April 27, 2024, 4:20 am

Kịch bản sân khấu vượt… cũ

Nói đến kịch bản sân khấu, hay kịch bản điện ảnh, truyền hình, bấy lâu người ta vẫn cứ chỉ một điệp khúc “yếu, kém, thiếu tính thuyết phục, thiếu đi hơi thở của đời sống đương đại”. Hay như lời của nhà phê bình sân khấu uy tín lâu nay, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: “Sự thiếu vắng kịch bản hay là vấn nạn từ thế kỷ XX kéo dài đến tận hai thập niên của thế kỷ XXI rồi”.

Các nhà báo, các nhà phê bình và thậm chí là những nhà biên kịch, đạo diễn đã nói quá nhiều, quá nhàm (dù sao họ cũng chẳng thể nói khác được), còn người nghe đã quá rát tai. Tuy nhiên, khác biệt rất lớn mà chúng ta cần nhìn nhận: “Thiếu kịch bản”, và “Thiếu kịch bản hay” là hai chuyện khác nhau. Nếu là thiếu kịch bản hay, thì thời nào mà chả thiếu, đâu cứ thời nay. Và vấn đề kịch bản hay, thiết nghĩ thực chất quan trọng phải là kịch bản hút được công chúng vào rạp hát.

Sử dụng kịch bản cũ từng rất ăn khách, hay mua kịch bản nước ngoài về Việt hóa, là cách mà bấy lâu ngành sân khấu và điện ảnh vẫn và có lẽ sẽ vẫn làm. Bởi vì sao? Có phải là do trong nước thiếu các biên kịch có tầm, hay thực chất chúng ta luôn thiếu công chúng mộ điệu nghệ thuật, và yêu mến nền sân khấu điện ảnh nước nhà đích thực, mà chỉ là số đông luôn chạy theo các trào lưu, hướng ngoại? Hãy nghe tên các ca sĩ trẻ, tại sao cứ phải đệm tiếng Tây vào tên? Nghệ danh thuần Việt không đủ ấn tượng để lôi kéo fan, không đủ khả năng làm nóng các sân khấu? Nghệ sĩ, suy cho cùng là rất ít người có bản lĩnh phục vụ nghệ thuật đích thực, trừ khi họ sinh ra đã ở vạch đích, và chẳng cần phải có ai hiểu hay hâm mộ trả tiền, chỉ cần phục vụ mục tiêu tối thượng là nghệ thuật mà thôi.

Chả thế, ta luôn thấy những thứ Á nghệ thuật thì sống tốt, sống khỏe, lan tỏa dữ dội, còn nghệ thuật chân chính, vị nghệ thuật, vị nhân sinh thì hẩm hiu sau cánh gà sân khấu. Nặng thì nổi, nhẹ thì chìm, có lẽ đúng nhất với thị trường nghệ thuật hiện tại, và có thể vẫn còn dài phía tương lai.

Mấy chục năm nay, nhắc đến tác giả kịch bản sân khấu Việt Nam, hầu hết khán giả chỉ nhớ đến Lưu Quang Vũ, Xuân Trình ở sân khấu Kịch Nói, Trần Đình Ngôn (người viết Chèo nhiều nhất Việt Nam), Trần Hữu Trang (Cải lương) hay Đào Tấn, soạn giả sân khấu Tuồng nổi tiếng nhất. Thực tế, chúng ta có thiếu nhân lực biên kịch hay không?

Không. Chúng ta không thiếu các nhà biên kịch ở các thể loại nghệ thuật sân khấu truyền thống. Hằng năm vẫn có nhiều soạn giả giành những giải thưởng lớn tại các kỳ liên hoan sân khấu toàn quốc. Vẫn nhiều ngành nghệ thuật khoe những thành tựu đào tạo mới, dẫu vẫn có nơi kêu thiếu thế hệ kế cận. Nhưng sân khấu vẫn thoái trào, dù đâu đó người ta tỏ vẻ lạc quan trước một vầng sáng vừa lóe lên: “Sân khấu kịch truyền hình khởi sắc”.

Đương nhiên, sân khấu thoái trào đâu phải do mỗi ông, bà biên kịch. Nhưng người ta đổ lỗi cho biên kịch trước tiên, bởi biên kịch là người đầu tiên lo công ăn việc làm cho hàng trăm người khác, từ đạo diễn, diễn viên đến...bác bảo vệ, anh trông xe trong nhà hát. “Muốn đổi mới, muốn xây dựng hình tượng giời đất gì thì cũng phải bắt đầu từ khâu kịch bản nhưng kịch bản lại là khâu đang bị căn bệnh trầm kha nặng nề, ngày càng khủng khiếp” - PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái (Đại Đoàn Kết online).

Gần hai mươi năm trước, báo Văn nghệ đã đăng bài viết: “Tác giả sân khấu, anh ở đâu”? Đến nay, tiếc thay người ta vẫn câu hỏi đó khi nhắc đến đội ngũ tác giả viết kịch bản sân khấu. Như đã nói, chúng ta không thiếu người viết, mà chỉ là họ đang viết gì.

 “Tôi có cảm giác lực lượng tác giả sân khấu hôm nay viết kịch bản vì nhu cầu cá nhân của họ chứ không phải để phục vụ công chúng. Đó là lý do mà nhiều nhà hát đã phải dựng lại những kịch bản cũ. Chúng ta đang thiếu một thế hệ tác giả kế cận có thể viết được những kịch bản mang tính thời đại và có giá trị lâu dài như các tác giả trước đây. (Chia sẻ của NSƯT Bùi Như Lai nhân sự kiện 100 năm sân khấu Kịch Nói 2021).

Đạo diễn, NSƯT Trần Lực: “Tôi cho rằng sân khấu kịch trở nên lạc hậu, tụt dốc chính là do nhận thức về sáng tạo của người nghệ sĩ. Với nghệ thuật thì dấu ấn sáng tạo cá nhân là vô cùng quan trọng, thì đây chính là cái mà chúng ta đang thiếu. Chưa kể rằng, từ tác giả cho tới người quản lý các đơn vị nghệ thuật cũng đang tự tạo ra ranh giới và tự kiểm duyệt cho mình bằng cách né tránh những đề tài thời sự được cho là “nhạy cảm”. Hãy làm nghệ thuật với cái tâm sáng và đừng tự bào mòn đi cái tôi của chính mình…”

“Sân khấu hay vì là đối thoại trực tiếp của tác giả, với khán giả về những vấn đề xã hội, vấn đề con người một cách mạnh mẽ. Hiện nay những vở kịch về đương đại còn chưa nhiều, các tác giả vẫn còn mải mê với việc miêu tả lịch sử, hoặc chạy theo những mô típ dã sử mà còn chưa chú trọng tới những tác phẩm về thế hệ đồng hành của chính mình” – chia sẻ của nhà biên kịch Hà Đình Cẩn.

Gần đây, nhà biên kịch Lê Thế Song trở thành một “hiện tượng đặc biệt” của làng sân khấu, khi chỉ trong hai năm anh đã trình làng 16 vở diễn, ở các thể loại: Chèo, Tuồng. Anh từng bày tỏ: “Không lo thiếu chất liệu cho kịch bản sân khấu.” Tuy nhiên, hầu hết các kịch bản của anh đều lấy cảm hứng từ lịch sử, câu chuyện dân gian. Mặc dù tiêu chí là “Lấy chuyện xưa để nói chuyện nay, luôn mang hơi thở cuộc sống, được khán giả đón nhận bởi vẫn giữ được giá trị thẩm mỹ, cũng như tư tưởng thời đại”, nhưng vẫn là những chủ đề...cũ, khó hấp dẫn lớp khán giả trẻ hiện nay, thậm chí là lớp khán giả trung niên, một thế hệ sinh ra với một đời sống văn hóa, vật chất khác biệt.

Bởi vì, theo NSND Lê Huy Quang: Trong xã hội hiện nay, không có những vấn đề, những thời điểm bứt phá như khi mới đổi mới để mà cả xã hội đón nhận như thời của Lưu Quang Vũ nữa. Bởi khi đó, những vở kịch được công diễn của Lưu Quang Vũ được khán giả nghe như nuốt từng lời thoại. Không phải là nó quá hay, mà vì nó đáp ứng được, nói được tiếng lòng của khán giả lúc đó. Bây giờ thì nó đang chững lại cả. Để bứt phá, phản ánh những vấn đề nóng của xã hội hiện nay rất khó.

Khó, vì dù rất nóng, nhưng lại rất… cũ. Những căn bệnh xã hội trầm kha, những mâu thuẫn đời sống dữ dội, thì nó vẫn là những câu chuyện đã xảy ra hàng chục năm trước. Đó là lý do vì sao kịch Lưu Quang Vũ vẫn rất thời sự. Thế nên, nếu mấy chục năm trước đã có những vở kịch mà mấy chục năm sau vẫn “nóng”, thì đội ngũ tác giả đương đại làm sao để lớp khán giả đã quá… quen với những điều trông thấy, đang diễn ra kia tìm được tiếng nói của họ trong đó, khi mà họ đã được nói hộ lòng từ vài thập kỉ rồi?

Trở lại với vấn đề có phải chúng ta đang thiếu đội ngũ tác giả kịch bản sân khấu có tầm, hay thiếu công chúng mộ điệu đích thực, trong bối cảnh không chỉ sân khấu truyền thống, mà hầu hết các ngành nghệ thuật, không loại trừ cả văn học đang bị người đương thời “quay lưng”. Vấn đề vẫn chỉ là không quan trọng cũ hay mới, mà là “hay” và … “mới”. Có hay mới hút được công chúng, những người khát khao những cái hay, và cái mới. Nhưng làm sao để hay và mới, lại là câu chuyện của…người hâm mộ. Nếu là những người hâm mộ được đào tạo bài bản để biết cách lựa chọn thưởng thức nghệ thuật, có lẽ chúng ta phải chờ… vài chục năm sau, nếu có một chiến lược giáo dục bài bản.

Có ai đợi được đến khi đó không? Khi chưa đợi được, hoặc không biết người ta đợi có đến không, thì có lẽ nghề biên kịch sân khấu chỉ có một việc để làm thôi: Vượt qua cái cũ.

Nguồn Văn nghệ số 50/2021


Có thể bạn quan tâm