hàn lâm do người có nhiều kiến thức và vốn sống viết nên, bởi vậy đọc họ thấy tầng tầng ý nghĩa, được gọi hàm ngôn; người càng có tri thức càng hiểu về chiều sâu tư tưởng, triết lý của tác phẩm. Vì thế tác giả cố tránh sa đà mô tả yêu đương, tình cảm… khỏa lấp những hời hợt của mình.

Trong Ký tự chìm trên bia đá cổ, không gian của các nhân vật được trân trọng từ cách cảm, kiểu đối thoại, đến hành ngôn… của người đương thời. Các sự kiện xảy ra trong tiểu thuyết, cùng các văn tự, chiếu chỉ, công thư… đều xử lý chính xác. Khi người ta đầu tư cả đời vào học tập, nghiên cứu, tích lũy kiến thức… lúc đầy thì ắt tràn ra trang viết, đó là kết quả biện chứng của dòng văn chương hàn lâm mà Ký tự chìm trên bia đá cổ đã hiển hiện.

_______

* Về tác phẩm Ký tự chìm trên bia đá cổ, Tiểu thuyết của Tố Hoài, Nxb Thanh Niên, 2020

Nguồn Văn nghệ số 52/2020


Có thể bạn quan tâm