March 19, 2024, 10:45 am

Không thể thiếu một tinh thần dấn thân quyết liệt

 

Theo thống kê kê của Bộ Công an, trong năm 2018 toàn quốc có 8.248 người chết vì tai nạn giao thông, bị thương 14.802 người. Song, theo các chuyên gia, con số này chưa phản ánh đúng những thiệt hại do vấn nạn này gây ra. Đỉnh điểm vào những tháng đầu năm 2019, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng hơn cả về mức độ cũng như số người tử vong, mà nguyên nhân được xác định là từ rượu bia và các chất kích thích, đã tạo nên làn sóng phản ứng mạnh mẽ trong nhân dân. Phong trào “đã uống rượi bia không lái xe” do cộng đồng mạng xã hội phát động một cách tự phát sau một vụ tai nạn thương tâm ở Hà Nội đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân và nhiều tổ chức xã hội nhiệt tình hưởng ứng, trở thành một hoạt động rộng khắp… Sức nóng của phong trào đầy tinh thần trách nhiệm này lập tức được chuyển tải đến nghị trường. Vậy là ngay tại kỳ họp Quốc hội lần này, bên cạnh những nội dung quan trọng mang tầm vĩ mô, như phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, hoàn chỉnh công tác lập pháp… Quốc hội một lần nữa thể hiện mối quan tâm đặc biệt đến các vấn đề cụ thể của đời sống dân sinh, mà vấn đề về sử dụng rượu bia trong tham gia giao thông được đưa vào chương trình nghị sự trong kỳ họp lần này có thể xem là một trong những động thái tích cực

Lâu nay, trong đời sống xã hội, nhiều vấn đề liên quan đến đạo đức, đến văn hóa ứng xử cũng như thuần phong mỹ tục của dân tộc… đang có những biểu hiện đáng báo động. Đó là tình trạng bạo lực gia tăng, cả trong đời sống cũng như học đường; là tình trạng buôn bán và sử dụng chất ma túy, cùng những hệ lụy của nó ngày càng nghiêm trọng và phức tạp cả về phạm vi cũng như mức độ; là những tiêu cực tày đình gây bức xúc ngay tại những môi trường xưa nay vẫn được xem là trong sạch, lành mạnh nhất, như Y tế, Giáo dục… Đặc biệt tình trạng tai nạn giao thông ngày càng trở nên mất kiểm soát mà thông tin từng ngày từng giờ tràn ngập trên khắp các diễn đàn xã hội… Có thể nói chưa bao giờ biểu hiện về sự xuống cấp về đạo đức của con người, thể hiện ngay trong những hành vi ứng xử hàng ngày, lại được theo dõi, phản ánh và bị lên án mạnh mẽ đến thế… Câu hỏi đặt ra ở đây là: Lý do gì đã dẫn đến những vấn nạn đang âm thầm xói mòn những giá trị mang tính nền tảng của xã hội, là văn hóa, đạo đức, và nhân cách của con người đến vậy? và điều này có liên quan gì đến những thành tựu trong sự phát triển của kinh tế hay không?...

Từ nhiều năm nay, trong hoạt động giám sát của mình, Quốc hội vẫn luôn có những chương trình giám sát chuyên đề về chiến lược con người, trong đó tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội và đạo đức gia đình đã từng được đánh giá là một vấn đề có diễn biến phức tạp và đang ở mức nghiêm trọng trong giai đoạn hiện nay…

Trách nhiệm đối với tình trạng văn hóa xuống cấp hiện nay không phải của riêng một người, một ngành. Cả xã hội phải vào cuộc, bởi chính nguyên nhân sâu xa của vấn đề có xuất phát từ nhiều lĩnh vực khác, trong đó có kinh tế. Nói “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội”. Quan điểm đó ai ai cũng thấm nhuần. Nhưng từ nhận thức đến hành vi, và cao hơn nữa là thái độ hành xử, luôn có một khoảng cách không dễ nhận ra, lại càng không dễ vượt qua nếu thiếu một tinh thần dấn thân quyết liệt

Văn nghệ

. 

 

 

 

Toàn cảnh khai mạc kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khoá XIV


Có thể bạn quan tâm